Hệ thống pháp luật
Loading content, please wait a moment ...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02/2023/TT-TANDTC

Hà Nội, ngày 24 tháng 8 năm 2023

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THI HÀNH ĐIỀU 55 CỦA LUẬT TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG CỦA NHÀ NƯỚC VỀ GIẢI QUYẾT YÊU CẦU BỒI THƯỜNG TRONG QUÁ TRÌNH TỐ TỤNG HÌNH SỰ, TỐ TỤNG HÀNH CHÍNH TẠI TÒA ÁN

Căn cứ Luật Tổ chức Tòa án nhân dân ngày 24 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước ngày 20 tháng 6 năm 2017;

Căn cứ Bộ luật Tố tụng hình sự ngày 27 tháng 11 năm 2015, được sửa đổi, bổ sung ngày 12 tháng 11 năm 2021;

Căn cứ Luật Tố tụng hành chính ngày 25 tháng 11 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước ngày 26 tháng 11 năm 2019;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học Tòa án nhân dân tối cao;

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành Thông tư hướng dẫn thi hành Điều 55 của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn thi hành Điều 55 của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước về giải quyết yêu cầu bồi thường trong quá trình tố tụng hình sự, tố tụng hành chính tại Tòa án.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trong vụ án hình sự, vụ án hành chính giải quyết yêu cầu bồi thường thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

2. Người bị thiệt hại; người thừa kế của người bị thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại chết; tổ chức kế thừa quyền, nghĩa vụ của tổ chức bị thiệt hại đã chấm dứt tồn tại; người đại diện theo pháp luật của người bị thiệt hại thuộc trường hợp phải có người đại diện theo pháp luật theo quy định của Bộ luật Dân sự.

3. Cá nhân, pháp nhân được người quy định tại khoản 2 Điều này ủy quyền thực hiện quyền yêu cầu bồi thường.

4. Người thi hành công vụ, cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại.

5. Cá nhân, cơ quan, tổ chức khác có liên quan.

Điều 3. Xác định Tòa án có thẩm quyền giải quyết yêu cầu bồi thường thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong quá trình tố tụng hình sự, tố tụng hành chính

1. Tòa án đang giải quyết theo thủ tục sơ thẩm vụ án hình sự có thẩm quyền giải quyết yêu cầu bồi thường thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước khi vụ án có đủ các điều kiện sau đây:

a) Bị can, bị cáo là người thi hành công vụ trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án hình sự, thi hành án dân sự có hành vi quy định tại Điều 17, Điều 19, Điều 20 và Điều 21 của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước;

b) Hành vi của bị can, bị cáo bị truy tố gây ra thiệt hại và yêu cầu bồi thường thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước có liên quan với nhau;

c) Có yêu cầu bồi thường của người có quyền yêu cầu bồi thường quy định tại Điều 5 của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

2. Tòa án đang giải quyết theo thủ tục sơ thẩm vụ án hành chính có thẩm quyền giải quyết yêu cầu bồi thường thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước khi vụ án có đủ các điều kiện sau đây:

a) Người bị kiện có quyết định hành chính, hành vi hành chính quy định tại Điều 7 của Luật Tố tụng hành chínhĐiều 17 của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước;

b) Quyết định hành chính, hành vi hành chính bị kiện gây ra thiệt hại và yêu cầu bồi thường thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước có liên quan với nhau;

c) Có yêu cầu bồi thường của người có quyền yêu cầu bồi thường quy định tại Điều 5 của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

3. Trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, Tòa án không giải quyết yêu cầu bồi thường thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự khi bị can, bị cáo là người thi hành công vụ có hành vi gây thiệt hại quy định tại Điều 18 của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Việc giải quyết yêu cầu bồi thường trong trường hợp này được thực hiện tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại theo quy định tại Mục 1 Chương V của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Điều 4. Yêu cầu Tòa án giải quyết bồi thường thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong quá trình tố tụng hình sự, tố tụng hành chính

1. Người quy định tại Điều 5 của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án hình sự hướng dẫn tại khoản 1 Điều 3 Thông tư này giải quyết yêu cầu bồi thường thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Yêu cầu bồi thường phải được đưa ra trước khi Hội đồng xét xử vào phòng nghị án.

2. Người quy định tại Điều 5 của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án hành chính hướng dẫn tại khoản 2 Điều 3 Thông tư này giải quyết yêu cầu bồi thường thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Yêu cầu bồi thường phải được đưa ra trước hoặc tại phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại.

3. Yêu cầu bồi thường quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này phải được thể hiện bằng văn bản hoặc lời khai, trình bày và được ghi vào biên bản phiên tòa, phiên họp, biên bản làm việc khác.

4. Vụ án hình sự, vụ án hành chính có yêu cầu bồi thường thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước hướng dẫn tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì được xem xét, giải quyết trong cùng vụ án, trừ trường hợp quy định tại Điều 30 của Bộ luật Tố tụng hình sự, khoản 2 Điều 7 của Luật Tố tụng hành chính và hướng dẫn tại Điều 7 của Thông tư này.

Trường hợp người yêu cầu bồi thường đưa ra yêu cầu bồi thường thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước sau thời điểm hướng dẫn tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì Tòa án không giải quyết mà giải thích, hướng dẫn cho họ về quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết bồi thường theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước sau khi họ nhận được bản án, quyết định của Tòa án.

Điều 5. Xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước

1. Tòa án được hướng dẫn tại Điều 3 Thông tư này có thẩm quyền xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

2. Khi tiến hành nghị án, Hội đồng xét xử phải thảo luận, xác định hành vi của người thi hành công vụ có trái pháp luật, có gây thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước hay không. Nội dung này phải được ghi vào biên bản nghị án.

3. Trường hợp xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật và gây thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Hội đồng xét xử xác định thiệt hại được bồi thường; xem xét, quyết định các vấn đề về bồi thường thiệt hại trong bản án, quyết định.

4. Trường hợp xác định hành vi của người thi hành công vụ không trái pháp luật hoặc không thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Hội đồng xét xử quyết định không chấp nhận yêu cầu bồi thường trong bản án, quyết định.

Điều 6. Xác định thiệt hại được bồi thường

1. Ngay sau khi nhận được yêu cầu bồi thường, Thẩm phán, Hội đồng xét xử phải thu thập tài liệu, chứng cứ có liên quan, xem xét, đánh giá khách quan, toàn diện, đầy đủ, chính xác tài liệu, chứng cứ đã thu thập để xác định thiệt hại nhanh chóng, theo đúng quy định của pháp luật.

2. Việc xác định thiệt hại được bồi thường thực hiện theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Điều 7. Tách yêu cầu bồi thường để giải quyết bằng vụ án khác theo thủ tục tố tụng dân sự

1. Trường hợp xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật và thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước nhưng chưa có đầy đủ tài liệu, chứng cứ để giải quyết yêu cầu bồi thường thì Hội đồng xét xử tách yêu cầu bồi thường để giải quyết bằng vụ án khác. Người yêu cầu bồi thường có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết yêu cầu bồi thường theo thủ tục tố tụng dân sự sau khi bản án, quyết định giải quyết vụ án hình sự, hành chính có hiệu lực pháp luật. Việc tách yêu cầu bồi thường phải bảo đảm không làm ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hình sự, vụ án hành chính.

2. Khi giải quyết vụ án dân sự theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều này mà bản án, quyết định hình sự; bản án, quyết định hành chính bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm thì Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự để chờ kết quả xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm vụ án hình sự, vụ án hành chính.

Điều 8. Nội dung của bản án có giải quyết yêu cầu bồi thường

Bản án hình sự, bản án hành chính giải quyết yêu cầu bồi thường thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước phải có các nội dung sau đây:

1. Tại phần thông tin về người tham gia tố tụng, ghi tư cách tham gia tố tụng của người có yêu cầu bồi thường thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tố tụng hành chính.

2. Tại phần “NỘI DUNG VỤ ÁN”, trình bày thành đoạn riêng thể hiện đầy đủ nội dung yêu cầu của người có yêu cầu bồi thường.

3. Tại phần “NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN”, trình bày thành đoạn riêng về các vấn đề sau đây:

a) Trường hợp chấp nhận yêu cầu bồi thường thì phải phân tích, nhận định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật, gây thiệt hại cho người yêu cầu và thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; nội dung yêu cầu của người yêu cầu bồi thường; xác định nhũng thiệt hại đối với người yêu cầu bồi thường do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra; tài liệu, chứng cứ đã đủ giải quyết yêu cầu bồi thường;

b) Trường hợp không chấp nhận yêu cầu bồi thường thì phải phân tích, nhận định hành vi của người thi hành công vụ là không trái pháp luật, không thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước;

c) Trường hợp tách yêu cầu bồi thường để giải quyết bằng vụ án khác thì phải phân tích, nhận định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật và thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước nhưng tài liệu, chứng cứ chưa đầy đủ để giải quyết yêu cầu bồi thường.

4. Tại phần “QUYẾT ĐỊNH”, trình bày thành đoạn riêng về các vấn đề sau đây:

a) Trường hợp chấp nhận yêu cầu bồi thường thì ghi rõ chấp nhận yêu cầu bồi thường của người yêu cầu; xác định các loại thiệt hại được bồi thường, mức bồi thường, phục hồi danh dự (nếu có); việc khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp khác (nếu có); xác định cơ quan có trách nhiệm chi trả tiền bồi thường, thực hiện phục hồi danh dự (nếu có), khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp khác (nếu có); yêu cầu cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại xác định trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ gây thiệt hại và thu tiền hoàn trả; người yêu cầu bồi thường không phải nộp án phí, lệ phí và các loại phí khác đối với yêu cầu bồi thường;

b) Trường hợp không chấp nhận yêu cầu bồi thường thì ghi rõ không chấp nhận yêu cầu bồi thường của người yêu cầu; người yêu cầu bồi thường không phải nộp án phí, lệ phí và các loại phí khác đối với yêu cầu bồi thường;

c) Trường hợp tách yêu cầu bồi thường thì ghi rõ hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật và thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; tách yêu cầu bồi thường để giải quyết bằng vụ án khác theo thủ tục tố tụng dân sự; người yêu cầu bồi thường có quyền khởi kiện vụ án dân sự yêu cầu Tòa án giải quyết bồi thường theo thủ tục tố tụng dân sự.

Điều 9. Hiệu lực thi hành, tổ chức thực hiện

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 10 năm 2023.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc hoặc đề xuất, kiến nghị thì phản ánh về Tòa án nhân dân tối cao (qua Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học) để có hướng dẫn, xử lý kịp thời. Việc sửa đổi, bổ sung Thông tư này do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định./.

 


Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Ủy ban Pháp luật của Quốc hội;
- Ủy ban Tư pháp của Quốc hội;
- Ban Chỉ đạo CCTPTW;
- Ban Nội chính Trung ương;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ (02 bản);
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Bộ Tư pháp;
- Các TAND và TAQS;
- Thành viên HĐTP TANDTC;
- Các đơn vị thuộc TANDTC;
- Cổng TTĐT TANDTC (để đăng tải);
- Lưu: VT, Vụ PC&QLKH, P2.

CHÁNH ÁN




Nguyễn Hòa Bình