Hệ thống pháp luật
Loading content, please wait a moment ...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 04/2024/TT-BNNPTNT

Hà Nội, ngày 01 tháng 4 năm 2024

THÔNG TƯ

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA CÁC THÔNG TƯ QUY ĐỊNH VỀ KIỂM DỊCH ĐỘNG VẬT, SẢN PHẨM ĐỘNG VẬT TRÊN CẠN

Căn cứ Nghị định số 105/2022/NĐ-CP ngày 22/12/2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Luật Thú y ngày 19/6/2015;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Thú y;

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 25/2016/TT-BNNPTNT ngày 30/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn (được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 35/2018/TT-BNNPTNT ngày 25/12/2018, Thông tư số 09/2022/TT-BNNPTNT ngày 19/8/2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

1. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 9 như sau:

“1. Trước khi nhập khẩu sản phẩm động vật, chủ hàng gửi 01 bộ hồ sơ đăng ký kiểm dịch theo quy định tại khoản 1 Điều 8 của Thông tư này tới Cục Thú y (đối với hồ sơ đăng ký kiểm dịch nhập khẩu bột thịt xương, văn bản đề nghị theo Mẫu 20 Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này).”.

2. Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 5 Điều 19 như sau:

“b) Thời hạn giá trị sử dụng của Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật nhập khẩu là 60 ngày; thời hạn giá trị sử dụng của Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật xuất khẩu là 180 ngày;”.

3. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 20 như sau:

“1. Các loại động vật phải được đánh dấu, cấp mã số:

a) Động vật giống (Trâu, bò, dê, cừu, hươu, nai, ngựa, lừa, la và lợn) khi vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh;

b) Động vật (Trâu, bò, dê, cừu, hươu, nai, ngựa, lừa, la và lợn) khi xuất khẩu, nhập khẩu.”.

4. Bổ sung khoản 7 vào sau khoản 6 Điều 22 như sau:

“7. Trường hợp gia súc nhập khẩu đã được đánh dấu hoặc đã có thẻ tai thì không phải thực hiện theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và khoản 5 Điều này. Cơ quan kiểm dịch động vật cửa khẩu lập bảng kê mã số, số hiệu của gia súc nhập khẩu theo quy định tại khoản 6 Điều này (trừ trường hợp đã có bảng kê mã số, số hiệu của gia súc kèm theo giấy chứng nhận kiểm dịch của nước xuất khẩu).”.

5. Bổ sung điểm c và điểm d vào sau điểm b khoản 4 Điều 23 như sau:

“c) Đối với trường hợp gửi hồ sơ giấy, thành phần hồ sơ có yêu cầu bản sao, thì bản sao chỉ cần có ký, đóng dấu xác nhận của chủ hàng;

d) Hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, chính xác của hồ sơ đăng ký, khai báo kiểm dịch.”.

Điều 2. Sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số cụm từ, phụ lục, biểu mẫu của Thông tư số 25/2016/TT-BNNPTNT ngày 30/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn (được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 35/2018/TT-BNNPTNT ngày 25/12/2018, Thông tư số 09/2022/TT-BNNPTNT ngày 19/8/2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

1. Bãi bỏ khoản 1a Điều 1, khoản 2a Điều 1, Điều 9a.

2. Thay thế cụm từ “Trâu, bò, dê, cừu, hươu, nai, ngựa, lừa, la khi vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh phải được đánh dấu bằng cách bấm thẻ tai bằng nhựa cao su, thẻ tai được bấm ở mặt trong tai bên phải của gia súc. Thẻ tai được quy định như sau:” bằng cụm từ “Động vật giống (Trâu, bò, dê, cừu, hươu, nai, ngựa, lừa, la) khi vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh phải được đánh dấu bằng cách bấm thẻ tai. Thẻ tai được quy định như sau:” tại khoản 1 Điều 21.

3. Thay thế cụm từ “Lợn vận chuyển với mục đích để nuôi làm giống, nuôi thương phẩm thực hiện theo một trong các biện pháp sau:” bằng cụm từ “Lợn giống khi vận chuyển được thực hiện theo một trong các biện pháp sau:” tại khoản 2 Điều 21.

4. Thay cụm từ “Số chứng minh nhân dân/Số Hộ chiếu/Số định danh cá nhân” bằng cụm từ “Số Hộ chiếu/Số định danh cá nhân” tại Mẫu 1, Mẫu 2, Mẫu 3, Mẫu 8, Mẫu 9, Mẫu 14a, Mẫu 14b, Mẫu 15a của Phụ lục V.

5. Sửa đổi, bổ sung Mẫu 2 Phụ lục V như sau:

a) Bổ sung cột “Mã số HS (mã HS theo quy định hiện hành là mã HS 8 số)” vào giữa cột “Loại động vật” và cột “Giống” tại mục I;

b) Bổ sung cột “Mã số HS (mã HS theo quy định hiện hành là mã HS 8 số)” vào giữa cột “Tên hàng” và cột “Quy cách đóng gói” tại mục II;

c) Bãi bỏ cụm từ “Đơn đăng ký được làm 02 bản: 01 bản do cơ quan kiểm dịch động vật giữ, 01 bản do chủ hàng hoặc người đại diện giữ” tại Mẫu 2 Phụ lục V.

6. Sửa đổi, bổ sung Mẫu 3 Phụ lục V như sau:

a) Bổ sung khoản “1a. Mã số HS (mã HS theo quy định hiện hành là mã HS 8 số)” vào sau khoản 1 Mẫu 3 Phụ lục V;

b) Bổ sung khoản 22 vào sau khoản 21 của Mẫu 3 như sau:

“22. Số, ngày vận đơn/hợp đồng vận chuyển (nếu có):”.

7. Bãi bỏ cụm từ sau đây tại Mẫu 3 Phụ lục V:

“XÁC NHẬN CỦA CƠ QUAN HẢI QUAN:

(Trong trường hợp lô hàng không được nhập khẩu)

Lô hàng không được nhập khẩu vào Việt Nam vì lý do

….., ngày… tháng…năm….
CHI CỤC HẢI QUAN CỬA KHẨU
………………………
(Ký, đóng dấu, ghi rõ họ tên)

Đơn khai báo được làm thành 03 bản;”.

8. Thay thế cụm từ “CỤC THÚ Y DEPARTMENT OF ANIMAL HEALTH TÊN CƠ QUAN KIỂM DỊCH ĐỘNG VẬT NAME OF ANIMAL HEALTH ORGANIZATION” bằng cụm từ “TÊN CƠ QUAN KIỂM DỊCH ĐỘNG VẬT NAME OF ANIMAL HEALTH ORGANIZATION” tại Mẫu 13a, Mẫu 13b, 16a, 16b Phụ lục V, Mẫu 13a Phụ lục VI.

9. Bãi bỏ cụm từ “CỤC THÚ Y” tại Mẫu 14a, Mẫu 14b, Mẫu 15a Phụ lục V.

10. Sửa đổi, bổ sung Mẫu 15a, Mẫu 15b Phụ lục V như sau:

a) Bổ sung khoản 5 vào sau khoản 4 của Mẫu 15a như sau:

“5. Động vật đã được xét nghiệm và cho kết quả âm tính với các bệnh ……….. tại .............. kết quả xét nghiệm số ………./……… ngày…………….. /…………….. /………… của…………….. (nếu có)”.

b) Bổ sung khoản 6 vào sau khoản 5 của Mẫu 15b như sau:

“6. Sản phẩm động vật đã được xét nghiệm và cho kết quả âm tính với các bệnh…………….. tại kết quả xét nghiệm số ………../……. ngày………/……..…/ ………….. của…………………. (nếu có)”.

c) Bổ sung cụm từ “Số, ngày vận đơn/hợp đồng vận chuyển (nếu có):” vào giữa cụm từ “Hồ sơ giấy tờ có liên quan:” và cụm từ “Phương tiện vận chuyển:” của Mẫu 15a và của Mẫu 15b Phụ lục V.

11. Bổ sung cột “Mã số HS (mã HS theo quy định hiện hành là mã HS 8 số)” vào giữa cột “Tên hàng” và cột “Số lượng” tại Mẫu 17, Mẫu 18 Phụ lục V.

12. Sửa đổi, bổ sung Mẫu 19 Phụ lục V như sau:

a) Bổ sung cột “Mã số HS (mã HS theo quy định hiện hành là mã HS 8 số)” vào giữa cột “Loại động vật” và cột “Số lượng” tại mục I;

b) Bổ sung cột “Mã số HS (mã HS theo quy định hiện hành là mã HS 8 số)” vào giữa cột “Tên hàng” và cột “Số lượng” tại mục II;

c) Bổ sung cụm từ “Tên trang trại…. Địa chỉ....” sau cụm từ “Từ Công ty….địa chỉ...” tại mục I;

d) Thay thế cụm từ “Từ Nhà máy sản xuất, chế biến (đối với sản phẩm động vật làm thực phẩm)” bằng cụm từ “Từ Nhà máy sản xuất, chế biến” tại mục II.

13. Sửa đổi, bổ sung Mẫu 20 Phụ lục V như sau:

a) Bổ sung cột “Mã số HS (mã HS theo quy định hiện hành là mã HS 8 số)” vào giữa cột “Tên hàng” và cột “Số lượng” tại Mẫu 20 Phụ lục V;

b) Bãi bỏ cụm từ “Địa điểm nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi của Công ty:”;

c) Thay thế cụm từ “Chúng tôi cam kết chỉ sử dụng bột thịt xương nhập khẩu của Công ty để sản xuất thức ăn cho loại động vật nêu trên tại Nhà máy của Công ty và không sử dụng bột thịt xương để sản xuất thức ăn cho loài nhai lại và cam kết chấp hành nghiêm Pháp luật về Thú y.” bằng cụm từ “Chúng tôi cam kết không sử dụng bột thịt xương của loài nhai lại để sản xuất thức ăn cho loài nhai lại và cam kết chấp hành nghiêm Pháp luật về Thú y.”.

14. Bãi bỏ số thứ tự 20a và bãi bỏ Mẫu 20a tại Phụ lục V.

15. Bổ sung khoản 3 vào sau khoản 2 mục I, Phụ lục XI như sau:

“3. Lấy mẫu xét nghiệm để kiểm dịch.

a) Đối với động vật vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh quy định tại mục I của Phụ lục XI ban hành kèm theo Thông tư này: Mẫu xét nghiệm là mẫu gộp từ 05 mẫu đơn thành 01 mẫu để xét nghiệm tác nhân gây bệnh;

b) Nguyên tắc gộp mẫu xét nghiệm: chỉ gộp mẫu đơn cùng loài động vật, cùng lô hàng, cùng một cơ sở chăn nuôi hoặc thu gom, kinh doanh động vật;

c) Trường hợp không thể gộp mẫu để xét nghiệm theo mẫu gộp, xét nghiệm các tác nhân gây bệnh theo mẫu đơn.”.

16. Thay cụm từ “Làm giống” bằng cụm từ “Làm giống hoặc giết mổ” tại số thứ tự 20 của Bảng 1 mục I Phụ lục XII.

17. Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 mục II Phụ lục XII như sau:

“c) Tác nhân gây bệnh:

Loại sản phẩm

Kiểm tra tác nhân gây bệnh

I. Nhóm nguy cơ cao

1. Thịt, phủ tạng, phụ phẩm và sản phẩm thịt đông lạnh/ướp lạnh/sơ chế của trâu, bò, dê, cừu, hươu, nai.

Lở mồm long móng, Sảy thai truyền nhiễm; Salmonella spp., E.coli (chủng O157:H7)

2. Thịt, phủ tạng, phụ phẩm và sản phẩm thịt đông lạnh/ướp lạnh/sơ chế của lợn.

Lở mồm long móng, Dịch tả lợn Châu Phi; Salmonella spp., E.coli (chủng O157:H7)

3. Thịt, phủ tạng, phụ phẩm và sản phẩm thịt đông lạnh/ướp lạnh/sơ chế của gia cầm, chim.

Cúm gia cầm thể độc lực cao, Niu-cát-xơn; Salmonella spp., E.coli (chủng O157:H7)

4. Thịt, phủ tạng, phụ phẩm và sản phẩm thịt đông lạnh/ướp lạnh/sơ chế của các loài động vật khác không thuộc quy định tại điểm 1, 2 và 3 của nhóm nguy cơ cao.

Chỉ tiêu kiểm dịch theo thỏa thuận giữa Việt Nam và nước xuất khẩu

5. Sữa tươi nguyên liệu.

Lở mồm long móng, Sảy thai truyền nhiễm

6. Trứng gia cầm tươi.

Cúm gia cầm thể độc lực cao, Niu-cát-xơn; Salmonella spp.

7. Tổ yến chưa chế biến.

Cúm gia cầm thể độc lực cao, Niu-cát-xơn.

II. Nhóm nguy cơ thấp

1. Thịt, phủ tạng, phụ phẩm và sản phẩm thịt chế biến của trâu, bò, dê, cừu.

Lở mồm long móng

2. Thịt, phủ tạng, phụ phẩm và sản phẩm thịt chế biến của lợn.

Lở mồm long móng, Dịch tả lợn Châu Phi

3. Thịt, phủ tạng, phụ phẩm và sản phẩm thịt chế biến của gia cầm, chim.

Cúm gia cầm thể độc lực cao, Niu-cát-xơn

4. Thịt, phủ tạng, phụ phẩm và sản phẩm thịt chế biến của các loài động vật khác không thuộc quy định tại điểm 1, 2 và 3 của nhóm nguy cơ thấp.

Chỉ tiêu kiểm dịch theo thỏa thuận giữa Việt Nam và nước xuất khẩu

5. Sữa và sản phẩm sữa chế biến.

Salmonella spp.

6. Trứng và sản phẩm trứng chế biến.

Salmonella spp.

Ngoài các bệnh nêu trên, căn cứ diễn biến dịch bệnh, Cục Thú y quyết định chỉ tiêu dịch bệnh để xét nghiệm theo quy định, khuyến cáo của Tổ chức Thú y thế giới (OIE/WOAH).

Việc lấy mẫu theo tần suất được áp dụng trên tổng số lô hàng nhập khẩu tính từ ngày 01 tháng 01 đến 31 tháng 12 trong cùng 01 (một) năm; lấy mẫu, xét nghiệm tác nhân gây bệnh được áp dụng theo các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam, quy định quốc tế.”.

18. Thay thế cụm từ “Kiểm tra ADN loài nhai lại đối với nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thủy sản/thức ăn thành phẩm có chứa sản phẩm động vật từ các nước có nguy cơ bệnh Bò điên hoặc khi có yêu cầu giám định;” tại điểm c khoản 2 mục II Phụ lục XII bằng cụm từ “Căn cứ tình hình bệnh Bò điên của nước xuất khẩu, theo các Nghị quyết của Tổ chức Thú y Thế giới (WOAH/OIE) về công nhận tình trạng dịch bệnh của nước xuất khẩu, Cục Thú y hướng dẫn việc kiểm tra, xét nghiệm chỉ tiêu ADN loài nhai lại đối với bột nguyên liệu có nguồn gốc từ động vật để sản xuất thức ăn cho động vật;”.

19. Bổ sung “Phụ lục XIV QUY TRÌNH KIỂM TRA, LẤY MẪU KIỂM DỊCH LÔ HÀNG SẢN PHẨM ĐỘNG VẬT TRÊN CẠN” vào sau Phụ lục XIII ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 3. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16 tháng 5 năm 2024.

2. Đối với các hồ sơ đăng ký, khai báo kiểm dịch, đăng ký kiểm tra xác nhận chất lượng thức ăn chăn nuôi, thủy sản có nguồn gốc động vật nhập khẩu, hồ sơ đề nghị miễn giảm kiểm tra nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi, thủy sản có nguồn gốc động vật nhập khẩu đã nộp trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực thi hành thì thực hiện theo quy định của pháp luật tại thời điểm nộp hồ sơ.

3. Các văn bản xác nhận miễn giảm kiểm tra nhà nước về chất lượng đối với thức ăn chăn nuôi, thủy sản có nguồn gốc động vật nhập khẩu do Cục Thú y xác nhận trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực thi hành thì thực hiện cho đến khi hết thời hạn miễn giảm ghi trong văn bản xác nhận.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Cục Thú y) để xem xét, quyết định./.


Nơi nhận
:
- Thủ tướng Chính phủ;
- Các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Chính phủ;
- Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Công báo Chính phủ, Cổng thông tin điện tử Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ;
- Cục Kiểm tra Văn bản QPPL-Bộ Tư pháp;
- Các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Cổng thông tin điện tử Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Văn phòng SPS Việt Nam;
- Sở NN& PTNT các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ;
- Các đơn vị trực thuộc Cục Thú y;
- Chi cục có chức năng quản lý chuyên ngành thú y cấp tỉnh;
- Lưu: VT, TY.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Phùng Đức Tiến

PHỤ LỤC:

PHỤ LỤC XIV: QUY TRÌNH KIỂM TRA, LẤY MẪU KIỂM DỊCH LÔ HÀNG SẢN PHẨM ĐỘNG VẬT TRÊN CẠN
(Ban hành kèm theo Thông tư số 04/2024/TT-BNNPTNT ngày 01 tháng 04 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

I. PHẦN CHUNG

1. Giải thích từ ngữ

- Đơn vị bao gói: Là dạng bao gói độc lập dưới dạng bao, kiện, thùng, hộp, chai, lọ, ... lặp lại trong một lô hàng.

- Mẫu: Là một phần đại diện cho một lô hàng.

- Lấy mẫu: Là các thao tác kỹ thuật được tiến hành trên cơ sở áp dụng những nguyên tắc, thủ tục, điều kiện kỹ thuật theo quy định để thu thập mẫu đại diện cho lô hàng, thể hiện thực trạng của lô hàng.

- Mẫu đơn (mẫu ban đầu): Là một lượng sản phẩm hoặc đơn vị bao gói được lấy riêng lẻ một cách ngẫu nhiên hoặc có chủ đích, cùng thời điểm tại một vị trí của lô hàng

- Mẫu gộp (mẫu chung): Bao gồm những mẫu đơn từ cùng một lô hàng được trộn đều với nhau, từ đó có thể thu được đặc tính đại diện cho lô hàng.

- Mẫu phân tích (mẫu xét nghiệm): Là một phần của mẫu gộp dùng để đánh giá chất lượng của một lô hàng xác định.

- Mẫu lưu: Là mẫu lấy ra từ mẫu gộp, trường hợp không gộp được thì lưu mẫu đơn.

- Mẫu trung bình: Là một phần sản phẩm của mẫu chung hoặc một số đơn vị bao gói lấy ra từ mẫu chung.

2. Nguyên tắc chung

- Trước khi lấy mẫu phải kiểm tra hồ sơ liên quan đến lô hàng; thực trạng hàng hoá, nếu đạt yêu cầu thì tiến hành lấy mẫu.

- Để mẫu phản ánh đúng tình trạng chung của lô hàng, cần đảm bảo tính đồng nhất của lô hàng.

- Việc lấy mẫu phải bảo đảm khoa học, nhanh chóng, thuận tiện; trình tự thực hiện công khai, minh bạch; bảo đảm tính ngẫu nhiên tại các vị trí khác nhau đại diện cho lô hàng.

- Trường hợp không thể lấy mẫu tại cửa khẩu thì đưa sản phẩm động vật về cơ quan kiểm dịch động vật hoặc kho của doanh nghiệp để lấy mẫu.

II. QUY TRÌNH THỰC HIỆN

1. Chuẩn bị

- Trước khi tiến hành lấy mẫu phải thống nhất thời điểm tiến hành kiểm tra, lấy mẫu với chủ hàng hoặc người đại diện.

- Chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, biểu mẫu liên quan, dụng cụ, trang thiết bị lấy mẫu và bảo quản mẫu phù hợp.

2. Kiểm tra thực tế

2.1. Kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y phương tiện vận chuyển, dụng cụ chứa đựng hàng hóa, niêm phong.

2.2. Kiểm tra thực trạng lô hàng: điều kiện bảo quản, quy cách bao gói, ngoại quan của sản phẩm, chủng loại, nhãn sản phẩm, thông tin chi tiết của lô hàng phải phù hợp với hồ sơ.

Mỗi mặt hàng tiến hành kiểm tra tối thiểu tại 5 vị trí hoặc đơn vị bao gói ngẫu nhiên ở các điểm khác nhau của lô hàng. Trường hợp lô hàng có nhiều mặt hàng thì tiến hành kiểm tra và lấy mẫu tối đa 03 mặt hàng có số lượng/khối lượng lớn nhất.

Đối với lô hàng có nhiều container, toa xe: người lấy mẫu chỉ định ngẫu nhiên và tiến hành kiểm tra từ 02 đến 04 container, toa xe (không áp dụng đối với các lô hàng phải kiểm tra ADN). Trường hợp nghi ngờ có thể tiến hành kiểm tra toàn bộ lô hàng.

Xử lý kết quả: kiểm tra thực trạng hàng hóa, nếu đạt yêu cầu thì lấy mẫu kiểm tra đối tượng kiểm dịch, trường hợp không đạt yêu cầu thì xử lý theo quy định.

3. Lấy mẫu

3.1. Số lượng, khối lượng mẫu

3.1.1. Số lượng mẫu để kiểm tra mầm bệnh theo quy định tại Phần IV và Phần V Phụ lục XII ban hành kèm theo Thông tư này.

3.1.2. Số lượng mẫu để kiểm tra ADN, việc lấy mẫu như sau:

- Từ 01 đến 05 container: lấy 01 mẫu

- Từ 06 đến 10 container: lấy 02 mẫu

- Từ container thứ 10, nếu số lượng container tăng thêm từ 01 đến 05 container thì kiểm tra thêm 01 mẫu

Trường hợp lô hàng chứa đựng trong hầm, toa tàu: nếu số lượng ≤ 200 tấn lấy 01 mẫu; từ 200 đến 500 tấn lấy 02 mẫu; trên 500 tấn lấy 03 mẫu.

3.1.3. Khối lượng mẫu phân tích, mẫu lưu: tối thiểu phải đảm bảo đủ để phân tích các chỉ tiêu theo quy định và theo phương pháp phân tích của phòng thử nghiệm. Trường hợp phải gửi mẫu cho nhiều phòng thử nghiệm thì khối lượng được lấy thêm tương ứng. Khối lượng mẫu trung bình hoặc mẫu ban đầu (trường hợp mẫu ban đầu tương đương là mẫu trung bình) từ 500 - 1000g (không bao gồm xương).

3.2. Lấy mẫu phân tích

3.2.1. Lấy mẫu ban đầu

a) Với lô hàng bao gói

- Lô hàng được đóng trong các bao gói thùng, kiện, hộp, túi,...: mẫu ban đầu được lấy tại ít nhất 01 đơn vị bao gói nhưng không quá ở 05 đơn vị bao gói bằng cách chọn ngẫu nhiên các sản phẩm từ các bao gói được chọn trừ trường hợp đơn vị bao gói nhỏ thì phải lấy thêm để bảo đảm đủ khối lượng xét nghiệm theo phương pháp.

- Sản phẩm dạng lỏng, sệt: mẫu đơn được lấy tại ít nhất 03 vị trí ở các độ sâu khác nhau trong đơn vị bao gói.

b) Với lô hàng rời (chứa trong các toa xe, container, hầm tàu,...): lấy mẫu ban đầu ở ít nhất 03 vị trí khác nhau của lô hàng.

3.2.2. Lập mẫu chung

Gộp tất cả các mẫu ban đầu đã lấy được để lập mẫu chung, đại diện cho lô hàng.

3.2.3. Lập mẫu trung bình

a) Sản phẩm dạng lỏng, sệt: trộn kỹ mẫu chung và rút ra một lượng để lập mẫu trung bình;

b) Sản phẩm dạng sợi, mảnh, viên nhỏ có thể phân mẫu theo nguyên tắc ngẫu nhiên;

c) Các sản phẩm lớn có thể rút theo nguyên tắc ngẫu nhiên (cắt nhỏ nếu cần thiết);

d) Sản phẩm dạng bao gói sẵn: có thể trộn đều các bao gói, sau đó rút ngẫu nhiên các sản phẩm;

đ) Khối lượng mẫu trung bình đảm bảo đủ để phân tích các chỉ tiêu và lưu mẫu.

3.2.4. Lập mẫu phân tích

Từ mẫu trung bình chia thành 2 phần tương ứng, 1 phần là mẫu phân tích, một phần là mẫu lưu có số lượng/khối lượng mẫu như nhau. Khối lượng mẫu được lấy đảm bảo đủ để xét nghiệm các chỉ tiêu và lưu mẫu theo phương pháp xét nghiệm tương ứng. Trường hợp cần gửi nhiều phòng thử nghiệm có thể chia phần mẫu phân tích nhiều hơn. Nếu phương pháp xét nghiệm cần khối lượng mẫu nhỏ, sau khi lập mẫu xét nghiệm bảo đảm đại diện cho lô hàng thì phần mẫu thừa trả lại chủ hàng.

3.2.5. Ghi nhãn, bao gói, niêm phong, bảo quản, vận chuyển mẫu

a) Mẫu phải được bao gói, niêm phong, ghi nhãn bảo đảm tính bảo mật và không bị nhầm lẫn;

b) Bảo quản mẫu: mẫu được bảo quản theo điều kiện phù hợp với từng dạng sản phẩm như nguyên trạng ban đầu.

3.2.6. Biên bản lấy mẫu

Biên bản lấy mẫu được lập theo mẫu 06 Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này, được lập ngay sau khi lấy mẫu dưới sự chứng kiến và ký xác nhận của chủ hàng và các bên liên quan.

Các thông tin trong Biên bản lấy mẫu phải được ghi đầy đủ, chính xác, phản ánh trung thực tình trạng lô hàng như bao gói, bảo quản, ngày sản xuất, hạn sử dụng, ký hiệu phương tiện vận chuyển, chứa đựng, số niêm phong.

3.2.7. Vận chuyển, gửi mẫu

a) Mẫu phải được vận chuyển đến phòng thử nghiệm càng nhanh càng tốt bằng phương tiện vận chuyển bảo đảm không ảnh hưởng đến chất lượng mẫu;

b) Mẫu gửi phòng thử nghiệm phải được mã hoá. Dụng cụ chứa đựng mẫu gửi đến phòng thử nghiệm phải được làm kín và bảo vệ khỏi tác động của ánh sáng, nhiệt độ ảnh hưởng đến chất lượng mẫu.

3.2.8. Lưu mẫu, huỷ mẫu

Mẫu lưu được bảo quản ở điều kiện thích hợp với từng loại sản phẩm trong thời gian 30 ngày. Khối lượng mẫu lưu phù hợp với phương pháp thử nghiệm.

Hết thời gian lưu, mẫu lưu phải được huỷ theo quy định của pháp luật.

3.2.9. Trả sản phẩm động vật thừa sau khi lấy mẫu

Việc trả mẫu thừa (không phải phần mẫu sử dụng để xét nghiệm) được thực hiện sau khi có kết quả xét nghiệm đạt yêu cầu (Mẫu biên bản trả lại mẫu thừa ban hành kèm theo Phụ lục XIV này).

- Trường hợp không thể lấy mẫu tại hiện trường mà phải đưa các đơn vị mẫu đơn về nơi đủ điều kiện đảm bảo chất lượng hàng hóa để lấy mẫu thì sau khi lấy mẫu, lập biên bản trả lại mẫu thừa cho chủ hàng.

- Trường hợp phương pháp xét nghiệm cần khối lượng mẫu nhỏ, sau khi lập mẫu xét nghiệm bảo đảm đại diện cho lô hàng thì phần mẫu thừa trả lại chủ hàng.

Mẫu biên bản trả lại mẫu thừa

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

BIÊN BẢN TRẢ LẠI MẪU THỪA

Số:………../BB-TLMT

Hôm nay, vào hồi… giờ …phút, ngày … tháng ... năm…20…

Tại địa điểm:………………………………………………………….

Chúng tôi gồm có:

1/ Ông/bà: ……………………………………………Chức vụ: ……………………

Đại diện cơ quan kiểm dịch động vật: ………………………………………………………….

2/ Ông bà: …………………………..là chủ hàng (hoặc người đại diện)

Địa chỉ giao dịch: ………………………………………………………….

Điện thoại: ………………………………Fax:…………………Email:…………………..

Chúng tôi cùng thống nhất và giao nhận lại số mẫu thừa sau khi đã lấy mẫu của lô hàng để kiểm tra, xét nghiệm như sau:

STT

Tên mẫu

ĐVT

Khối lượng mẫu trả lại

Ghi chú

Tổng số

Biên bản này được lập thành 02 bản: 01 bản do cơ quan kiểm dịch động vật giữ, 01 bản do chủ hàng hoặc người đại diện giữ./.

Chủ hàng (hoặc người đại diện)
(Ký, ghi rõ họ tên)

Người trả mẫu
(Ký, ghi rõ họ tên)