Hệ thống pháp luật
Loading content, please wait a moment ...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 56/2001/TT-BKHCNMT

Hà Nội, ngày 26 tháng 10 năm 2001

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ & MÔI TRƯỜNG SỐ 56/2001/TT-BKHCNMT NGÀY 26 THÁNG 10 NĂM 2001 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN VIỆC HỢP TÁC ĐẦU TƯ VỚI NƯỚC NGOÀI TRONG HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THEO NGHỊ ĐỊNH SỐ 06/2000/NĐ-CP

Căn cứ Nghị định số 22/CP ngày 22 tháng 05 năm 1993 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường;
Căn cứ Nghị định số 06/2000/NĐ-CP ngày 06 tháng 03 năm 2000 của Chính Phủ về việc hợp tác đầu tư với nước ngoài trong lĩnh vực khám chữa bệnh, giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học (sau đây gọi tắt là Nghị định sô 06/2000/NĐ-CP);
Căn cứ Nghị định số 24/2000/NĐ-CP ngày 31 tháng 07 năm 2000 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (sau đây gọi tắt là Nghị định số 24/2000/NĐ-CP).
Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường hướng dẫn thực hiện nội dung hợp tác đầu tư với nước ngoài trong hoạt động khoa học và công nghệ theo Nghị định số 06/2000/NĐ-CP như sau:

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Phạm vi áp dụng

Thông tư này hướng dẫn việc hợp tác đầu tư với nước ngoài đối với hoạt động khoa học và công nghệ. Các hoạt động khoa học và công nghệ hợp tác với nước ngoài không vì mục đích lợi nhuận không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này.

2. Đối tượng tham gia hợp tác đầu tư

Các đối tượng sau đây được tham gia hợp tác đầu tư để thành lập Tổ chức khoa học và công nghệ có vốn đầu tư nước ngoài.

a. Việc nghiên cứu, Trung tâm nghiên cứu và các tổ chức khác nghiên cứu về khoa học kỹ thuật, công nghệ, khoa học tự nhiên, khoa học quản lý kinh tế, ngôn ngữ là các đơn vị sự nghiệp khoa học thuộc thành phần kinh tế Nhà nước.

b. Việc nghiên cứu, Trung tâm nghiên cứu và các tổ chức khác nghiên cứu về khoa học kỹ thuật, công nghệ, khoa học tự nhiên, khoa học quản lý kinh tế, ngôn ngữ thuộc các thành phần kinh tế khác;

c. Các Doanh nghiệp Việt Nam bao gồm các doanh nghiệp được thành lập theo Luật Doanh nghiệp Nhà nước, Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã;

d. Người Việt nam (bao gồm cả người Việt Nam định cư ở nước ngoài);

e. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài;

f. Nhà đầu tư nước ngoài.

3. Giải thích từ ngữ

Một số từ ngữ dùng trong Thông tư này được hiểu như sau:

Khoa học là hệ thống tri thức về các hiện tượng, sự vật, quy luật của tự nhiên, xã hội và tư duy.

Công nghệ là tập hợp các phương pháp, quy trình, kỹ năng, bí quyết, công cụ, phương tiện dùng để biến đổi các nguồn lực thành sản phẩm.

Hoạt động khoa học và công nghệ bao gồm nghiên cứu khơa học, nghiên cứu và phát triển công nghệ, dịch vụ, khoa học và công nghệ, hoạt động phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất và các hoạt động khác nhằm phát triển khoa học và công nghệ.

Nghiên cứu khoa học là hoạt động phát hiện, tìm hiểu các hiện tượng, sự vật, quy luật của tự nhiên, xã hội và tư duy; sáng tạo các giải pháp nhằm ứng dụng vào thực tiễn. Nghiên cứu khoa học bao gồm nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng.

Phát triển công nghệ là hoạt động nhằm tạo ra và hoàn thiện công nghệ mới, sản phẩm mới. Phát triển công nghệ bao gồm triển khai thực nghiệm và sản xuất thử nghiệm.

Triển khai thực nghiệm là hoạt động ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học để làm thực nghiệm nhằm tạo ra công nghệ mới, sản phẩm mới.

Sản xuất thử nghiệm là hoạt động ứng dụng kết quả triển khai thực nghiệm để sản xuất thử ở quy mô nhỏ nhằm hoàn thiện công nghệ mới, sản phẩm mới trước khi đưa vào sản xuất và đời sống.

Dịch vụ khoa học và công nghệ là các hoạt động phục vụ việc nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; các hoạt động liên quan đến sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ; các dịch vụ về thông tin, tư vấn, đào tạo, bồi dưỡng, phổ biến, ứng dụng tri thức khoa học và công nghệ và kinh nghiệm thực tiễn.

Nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức kinh tế, cá nhân nước ngoài đầu tư vào Việt nam.

Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài gồm doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài hoạt động ở Việt nam.

Tổ chức khoa học và công nghệ có vốn đầu tư nước ngoài (Tổ chức KHVCNCVĐTNN) là các Viện nghiên cứu, Trung tâm nghiên cứu hoặc các Cơ sở (Trạm, Trại, Phòng thí nghiệm...) thực hiện các hoạt động khoa học và công nghệ có sử dụng vốn nước ngoài.

4. Chế độ ưu đãi

Tổ chức KHVCNCVĐTNN có dự án thuộc Danh mục dự án đặc biệt khuyến khích đầu tư được hưởng các ưu đãi quy ddịnh tại Nghị định số 24/2000/NĐ-CP và các ưu đãi khác quy định tại Luật Khoa học và Công nghệ và các văn bản thi hành. Trường hợp các ưu đãi theo pháp luật đầu tư nước ngoài và pháp luật khoa học và công nghệ là khác nhau thì Tổ chức KHVCNCVĐTNN được quyền lựa chọn mức ưu đãi để áp dụng.

II. NỘI DUNG HỢP TÁC ĐẦU TƯ VỚI NƯỚC NGOÀI TRONG HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Việc hợp tác đầu tư với nước ngoài trong hoạt động khoa học và công nghệ theo Thông tư này bao gồm những nội dung sau:

1. Nghiên cứu khoa học hoặc phát triển công nghệ thuộc một trong các lĩnh vực chuyên môn sau:

a. Khoa học tự nhiên;

b. Khoa học kỹ thuật, công nghệ (bao gồm cả lĩnh vực nông nghiệp, y dược học);

c. Khoa học quản lý kinh tế;

d. Ngôn ngữ.

Trong các lĩnh vực trên, không được tiến hành các nội dung phương hại đến an ninh, quốc phòng, thuần phong mỹ tục, trật tự an toàn xã hội, sức khoẻ con người, môi trường và các điều cấm khác mà pháp luật Việt Nam quy định.

2. Các dịch vụ khoa học và công nghệ.

III. CÁC HÌNH THỨC HỢP TÁC ĐẦU TƯ VỚI NƯỚC NGOÀI TRONG HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Việc hợp tác đầu tư với nước ngoài trong hoạt động khoa học và công nghệ được tiến hành theo một trong các hình thức sau:

1. Liên doanh: Bên Việt nam và bên nước ngoài liên doanh để thành lập các Viện nghiên cứu, Trung tâm nghiên cứu hoặc các cơ sở (trạm, trại, phòng thí nghiệm...) Thực hiện các hoạt động khoa học và công nghệ trong các lĩnh vực quy định tại mục II của Thông tư này.

2. Hợp đồng hợp tác kinh doanh: Bên Việt Nam và Bên nước ngoài hợp tác kinh doanh trên cơ sở hợp đồng để tiến hành hoạt động khoa học và công nghệ trong các lĩnh vực quy định tại mục II của Thông tư này.

3. Thí điểm: Hình thức doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài để tiến hành hoạt động khoa học và công nghệ trong các lĩnh vực quy định tại mục II của Thông tư này.

IV. ĐIỀU KIỆN THÀNH LẬP VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ CHỨC KHVCNCVĐTNN

Tổ chức KHVCNCVĐTNN chỉ được hoạt động sau khi đã cấp được Giấy phép đầu tư.

Dự án về hợp tác đầu tư với nước ngoài trong hoạt động khoa học và công nghệ thuộc dự án nhóm A. Để được cấp Giấy phép đầu tư, ngoài các Điều kiện đối với dự án nhóm A thông thường. Tổ chức KHVCNCVĐTNN còn phải bảo đảm các điều kiện sau:

1. Nội dung hoạt động khoa học và công nghệ là phù hợp với mục tiêu đầu tư và định hướng phát triển khoa học và công nghệ của Nhà nước Việt Nam.

2. Có ít nhất 5 cán bộ nghiên cứu có trình độ đại học cao đẳng trở lên làm việc theo chế độ chính nhiệm thuộc lĩnh vực được phép hoạt động. Người đứng đầu tổ chức phải có trình độ đại học trở lên thuộc lĩnh vực được phép hoạt động.

3. Có cơ sở vật chất kỹ thuật và trang thiết bị phù hợp với loại hình và quy mô hoạt động khoa học và công nghệ, cụ thể là:

a. Có trụ sở là nơi đặt cơ quan điều hành của Tổ chức KHVCNCVĐTNN.

b. Có trang thiết bị bảo đảm tiến hành có hiệu quả các hoạt động khoa học và công nghệ thuộc lĩnh vực được phép hoạt động.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Hồ sơ xin cấp Giấy phép đầu tư về hoạt động khoa học và công nghệ.

Hồ sơ xin cấp giấy phép đầu tư của Tổ chức KHVCNCVĐTNN bao gồm những tài liệu theo quy định tại Điều 107 Nghị định số 24/2000/NĐ-CP, trong đó chủ đầu tư cần giải trình rõ các nội dung sau:

a. Mục tiêu, quy mô, lĩnh vực và loại hình hoạt động khoa học và công nghệ;

b. Số lượng và cơ cấu dự kiến các cán bộ nghiên cứu chủ chốt (theo mẫu Phụ lục 1);

c. Cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị (theo mẫu Phụ lục 2);

d. Quyết định của cơ quan quản lý trực tiếp của Bên Việt Nam (nếu Bên Việt nam tham gia là tổ chức có sử dụng vốn thuộc sở hữu Nhà nước) đồng ý tham gia Tổ chức KHVCNCVĐTNN.

2. Thẩm quyền xác nhận tổ chức KHVCNCVĐTNN

Căn cứ vào hồ sơ xin cấp Giấy phép đầu tư và các điều kiện thành lập và hoạt động của Tổ chức KHVCNCVĐTNN quy định trong Thông tư này, Bộ khoa học, Công nghệ và Môi trường có trách nhiệm xác nhận tổ chức KHVCNCVĐTNN. Trên cơ sở ý kiến chấp thuận của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ kế hoạch và Đầu tư quyết định cấp Giấy phép đầu tư cùng với quyết định chế độ ưu đãi cho Tổ chức KHVCNCVĐTNN và trong thời hạn 03 ngày làm việc sao gửi các Quyết định vừa nêu cho Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường để Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ cho Tổ chức KHVCNCVĐTNN.

VI. KHOẢN THI HÀNH

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời cho Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp hoặc hướng dẫn giải quyết cụ thể.

 

 

Chu Tuấn Nhạ

(Đã ký)

 

 

PHỤ LỤC 1

DANH SÁCH NHÂN LỰC CỦA TỔ CHỨC KHVCNCVĐTNN

TT

Họ và tên

Nam nữ

Năm sinh

Quốc tịch

Trình độ đào tạo

Cơ sở, thời gian đào tạo

Chuyên ngành

Chế độ làm việc

Nơi đang làm việc

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

..... Ngày...... tháng..... năm .....
Chủ đầu tư