- 1 Circular No. 40/2018/TT-BTC dated May 04, 2018 providing guidelines for initial offering of shares and management and use of proceeds from equitization of state-owned enterprises and single-member limited liability companies with 100% charter capital invested by state-owned enterprises
- 2 Circular No. 41/2018/TT-BTC dated May 04, 2018 providing guidelines on financial settlement and enterprise valuation upon equitization of state-owned enterprises and single-member limited liability companies 100% charter capital of which is held by state-owned enterprises
BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 69/2018/TT-BTC | Hà Nội, ngày 08 tháng 08 năm 2018 |
Căn cứ Luật Doanh nghiệp số 68/2014/QH13 ngày 26/11/2014;
Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp số 69/2014/QH13 ngày 26/11/2014;
Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26/7/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp;
Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước không đủ điều kiện cổ phần hóa theo quy định tại Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ như sau:
Thông tư này hướng dẫn thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước không đủ điều kiện cổ phần hóa theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần (sau đây gọi là Nghị định số 126/2017/NĐ-CP) thông qua xử lý nợ để chuyển thành công ty cổ phần.
1. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Mua bán nợ Việt Nam (sau đây gọi là Công ty Mua bán nợ).
2. Các doanh nghiệp nhà nước thuộc danh mục Nhà nước cần nắm giữ trên 50% tổng số cổ phần khi cổ phần hóa theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ sau khi xử lý tài chính và xác định giá trị doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định số 126/2017/NĐ-CP mà giá trị thực tế của doanh nghiệp thấp hơn các khoản nợ phải trả của doanh nghiệp (sau đây gọi là doanh nghiệp tái cơ cấu).
3. Cơ quan đại diện chủ sở hữu.
4. Chủ nợ tham gia tái cơ cấu.
Trong Thông tư này, một số từ ngữ được hiểu như sau:
1. “Phương án tái cơ cấu” là phương án chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước thuộc đối tượng quy định tại Khoản 2 Điều 2 Thông tư này thành công ty cổ phần, trong đó bao gồm cả phương án xử lý tài chính thông qua hoạt động mua bán nợ.
2. “Giá vốn mua nợ” là tổng chi phí mua nợ tính đến thời điểm giảm trừ trách nhiệm trả nợ, bao gồm: giá mua nợ thực tế cộng (+) các khoản chi phí hợp lý, hợp lệ liên quan đến việc mua khoản nợ (kể cả lãi vay huy động vốn để mua nợ) và các chi phí quản lý doanh nghiệp phát sinh được phân bổ (nếu có).
3. “Giảm trừ nghĩa vụ trả nợ” là biện pháp xóa một phần trách nhiệm trả nợ cho doanh nghiệp tái cơ cấu được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật.
4. “Chủ nợ” là tổ chức, cá nhân có nợ phải thu tại doanh nghiệp tái cơ cấu.
5. “Chủ nợ tham gia tái cơ cấu” là chủ nợ của doanh nghiệp tái cơ cấu, cùng tham gia quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp để chuyển thành công ty cổ phần.
Điều 4. Nguyên tắc tái cơ cấu doanh nghiệp thông qua hoạt động mua bán nợ
1. Phương án tái cơ cấu được thực hiện trên nguyên tắc đồng thuận giữa cơ quan đại diện chủ sở hữu doanh nghiệp tái cơ cấu với Công ty Mua bán nợ hoặc các chủ nợ tham gia tái cơ cấu (lập biên bản thỏa thuận giữa các bên). Công ty Mua bán nợ được quyền chủ động đàm phán mua nợ với các chủ nợ và đề xuất phương án tái cơ cấu doanh nghiệp phù hợp với quy định của pháp luật.
2. Công ty Mua bán nợ chỉ quyết định mua nợ sau khi đã thỏa thuận, thống nhất với cơ quan đại diện chủ sở hữu và có kết quả đàm phán mua nợ với các chủ nợ của doanh nghiệp tái cơ cấu. Phương án mua bán nợ để tái cơ cấu doanh nghiệp phải đảm bảo có tính khả thi, có khả năng thu hồi vốn hiệu quả và đủ nguồn chênh lệch giữa giá vốn mua nợ với giá trị sổ sách khoản nợ để xử lý tài chính, chuyển đổi thành công doanh nghiệp nhà nước sang công ty cổ phần theo quy định.
3. Trường hợp phương án mua nợ để tái cơ cấu doanh nghiệp không khả thi và hiệu quả thì Ban chỉ đạo cổ phần hóa/tái cơ cấu báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, quyết định hình thức chuyển đổi khác theo quy định của pháp luật.
4. Ngoài các nội dung quy định tại Thông tư này, doanh nghiệp tái cơ cấu, Công ty Mua bán nợ và các cơ quan có liên quan thực hiện theo quy định tại Nghị định số 126/2017/NĐ-CP và các Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Điều 5. Quy trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước để chuyển thành công ty cổ phần
Quy trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước để chuyển thành công ty cổ phần quy định cụ thể tại Phụ lục kèm theo Thông tư này, bao gồm các bước cơ bản sau:
1. Xây dựng phương án tái cơ cấu
a) Triển khai kế hoạch chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần
- Thành lập Ban chỉ đạo cổ phần hoá/tái cơ cấu và Tổ giúp việc.
- Chuẩn bị các hồ sơ, tài liệu.
- Phê duyệt dự toán chi phí cổ phần hóa, quyết định lựa chọn tư vấn cổ phần hóa.
- Tổ chức kiểm kê, xử lý những vấn đề về tài chính và tổ chức xác định giá trị doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định số 126/2017/NĐ-CP.
- Quyết định việc đề nghị Công ty Mua bán nợ tham gia tái cơ cấu.
b) Xây dựng phương án tái cơ cấu trình cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt.
2. Tổ chức thực hiện phương án tái cơ cấu
3. Hoàn tất việc chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần.
a) Tổ chức Đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất và đăng ký doanh nghiệp.
b) Tổ chức quyết toán, bàn giao giữa doanh nghiệp và công ty cổ phần.
Điều 6. Xử lý tài chính doanh nghiệp tái cơ cấu
1. Xử lý tài chính khi xác định giá trị doanh nghiệp
Doanh nghiệp tái cơ cấu thực hiện xử lý tài chính khi xác định giá trị doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định số 126/2017/NĐ-CP và Thông tư số 41/2018/TT-BTC ngày 04/5/2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung về xử lý tài chính và xác định giá trị doanh nghiệp khi chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần (sau đây gọi là Thông tư số 41/2018/TT-BTC).
2. Xử lý tài chính theo phương án tái cơ cấu
a) Nguyên tắc xử lý tài chính:
- Việc xử lý tài chính đối với doanh nghiệp tái cơ cấu phải gắn với phương án tái cơ cấu đã được cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt.
- Đảm bảo công khai, minh bạch và chấp hành đúng các quy định của pháp luật. Trường hợp các tổ chức, cá nhân có liên quan khi thực hiện xử lý tài chính không chấp hành đúng chế độ quy định, gây thất thoát vốn, tài sản thì tổ chức, cá nhân đó chịu trách nhiệm bồi thường và xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
b) Nội dung xử lý tài chính
- Tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp, căn cứ phương án tái cơ cấu đã được cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt:
+ Công ty Mua bán nợ quyết định giảm trừ một phần nghĩa vụ trả nợ cho doanh nghiệp tái cơ cấu theo cam kết. Mức giảm trừ nghĩa vụ trả nợ tối đa bằng số âm vốn chủ sở hữu theo báo cáo tài chính gần nhất (đã điều chỉnh theo kết quả xử lý tài chính theo quy định) đã được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán độc lập trừ (-) đi phần giảm trừ nghĩa vụ trả nợ của các chủ nợ khác (nếu có) và không vượt quá số chênh lệch giữa giá trị sổ sách khoản nợ mua và giá vốn mua nợ tính đến thời điểm quyết định giảm trừ nghĩa vụ trả nợ.
+ Các chủ nợ khác quyết định giảm trừ nghĩa vụ trả nợ cho doanh nghiệp tái cơ cấu theo thỏa thuận giữa các bên.
- Từ thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp đến thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần, doanh nghiệp tái cơ cấu tiếp tục xử lý tài chính theo quy định. Trong đó:
+ Lợi nhuận phát sinh được phân phối theo quy định hiện hành đối với doanh nghiệp nhà nước.
+ Trường hợp phát sinh lỗ thì doanh nghiệp tái cơ cấu làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan để có biện pháp khắc phục, bồi thường theo quy định.
- Tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần, sau khi bù trừ các khoản bồi thường (nếu có) mà doanh nghiệp tái cơ cấu vẫn còn lỗ lũy kế thì Công ty Mua bán nợ phối hợp với các chủ nợ tham gia tái cơ cấu xem xét, thực hiện tiếp việc giảm trừ nghĩa vụ trả nợ cho doanh nghiệp tái cơ cấu tối đa bằng số lũy kế. Trường hợp này, Công ty Mua bán nợ thực hiện giảm trừ nghĩa vụ trả nợ từ nguồn chênh lệch còn lại (giữa giá trị sổ sách khoản nợ mua và giá vốn mua nợ) sau khi trừ đi nguồn chênh lệch đã xử lý nêu tại điểm b Khoản 2 Điều 6 Thông tư này.
1. Doanh nghiệp tái cơ cấu thực hiện trình tự, thủ tục, phương thức bán và giá bán cổ phần lần đầu theo quy định tại Nghị định số 126/2017/NĐ-CP và Thông tư số 40/2018/TT-BTC ngày 04/5/2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn bán cổ phần lần đầu và quản lý, sử dụng tiền thu từ cổ phần hóa của doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ chuyển thành công ty cổ phần (sau đây gọi là Thông tư số 40/2018/TT-BTC). Trong đó, căn cứ quy định tại điểm d Khoản 1 và Khoản 3 Điều 42 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP, cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định giá bán cổ phần cho người lao động và tổ chức công đoàn tại doanh nghiệp tái cơ cấu không thấp hơn 60% mệnh giá cổ phần.
2. Công ty Mua bán nợ và các chủ nợ tham gia tái cơ cấu doanh nghiệp được chuyển nợ thành vốn góp cổ phần theo nguyên tắc thỏa thuận và được cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt trong phương án tái cơ cấu.
Điều 8. Xử lý số cổ phần không bán hết
Doanh nghiệp tái cơ cấu có trách nhiệm thực hiện xử lý số cổ phần không bán hết theo quy định tại Nghị định số 126/2017/NĐ-CP và Thông tư số 40/2018/TT-BTC. Trong đó:
1. Trường hợp không bán hết số cổ phần cho các nhà đầu tư theo phương thức thỏa thuận sau khi bán đấu giá công khai không thành công hoặc không bán hết số cổ phần chào bán của cuộc đấu giá công khai theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 9 Thông tư số 40/2018/TT-BTC thì Ban chỉ đạo cổ phần hóa/tái cơ cấu xem xét, quyết định chào bán cho Công ty Mua bán nợ và các chủ nợ theo nguyên tắc quy định tại Khoản 2 Điều 7 Thông tư này.
2. Trường hợp Công ty Mua bán nợ và các chủ nợ vẫn không mua hết số cổ phần chào bán quy định tại Khoản 1 Điều 8 Thông tư này thì Ban chỉ đạo cổ phần hóa/tái cơ cấu báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu thực hiện điều chỉnh quy mô, cơ cấu vốn điều lệ để chuyển doanh nghiệp tái cơ cấu thành công ty cổ phần trước khi tổ chức Đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất.
Điều 9. Chính sách đối với người lao động dôi dư
1. Chính sách đối với người lao động dôi dư trong doanh nghiệp tái cơ cấu thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước khi cổ phần hóa.
2. Nguồn kinh phí:
Kinh phí giải quyết chính sách đối với người lao động dôi dư trong doanh nghiệp tái cơ cấu thực hiện theo nguyên tắc: toàn bộ tiền thu từ bán cổ phần sau khi trừ tổng mệnh giá cổ phần đã bán được sử dụng để chi trả cho người lao động dôi dư. Trường hợp không đủ để chi trả cho người lao động dôi dư thì doanh nghiệp tái cơ cấu báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu có văn bản đề nghị Bộ Tài chính xuất Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp bổ sung phần còn thiếu.
Điều 10. Chi phí chuyển đổi doanh nghiệp tái cơ cấu thành công ty cổ phần
1. Chi phí chuyển đổi doanh nghiệp tái cơ cấu thành công ty cổ phần thực hiện theo quy định tại Nghị định số 126/2017/NĐ-CP và Thông tư số 40/2018/TT-BTC. Trong đó, nguồn thanh toán chi phí chuyển đổi là toàn bộ tiền thu từ bán cổ phần sau khi trừ tổng mệnh giá cổ phần đã bán.
2. Trường hợp không đủ bù đắp thì doanh nghiệp tái cơ cấu báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu có văn bản đề nghị Bộ Tài chính xuất Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp để bổ sung phần còn thiếu.
Điều 11. Quản lý, sử dụng tiền thu từ cổ phần hóa/tái cơ cấu
Việc quản lý, sử dụng tiền thu từ cổ phần hóa/tái cơ cấu của doanh nghiệp tái cơ cấu thực hiện theo quy định tại Mục 3 Chương 2 Thông tư số 40/2018/TT-BTC. Trong đó:
1. Toàn bộ tiền thu từ bán cổ phần sau khi trừ tổng mệnh giá cổ phần đã bán được dùng để giải quyết chính sách đối với người lao động dôi dư và chi phí chuyển đổi doanh nghiệp quy định tại Điều 9, Điều 10 Thông tư này. Phần còn lại (nếu có) để lại cho công ty cổ phần quản lý, sử dụng.
2. Sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp chuyển thành công ty cổ phần, doanh nghiệp tái cơ cấu có trách nhiệm quyết toán các khoản chi cho người lao động dôi dư và chi phí chuyển đổi, báo cáo Ban chỉ đạo cổ phần hóa/tái cơ cấu để báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt.
Điều 12. Trách nhiệm của Ban chỉ đạo cổ phần hóa/tái cơ cấu
Ban chỉ đạo cổ phần hóa/tái cơ cấu thực hiện các quyền và trách nhiệm theo quy định tại Nghị định số 126/2017/NĐ-CP, Thông tư số 40/2018/TT-BTC và Thông tư số 41/2018/TT-BTC, trong đó:
1. Giúp cơ quan đại diện chủ sở hữu chỉ đạo và tổ chức thực hiện việc chuyển doanh nghiệp tái cơ cấu thành công ty cổ phần.
2. Trình cơ quan đại diện chủ sở hữu bổ sung thành phần Ban chỉ đạo sau khi thỏa thuận với Công ty Mua bán nợ và các chủ nợ về phương án tái cơ cấu. Thành phần bổ sung Ban chỉ đạo gồm: đại diện Công ty Mua bán nợ, đại diện các chủ nợ tham gia tái cơ cấu (nếu cần).
3. Thẩm tra và trình cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt phương án tái cơ cấu theo quy định tại Thông tư này.
4. Báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt các khoản chi phí chuyển đổi, chi cho người lao động dôi dư và số tiền thu từ cổ phần hóa/tái cơ cấu phải nộp, đồng gửi Bộ Tài chính (Cục Tài chính doanh nghiệp).
5. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện phương án tái cơ cấu theo đúng quy định tại Thông tư này và các văn bản hướng dẫn có liên quan.
Điều 13. Trách nhiệm của doanh nghiệp tái cơ cấu
1. Chịu trách nhiệm cung cấp tài liệu, thông tin đầy đủ, chính xác về doanh nghiệp, tạo điều kiện để Công ty Mua bán nợ và các chủ nợ tham gia phương án tái cơ cấu nghiên cứu, đánh giá thực trạng của doanh nghiệp trước khi xây dựng phương án tái cơ cấu.
2. Phối hợp với Công ty Mua bán nợ và các chủ nợ xây dựng phương án tái cơ cấu, trình cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt theo quy định.
3. Báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, thỏa thuận với Công ty Mua bán nợ để triển khai các bước của quá trình tái cơ cấu theo quy định tại Thông tư này trong trường hợp doanh nghiệp nhà nước chưa thực hiện xử lý tài chính và xác định lại giá trị doanh nghiệp nhưng theo báo cáo tài chính được kiểm toán tại thời điểm gần nhất có tổng tài sản thấp hơn các khoản nợ phải trả.
4. Tổ chức triển khai phương án tái cơ cấu, quản lý, sử dụng tiền thu từ cổ phần hóa/tái cơ cấu theo quy định tại Thông tư này và các văn bản hướng dẫn có liên quan. Trường hợp có tổn thất xảy ra do vi phạm, không thực hiện đúng các quy định tại Thông tư này thì doanh nghiệp tái cơ cấu và các cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm bồi thường và xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
5. Kết thúc quá trình tái cơ cấu, doanh nghiệp phải quyết toán kinh phí hỗ trợ lao động dôi dư và chi phí chuyển đổi, báo cáo Ban chỉ đạo cổ phần hóa/tái cơ cấu trình cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt.
6. Thực hiện các nghĩa vụ, trách nhiệm khác theo quy định tại Nghị định số 126/2017/NĐ-CP, Thông tư số 40/2018/TT-BTC và Thông tư số 41/2018/TT-BTC.
Điều 14. Trách nhiệm của Công ty Mua bán nợ
1. Thỏa thuận với cơ quan đại diện chủ sở hữu và doanh nghiệp tái cơ cấu trước khi quyết định mua nợ từ các tổ chức tín dụng và các chủ nợ khác.
2. Cử cán bộ tham gia vào Ban chỉ đạo cổ phần hóa/tái cơ cấu và Tổ giúp việc để triển khai phương án tái cơ cấu.
3. Thực hiện xử lý tài chính theo phương án tái cơ cấu đã được cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của Công ty và quy định của pháp luật.
4. Phối hợp với doanh nghiệp trong quá trình tổ chức triển khai phương án tái cơ cấu. Trường hợp phát sinh khó khăn, vướng mắc thì báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
5. Cử người đại diện phần vốn góp của Công ty tại doanh nghiệp tái cơ cấu theo quy định.
6. Chịu trách nhiệm thực hiện theo đúng các quy định tại Thông tư này và các văn bản hướng dẫn có liên quan.
Điều 15. Trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu
Cơ quan đại diện chủ sở hữu thực hiện các quyền và trách nhiệm theo quy định tại Nghị định số 126/2017/NĐ-CP, Thông tư số 40/2018/TT-BTC và Thông tư số 41/2018/TT-BTC, trong đó:
1. Chỉ đạo doanh nghiệp tái cơ cấu phối hợp với Công ty Mua bán nợ và các chủ nợ để tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng doanh nghiệp trước khi tham gia tái cơ cấu.
2. Thỏa thuận với Công ty Mua bán nợ, các chủ nợ về phương án tái cơ cấu doanh nghiệp thông qua xử lý nợ theo quy định tại Thông tư này.
3. Quyết định phê duyệt giá trị doanh nghiệp và phương án tái cơ cấu theo quy định tại Thông tư này và các nội dung đã thỏa thuận với Công ty Mua bán nợ, các chủ nợ tham gia tái cơ cấu.
4. Kiểm tra, giám sát Ban chỉ đạo cổ phần hóa/tái cơ cấu và doanh nghiệp trong việc triển khai phương án tái cơ cấu.
5. Phê duyệt quyết toán kinh phí hỗ trợ lao động dôi dư, chi phí chuyển đổi doanh nghiệp và tiền thu từ cổ phần hóa/tái cơ cấu, đồng gửi về Bộ Tài chính (Cục Tài chính doanh nghiệp).
Điều 16. Trách nhiệm của các chủ nợ tham gia tái cơ cấu
1. Phối hợp với doanh nghiệp trong quá trình tổ chức triển khai phương án tái cơ cấu. Thực hiện xử lý tài chính cho doanh nghiệp tái cơ cấu theo cam kết và phương án tái cơ cấu đã được cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt.
2. Cử đại diện tham gia vào Ban chỉ đạo cổ phần hóa/tái cơ cấu và Tổ giúp việc để triển khai phương án tái cơ cấu (nếu cần).
3. Cử người đại diện phần vốn góp tại doanh nghiệp tái cơ cấu (nếu có) theo quy định.
4. Chịu trách nhiệm thực hiện theo đúng các quy định tại Thông tư này và các văn bản hướng dẫn có liên quan.
Điều 17. Điều khoản chuyển tiếp
Các doanh nghiệp tái cơ cấu đã được cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt phương án tái cơ cấu trước thời điểm Nghị định số 126/2017/NĐ-CP có hiệu lực thi hành thì tiếp tục thực hiện theo phương án tái cơ cấu đã được phê duyệt. Việc xử lý tài chính và quản lý, quyết toán số tiền thu từ cổ phần hóa/tái cơ cấu tại thời điểm doanh nghiệp chính thức chuyển thành công ty cổ phần thực hiện theo quy định tại Nghị định số 126/2017/NĐ-CP, Thông tư số 40/2018/TT-BTC, Thông tư số 41/2018/TT-BTC và hướng dẫn tại Thông tư này.
1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2018 và thay thế Thông tư số 194/2013/TT-BTC ngày 17/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn tái cơ cấu doanh nghiệp 100% vốn nhà nước không đủ điều kiện cổ phần hóa theo quy định tại Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần.
2. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Tài chính để nghiên cứu xem xét, xử lý./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
QUY TRÌNH CHUYỂN ĐỔI DOANH NGHIỆP TÁI CƠ CẤU THÀNH CÔNG TY CỔ PHẦN
(Ban hành kèm theo Thông tư số 69/2018/TT-BTC ngày 08/8/2018 của Bộ Tài chính)
Quy trình chuyển đổi doanh nghiệp tái cơ cấu thành công ty cổ phần bao gồm các bước công việc sau:
Bước 1. Xây dựng phương án tái cơ cấu
a) Triển khai kế hoạch tái cơ cấu, chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần
- Thành lập Ban chỉ đạo cổ phần hóa/tái cơ cấu và Tổ giúp việc.
+ Cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định thành lập Ban chỉ đạo cổ phần hoá/tái cơ cấu và kế hoạch, lộ trình triển khai.
+ Trưởng Ban chỉ đạo lựa chọn và ra quyết định thành lập Tổ giúp việc trong thời gian 5 ngày làm việc, kể từ ngày có quyết định thành lập Ban chỉ đạo.
+ Đối với trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 13 Thông tư này thì thành phần Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc bao gồm đại diện của Công ty Mua bán nợ và đại diện chủ nợ tham gia tái cơ cấu (nếu cần).
- Chuẩn bị các hồ sơ, tài liệu.
Ban chỉ đạo cổ phần hóa/tái cơ cấu chỉ đạo Tổ giúp việc phối hợp cùng với doanh nghiệp chuẩn bị hồ sơ, tài liệu liên quan bao gồm:
+ Các Hồ sơ pháp lý về thành lập doanh nghiệp.
+ Các Hồ sơ pháp lý về tài sản, nguồn vốn, công nợ của doanh nghiệp.
+ Báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán thuế của công ty đến thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp.
+ Lập dự toán chi phí chuyển đổi doanh nghiệp theo quy định.
+ Lập phương án sử dụng đất của doanh nghiệp đang quản lý phù hợp với quy định về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định của Chính.
+ Lập danh sách và phương án sử dụng lao động đang quản lý.
+ Lựa chọn phương pháp, hình thức xác định giá trị doanh nghiệp, lựa chọn thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp và các quy định hiện hành.
- Ban Chỉ đạo chỉ đạo Tổ giúp việc phối hợp cùng với doanh nghiệp chuẩn bị hồ sơ, tài liệu liên quan trình cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định phê duyệt dự toán chi phí chuyển đổi doanh nghiệp, quyết định lựa chọn tư vấn cổ phần hóa/tái cơ cấu theo quy định.
- Tổ chức kiểm kê, xử lý những vấn đề về tài chính và tổ chức xác định giá trị doanh nghiệp.
Doanh nghiệp phối hợp với tổ chức tư vấn (nếu có) tiến hành:
+ Kiểm kê, phân loại tài sản và quyết toán tài chính, quyết toán thuế, phối hợp với các cơ quan có liên quan xử lý những vấn đề về tài chính đến thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp.
+ Gửi phương án sử dụng đất đã được duyệt cùng toàn bộ hồ sơ có liên quan đến Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trên địa bàn để xin ý kiến về giá đất làm căn cứ để xác định giá trị doanh nghiệp.
+ Tổ chức xác định giá trị doanh nghiệp.
Ban Chỉ đạo cổ phần hoá/tái cơ cấu chỉ đạo Tổ giúp việc phối hợp cùng với doanh nghiệp tái cơ cấu và tổ chức tư vấn tổ chức xác định giá trị doanh nghiệp theo quy định. Trường hợp Tổ chức tư vấn có chức năng định giá thì có thể thuê chọn gói về lập phương án cổ phần hóa, xác định giá trị doanh nghiệp, tổ chức bán cổ phần.
- Quyết định việc đề nghị Công ty Mua bán nợ tham gia tái cơ cấu.
+ Ban chỉ đạo thẩm tra kết quả kiểm kê, phân loại tài sản và kết quả xác định giá trị doanh nghiệp; trường hợp giá trị thực tế của doanh nghiệp thấp hơn các khoản nợ phải trả thì cơ quan đại diện chủ sở hữu có văn bản đề nghị Công ty Mua bán nợ tham gia tái cơ cấu doanh nghiệp.
+ Công ty Mua bán nợ căn cứ báo cáo thẩm tra của Ban chỉ đạo về kết quả kiểm kê, phân loại tài sản và kết quả xác định giá trị doanh nghiệp để thực hiện các bước tiếp theo của quá trình tái cơ cấu nêu dưới đây.
b) Xây dựng phương án tái cơ cấu trình cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt
- Triển khai xây dựng phương án tái cơ cấu.
+ Trong thời gian 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị của cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt phương án tái cơ cấu, Công ty Mua bán nợ phối hợp với doanh nghiệp tái cơ cấu và các chủ nợ của doanh nghiệp tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng của doanh nghiệp tái cơ cấu.
+ Căn cứ kết quả khảo sát, Công ty Mua bán nợ chủ động phối hợp với doanh nghiệp tái cơ cấu đàm phán mua nợ với các chủ nợ và dự kiến phương án tái cơ cấu.
+ Trong thời gian 10 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc đàm phán, Công ty Mua bán nợ phải có văn bản thống nhất (hoặc không thống nhất) tham gia tái cơ cấu và đề xuất các nội dung cơ bản xác định điều kiện, giải pháp để thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp, gửi cơ quan đại diện chủ sở hữu. Trường hợp phương án mua bán nợ để tái cơ cấu không khả thi và hiệu quả (Công ty Mua bán nợ không thống nhất tham gia tái cơ cấu), Ban chỉ đạo cổ phần hóa/tái cơ cấu báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, quyết định chuyển sang thực hiện các hình thức chuyển đổi khác theo quy định của pháp luật.
+ Căn cứ ý kiến thống nhất và đề xuất của Công ty Mua bán nợ, cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, chấp thuận bằng văn bản và chỉ đạo doanh nghiệp tái cơ cấu phối hợp với Công ty Mua bán nợ và các chủ nợ xây dựng phương án tái cơ cấu hoặc thuê tổ chức tư vấn, đồng thời quyết định bổ sung thành phần Ban chỉ đạo cổ phần hóa/tái cơ cấu doanh nghiệp và Tổ giúp việc gồm: đại diện Công ty Mua bán nợ, đại diện các chủ nợ khác (nếu có).
- Hoàn tất phương án tái cơ cấu trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
+ Nội dung cơ bản của phương án tái cơ cấu bao gồm:
+ Thực trạng của doanh nghiệp ở thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp;
+ Kết quả xác định giá trị doanh nghiệp (sau khi được Công ty Mua bán nợ và các chủ nợ khảo sát, đánh giá) và những vấn đề cần tiếp tục xử lý để đảm bảo doanh nghiệp có đủ điều kiện cổ phần hóa.
+ Nội dung phương án xử lý tài chính thuộc trách nhiệm của Công ty Mua bán nợ và các chủ nợ theo đàm phán và cam kết của các bên.
+ Vốn điều lệ theo yêu cầu hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty cổ phần.
+ Phương án chuyển nợ thành vốn góp của Công ty Mua bán nợ và các chủ nợ; Phương án xử lý số cổ phần không bán hết.
+ Cơ cấu vốn điều lệ, giá khởi điểm và phương thức phát hành cổ phiếu theo quy định.
+ Dự thảo Điều lệ hoạt động của công ty cổ phần theo các quy định của Luật Doanh nghiệp và các văn bản pháp luật hiện hành.
+ Phương án sắp xếp lại lao động;
+ Phương án hoạt động sản xuất kinh doanh trong 3 - 5 năm tiếp theo.
+ Phương án sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Ban Chỉ đạo cổ phần hóa/tái cơ cấu chỉ đạo Tổ giúp việc cùng với doanh nghiệp phối hợp với tổ chức tư vấn (nếu có) thực hiện công khai phương án tái cơ cấu và gửi tới từng bộ phận trong công ty để nghiên cứu trước khi tổ chức Hội nghị người lao động (bất thường).
Sau Hội nghị người lao động, Tổ giúp việc, doanh nghiệp tái cơ cấu phối hợp với tổ chức tư vấn (nếu có) hoàn thiện phương án tái cơ cấu để trình cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt.
- Ban chỉ đạo cổ phần hóa/tái cơ cấu thẩm định kết quả xác định giá trị doanh nghiệp (sau khi xử lý các vấn đề tài chính theo đề nghị của Công ty Mua bán nợ và các chủ nợ), phương án tái cơ cấu báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt.
Bước 2. Tổ chức thực hiện phương án tái cơ cấu
1. Ban chỉ đạo cổ phần hóa/tái cơ cấu chỉ đạo doanh nghiệp phối hợp với các bên có liên quan và tổ chức tư vấn tổ chức thực hiện phương án tái cơ cấu và bán cổ phần theo phương án đã được duyệt.
2. Trường hợp không bán hết cổ phần cho các đối tượng theo đúng phương án tái cơ cấu được duyệt, Ban chỉ đạo tái cơ cấu báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định xử lý cổ phần không bán hết theo quy định tại Điều 8 Thông tư này.
Bước 3. Hoàn tất việc chuyển doanh nghiệp thành công ty cổ phần
1. Tổ chức Đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất và đăng ký doanh nghiệp.
a) Ban Chỉ đạo cổ phần hóa/tái cơ cấu chỉ đạo Tổ giúp việc, doanh nghiệp tái cơ cấu tổ chức Đại Hội đồng cổ đông lần thứ nhất để thông qua Điều lệ hoạt động, phương án sản xuất kinh doanh, bầu Hội đồng quản trị, ban Kiểm soát và bộ máy điều hành công ty cổ phần.
b) Căn cứ vào kết quả Đại Hội đồng cổ đông lần thứ nhất, Hội đồng quản trị công ty cổ phần thực hiện đăng ký doanh nghiệp theo quy định.
2. Tổ chức quyết toán, bàn giao giữa doanh nghiệp và công ty cổ phần.
a) Trong thời gian 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu, Ban Chỉ đạo cổ phần hóa/tái cơ cấu chỉ đạo Tổ giúp việc và doanh nghiệp lập báo cáo tài chính tại thời điểm công ty cổ phần được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu, thực hiện quyết toán thuế, kiểm toán báo cáo tài chính, quyết toán chi phí chuyển đổi doanh nghiệp, báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu.
b) Căn cứ kết quả xác định lại giá trị vốn của doanh nghiệp tại thời điểm đăng ký doanh nghiệp, Ban Chỉ đạo cổ phần hóa/tái cơ cấu chỉ đạo Tổ giúp việc và doanh nghiệp tổ chức bàn giao giữa doanh nghiệp và công ty cổ phần.
c) Tổ chức ra mắt công ty cổ phần và thực hiện bố cáo trên phương tiện thông tin đại chúng theo quy định.
Trong quá trình thực hiện, cơ quan đại diện chủ sở hữu, Ban chỉ đạo cổ phần hóa/tái cơ cấu, Tổ giúp việc và doanh nghiệp có thể tiến hành đồng thời nhiều bước để đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu doanh nghiệp./.