Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

CƠ CHẾ

RÀ SOÁT CHÍNH SÁCH THƯƠNG MẠI - TPRM

Các thành viên,bằng phụ lục này,thỏa thuận như sau:

A. CÁC MỤC TIÊU

 (i) Mục đích của Cơ chế Rà soát Chính sách Thương mại (“TPRM”) là nhằm làm cho các Thành viên tuân thủ triệt để các quy tắc, nguyên tắc và cam kết được ghi nhận trong các Hiệp định Thương mại Đa biên và các Hiệp định Thương mại Nhiều bên khi các Hiệp định này có thể được áp dụng, nhờ đó hệ thống thương mại đa biên vận hành suôn sẻ hơn, đạt được sự minh bạch hơn và hiểu biết nhiều hơn về các chính sách và thực tiễn thương mại của các Thành viên. Theo đó, cơ chế rà soát cho phép đánh giá và thẩm định tập thể thường xuyên toàn bộ phạm vi chính sách và thực tiễn thương mại của từng thành viên và tác động của chúng đối với sự vận hành của hệ thống thương mại đa biên. Tuy nhiên, Phụ lục này không nhằm tạo ra cơ sở cho việc thi hành các nghĩa vụ cụ thể theo các Hiệp định hoặc theo các thủ tục giải quyết tranh chấp, hoặc để áp đặt các cam kết chính sách mới đối với các Thành viên.

 (ii) Việc đánh giá theo cơ chế rà soát sẽ được tiến hành, trong phạm vi thích hợp, trong bối cảnh chung của các nhu cầu, chính sách và mục tiêu kinh tế và phát triển của Thành viên liên quan, cũng như môi trường bên ngoài của nước Thành viên này. Tuy nhiên, chức năng của cơ chế rà soát là xem xét tác động của các chính sách và thực tiễn thương mại của một Thành viên đối với hệ thống thương mại đa biên.

B. SỰ MINH BẠCH NỘI ĐỊA

Các Thành viên thừa nhận giá trị cố hữu của các quyết sách thương mại minh bạch nội địa của chính phủ cho cả nền kinh tế của các Thành viên và hệ thống thương mại đa biên, và đồng ý khuyến khích và tăng cường sự minh bạch hơn nữa trong các hệ thống của họ, công nhận rằng việc thực hiện minh bạch nội địa phải dựa trên cơ sở tự nguyện và có tính đến hệ thống chính trị và pháp luật của mỗi Thành viên.

C. CÁC THỦ TỤC RÀ SOÁT

 (i) Cơ quan Rà soát Chính sách Thương mại (dưới đây gọi là “TPRB”) được thành lập để tiến hành việc rà soát chính sách thương mại.

 (ii) Các chính sách và thực tiễn thương mại của tất cả các Thành viên sẽ được rà soát định kỳ. Tác động của từng Thành viên đối với chức năng của hệ thống thương mại đa biên, được xác định theo thị phần của họ trong thương mại thế giới trong một giai đoạn tiêu biểu gần nhất, sẽ là nhân tố xác định việc quyết định về tần suất rà soát. Bốn thực thể thương mại đầu tiên đã được xác định như thế (Cộng đồng Châu âu được tính là một) sẽ được rà soát 2 năm một lần. Mười sáu thực thể thương mại tiếp sau sẽ được rà soát 4 năm một lần. Các Thành viên khác được rà soát 6 năm một lần, trừ trường hợp có thể áp dụng một giai đoạn dài hơn cho các nước Thành viên kém phát triển nhất. Điều này được hiểu rằng việc rà soát các thực thể có một chính sách đối ngoại chung áp dụng cho hai hoặc nhiều Thành viên sẽ bao hàm tất cả các thành tố cấu thành chính sách ảnh hưởng đến thương mại, kể cả các thực tiễn và chính sách có liên quan của từng Thành viên. Trừ trường hợp những thay đổi trong các thực tiễn và chính sách thương mại của một Thành viên có thể tác động đáng kể đến các đối tác thương mại của thành viên này, Thành viên có liên quan có thể được TPRB yêu cầu, sau khi đã tham vấn, trình các tài liệu về sự thay đổi đó trước khi có lần rà soát tiếp theo.

 (iii) Những thảo luận trong các cuộc họp của TPRB được điều chỉnh bởi các mục tiêu quy định tại đoạn A. Trọng tâm của những cuộc thảo luận này sẽ tập trung vào các thực tiễn và chính sách thương mại của Thành viên thuộc đối tượng được đánh giá theo cơ chế rà soát này.

 (iv) TPRB sẽ lập một kế hoạch cơ bản để tiến hành các cuộc rà soát. TPRB cũng có thể thảo luận và lập bản ghi nhớ về những báo cáo đã được các Thành viên cập nhật. TPRB sẽ lập một chương trình rà soát hàng năm có tham vấn với các Thành viên có liên quan trực tiếp. Khi tham vấn với Thành viên hoặc các Thành viên được rà soát, Chủ tịch có thể chọn người tham gia thảo luận, những người này sẽ tham gia với tư cách cá nhân, để trình bày những cuộc thảo luận đó trong TPRB.

 (v) TPRB sẽ tiến hành công việc của mình dựa trên các tài liệu sau:

 (a) một báo cáo đầy đủ, nêu tại đoạn D, do một Thành viên hoặc các Thành viên được rà soát cung cấp;

 (b) một báo cáo, được Ban Thư ký soạn thảo, dựa trên thông tin có sẵn do một Thành viên hoặc các Thành viên có liên quan cung cấp. Ban Thư ký sẽ yêu cầu một hoặc các Thành viên có liên quan làm rõ các thực tiễn và chính sách thương mại của họ.

 (vi) Những báo cáo của Thành viên được rà soát và báo cáo của Ban Thư ký, cùng với các biên bản cuộc họp liên quan của TPRB, sẽ nhanh chóng được công bố sau khi rà soát.

 (vii) Những tài liệu này sẽ được chuyển cho Hội nghị Bộ trưởng để xem xét.

D. BÁO CÁO

Để đạt được sự minh bạch ở cấp độ cao nhất có thể, mỗi Thành viên phải báo cáo thường xuyên cho TPRB. Những báo cáo đầy đủ phải mô tả được các thực tiễn và chính sách thương mại mà Thành viên hoặc các Thành viên liên quan áp dụng, dựa trên một mẫu thống nhất đã được TPRB quyết định. Mẫu này ban đầu sẽ dựa vào Mẫu Đề cương cho các Báo cáo Quốc gia được lập theo Quyết định ngày 19/7/1989 (BISD 36S/406-409), sẽ được bổ sung khi cần thiết để mở rộng nội dung của các báo cáo về tất cả các khía cạnh của các chính sách thương mại thuộc sự điều chỉnh của các Hiệp định Thương mại Đa biên trong Phụ lục 1 và, nếu có thể, thuộc sự điều chỉnh của các Hiệp định Thương mại Nhiều bên. Mẫu này có thể được TPRB xem xét lại theo kinh nghiệm. Giữa các cuộc rà soát, các Thành viên sẽ trình bày các báo cáo vắn tắt khi có bất kỳ các thay đổi đáng kể trong các chính sách thương mại của họ; những thông tin số liệu cập nhật hàng năm sẽ được cung cấp theo mẫu đã thoả thuận. Sự quan tâm đặc biệt đối với những khó khăn của những nước Thành viên kém phát triển nhất trong việc biên soạn các báo cáo của họ. Ban Thư ký sẽ sẵn sàng trợ giúp kỹ thuật theo yêu cầu của các Thành viên đang phát triển, đặc biệt đối với các Thành viên kém phát triển nhất. Các thông tin trong các báo cáo ở mức độ tối đa có thể nên được kết hợp với các thông báo được thực hiện theo các điều khoản của các Hiệp định Thương mại Đa biên, nếu có thể, thì thực hiện theo cả các điều khoản của các Hiệp định Thương mại Nhiều bên.

E. MỐI QUAN HỆ VỚI CÁC QUY ĐỊNH VỀ CÁN CÂN THANH TOÁN CỦA GATT 1994 VÀ GATS

Các Thành viên thừa nhận sự cần thiết giảm thiểu gánh nặng đối với các chính phủ phải đạt được sự tham vấn đầy đủ theo các điều khoản về cán cân thanh toán của GATT 1994 hoặc GATS. Nhằm mục đích này, Chủ tịch của TPRB, có tham vấn với một hoặc các Thành viên liên quan, cùng với Chủ tịch của Uỷ ban về các Hạn chế Cán cân Thanh toán, xây dựng các thoả thuận hành chính để hài hoà chu kỳ bình thường của các cuộc rà soát chính sách thương mại với thời gian biểu cho các cuộc tham vấn về cán cân thanh toán nhưng không trì hoãn việc rà soát chính sách thương mại quá 12 tháng.

F. ĐÁNH GIÁ CƠ CHẾ

TPRB sẽ thực hiện việc đánh giá về hoạt động của TPRM không chậm hơn 5 năm sau khi Hiệp định Thành lập WTO có hiệu lực. Các kết quả của việc đánh giá sẽ được trình lên Hội nghị Bộ trưởng. TPRB có thể thực hiện các đánh giá tiếp theo về TPRB trong khoảng thời gian do TPRB tự quyết định hoặc theo yêu cầu của Hội nghị Bộ Trưởng.

G. ĐÁNH GIÁ CHUNG VỀ SỰ PHÁT TRIỂN TRONG MÔI TRƯỜNG THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ

TPRB cũng sẽ tiến hành việc đánh giá chung hàng năm về sự phát triển trong môi trường thương mại quốc tế có tác động đến hệ thống thương mại đa biên. Việc đánh giá chung này sẽ được sự hỗ trợ của báo cáo hàng năm của Tổng Thư ký trong đó có nêu ra những hoạt động chính của WTO và các vấn đề chính sách quan trọng nổi bật ảnh hưởng đến hệ thống thương mại.

(Các văn bản này chỉ có giá trị tham khảo. Ngày ban hành trong văn bản này chỉ mang tính tương đối).