Có được bổ sung thêm thông tin tên cha trong giấy khai sinh?
Ngày gửi: 07/08/2015 lúc 23:02:24
Câu hỏi:
Từ nhỏ em sinh ra thì trong giấy khai sinh không có tên cha. Nay muốn bổ sung tên cha vào giấy khai sinh thì phải làm sao? Nếu bây giờ bổ sung tên cha mà cha lại mang họ khác thì em vẫn giữ nguyên họ mẹ và chỉ bổ sung tên cha vào khai sinh thôi đúng không? Xin cám ơn!
Câu trả lời tham khảo:
Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:
1. Căn cứ pháp lý
2. Nội dung tư vấn
Theo thông tin bạn cung cấp, bạn sinh ra từ nhỏ nhưng trong giấy khai sinh của bạn không có thể cha. Trong trường hợp này, do bạn không nói rõ mối quan hệ của bạn và cha của bạn như thế nào, đã thực hiện thủ tục nhận cha cho con hay chưa, nên xác định những trường hợp như sau:
Trường hợp nếu bạn và cha bạn chưa thực hiện thủ tục đăng ký nhận cha cho con thì trước khi bổ sung tên cha trong giấy khai sinh, bạn và cha bạn thực hiện thủ tục nhận cha, con theo quy định của pháp luật.
Điều 24 Luật Hộ tịch 2014 quy định:
“Điều 24. Thẩm quyền đăng ký nhận cha, mẹ, con
Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người nhận hoặc người được nhận là cha, mẹ, con thực hiện đăng ký nhận cha, mẹ, con.”
Trình tự thực hiện như sau:
– Người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con nộp tờ khai theo mẫu quy định và chứng cứ chứng minh quan hệ cha con hoặc mẹ con cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Khi đăng ký nhận cha, mẹ, con các bên phải có mặt.
Chứng cứ để chứng minh quan hệ cha, mẹ, con được hướng dẫn bởi Điều 11 Thông tư 15/2015/TT-BTP gồm có:
Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con.
Trường hợp không có văn bản của cơ quan y tế hoặc giám định thì phải có thư từ, phim ảnh, băng, đĩa, đồ dùng, vật dụng khác chứng minh mối quan hệ cha con, quan hệ mẹ con và văn bản cam đoan của cha, mẹ về việc trẻ em là con chung của hai người, có ít nhất hai người thân thích của cha, mẹ làm chứng.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, nếu thấy việc nhận cha, mẹ, con là đúng và không có tranh chấp, công chức tư pháp – hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, cùng người đăng ký nhận cha, mẹ, con ký vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu.
Sau khi thực hiện thủ tục nhận cha con hoặc trước đó bạn và cha bạn đã nhận cha con thì thực hiện thủ tục bổ sung hộ tịch:
Khoản 13 Điều 4 Luật Hộ tịch 2014 quy định:
13. Bổ sung hộ tịch là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền cập nhật thông tin hộ tịch còn thiếu cho cá nhân đã được đăng ký.
Việc bổ sung hộ tịch được thực hiện tại ủy ban nhân dân cấp xã nơi đã đăng ký hộ tịch trước đây hoặc nơi cư trú của cá nhân đối với trường hợp người chưa 14 tuổi; công dân Việt Nam cư trú ở trong nước.
Thủ tục bổ sung thông tin cha bạn vào giấy khai sinh như sau:
Người yêu cầu nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy tờ liên quan cho cơ quan đăng ký hộ tịch.
Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ, nếu thấy yêu cầu bổ sung hộ tịch là đúng, công chức tư pháp – hộ tịch ghi nội dung bổ sung vào mục tương ứng trong Sổ hộ tịch, cùng người yêu cầu ký tên vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu. Trong trường hợp này, bổ sung tên cha vào giấy khai sinh của bạn ( trước đó trống tên cha), Công chức tư pháp- hộ tịch
ghi nội dung bổ sung vào mục tương ứng và đóng dấu vào nội dung bổ sung.
Về việc thay đổi họ của cá nhân.
Điều 27 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về các trường hợp đổi họ như sau:
“Điều 27. Quyền thay đổi họ
1. Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi họ trong trường hợp sau đây:
a) Thay đổi họ cho con đẻ từ họ của cha đẻ sang họ của mẹ đẻ hoặc ngược lại;
b) Thay đổi họ cho con nuôi từ họ của cha đẻ hoặc mẹ đẻ sang họ của cha nuôi hoặc họ của mẹ nuôi theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi;
c) Khi người con nuôi thôi làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại họ cho người đó theo họ của cha đẻ hoặc mẹ đẻ;
d) Thay đổi họ cho con theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc của con khi xác định cha, mẹ cho con;
….
2. Việc thay đổi họ cho người từ đủ chín tuổi trở lên phải có sự đồng ý của người đó.
3. Việc thay đổi họ của cá nhân không làm thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự được xác lập theo họ cũ.”
Như vậy, việc thay đổi họ trong trường hợp khi xác định cha, mẹ cho con được thực hiện khi có yêu cầu của cha đẻ hoặc mẹ đẻ; trong trường hợp bạn từ đủ 9 tuổi trở lên thì phải có sự đồng ý của bạn.
Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.
Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.
Trân trọng cảm ơn.
BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam
Gửi yêu cầu tư vấn
Chi tiết xin liên hệ:
Tổng đài: 024.6294.9155
Hotline: 0984.988.691