Hệ thống pháp luật

Cơ quan nào giải quyết đăng ký khai sinh lại?

Ngày gửi: 07/08/2015 lúc 23:02:24

Mã số: HTPL31383

Câu hỏi:

Xin chào, tôi tên Châu Hoàng, tôi có nhu cầu về Giấy khai sinh, xin nhờ luật sư tư vấn giúp. Trường hợp của tôi như sau: Tôi sinh ngày 6/5/1975 ở Thừa Thiên Huế, hiện còn giữ duy nhất 1 bản sao khai sinh rất mờ. Vừa qua, ba tôi ở Huế đến phường Phú Cát (Huế) để xin cấp lại khai sinh cho tôi thì được cán bộ trả lời là hồ sơ trước 1978 hiện đã bị thất lạc nên không cấp được.Đồng thời bảo ba tôi kêu tôi xin cấp lại ở địa phương hiện tôi đang cư ngụ (Bình Thạnh, TPHCM). Cán bộ đó có cho ba tôi bản sao công văn số 248/PTP-TH của phòng tư pháp TP Huế hướng dẫn nghiệp vụ hộ tịch và chứng thực, trong đó có đề cập đến Điều 26 Nghị định 123/2015/NĐ-CP. Hiện tại tôi đang rất phân vân và không hiểu tại sao cán bộ ở Huế lại đẩy phần việc này lại cho địa phương tôi đang cư ngụ. Và tôi không biết rằng liệu có bị cán bộ nơi cư ngụ mắng không vì rõ ràng là họ không có thông tin để cấp lại khai sinh cho tôi. Kính nhờ luật sư tư vấn dùm trong trường hợp này tôi cần phải làm gì, ở đâu để có lại giấy khai sinh. Xin chân thành cảm ơn sự giúp đỡ của luật sư. Bên cạnh đó, xin hỏi để đăng ký cha mẹ ruột là người phụ thuộc trong việc khai báo thuế thì ngoài giấy khai sinh, hộ khẩu thì có thể sử dụng giấy tờ nào được ạ? Vì hộ khẩu của ba mẹ tôi hiện giờ cũng không có tên tôi. 

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

1. Căn cứ pháp lý

Nghị định 123/2015/NĐ-CP

Thông tư số 111/2013/TT-BTC

2. Nội dung tư vấn

Thứ nhất, về cơ quan có thẩm quyền giải quyết đăng ký lại khai sinh

Điều 24 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định về điều kiện đăng ký lại khai sinh:

Ở đây, bạn đã làm mất bản chính giấy khai sinh và hồ sơ khai sinh cũng không còn nên bạn được đăng ký lại việc khai sinh

Khoản 1 Điều 25 Nghị định 123/2015/NĐ-CP Quy định về thẩm quyền đăng ký lại giấy khai sinh như sau:

1. Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi đã đăng ký khai sinh, kết hôn trước đây hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người yêu cầu thường trú, thực hiện đăng ký lại khai sinh, kết hôn.

Như vậy, cơ quan có thẩm quyết giải quyết đăng ký lại khai sinh là Ủy ban nhân dân cấp xã nơi trước đây bạn đăng ký khai sinh hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi bạn đang thường trú. Theo đó, khi đăng ký lại khai sinh bạn có thể lựa chọn thực hiện tại một trong hai cơ quan này và cơ quan được yêu cầu có trách nhiệm giải quyết cho bạn. 

Thủ tục đăng ký lại khai sinh được quy định tại Điều 26 Nghị định 123/2015/NĐ-CP như sau:

"1. Hồ sơ đăng ký lại khai sinh gồm các giấy tờ sau đây:

a) Tờ khai theo mẫu quy định, trong đó có cam đoan của người yêu cầu về việc đã đăng ký khai sinh nhưng người đó không lưu giữ được bản chính Giấy khai sinh;

b) Bản sao toàn bộ hồ sơ, giấy tờ của người yêu cầu hoặc hồ sơ, giấy tờ, tài liệu khác trong đó có các thông tin liên quan đến nội dung khai sinh của người đó;

c) Trường hợp người yêu cầu đăng ký lại khai sinh là cán bộ, công chức, viên chức, người đang công tác trong lực lượng vũ trang thì ngoài các giấy tờ theo quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản này phải có văn bản xác nhận của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị về việc những nội dung khai sinh của người đó gồm họ, chữ đệm, tên; giới tính; ngày, tháng, năm sinh; dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha – con, mẹ – con phù hợp với hồ sơ do cơ quan, đơn vị đang quản lý.

2. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, công chức tư pháp – hộ tịch kiểm tra, xác minh hồ sơ. Nếu việc đăng ký lại khai sinh là đúng theo quy định của pháp luật thì công chức tư pháp – hộ tịch thực hiện đăng ký lại khai sinh như trình tự quy định tại Khoản 2 Điều 16 của Luật Hộ tịch.

Nếu việc đăng ký lại khai sinh được thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã không phải là nơi đã đăng ký khai sinh trước đây thì công chức tư pháp – hộ tịch báo cáo chủ tịch ủy ban nhân dân có văn bản đề nghị ủy ban nhân dân nơi đăng ký khai sinh trước đây kiểm tra, xác minh về việc lưu giữ sổ hộ tịch tại địa phương.

Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, ủy ban nhân dân nơi đã đăng ký khai sinh trước đây tiến hành kiểm tra, xác minh và trả lời bằng văn bản về việc còn lưu giữ hoặc không lưu giữ được sổ hộ tịch.

3. Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kết quả xác minh về việc không còn lưu giữ được sổ hộ tịch tại nơi đã đăng ký khai sinh, nếu thấy hồ sơ đầy đủ, chính xác, đúng quy định pháp luật công chức tư pháp – hộ tịch thực hiện việc đăng ký lại khai sinh như quy định tại Khoản 2 Điều 16 của Luật Hộ tịch".

>>> Luật sư tư vấn pháp luật hành chính qua tổng đài: 024.6294.9155

Thứ hai, giấy tờ chứng minh người phụ thuộc

Về vấn đề đăng ký cha mẹ ruột là người phụ thuộc trong việc khai báo thuế được quy định cụ thể tại Thông tư số 111/2013/TT-BTC thì hồ sơ chứng minh bao gồm: 

– Bản chụp chứng minh thư

– Giấy tờ hợp pháp để chứng minh quan hệ của người phụ thuộc với người nộp thuế như bản sao sổ hộ khẩu (nếu có cùng hộ khẩu), giấy khai sinh, quyết định công nhận việc nhận cha, mẹ, con của cơ quan có thẩm quyền. 

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn