Ta có thể thấy, ngoài hai hình thức ly hôn là thuận tình do hai bên cùng hỏa thuận và hình thức ly hôn đơn phương theo yêu cầu của một bên thì bên thứ ba là cha, mẹ, người thân thích khi đáp ứng được các điều kiện nêu trên thì vẫn có thể yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn cho cặp vợ chồng.
3.2. Quyền yêu cầu ly hôn khi con chưa đủ 01 tuổi:
Theo các quy định nêu trên người chồng không thể yêu cầu ly hôn đơn phương khi vợ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Tuy nhiên nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây thì các bên vẫn có thể ly hôn khi con chưa đủ 12 tháng tuổi:
Hai vợ chồng cùng thỏa thuận và yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn tức là ly hôn thuận tình;
Người vợ là người yêu cầu ly hôn đơn phương đối với người chồng vì trường hợp này pháp luật không có quy định ngăn cấm.
Còn lại nếu không thuộc hai trường hợp trên thì bắt buộc phải chờ con trên 12 tháng tuổi và có lý do chính đáng theo quy định thì người chồng mới có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết thủ tục ly hôn đơn phương.
4. Thủ tục ly hôn khi con dưới 1 tuổi
– Bước 1, chuẩn bị hồ sơ:
Một trong hai bên vợ hoặc chồng hoặc cả hai trong trường hợp ly hôn thuận tình chuẩn bị các tài liệu, giấy tờ tập hợp thành 01 bộ hồ sơ sau:
Đơn khởi kiện yêu cầu ly hôn. Đối với mẫu đơn người dân có thể đến trực tiếp Tòa án nhân dân cấp huyện để lấy hoặc tìm hiểu thông tin về mẫu đơn trên mạng internet;
Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (bản chính hoặc nếu không có bản chính thì có thể liên hệ cơ quan có thẩm quyền để xin cấp trích lục bản sao từ sổ gốc);
Giấy chứng minh nhân dân, Thẻ Căn cước công dân của vợ và chồng (cung cấp bản sao có chứng thực);
Sổ hộ khẩu của vợ và chồng (nộp bảo sao có chứng thực);
Giấy khai sinh của các con chung nếu có (bản sao có chứng thực);
Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu đối với các tài sản chung nếu có (nộp bản sao có chứng thực);
Các giấy tờ, tài liệu chứng minh cho lý do ly hôn trong trường hợp ly hôn theo yêu cầu của một bên; các tài liệu, chứng cứ chứng minh điều kiện của bản thân nếu có tranh chấp về quyền nuôi con.
– Bước 2, nộp hồ sơ:
Sau khi chuẩn bị xong 01 bọ hồ sơ bao gồm các giấy tờ, tài liệu nêu trên thì người yêu cầu ly hôn nộp hồ sư cho Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của luật để giải quyết. Đầu tiên các bên sẽ phải gửi đến Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh để giải quyết sơ thẩm, nếu một trong các bên kháng cáo hoặc Viện kiểm sát nhân dân cấp có thẩm quyền kháng nghị thì sẽ tiếp tục giải quyết tại Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Hình thức nộp hồ sơ có thể là nộp trực tiếp tại Tòa án hoặc nộp bằng đường bưu điện.
Thẩm quyền giải quyết của Tòa án khi ly hôn được xác định theo quy định tại Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, cụ thể như sau:
Đối với trường hợp ly hôn thuận tình: Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cư trú (bao gồm nơi đăng ký hộ khẩu thường trú và nơi tạm trú) hoặc Tòa án nhân dân nơi làm việc một trong các bên vợ chồng. Việc lựa chọn Tòa án sẽ do hai vợ chồng tự thỏa thuận với nhau.
Đối với trường hợp ly hôn theo yêu cầu của một bên: Tòa án nhân dân nơi bị đơn cư trú hoặc làm việc sẽ có thẩm quyền giải quyết.
– Bước 3, giải quyết ly hôn:
Bộ phận tiếp nhận đơn của Tòa án tiến hành tiếp nhận, sau đó chuyển cho Thẩm phán được Chánh án Tòa án phân công giải quyết để xem xét hồ sơ, giấy tờ, tài liệu, chứng cứ kèm theo.
Sau khi xem xét hồ sơ, Thẩm phán sẽ ra thông báo thụ lý hoặc không thụ lý vụ việc. Trong trường hợp nếu không thụ lý thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do chính đáng.
Nếu vụ việc được Tòa án chấp nhận giải quyết thì các bên đương sự tiến hành việc nộp tiền tạm ứng án phí, lệ phí theo quy định của luật.
Thủ tục hòa giải:
Sau khi các bên đương sự hoàn tất nghĩa vụ về án phí thì Tòa án thực hiện thủ tục hòa giải. Nếu hòa giải thành thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ việc, các bên tiếp tục quan hệ hôn nhân. Nếu hòa giải không thành thì Thẩm phán ra quyết định đưa vụ án ra xét xử hoặc Quyết định công nhận thuận tình ly hôn cho các bên.
Xét xử: Sau khi có kết quả là hòa giải không thành và quyết định đưa vụ án ra xét xử thì Tòa án thực hiện các bước chuẩn bị xét xử theo quy định của luật và tiến hành mở phiên tòa xét xử.
– Bước 4, ban hành bản án, quyết định công nhận thuận tình ly hôn:
Kết quả cuối cùng của quá trình giải quyết ly hôn là bản án hoặc quyết định của Tòa án. Trường hợp ly hôn thuận tình Tòa án sẽ ra Quyết định công nhận thuận tình ly hôn, còn nếu ly hôn theo yêu cầu của một bên thì Tòa án sẽ ra bản án.
Thông thường, căn cứ vào mức độ, tính chất của từng vụ việc cụ thể mà thời gian để giải quyết một vụ án đơn phương ly hôn có thể kéo dài từ 2 tháng đến 6 tháng và thời gian giải quyết thuận tình ly hôn là khoảng 01 tháng đến 02 tháng.
5. Thời điểm chấm dứt hôn nhân và trách nhiệm gửi bản án, quyết định ly hôn
Theo quy định quan hệ hôn nhân chấm dứt kể từ ngày mà bản án hoặc quyết định công nhận thuận tình ly hôn của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Đối với cấp xét xử sơ thẩm thì bản án sẽ có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày tuyên án, 07 ngày kể từ ngày ban hành quyết định công nhận thuận tình ly hôn mà không có kháng cáo hoặc kháng nghị.
Sau khi Tòa án đã giải quyết ly hôn và bản án, quyết định công nhận thuận tình ly hôn đã có hiệu lực pháp luật thì Tòa án phải có trách nhiệm gửi những văn bản này cho các bên đương sự; cơ quan trước đây đã thực hiện việc đăng ký kết hôn của các bên để tiến hành thủ tục ghi nội dung ly hôn vào sổ hộ tịch; các cá nhân, tổ chức, cơ quan khác theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự và các luật khác có liên quan.