Hệ thống pháp luật

Công chức được cử đi học, bồi dưỡng ở nước ngoài có phải đóng BHXH?

Ngày gửi: 18/10/2020 lúc 23:02:24

Mã số: HTPL38760

Câu hỏi:

Chính sách đối công chức, viên chức được cử đi nước ngoài? Được cử đi học nước ngoài có phải đóng bảo hiểm xã hội không? Chế độ cho người được cử đi học nước ngoài?

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

Để phục vụ nhu cầu của từng đơn vị nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, cũng như kiến thức, kỹ năng thực hiện nhiệm nhiệm vụ thì hằng năm các cơ quan đơn vị sẽ có chủ trương đưa cán bộ, công chức, viên chức ra nước ngoài đào tạo. Những đối tượng này khi tham gia đi đào tạo sẽ phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật.

Với mục đích cuối cùng là phục vụ sự phát triển của đất nước nên trong quá trình học tập đào tạo của cán bộ, công chức cũng là quá trình cống hiến cho đất nước nên những đối tượng này sẽ được đảm bảo các chế độ quyền lợi về tiền lương, bảo hiểm xã hội. Các chế độ này có ý nghĩa rất quan trọng nhằm ổn định đời sống vật chất cũng như động viên tinh thần cho người được đào tạo yên tâm học tập. Việc tổ chức bồi dưỡng ở nước ngoài phải bảo đảm công khai, minh bạch, chất lượng và hiệu quả. Việc cử cán bộ, công chức, viên chức đi bồi dưỡng ở nước ngoài phải bảo đảm phù hợp với nhu cầu của cơ quan, đơn vị.

1. Đối tượng được áp dụng cử đi đào tạo, bồi dưỡng

Theo nhu cầu của từng cơ quan, đơn vị thì cơ quan đơn vị đó có quyền được lựa chọn những  quốc gia có nền hành chính hiện đại, có kinh nghiệm quản lý về lĩnh vực cần học tập, nghiên cứu có thể áp dụng ở Việt nam để cử cán bộ, công chức, viên chức đi bồi dưỡng ở nước ngoài. Việc tổ chức bồi dưỡng ở nước ngoài phải đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch chất lượng và hiệu quả. Đối tượng áp dụng được cử đi đào tạo, học tập ở nước ngoài:

– Cán bộ trong các cơ quan nhà nước;

– Công chức trong các cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương; ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là cấp tỉnh); ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là cấp huyện); công chức xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là cấp xã); công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý đơn vị sự nghiệp công lập;

– Viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập

Về nguyên tắc cử công chức đi đào tạo, bồi dưỡng nước ngoài  căn cứ theo điều 3 Nghị định 101/2017/NĐ-CP như sau:

Đào tạo, bồi dưỡng phải căn cứ vào tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức; tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý; vị trí việc làm; gắn với công tác sử dụng, quản lý cán bộ, công chức, viên chức, phù hợp với kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và nhu cầu xây dựng, phát triển nguồn nhân lực của cơ quan, đơn vị. Thực hiện phân công, phân cấp trong tổ chức bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức, tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý; kết hợp phân công và cạnh tranh trong tổ chức bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí việc làm. Đề cao ý thức tự học và việc lựa chọn chương trình bồi dưỡng theo yêu cầu vị trí việc làm của cán bộ, công chức, viên chức.

Trách nhiệm và nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức được cử đi bồi dưỡng ở nước ngoài:  Chấp hành đầy đủ quy định về quản lý đoàn và cán bộ, công chức, viên chức đi học tập, nghiên cứu ở nước ngoài; tuân thủ sự chỉ đạo của trưởng đoàn; Chấp hành luật pháp, tôn trọng phong tục tập quán, truyền thống văn hóa của nước đến học tập, nội quy của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng và cơ sở lưu trú; Báo cáo kết quả học tập theo quy định

2. Quy định về điều kiện  bồi dưỡng ở nước ngoài của công chức

Công chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng  ở nước ngoài, tại Điều 32 Nghị định 101 năm 2017, Chính phủ quy định khi công chức đủ điều kiện được đi gồm:

1. Đối với các khóa bồi dưỡng có thời gian dưới 01 tháng, cán bộ, công chức, viên chức phải còn đủ tuổi để công tác ít nhất 18 tháng tính từ khi khóa bồi dưỡng bắt đầu.

2. Đối với các khóa bồi dưỡng có thời gian từ 01 tháng trở lên, cán bộ, công chức, viên chức phải còn đủ tuổi để công tác ít nhất 02 năm tính từ khi khóa bồi dưỡng bắt đầu.

3. Không trong thời gian xem xét, xử lý kỷ luật hoặc trong thời gian thi hành kỷ luật từ khiển trách trở lên; không thuộc trường hợp chưa được xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định của pháp luật.

4. Cán bộ, công chức, viên chức được cử đi bồi dưỡng phải hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong năm trước liền kề.

5. Chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ, công chức, viên chức được cử đi bồi dưỡng phải phù hợp với nội dung của khóa bồi dưỡng.

6. Có sức khỏe bảo đảm đáp ứng yêu cầu khóa bồi dưỡng”

Như vậy đối với các công chức muốn đi đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài thì trong từng khoảng thời gian nhất định thì phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

– Đối với các khóa bồi dưỡng có thời gian dưới 01 tháng, cán bộ, công chức, viên chức phải còn đủ tuổi để công tác ít nhất 18 tháng tính từ khi khóa bồi dưỡng bắt đầu.

– Đối với các khóa bồi dưỡng có thời gian từ 01 tháng trở lên, cán bộ, công chức, viên chức phải còn đủ tuổi để công tác ít nhất 02 năm tính từ khi khóa bồi dưỡng bắt đầu.

3. Chế độ của công chức khi được cử đi đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài

Căn cứ theo quy định tại Nghị định 204/2004/NĐ-CP về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang được cử đi học ở nước ngoài như sau:

“Điều 8. Chế độ trả lương

4. Cán bộ, công chức, viên chức trong biên chế trả lương của cơ quan, đơn vị và các đối tượng hưởng lương thuộc lực lượng vũ trang được cử đi công tác, làm việc, học tập ở nước ngoài từ 30 ngày liên tục trở lên hưởng sinh hoạt phí do Nhà nước đài thọ hoặc hưởng lương, hưởng sinh hoạt phí do nước ngoài, tổ chức quốc tế đài thọ thì trong thời gian ở nước ngoài được hưởng 40% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).

Trường hợp, người công chức  là người lao động được ký kết thông qua hợp đồng thì để xác định bạn có được hưởng lương và mức lương như thế nào sẽ phải căn cứ vào việc bạn được cử đi có thông qua hình thức ký kết hợp đồng đào tạo hay không. Đồng thời, sẽ dựa vào sự thỏa thuận của các bên thể hiện trong cam kết đào tạo về việc được trả lương trong thời gian đi đào tạo. Do đó, người lao động  sẽ tự đối chiếu trong nội dung của bản cam kết đào tạo để xác định tiền lương mình được tính với mức nào.

Về chế độ của công chức khi tham gia đào tạo, bồi dưỡng đi nước ngoài.

Căn cứ khoản 1 Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định về đối tượng áp dụng được đóng bảo hiểm xã hội như sau:

“1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:

a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;

b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;

c) Cán bộ, công chức, viên chức;

d) Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;

đ) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;

e) Hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí;

g) Người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

h) Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương;

i) Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.”

Ngoài ra Khoản 1 Điều 2 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về BHXH thì:

Công chức trong các cơ quan nhà nước, kể cả công chức được cử đi học tập, thực tập, công tác trong và ngoài nước mà vẫn hưởng tiền lương ở trong nước thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; Tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc là tiền lương ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có) theo quy định tại Bảng lương chuyên môn nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ.

Như vậy, đối với công chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài mà vẫn hưởng tiền lương ở trong nước thì cơ quan, đơn vị nơi công chức đó đang công tác phải có trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội cho họ.

Trong trường hợp cán bộ, công chức, viên chức, được cử đi đào tạo từ trình độ trung cấp trở lên bằng nguồn ngân sách nhà nước hoặc kinh phí của cơ quan quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức phải đền bù chi phí đào tạo khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:Tự ý bỏ học, bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc trong thời gian đào tạo, không được cơ sở đào tạo cấp văn bằng tốt nghiệp, đã hoàn thành và được cấp văn bằng tốt nghiệp khóa học nhưng bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc khi chưa phục vụ đủ thời gian cam kết .

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn