Hệ thống pháp luật

Công chức xin thôi việc theo nguyện vọng được hưởng chế độ gì?

Ngày gửi: 17/11/2020 lúc 23:02:24

Mã số: HTPL34617

Câu hỏi:

Công chức xin thôi việc theo nguyện vọng được hưởng chế độ gì? Quyền lợi được hưởng khi nghỉ việc đối với công chức tự nguyện xin thôi.

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

Công chức là người làm công trong các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập. Trở thành công chức là mục tiêu của rất nhiều người vì tính ổn định trong công việc, mức lương cũng như công việc ít chịu ảnh hưởng bởi sự biến động về kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, không phải lúc nào khi đã trở thành công chức đồng nghĩa là cá nhân sẽ gắn bó với vị trí đó đến khi đủ độ tuổi về hưu. Thực tế công chức vẫn có thể được nghỉ việc cũng như bị nghỉ việc theo quy định của pháp luật. 

1, Cán bộ, công chức là gì?

Tại Điều 4 Luật cán bộ công chức năm 2008 có quy định về cán bộ, công chức như sau:

”Điều 4. Cán bộ, công chức

1. Cán bộ là công dân Việt Nam, được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh), ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện), trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

2. Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp và trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội (sau đây gọi chung là đơn vị sự nghiệp công lập), trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước; đối với công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập thì lương được bảo đảm từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.”

Xem thêm: Các hình thức kỷ luật công chức? Trình tự thủ tục kỷ luật công chức?

2, Các trường hợp cán bộ, công chức được nghỉ việc theo nguyện vọng

Theo quy định tại Điều 59 Luật Cán bộ, công chức năm 2008, công chức được hưởng chế độ thôi việc nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: Do sắp xếp tổ chức; Theo nguyện vọng và được cấp có thẩm quyền đồng ý; Có 2 năm liên tiếp được xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ.

Trong đó, Điều 3 Nghị định 46/2010/NĐ-CP , Chính phủ chỉ nêu 2 trường hợp là: 

Theo nguyện vọng và được cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền đồng ý.

 Do 2 năm liên tiếp được xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ.

Riêng công chức là quản lý, lãnh đạo, Điều 54 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 nêu rõ, công chức lãnh đạo, quản lý có thể từ chức trong các trường hợp: Không đủ sức khỏe; Không đủ năng lực, uy tín; Theo yêu cầu nhiệm vụ; Vì lý do khác.

Sau khi từ chức, công chức lãnh đạo, quản lý được bố trí công tác phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ được đào tạo hoặc nghỉ hưu, thôi việc. Tuy nhiên, nếu chưa được cấp có thẩm quyền đồng ý thì vẫn phải tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Xem thêm: Kê khai tài sản không trung thực, công chức sẽ bị buộc thôi việc?

3, Công chức thôi việc được hưởng những gì?

Theo Điều 3 Nghị định 46/2010/NĐ-CP quy định về thôi việc và nghỉ hưu đối với công chức nêu rõ, có hai trường hợp công chức được hưởng chế độ thôi việc.

Trường hợp thứ nhất: Theo nguyện vọng và được cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền đồng ý.

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đơn, cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền phải ra quyết định thôi việc bằng văn bản nếu đồng ý, còn nếu không đồng ý cho công chức thôi việc thì cũng phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đơn, nếu đồng ý cho công chức thôi việc thì cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền ra quyết định thôi việc bằng văn bản; nếu không đồng ý cho công chức thôi việc thì trả lời công chức bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Quy định nêu rõ các lý lo không giải quyết thôi việc như: Công chức đang trong thời gian thực hiện việc luân chuyển, biệt phái, đang bị xem xét kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; công chức chưa phục vụ đủ thời gian theo cam kết với cơ quan, tổ chức, đơn vị khi được xét tuyển; công chức chưa hoàn thành việc thanh toán các khoản tiền, tài sản thuộc trách nhiệm của cá nhân đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị; do yêu cầu công tác của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc chưa bố trí được người thay thế.

Trường hợp thứ hai là do công chức có hai năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ theo quy định của Luật Cán bộ, Công chức.

Trong thời gian 30 ngày kể từ ngày có kết quả phân loại đánh giá công chức, cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền thông báo bằng văn bản đến công chức đó về việc giải quyết thôi việc đến công chức, trừ trường hợp khác quy định tại Luật Công chức.

Cũng với thời hạn 30 ngày kể từ ngày có thông báo bằng văn bản, cơ quan, tổ chức, đơn vị ra quyết định thôi việc đối với công chức; Kể từ ngày quyết định thôi việc được ban hành, cơ quan, tổ chức, đơn vị phải có trách nhiệm thanh toán trợ cấp thôi việc đối với công chức trong thời hạn 30 ngày.

Kể từ ngày quyết định thôi việc được ban hành, cơ quan, tổ chức, đơn vị phải có trách nhiệm thanh toán trợ cấp thôi việc đối với công chức trong thời hạn 30 ngày.

Nếu trong trường hợp của bạn, việc bạn nghỉ việc theo nguyện vọng và được cơ quan đồng ý thì bạn thuộc đối tượng được hưởng trợ cấp thôi việc.

Về mức hưởng trợ cấp thôi việc:

Theo đó, Điều 5 Nghị định 46/2010/NĐ-CP quy định mức hưởng trợ cấp thôi việc như sau: cứ mỗi năm làm việc được tính bằng 1/2 (một phần hai) tháng lương hiện hưởng, gồm: mức lương theo ngạch, bậc, phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề và hệ số chênh lệch bảo lưu lương (nếu có). Mức trợ cấp thấp nhất bằng 01 (một) tháng lương hiện hưởng.

Căn cứ theo khoản 1, Điều 6, Nghị định 46/2010/NĐ-CP thì thời gian được hưởng trợ cấp thôi việc là tổng thời gian tính theo năm có đóng bảo hiểm xã hội mà chưa được nhận trợ cấp thôi việc cho công chức, kể cả các khoảng thời gian bị đứt quãng bao gồm:

  • Thời gian làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội;
  • Thời gian làm việc trong quân đội nhân dân và công an nhân dân;
  • Thời gian làm việc trong công ty nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp;
  • Thời gian làm việc theo chỉ tiêu biên chế được cơ quan có thẩm quyền giao trong tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp;
  • Thời gian được cơ quan, tổ chức, đơn vị cử đi đào tạo, bồi dưỡng;
  • Thời gian nghỉ được hưởng lương theo pháp luật về lao động;
  • Thời gian nghỉ được hưởng chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, dưỡng sức phục hồi sức khỏe theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;
  • Thời gian bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự mà đã được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kết luận là oan, sai;
  • Thời gian bị tạm đình chỉ công tác;
  • Thời gian được bố trí làm việc khi hưởng án treo, cải tạo không giam giữ theo bản án hoặc quyết định của Tòa án.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn