BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1055/CĐ-BGDĐT | Hà Nội, ngày 14 tháng 10 năm 2020 |
CÔNG ĐIỆN
BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
ĐIỆN:
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phố phía Bắc từ Đà Nẵng trở ra
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, hồi 10 giờ ngày 13/10, vị trí tâm Bão số 7 ở vào khoảng 18,5 độ Vĩ Bắc; 111,7 độ Kinh Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 160km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90 km/giờ), giật cấp 11. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 170km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 24 giờ tới, Bão số 7 di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km. Đến 10 giờ ngày 14/10, vị trí tâm bão ở khoảng 19,3 độ Vĩ Bắc; 106,8 độ Kinh Đông, trên vùng biển Vịnh Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100 km/giờ), giật cấp 12.
Vùng nguy hiểm do bão từ 4 giờ ngày 13/10 đến 4 giờ ngày 14/10 (gió mạnh cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 16,0 đến 20,0 độ Vĩ Bắc; từ 107,0 đến 116,0 độ Kinh Đông. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.
Đây là cơn bão mạnh, diễn biến phức tạp, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh, thành phố miền Bắc và miền Trung, nguy cơ gây ngập lụt, sạt lở đất, sập đổ công trình rất cao.
Để chủ động ứng phó với Bão số 7 trong bối cảnh mưa lớn vẫn diễn ra phức tạp tại miền Trung, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phố phía Bắc từ Đà Nẵng trở ra khẩn trương triển khai thực hiện các công việc sau đây:
1. Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão và mưa lũ; kịp thời triển khai ngay các lực lượng cứu hộ kịp thời ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ”. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục và đào tạo thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến, đảm bảo thông tin kịp thời, đầy đủ về bão lũ, đặc biệt ở vùng thấp trũng để chủ động các biện pháp phòng tránh mưa ngập.
2. Tổ chức trực ban 24/24 giờ, duy trì liên hệ, thông báo ứng cứu kịp thời; thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tại địa phương trong công tác ứng phó mưa bão và tìm kiếm cứu nạn.
3. Rà soát các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu khi mưa lớn; lên phương án bảo đảm an toàn về người, tài sản, cơ sở vật chất, công trình trường học; chủ động di dời máy móc, thiết bị dạy học, tài liệu, hồ sơ lên tầng cao hoặc chuyển đến nơi không có nguy cơ ngập lụt để tránh hư hại. Tạo điều kiện cho người dân tránh trú trong điều kiện cho phép.
4. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục cho học sinh nghỉ học khi cần thiết, chỉ cho học sinh trở lại lớp học khi đảm bảo an toàn. Thực hiện vệ sinh trường lớp ngay sau khi hết mưa ngập; có kế hoạch phòng chống các dịch bệnh, khắc phục hậu quả do mưa bão gây ra.
5. Tổng hợp thiệt hại và lên phương án xử lý báo cáo UBND cấp tỉnh để khắc phục, đồng thời báo cáo về Bộ Giáo dục và Đào tạo theo địa chỉ: Cục Cơ sở vật chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo - Số 35, Đại Cồ Việt, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội (người liên hệ ông Trần Gia Khánh, chuyên viên Cục Cơ sở vật chất, điện thoại 0917710440) để tổng hợp báo cáo Chính phủ có phương án hỗ trợ.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
- 1 Công văn 255/VPTT năm 2021 về chủ động ứng phó với gió mạnh, cơn bão CHOI-WAN và mưa lớn, dông, lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh, lũ quét, sạt lở đất do Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai ban hành
- 2 Công văn 268/VPTT năm 2021 về chủ động ứng phó với vùng áp thấp trên biển Đông do Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai ban hành
- 3 Công điện 551/CĐ-BGDĐT năm 2021 về chủ động ứng phó với Bão số 2 trong tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp do Bộ Giáo dục và Đào tạo điện