THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 107/CĐ-TTg | Hà Nội, ngày 16 tháng 10 năm 2024 |
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ điện:
Kính gửi: | Các đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương |
Đồng kính gửi: | Các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương |
Từ yêu cầu thực tiễn và căn cứ Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV; trên cơ sở Kết luận số 97-KL/TW ngày 05 tháng 10 năm 2024 của Hội nghị Trung ương 10, khoá XIII (sau đây gọi tắt là Kết luận 97) và Kết luận số 93-KL/TW ngày 26 tháng 8 năm 2024 của Bộ Chính trị (sau đây gọi tắt là Kết luận 93); từ các Kết luận trên, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội để thể chế hoá, cụ thể hoá, điều chỉnh 2 nội dung liên quan đến Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) và 2 nội dung liên quan đến dự toán NSNN năm 2025; căn cứ kết quả tích cực trong buổi làm việc giữa Ban cán sự đảng Chính phủ và Đảng đoàn Quốc hội ngày 15 tháng 10 năm 2024; đề nghị các đồng chí đồng ý ủng hộ vào Phiếu ghi ý kiến kèm theo, cụ thể như sau:
1. Về Báo cáo trình Quốc hội về dự toán NSNN năm 2025
a) Sử dụng khoản cắt giảm, tiết kiệm 5% chi thường xuyên năm 2024 của ngân sách trung ương và ngân sách địa phương để thực hiện việc hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
Tại Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 07 tháng 8 năm 2024, Chính phủ đã xác định rõ phạm vi đối tượng tiết kiệm 5% chi thường xuyên năm 2024 và giao các Bộ, cơ quan, địa phương rà soát, cắt giảm, tiết kiệm chi thường xuyên NSNN của các Bộ, cơ quan và địa phương, báo cáo Chính phủ để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Để có nguồn lực triển khai có kết quả Phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi toàn quốc trong năm 2025” [1], Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép cắt giảm, tiết kiệm 5% chi thường xuyên năm 2024 nêu trên của ngân sách trung ương và ngân sách địa phương để thực hiện việc hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, số kinh phí đến hết năm 2024 chưa sử dụng được phép chuyển nguồn sang năm 2025 để tiếp tục thực hiện; đồng thời cho phép các địa phương được sử dụng khoản cắt giảm, tiết kiệm này để hỗ trợ địa phương khác triển khai thực hiện.
b) Căn cứ Kết luận 97 của Trung ương, cho phép các địa phương sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư cho các dự án kết nối vùng, kết nối quốc gia, các công trình trọng điểm quốc gia thực hiện tại địa phương[2].
Triển khai Kết luận của Trung ương, Chính phủ đã hoàn thiện Báo cáo trình Quốc hội về dự toán NSNN năm 2025 trong đó đã kiến nghị Quốc hội quy định cụ thể nội dung này tại Nghị quyết của Quốc hội về dự toán NSNN năm 2025.
2. Về 02 nội dung điều chỉnh liên quan đến Luật NSNN
a) Cho phép các địa phương sử dụng ngân sách của mình để đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng của ngân sách cấp trên tại địa bàn, hỗ trợ địa phương khác
Về vấn đề nêu trên, Trung ương đã có Kết luận 97[3], Bộ Chính trị đã chỉ đạo rõ tại Kết luận 93[4]. Thời gian vừa qua, thực tế nhiều địa phương đã chủ động thực hiện nội dung này để giải phóng mặt bằng, xây dựng đường cao tốc, cầu nối các địa phương, sân bay, bến cảng, các công trình hạ tầng trọng điểm, thiết yếu khác[5]. Hơn nữa, Quốc hội đã luật hóa nội dung này trong Luật Thủ đô, ban hành các Nghị quyết thí điểm cho phép các địa phương: Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Khánh Hòa và một số địa phương khác... Thực tiễn chứng minh các cơ chế trên đã và đang phát huy hiệu quả tích cực trong việc bảo đảm nguồn vốn và tiến độ triển khai các công trình trọng điểm như các tuyến đường cao tốc, các tuyến đường Vành đai 4 của Hà Nội và Vành đai 3 của Thành phố Hồ Chí Minh. Trên thực tế, nhiều dự án đã thực hiện có hiệu quả rất tích cực cho vùng và cả nước.
Tại cuộc họp giữa Ban cán sự đảng Chính phủ và Đảng đoàn Quốc hội ngày 15 tháng 10 năm 2024, Đảng đoàn Quốc hội đã thống nhất với quy định nêu trên tại dự án Luật sửa đổi để thúc đẩy hoàn thiện các dự án hạ tầng quan trọng, mở ra không gian phát triển mới cho các địa phương và thực hiện Kết luận của Hội nghị Trung ương lần thứ 10 vừa qua theo tinh thần “tăng tốc, bứt phá” về 3 đột phát chiến lược và “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.
b) Bố trí và sử dụng vốn cho một số công trình, dự án chưa bố trí trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn
Theo pháp luật đầu tư công hiện hành, các dự án chỉ có thể triển khai khi đã xác định được nguồn vốn và nằm trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn. Do vậy, không thể bố trí nguồn dự phòng ngân sách hoặc tăng thu, tiết kiệm chi hằng năm và các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện ngay các công trình, dự án mới[6] khi chưa được bổ sung vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn. Tuy nhiên, việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn cần nhiều thời gian trong khi các công trình, dự án cấp bách đòi hỏi phải triển khai ngay (như Cầu Phong Châu, tỉnh Phú Thọ).
Vì vậy, Chính phủ đề xuất quy định tại dự thảo Luật việc bố trí vốn cho các chương trình, dự án ngoài kế hoạch đầu tư công trung hạn bằng nguồn dự phòng, tăng thu, tiết kiệm chi NSNN hằng năm. Các dự án này được phân bổ vốn theo Luật NSNN và thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định tại pháp luật về đầu tư công và pháp luật có liên quan.
Từ các nội dung nêu trên, Thủ tướng Chính phủ đề nghị:
(1) Các đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ/Thành uỷ đôn đốc, chỉ đạo các đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho ý kiến đối với các nội dung nêu trên, thể hiện rõ quan điểm đồng ý với các nội dung xin ý kiến; trong trường hợp không đồng ý hoặc có ý kiến khác cần ghi rõ ý kiến vào Phiếu ghi ý kiến kèm theo, gửi về Văn phòng Chính phủ và Bộ Tài chính trước ngày 18 tháng 10 năm 2024.
(2) Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp ý kiến của các địa phương để hoàn thiện hồ sơ dự án Luật sửa đổi, bổ sung và Báo cáo trình Quốc hội về dự toán NSNN năm 2025, kế hoạch tài chính - NSNN 3 năm 2025 - 2027, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong ngày 18 tháng 10 năm 2024.
(3) Giao đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc chỉ đạo hoàn thành hồ sơ dự án Luật trước ngày 19 tháng 10 năm 2024. Giao các Thành viên Chính phủ, Trưởng ngành theo Tổ công tác phụ trách các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đôn đốc các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện Công điện này chậm nhất là ngày 17 tháng 10 năm 2024. Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc các địa phương việc thực hiện Công điện này theo chức năng, nhiệm vụ được giao./
Nơi nhận: | THỦ TƯỚNG |
UBND TỈNH/THÀNH PHỐ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
(Kèm theo Công điện số 107/CĐ-TTg ngày 16 tháng 10 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ)
Kính gửi: | - Đồng chí Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; |
I. Cho phép các địa phương sử dụng ngân sách của mình để đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng của ngân sách cấp trên tại địa bàn, hỗ trợ địa phương khác
1. Đồng ý □
2. Trường hợp không đồng ý, hoặc có ý kiến khác, đề nghị ghi rõ ý kiến xuống dòng dưới đây:
………………………………………………………………………………………………………
………………………………………………………………………………………………………
………………………………………………………………………………………………………
………………………………………………………………………………………………………
II. Bố trí và sử dụng vốn cho một số công trình, dự án chưa bố trí trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn
1. Đồng ý □
2. Trường hợp không đồng ý, hoặc có ý kiến khác, đề nghị ghi rõ ý kiến xuống dòng dưới đây:
………………………………………………………………………………………………………
………………………………………………………………………………………………………
………………………………………………………………………………………………………
………………………………………………………………………………………………………
III. Sử dụng khoản cắt giảm, tiết kiệm 5% chi thường xuyên năm 2024 của ngân sách trung ương và ngân sách địa phương để thực hiện việc hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
1. Đồng ý □
2. Trường hợp không đồng ý, hoặc có ý kiến khác, đề nghị ghi rõ ý kiến xuống dòng dưới đây:
………………………………………………………………………………………………………
………………………………………………………………………………………………………
………………………………………………………………………………………………………
………………………………………………………………………………………………………
IV. Cho phép các địa phương sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư cho các dự án kết nối vùng, kết nối quốc gia, các công trình trọng điểm quốc gia thực hiện tại địa phương trong trường hợp địa phương có nguồn dư lớn, cam kết bảo đảm nguồn kinh phí cải cách tiền lương và thực hiện các chính sách an sinh xã hội do Trung ương ban hành cho cả lộ trình đến năm 2030 và không đề nghị ngân sách trung ương hỗ trợ
1. Đồng ý □
2. Trường hợp không đồng ý, hoặc có ý kiến khác, đề nghị ghi rõ ý kiến xuống dòng dưới đây:
………………………………………………………………………………………………………
………………………………………………………………………………………………………
………………………………………………………………………………………………………
………………………………………………………………………………………………………
| Tỉnh/Thành phố…, ngày tháng 10 năm 2024 |
[1] Nhân dịp kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng, 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 80 năm thành lập Nước.
[2] Tại Kết luận số 97, Trung ương đồng ý: “Cho phép các địa phương sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư cho các dự án kết nối vùng, kết nối quốc gia, các công trình trọng điểm quốc gia thực hiện tại địa phương theo quy định của cấp có thẩm quyền trong trường hợp địa phương có nguồn dư lớn, cam kết bảo đảm nguồn kinh phí cải cách tiền lương và thực hiện các chính sách an sinh xã hội do Trung ương ban hành cho cả lộ trình đến năm 2030 và không đề nghị ngân sách trung ương hỗ trợ”.
[3] Kết luận số 97-KL/TW yêu cầu: “Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại thu chi NSNN, nâng cao hiệu quả quản lý, phân bổ, sử dụng NSNN; khẩn trương thực hiện Kết luận số 93-KL/TW và tiếp tục thực hiện hiệu quả cơ cấu lại đầu tư công (cả NSTW và NSĐP) theo hướng tăng cường tính chủ đạo của ngân sách trung ương và nâng cao tính chủ động, tích cực, linh hoạt của ngân sách địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan, nhất là cho đầu tư phát triển. Tiếp tục thực hiện hiệu quả cơ cấu lại đầu tư công (cả ngân sách trung ương và địa phương) theo hướng tập trung vốn vào các ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, các công trình, dự án trọng điểm, liên kết vùng, liên kết quốc gia, liên kết quốc tế, có sức lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, tạo đột phá thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân trong và ngoài nước theo phương thức đối tác công - tư”.
[4] Kết luận số 93-KL/TW yêu cầu: “Nghiên cứu cho phép các địa phương được sử dụng ngân sách cấp mình tham gia thực hiện các dự án, công trình có tính chất vùng, liên vùng và các nhiệm vụ quan trọng khác nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm và sự chủ động của các địa phương trong phát triển các công trình, dự án có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh trên địa bàn; cho phép địa phương này có thể chi hỗ trợ địa phương khác, nếu hội đồng nhân dân cấp quyết định ngân sách đồng ý”.
[5] Như: sân bay Điện Biên, hệ thống đường cao tốc của tỉnh Quảng Ninh trong đó có cầu Bạch Đằng (Quảng Ninh - Hải Phòng), sân bay Cát Bi (Hải Phòng), cầu Như Nguyệt (Bắc Giang), hệ thống các cầu của Hải Phòng qua Hải Dương, Quảng Ninh, Thái Bình..., các dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Phú Thọ - Tuyên Quang, Hòa Bình - Sơn La...
[6] Trừ các dự án, công trình khẩn cấp để khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ, an ninh, quốc phòng...