Hệ thống pháp luật

Công ty chậm trả lương phải trả lãi cho người lao động không?

Ngày gửi: 27/11/2020 lúc 23:02:24

Mã số: HTPL38809

Câu hỏi:

Công ty chậm trả lương phải trả lãi cho người lao động không? Cách tính tiền lãi chậm trả do Doanh nghiệp chậm trả lương cho nhân viên.

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

Tiền lương là động lực lớn cho người lao động làm việc. Nhu cầu về việc trả lương đủ và đúng hạn là mong muốn cũng là nỗi lo của người lao động. Thực tiễn cho thấy tình trạng công ty trả chậm lương vẫn diễn ra phổ biến, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người lao động. Vậy, khi người sử dụng lao động chậm trả lương cho người lao động thì họ phải làm sao để bảo vệ quyền lợi của mình, pháp luật về lao động quy định ra sao khi công ty chậm trả lương? Bài viết này, Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam xin được phân tích như sau:

1. Nguyên tắc trả lương

Căn cứ theo Điều 94 của Bộ luật Lao động 2019 có quy định về nguyên tắc trả lương như sau:

“Điều 94. Nguyên tắc trả lương

1.Người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động. Trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp.

2. Người sử dụng lao động không được hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của người lao động; không được ép buộc người lao động chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của người sử dụng lao động hoặc của đơn vị khác mà người sử dụng lao động chỉ định.”

 Theo đó, việc trả lương cho người lao động được thực hiện theo ba nguyên tắc: trực tiếp, đầy đủ và đúng thời hạn.

Trả lương trực tiếp được hiểu ở cả hai khía cạnh:

 Thứ nhất, người trả lương cho người lao động là người sử dụng lao động hoặc người sử dụng lao động phải chịu trách nhiệm chính trong việc trả lương cho người lao động;

 Thứ hai, người nhận lương là người lao động theo hợp đồng lao động đã giao kết. Riêng đối với người sử dụng lao động có sử dụng lao động qua người cai thầu hoặc người có vai trò trung gian tương tự, Nhà nước cho phép người sử dụng lao động có thể trả lương thông qua người cai thầu hoặc người có vai trò trung gian tương tự này, tuy nhiên người sử dụng lao động là chủ chính vẫn phải chịu trách nhiệm về tiền lương và các quyền lợi khác cho người lao động, nhất là trong trường hợp người cai thầu hoặc người có vai trò trung gian tương tự không trả hoặc không trả đầy đủ cho người lao động.

Điều đó cũng có nghĩa rằng, người lao động có quyền yêu cầu người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng thời hạn. Để hạn chế việc doanh nghiệp kéo dài thời gian trả lương của người lao động gây ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống của người lao động mà nhà làm luật đã có những quy định chặt chẽ nhằm ngăn chặn người sử dụng lao động trả chậm lương của người lao động, bảo vệ quyền lợi của người lao động.

“Điều 97. Kỳ hạn trả lương

1. Người lao động hưởng lương theo giờ, ngày, tuần thì được trả lương sau giờ, ngày, tuần làm việc hoặc được trả gộp do hai bên thỏa thuận nhưng không quá 15 ngày phải được trả gộp một lần.

2. Người lao động hưởng lương theo tháng được trả một tháng một lần hoặc nửa tháng một lần. Thời điểm trả lương do hai bên thỏa thuận và phải được ấn định vào một thời điểm có tính chu kỳ.

3. Người lao động hưởng lương theo sản phẩm, theo khoán được trả lương theo thỏa thuận của hai bên; nếu công việc phải làm trong nhiều tháng thì hằng tháng được tạm ứng tiền lương theo khối lượng công việc đã làm trong tháng.

4. Trường hợp vì lý do bất khả kháng mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn thì không được chậm quá 30 ngày; nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì người sử dụng lao động phải đền bù cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do ngân hàng nơi người sử dụng lao động mở tài khoản trả lương cho người lao động công bố tại thời điểm trả lương.”

Điều 24, Nghị định 05/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động cũng có quy định về nguyên tắc trả lương như sau:

“Điều 24. Nguyên tắc trả lương

2. Trường hợp đặc biệt do thiên tai, hỏa hoạn hoặc lý do bất khả kháng khác mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng thời hạn theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động thì không được trả chậm quá 01 tháng. Việc người sử dụng lao động phải trả thêm cho người lao động do trả lương chậm được quy định như sau:

a) Nếu thời gian trả lương chậm dưới 15 ngày thì không phải trả thêm;

b) Nếu thời gian trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì phải trả thêm một khoản tiền ít nhất bằng số tiền trả chậm nhân với lãi suất trần huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương. Khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không quy định trần lãi suất thì được tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng của ngân hàng thương mại, nơi doanh nghiệp, cơ quan mở tài khoản giao dịch thông báo tại thời điểm trả lương.”

Trong thực tiễn có nhiều trường hợp người sử dụng lao động trừ toàn bộ tiền lương của người lao động để thanh toán nghĩa vụ. Tuy nhiên, do tâm lý sợ mất việc làm hoặc trù dập nên người lao động không dám khiếu nại, tố cáo, còn Ban chấp hành công đoàn lại không có thông tin hoặc không có phản ứng với người sử dụng lao động.

3. Thời hạn trả lương

Thời hạn trả lương sẽ được áp dụng tuỳ vào tính chất công việc và hình thức trả lương mà người sử dụng lao động đã lựa chọn. Người sử dụng lao động phải tôn trọng và trả lương cho người lao động đúng thời hạn mà hai bên đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động hoặc theo đúng thời hạn người sử dụng lao động đã quy định phù hợp với quy định của pháp luật.  Trường hợp đặc biệt do thiên tai, hỏa hoạn hoặc lý do bất khả kháng khác mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng thời hạn thì không được trả chậm quá 01 tháng và phải vừa thêm cho người lao động do trả chậm tiền lương như sau:

Nếu thời gian trả lương chậm dưới 15 ngày thì không phải trả thêm.

Nếu thời gian trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì phải trả thêm một khoản tiền ít nhất bằng số tiền trả chậm nhân với lãi suất trần huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương. Khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không quy định trần lãi suất thì được tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng của ngân hàng thương mại, nơi người sử dụng lao động mở tài khoản giao dịch thông báo tại thời điểm trả lương.

4. Công ty chậm trả lương phải trả lãi cho người lao động không?

Tiếp tục kế thừa và phát huy những điểm tiến bộ của Bộ luật Lao động 2012 đến Bộ luật Lao động 2019 có hiệu lực ngày 01/01/2021 nhà làm luật đã có những quy định chặt chẽ hơn về việc bảo vệ quyền lợi của người lao động khi người sử dụng lao động chậm trả lương cho người lao động. Theo đó, không chỉ công ty bị tính lãi đối với thời gian bị chậm quá 15 ngày kể từ thời điểm phải trả lương cho người lao động mà còn bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 28/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Tùy thuộc vào hành vi vi phạm, mức độ và tính chất vi phạm mà có các mức xử phạt vi phạm hành chính khác nhau. Cụ thể mức xử phạt vi phạm hành chính như thế nào thì tại Điều 16, Nghị định 28/2020/NĐ-CP có quy định như sau:

“Điều 16. Vi phạm quy định về tiền lương

1.Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Không công bố công khai tại nơi làm việc thang lương, bảng lương, định mức lao động, quy chế thưởng;

b) Không lập sổ lương và xuất trình khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu;

c) Khi thay đổi hình thức trả lương, người sử dụng lao động không thông báo cho người lao động biết trước ít nhất 10 ngày trước khi thực hiện;

d) Không xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động;

đ) Sử dụng thang lương, bảng lương, định mức lao động không đúng quy định khi đã có ý kiến sửa đổi, bổ sung của cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện;

e) Không tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở khi xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động, quy chế thưởng.

2.Phạt tiền đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Trả lương không đúng hạn; không trả hoặc trả không đủ tiền lương cho người lao động theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động; không trả hoặc trả không đủ tiền lương cho người lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, công việc đòi hỏi đã qua đào tạo, học nghề theo quy định của pháp luật; trả lương thấp hơn mức quy định tại thang lương, bảng lương đã gửi cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện; không trả hoặc trả không đủ tiền lương làm thêm giờ, tiền lương làm việc ban đêm, tiền lương ngừng việc cho người lao động theo quy định của pháp luật; khấu trừ tiền lương của người lao động không đúng quy định của pháp luật; trả lương không đúng quy định cho người lao động khi tạm thời chuyển người lao động sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động, trong thời gian tạm đình chỉ công việc, trong thời gian đình công, những ngày người lao động chưa nghỉ hàng năm theo một trong các mức sau đây:

a) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;

b) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;

c) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;

d) Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;

đ) Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.”

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn