Hệ thống pháp luật

Công ty có được phép giữ chứng chỉ của người lao động không?

Ngày gửi: 06/08/2015 lúc 10:33:36

Mã số: HTPL36888

Câu hỏi:

Kính gửi: Công ty Luật TNHH Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam Hiện nay, tôi có một vấn đề liên quan đến việc người sử dụng lao động giữ chứng chỉ cá nhân như trình bày dưới đây, rất mong được quý Công ty tư vấn giúp. Theo quy định của Luật Xây dựng, để tham gia vào các hoạt động xây dựng tôi đã tiến hành xin đăng ký và được cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động trong lĩnh vực xây dựng. Tuy nhiên, chi phí cho việc xin cấp chứng chỉ hành nghề do công ty chủ quản chi trả, và hiện nay công ty đang giữ các chứng chỉ này mà không cho phép tôi được giữ. Vậy, xin quý Công ty giải thích giúp tôi trong trường hợp này: 1) Công ty chủ quản có được phép giữ chứng chỉ của tôi hay không? 2) Trong trường hợp tôi không làm việc ở công ty nữa thì tôi có quyền lấy lại các chứng chỉ cá nhân này hay không? Rất mong nhận được sự giúp đỡ của quý Công ty. Chúc quý Công ty ngày càng phát triển.?

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

1. Căn cứ pháp lý

– Bộ luật lao động năm 2012

– Nghị định 95/2013/NĐ-CP

– Căn cứ Điều 20 Bộ luật lao động năm 2012 quy định về những hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động như sau:

"Điều 20. Những hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động

1. Giữ bản chính giấy tờ tuỳ thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động.

2. Yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động."

Như vậy, Khoản 1 Điều 20 Bộ luật lao động năm 2012 quy định cụ thể người sử dụng lao động không được phép giữ văn bằng, chứng chỉ của người lao động. Do đó, hành vi công ty bạn giữ chứng chỉ của bạn là trái quy định của pháp luật.

– Căn cứ Điểm a Khoản 2 Điều 5 Nghị định 95/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định:

“2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động;”

– Căn cứ Điểm a Khoản 3 Điều 5 Nghị định 95/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định:

"3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc trả lại bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ đã giữ của người lao động đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều này"

Như vậy, đối với hành vi giữ văn bẳng, chứng chỉ của người lao động, người sử dụng lao động bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 5 Nghị định 95/2013/NĐ-CP, đồng thời buộc phải trả lại bản chính văn bằng, chứng chỉ cho  người lao động theo quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 5 Nghị định 95/2013/NĐ-CP.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn