Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

CÔNG ƯỚC SỐ 87

CÔNG ƯỚC

VỀ QUYỀN TỰ DO HIỆP HỘI VÀ VỀ VIỆC BẢO VỆ QUYỀN ĐƯỢC TỔ CHỨC, 1948

Hội nghị toàn thể của Tổ chức Lao động quốc tế,

Được Hội đồng quản trị của Văn phòng lao động quốc tế triệu tập tại Xan-Franxiscô ngày 17 tháng 6 năm 1948, trong kỳ họp thứ ba mươi mốt, và,

Sau khi đã quyết định chấp thuận dưới hình thức một Công ước, một số đề nghị về quyền tự do hiệp hội và về việc bảo vệ quyền được tổ chức, là vấn đề thuộc điểm thứ bảy trong chương trình nghị sự kỳ họp, và

Xét lời nói đầu của Điều lệ Tổ chức Lao động quốc tế tuyên bố “thừa nhận nguyên tắc tự do hiệp hội” là một phương tiện cải thiện điều kiện lao động và thiết lập hoà bình, và

Xét tuyên ngôn Phi-la-đen-phi-a khẳng định lại rằng “tự do phát biểu là và hiệp hội là điều thiết yếu để duy trì sự tiến bộ”, và

Xét rằng Hội nghị Tổ chức lao động quốc tế trong kỳ họp thứ ba mươi, đã nhất trí thông qua những nguyên tắc để làm cơ sở cho việc lập quy phạm quốc tế, và

Xét rằng Đại hội đồng Liên Hợp quốc trong kỳ họp thứ ba mươi, đã thừa nhận những nguyên tắc này và yêu cầu Tổ chức Lao động quốc tế tiếp tục mọi cố gắng để có thể thông qua một hay nhiều Công ước quốc tế,

Thông qua, ngày 09 tháng 7 năm 1948, Công ước dưới đây, gọi là Công ước về Quyền tự do hiệp hội và về việc bảo vệ quyền được tổ chức, 1948.

Phần I.

QUYỀN TỰ DO HIỆP HỘI

Điều 1

Mọi Nước thành viên của Tổ chức Lao động quốc tế mà tại đó Công ước này có hiệu lực, cam kết thi hành những quy định dưới đây.

Điều 2

Người lao động và người sử dụng lao động, không phân biệt dưới bất kỳ hình thức nào, đều không phải xin phép trước mà vẫn có quyền được tổ chức và gia nhập các tổ chức theo sự lựa chọn của mình, với một điều kiện duy nhất là phải tuân theo điều lệ của chính tổ chức đó.

Điều 3

1. Các tổ chức của người lao động và của người sử dụng lao động có quyền lập ra điều lệ, những quy tắc quản lý, tự do bầu các đại diện, tổ chức việc điều hành hoạt động và soạn thảo chương trình hoạt động của mình.

2. Các cơ quan có thẩm quyền phải tránh mọi sự can thiệp có tính chất hạn chế quyền đó, hoặc cản trở việc thi hành hợp pháp quyền đó.

Điều 4

Các tổ chức của người lao động và của người sử dụng lao động không thể bị bất cứ một cơ quan hành chính nào buộc phải giải tán hoặc đình chỉ.

Điều 5

Các tổ chức của người lao động và của người sử dụng lao động có quyền hợp thành các liên đoàn, tổng liên đoàn, và mọi tổ chức, liên đoàn hoặc tổng liên đoàn đó đều có quyền gia nhập đều có quyền liên kết với các tổ chức quốc tế của người lao động và người sử dụng lao động.

Điều 6

Những quy định trong Điều 2, 3 và 4 trên đây được áp dụng cho cả các liên đoàn, các tổng liên đoàn của các tổ chức của người lao động và người sử dụng lao động.

Điều 7

Việc có tư cách pháp nhân của các tổ chức của người lao động và của người sử dụng lao động, của các liên đoàn và tổng liên đoàn của các tổ chức đó, không thể phụ thuộc những điều kiện có tính chất hạn chế việc áp dụng những quy định của các Điều 2, 3 và 4 trên đây.

Điều 8

1.Trong khi thi hành những quyền mà Công ước này đã thừa nhận cho mình, người lao động, người sử dụng lao động và các tổ chức tương ứng của họ, cũng như mọi người và mọi tập thể có tổ chức khác, đều phải tôn trọng pháp luật trong nước

2. Pháp luật quôc gia không được có những quy định mang tính chất xâm hại, cũng như không được áp dụng với mục đích xâm hại tới những đảm bảo đã được quy định trong Công ước này.

Điều 9

1. Mức độ áp dụng những bảo đảm quy định trong Công ước này cho các lực lượng vũ trang và cảnh sát sẽ do pháp luật hoặc quy định quốc gia xác định.

2. Theo đúng những nguyên tắc được xác lập trong Đoạn 8, Điều 19 của Điều lệ Tổ chức Lao động quốc tế , việc một Nước thành viên phê chuẩn Công ước này sẽ không được coi là làm ảnh hưởng tới mọi đạo luật, mọi phán quyết, mọi tập quán hoặc mọi thoả thuận đã có và đã dành cho các thành viên của các lực lượng vũ trang, cảnh sát, những bảo đảm quy định trong Công ước này.

Điều 10

Trong Công ước này, thuật ngữ “tổ chức” nghĩa là mọi tổ chức nào của người lao động hoặc của người sử dụng lao động có mục đích xúc tiến và bảo vệ những lợi ích của người lao động hoặc của người sử dụng lao động.

Phần II.

VIỆC BẢO VỆ QUYỀN ĐƯỢC TỔ CHỨC

Điều 11

Mọi Nước thành viên nào của Tổ chức Lao động quốc tế mà tại đó Công ước này có hiệu lực, cam kết áp dụng mọi biện pháp cần thiết và thích hợp để bảo đảm cho người lao động và người sử dụng lao động được tự do thi hành quyền tổ chức.

Phần III.

NHỮNG QUY ĐỊNH KHÁC

Các Điều 12 và 13

Tuyên bố áp dụng cho các lãnh thổ phi chính quốc.

Phần IV.

NHỮNG QUY ĐỊNH CUỐI CÙNG

Các Điều từ 14 đến 21

Những quy định cuối cùng mẫu.