Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

CÔNG ƯỚC

VỀ CÔNG NHẬN QUỐC TẾ CÁC QUYỀN ĐỐI VỚI TẦU BAY
(Ký tại Geneva ngày 19.6.1948)

 

Xét rằng Hội nghị hàng không dân dụng quốc tế được tổ chức tại Chicago trong tháng 11 và tháng 12 năm 1944 đã khuyến nghị về việc sớm thông qua một Công ước giải quyết vấn đề chuyển nhượng quyền sở hữu tầu bay;

Xét rằng đây là sự mong muốn cao độ trong việc công nhận quốc tế các quyền đối với tầu bay vì lợi ích của sự phát triển ngành hàng không dân dụng trong tương lai;

Nhân danh Chính phủ của mình và được uỷ quyền hợp lệ, những người ký kết dưới đây đã thống nhất như sau:

Điều 1.

1. Các Quốc gia kết ước cam kết công nhận:

a. Quyền sở hữu đối với tầu bay;

b. Quyền thụ đắc tầu bay thông qua việc mua sắm gắn liền với quyền chiếm hữu tầu bay;

c. Quyền chiếm hữu tầu bay trên cơ sở hợp đồng thuê có thời hạn từ sáu tháng trở lên;

d. Thế chấp, cầm cố và các quyền tương tự đối với tầu bay được thiết lập trên cơ sở thỏa thuận như là một sự bảo đảm cho việc thanh toán một khoản nợ;

với điều kiện là các quyền nói trên

(i) Được thiết lập phù hợp với luật của quốc gia kết ước nơi tầu bay đăng ký quốc tịch tại thời điểm thiết lập các quyền đó, và

(ii) Được đăng ký hợp lệ trong một sổ đăng ký công khai ở Quốc gia kết ước nơi tầu bay đăng ký quốc tịch.

Tính hợp lệ của những lần đăng ký liên tiếp tại các quốc gia kết ước khác nhau được xác định theo luật của quốc gia nơi tầu bay đăng ký quốc tịch tại thời điểm của mỗi lần đăng ký.

2. Không điều nào trong Công ước này ngăn cản việc công nhận bất kỳ quyền nào đối với tầu bay theo luật của bất kỳ quốc gia kết ước nào; nhưng các quốc gia kết ước không được thừa nhận hoặc công nhận bất kỳ quyền nào được ưu tiên hơn những quyền được nói tạo khoản 1 của Điều này.

Điều 2.

1. Tất cả các đăng ký liên quan đến một tầu bay đã nói phải được ghi trong cùng một sổ đăng ký.

2. Trừ khi được quy định khác trong Công ước này, hiệu lực của việc đăng ký bất kỳ quyền nào được nói tại Điều 1 khoản 1, đối với người thứ ba được xác định theo luật của quốc gia kết ước nơi đăng ký.

3. Mỗi quốc gia kết ước có thể hạn chế việc đăng ký bất kỳ quyền nào mà không thể được thiết lập một cách hợp pháp theo luật của quốc gia đó.

Điều 3.

1. Địa chỉ Nhà chức trách có thẩm quyền lưu giữ sổ đăng ký phải được thể hiện trên mọi chứng chỉ đăng ký quốc tịch của tầu bay.

2. Bất kỳ người nào cũng có quyền xin Nhà chức trách bản sao hoặc bản trích lục các chi tiết đăng ký có chứng nhận hợp lệ. Những bản sao hoặc bản trích lục đó là chứng cứ hiển nhiên về các nội dung đã đăng ký.

3. Nếu luật pháp của một quốc gia kết ước quy định rằng việc đệ trình một văn bản để đăng ký cũng có cùng hiệu lực như việc đăng ký, thì văn bản đó có cùng hiệu lực nhằm mục đích của Công ước này. Trong trường hợp đó, các quy định đầy đủ phải được thiết lập để đảm bảo rằng văn bản này được mở công khai.

4. Các lệ phí thích hợp có thể được quy định đối với các dịch vụ được cung ứng bởi Nhà chức trách lưu giữ sổ đăng ký.

Điều 4.

1. Trong trường hợp có bất kỳ khiếu kiện đối với:

a. Việc bồi thường chi phí cho việc cứu hộ tầu bay, hoặc

b. Các chi phí đặc biệt cho việc gìn giữ tầu bay phát sinh quyền hưởng phí gìn giữ tầu bay kết thúc, thì quyền đó phải được quốc gia kết ước công nhận và phải được ưu tiên trên tất cả các quyền khác đối với tầu bay.

2. Các quyền nói tại khoản 1 được giải quyết theo thứ tự ngược lại về ngày xảy ra sự kiện làm phát sinh các quyền đó.

3. Trong vòng 3 tháng kể từ ngày kết thúc việc tiến hành cứu hộ hoặc gìn giữ tầu bay, các quyền nói trên có thể được đăng ký vào Sổ đăng ký.

4. Các quyền nói trên không được công nhận tại bất kỳ quốc gia kết ước nào khác sau khi kết thúc thời hạn ba tháng nói tại khoản 3 trừ khi, trong thời hạn này.

a. Quyền đó đã được ghi vào Sổ đăng ký theo khoản 3, và

b. Khoản tiền đã được thỏa thuận hoặc việc khởi kiện về quyền đó đã bắt đầu. Trong chừng mực mà việc khởi kiện có liên quan thì luật toà án sẽ xác định các sự kiện mà thời hạn ba tháng có thể làm gián đoạn hoặc đình.

5. Điều này được áp dụng ngoài các quy định của Điều 1 khoản 2.

Điều 5.

Việc ưu tiên đối với quyền được nói tại Điều 1 khoản 1 điểm d được mở rộng tới tất cả các khoản phát sinh từ đó được đảm bảo. Tuy nhiên, khoản tiền lãi được tính không vượt quá khoản lãi được cộng dồn trong vòng 3 năm trước khi thi hành án cộng với khoản lãi cộng dồn trong thời gian thi hành án.

Điều 6.

Trong trường hợp tịch biên hoặc bán tầu bay để thi hành án, hoặc bất kỳ quyền nào đối với tầu bay đó, quốc gia kết ước không có nghĩa vụ công nhận bất kỳ quyền nào như vậy được nói tại Điều 1 khoản 1, hoặc việc chuyển nhượng bất kỳ quyền nào như vậy khi chống lại chủ nợ tịch biên hoặc thi hành án hoặc chống lại người mua, nếu quyền đó được thiết lập hoặc làm cho có hiệu lực bởi người có sự hiểu biết về việc bán hoặc thi hành án mà các thủ tục này nhằm tới.

Điều 7.

1. Thủ tục bán đấu giá một tầu bay để thi hành án được xác định theo luật của quốc gia kết ước nơi tiến hành bán.

2. Tuy nhiên, các quy định sau đây phải được tuân thủ:

- Ngày, nơi bán phải được định ra ít nhất trước 6 tuần.

- Chủ nợ thi hành án phải cung cấp cho toà án hoặc nhà chức trách khác có thẩm quyền một bản trích lục được chứng nhận của các đăng ký liên quan đến tầu bay. Người này phải thông báo công khai việc mua bán này tại nơi tầu bay đăng ký quốc tịch theo luật được áp dụng tại nơi đó ít nhất một tháng trước ngày ấn định, đồng thời phải thông báo bằng thư bảo đảm, nếu có thể thì bằng thư theo đường hàng không cho sở hữu chủ đã đăng ký và cho những người có các quyền đối với tầu bay hoặc những người có các quyền được ghi trong sổ đăng ký theo Điều IV, khoản 3 theo địa chỉ của họ ghi trong sổ đăng ký.

3. Hậu quả của việc không tuân theo các yêu cầu của khoản 2 được quy định bởi luật của quốc gia kết ước tiến hành bán. Tuy nhiên, bất kỳ việc tiến hành bán nào trái với các yêu cầu của khoản đó có thể phải chịu hậu quả bắt buộc dù luật pháp quốc gia có quy định hoặc không theo yêu cầu của bất kỳ người nào phải gánh chịu thiệt hại do kết quả của việc làm trái các yêu cầu nói trên nếu yêu cầu đó được đưa ra trong vòng 6 tháng kể từ ngày bán.

4. Không một việc bán tài sản nào để thi hành án nào có hiệu lực trừ khi tất cả các quyền được ưu tiên trên trái quyền của chủ nợ thi hành án phù hợp với Công ước này đã được thiết lập trước nhà chức trách có thẩm quyền mà thủ tục bán đã được giải quyết hoặc được người mua thừa nhận.

5. Khi có thương tích hoặc thiệt hại đối với người hoặc tài sản trên mặt đất của quốc gia kết ước nơi bán tầu bay để thi hành án gây ra bởi bất kỳ tầu bay nào phụ thuộc vào bất kỳ quyền nào được quy định tại Điều 1 được thiết lập việc đảm bảo cho một khoản nợ, trừ khi người khai thác hoặc người nhân danh người khai thác đã mua bảo hiểm tại bất kỳ một quốc gia nào hoặc được một sự bảo đảm đầy đủ và có hiệu lực của một quốc gia để bảo đảm bồi thường các thương tích hoặc thiệt hại như vậy, luật của quốc gia kết ước nói trên có thể quy định rằng trong trường hợp bắt giữ tầu bay đó hoặc bất kỳ tầu bay nào khác của cùng một chủ sở hữu và để đương tới bất kỳ quyền nào tương tự được lập lệ bởi cùng một chủ nợ mà:

(a) Các quy định của khoản 4 nói trên không có hiệu lực đối với bị thương tích hoặc thiệt hại hoặc đối với đại diện của người này nếu người này là một bên của chủ nợ thi hành án.

(b) Bất kỳ quyền nào được quy định trong Điều 1 được thiết lập nên như việc đảm bảo cho một khoản nợ liên quan đến tầu bay không thể được lập nên để chống lại bất kỳ người nào phải giánh chịu thương tích hoặc thiệt hại như vậy hoặc chống lại đại diện của người này vượt quá khoản tiền bằng 80% giá bán.

Trong trường hợp không có giới hạn nào khác được thiết lập bởi luật của quốc gia kết ước nơi việc bán đấu giá tiến hành, thì khoản bảo hiểm được coi là đủ theo ý nghĩa của khoản này nếu khoản bảo hiểm tương đương với giá trị khi mới của tầu bay bị bắt giữ để thi hành án.

6. Án phí phải trả theo luật của quốc gia kết ước nơi tiến hành bán được tính vào phần lợi ích chung của các chủ nợ tham gia tố tụng dẫn tới việc bán phải được thanh toán trên giá bán trước bất kỳ một trái quyền nào, bao gồm cả những trái quyền được ưu tiên theo Điều IV.

Điều 8.

Việc bán một tầu bay để thi hành án tuân thủ các quy định của Điều VII có hiệu lực chuyển tài sản tầu bay đó thoát khỏi tất cả các quyền mà không được người mua thừa nhận.

Điều 9.

Trừ trường hợp bán để thi hành án không phù hợp với các điều khoản của điều 7, việc chuyển giao tàu bay từ nước đăng ký quốc tịch hoặc hồ sơ của nước thành viên đến nước thành viên khác là không thực hiện được nếu tất cả những người giữ hồ sơ không đồng ý chuyển.

Điều 10.

1. Nếu một quyền đã được đăng ký đối với một tầu bay có tính chất được xác định tại Điều 1 và được bảo đảm thanh toán khoản nợ, phù hợp với luật của quốc gia kết ước nơi tầu bay đăng ký, mở rộng tới các phụ tùng thay thế được tàng trữ tại những nơi xác định, thì quyền đó được quốc gia kết ước công nhận trong chừng mực các phụ tùng thay thế vẫn còn ở những nơi xác định, với điều kiện là một thông báo công khai thích hợp xác định đặc điểm của quyền đó, tên và địa chỉ của người có quyền đó và sổ đăng ký quyền đó được công bố tại nơi để các phụ tùng thay thế nói trên.

2. Một thông báo chỉ ra đặc điểm và số lượng tương ứng của các phụ tùng thay thế nói trên là phụ lục hoặc được ghi vào tài liệu đăng ký. Các bộ phận đó có thể được thay thế bằng các bộ phận tương tự mà không ảnh hưởng đến quyền của chủ nợ.

3. Các quy định của Điều VII, khoản 1 và 4 và Điều VIII cũng được áp dụng đối với việc bán các phụ tùng thay thế để thi hành án. Tuy nhiên, khi chủ nợ thi hành án là chủ nợ không có đảm bảo thì khoản 4 Điều VII trong khi được áp dụng đối với việc bán này phải được giải thích để cho phép tiến hành việc bán nếu việc bán được trả bằng một khoản không ít hơn hai phần ba (2/3) giá trị của phụ tùng thay thế được định giá bởi các chuyên gia do nhà chức trách có thẩm quyền trong việc bán chỉ định. Hơn nữa, trong việc phân chia giá trị bán, Nhà chức trách có thẩm quyền, để đáp ứng cho các trái quyền của các chủ nợ thi hành án, có thể giới hạn khoản cho những người có quyền ưu tiên bằng hai phần ba (2/3) giá trị bán được sau khi thanh toán xong các chi phí quy định tại khoản 6 Điều VII.

4. Nhằm mục đích của Điều này, từ “phụ tùng thay thế” có nghĩa là các phần của tầu bay, các động cơ, cánh quạt, thiết bị vô tuyến, các thiết bị, vật thay thế, trang thiết bị, các bộ phận của bất kỳ vật nào nói trên và nói chung là bất kỳ một vật nào khác của bất kỳ loại gì khác được duy trì nhằm lắp đặt trên tầu bay để thay thế cho các bộ phận hoặc các chi tiết được tháo ra.

Điều 11.

1. Các quy định của Công ước này được áp dụng trong mỗi Quốc gia kết ước đối với tất cả tầu bay được đăng ký quốc tịch tại một quốc gia kết ước khác.

2. Mỗi quốc gia kết ước cũng phải áp dụng đối với các tầu bay được đăng ký quốc tịch ở quốc gia đó:

(a) Các quy định của Điều II, III, IX, và

(b) Các quy định của Điều VII, trừ khi việc tiến hành cứu hộ hoặc giữ gìn tầu bay kết thúc trong lãnh thổ của quốc gia đó.

Điều 12.

Không điều khoản nào trong Công ước này ngăn cản quyền của bất kỳ quốc gia kết ước nào trong việc bắt buộc một tầu bay tuân thủ luật của quốc gia đó liên quan đến vấn đề xuất, nhập cảnh, nhập cư, hải quan hoặc không vận.

Điều 13.

Công ước này không áp dụng đối với tầu bay sử dụng trong quân sự, hải quan, cảnh sát.

Điều 14.

Nhằm mục đích của Công ước này, Nhà chức trách có thẩm quyền về tư pháp và hành pháp của các quốc gia kết ước, phụ thuộc vào bất kỳ quy định nào trái ngược trong luật của quốc gia này có thể thảo luận trực tiếp với nhau.

Điều 15.

Quốc gia kết ước phải tiến hành các biện pháp cần thiết để thực hiện các quy định của Công ước này và phải thông báo ngay tới Tổng thư ký Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế về những biện pháp này.

Điều 16.

Nhằm mục đích của Công ước này, thuật ngữ “tàu bay” bao gồm thân tầu bay, động cơ, cánh quạt, thiết bị vô tuyến và các bộ phận khác được sử dụng trên tầu bay dù là được lắp đặt trên đó hoặc tạm thời được tháo rời khỏi tầu bay.

Điều 17.

Nếu có riêng một sổ đăng bạ quốc tịch tầu bay được lưu giữ tại bất kỳ lãnh thổ nào mà quốc gia kết ước có trách nhiệm đối với các quan hệ đối ngoại của lãnh thổ đó, thì các quy định trong Công ước này có liên quan đến luật của quốc gia kết ước phải được giải thích như là các quy định này có liên quan đến lãnh thổ đó.

Điều 18.

Công ước này được mở ra để ký kết cho đến khi bắt đầu có hiệu lực theo quy định của Điều XX.

Điều 19.

1. Công ước này phụ thuộc vào sự phê chuẩn của các quốc gia ký kết.

2. Văn kiện phê chuẩn phải được gửi tới cơ quan lưu trữ của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế và Tổ chức này phải thông báo về ngày gửi tới mỗi quốc gia ký kết và gia nhập.

Điều 20.

1. Ngay khi có hai Quốc gia ký kết đã gửi văn kiện phê chuẩn Công ước này, thì Công ước có hiệu lực giữa các Quốc gia đó từ ngày thứ chín mươi sau ngày gửi văn kiện phê chuẩn thứ hai. Công ước sẽ có hiệu lực đối với mỗi quốc gia gửi văn kiện phê chuẩn sau ngày nói trên kể từ ngày thứ chín mươi sau ngày gửi văn kiện phê chuẩn của quốc gia đó.

2. Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế phải thông báo cho mỗi quốc gia ký kết về ngày Công ước này bắt đầu có hiệu lực.

3. Ngay sau khi Công ước này bắt đầu có hiệu lực, Công ước được Tổng thư ký Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế đăng ký với Liên hợp quốc.

Điều 21.

1. Công ước này, sau khi có hiệu lực, được mở ra để các quốc gia không ký kết gia nhập.

2. Việc gia nhập có hiệu lực bằng cách gửi văn kiện gia nhập tới cơ quan lưu trữ của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế và Tổ chức này phải thông báo ngày gửi cho mỗi quốc gia ký kết và gia nhập.

3. Việc gia nhập có hiệu lực kể từ ngày thứ chín mươi sau ngày gửi văn kiện gia nhập tới cơ quan lưu trữ của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế.

Điều 22.

1. Bất kỳ quốc gia kết ước nào cũng có thể bãi bỏ Công ước này bằng cách gửi tuyên bố bãi bỏ tới tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế và Tổ chức này phải thông báo ngày nhận tuyên bố bãi bỏ đó tới mỗi quốc gia ký kết và gia nhập.

2. Việc bãi bỏ có hiệu lực sáu tháng sau ngày Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế nhận được tuyên bố bãi bỏ.

Điều 23.

1. Bất kỳ quốc gia nào, vào lúc gửi văn kiện phê chuẩn hoặc văn kiện gia nhập, đều có thể tuyên bố rằng việc thừa nhận Công ước này không áp dụng đối với một hoặc nhiều lãnh thổ mà quốc gia này có trách nhiệm đối với các quan hệ đối ngoại của lãnh thổ đó.

2. Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế phải gửi thông báo về bất kỳ tuyên bố nào như vậy tới mỗi quốc gia ký kết hoặc gia nhập.

3. Trừ những phần lãnh thổ có liên quan tới tuyên bố đã được thiết lập theo khoản 1 Điều này, Công ước này được áp dụng đối với tất cả các lãnh thổ mà quốc gia kết ước có trách nhiệm đối với các quan hệ đối ngoại của lãnh thổ đó.

4. Bất kỳ quốc gia nào cũng có thể gia nhập một cách riêng rẽ Công ước này nhân danh tất cả hoặc một vài lãnh thổ có liên quan đến tuyên bố được quốc gia đó lập theo khoản 1 Điều này và các quy định của khoản 2 và 3 Điều 21 phải được áp dụng đối với sự gia nhập đó.

5. Bất kỳ quốc gia kết ước nào cũng có thể bãi bỏ Công ước này, theo quy định của Điều 22, một cách riêng rẽ đối với toàn bộ hoặc bất kỳ lãnh thổ nào mà quốc gia đó có trách nhiệm đối với các quan hệ đối ngoại của lãnh thổ đó.

Để làm bằng chứng, các vị đại diện toàn quyền đã ký tên dưới đây, đã được ủy quyền đầy đủ, đã ký vào Công ước này.

Làm tại Geneva vào ngày mười chín tháng sáu năm một nghìn chín trăm bốn mươi tám bằng ba thứ tiếng: tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha và đều có giá trị như nhau.

Công ước này sẽ được lưu giữ tại cơ quan văn phòng của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế là nơi được mở ra để ký kết theo Điều 18.