Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 100/TANDTC-PC
V/v truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người thực hiện hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có

Hà Nội, ngày 12 tháng 4 năm 2016

 

Kính gửi: Bộ Công an

Sau khi nghiên cứu Công văn số 234/C41-C45 ngày 20/01/2016 của Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an về việc đề nghị cho ý kiến thống nhất áp dụng pháp luật để giải quyết đối với các vụ án chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có theo quy định tại Điều 250 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) và các tài liệu có liên quan, Tòa án nhân dân tối cao có ý kiến như sau:

Theo quy định tại Điều 250 của Bộ luật Hình sự năm 1999 về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có thì: “1. Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi  triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm...”. Theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 09/2011/TTLT-BCA-BQP-BTP-NHNNVN-VKSNDTC-TANDTC ngày 30-11-2011 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có thì: “1."Tài sản do người khác phạm tội mà có là tài sản do người phạm tội có được trực tiếp từ việc thực hiện hành vi phạm tội (ví dụ: tài sản chiếm đoạt được, tham ô, nhận hối lộ...) hoặc do người phạm tội có được từ việc mua bán, đổi chác bằng tài sản có được trực tiếp từ việc họ thực hiện hành vi phạm tội (ví dụ: xe máy có được từ việc dùng tiền tham ô để mua); 2. “Biết rõ tài sản là do người khác phạm tội mà có” là có căn cứ chứng minh biết được tài sản có được trực tiếp từ người thực hiện hành vi phạm tội hoặc có được từ việc mua bán, đổi chác bằng tài sản có được trực tiếp từ người thực hiện hành vi phạm tội".

Như vậy, theo quy định của Điều 250 Bộ luật Hình sự năm 1999 và hướng dẫn nêu trên thì cấu thành cơ bản tội phạm này về ý thức chủ quan thì chỉ bắt buộc người có hành vi chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết tài sản đó do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có, mà không buộc người tiêu thụ, chứa chấp phải biết rõ ai là người đã trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội để có được tài sản đó và họ đã bị xử lý hình sự hay chưa. Do đó, nếu có đủ chứng cứ chứng minh được ý thức chủ quan của người có hành vi chứa chấp, tiêu thụ biết rõ các tài sản mà họ chứa chấp, tiêu thụ do người khác phạm tội mà có thì có đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với họ về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

Trên đây là ý kiến của Tòa án nhân dân tối cao về việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người thực hiện hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có để quý Cơ quan tham khảo./.

 


Nơi nhận:
- Như kính gửi;
- Đ/c Chánh án TANDTC (để báo cáo);
- Tổng cục Cảnh sát Bộ Công an;
- Lưu: VT (PC, TANDTC).

KT. CHÁNH ÁN
PHÓ CHÁNH ÁN




Nguyễn Sơn