Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ CÔNG THƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 10387/BCT-HC
V/v đầu tư sản xuất phốt pho đỏ của Công ty CP Quốc tế Latvita tại Khu công nghiệp Tằng Loỏng

Hà Nội, ngày 20 tháng 12 năm 2018

 

Kính gửi: Ủy ban nhân dân Lỉnh Lào Cai

Trả lời Công văn số 5656/UBND-KT ngày 28 tháng 11 năm 2018 của Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Lào Cai về việc đầu tư Dự án Nhà máy chế biến phốt pho đỏ của Công ty CP Quốc tế Latvita tại Lô B17, Khu công nghiệp Tằng Loỏng, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai (Dự án), Bộ Công Thương có một số ý kiến như sau:

1. Về quy hoạch

Dự án không nằm trong Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 ban hành kèm theo Quyết định số 1621/QĐ-TTg ngày 18 tháng 9 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ (Quy hoạch 1621) và Quy hoạch phát triển các sản phẩm hóa chất cơ bản Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 ban hành kèm theo Quyết định số 676/QĐ-BCT ngày 06 tháng 3 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Công Thương (Quy hoạch 676).

Theo quy định tại Khoản 2, Điều 13 của Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 (được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 24 tháng 11 năm 2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2019), việc lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ bị nghiêm cấm trong hoạt động quy hoạch; các quy hoạch thuộc trường hợp nêu trên đã được quyết định hoặc phê duyệt hết hiệu lực chậm nhất là ngày 31 tháng 12 năm 2018, việc đầu tư các dự án cần phải phù hợp với định hướng phát triển ngành và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

2. Về việc đầu tư Dự án tại Khu công nghiệp Tằng Loỏng

Bộ Công Thương ủng hộ việc đầu tư, chế biến sâu các sản phẩm từ quặng apatit nhằm tăng giá trị gia tăng của sản phẩm, phát triển ngành công nghiệp hóa chất trong nước, hạn chế ngoại tệ nhập khẩu... Đề nghị Công ty CP Quốc tế Latvita và UBND tỉnh Lào Cai nghiên cứu, xem xét một số yếu tố sau:

- Về cung cầu và chất lượng sản phẩm: Phốt pho đỏ là một dạng sản phẩm của hóa chất Phốt pho nói chung (phốt pho trắng, phốt pho đen, phốt pho vàng) phục vụ một số thị trường ngách như an ninh quốc phòng, sản xuất pháo hoa, điểm tiêu an toàn, hóa chất diệt côn trùng, phụ gia ngành dầu khí... Tuy nhiên, các số liệu về sản lượng sử dụng phốt pho đỏ ở Việt Nam và trên thế giới rất ít sản phẩm chủ yếu phục vụ xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Vì vậy, Chủ đầu tư cần cân nhắc, đánh giá cụ thể về mục tiêu công suất, chỉ tiêu chất lượng sản phẩm, khả năng tiêu thụ, bổ sung các thông tin cần thiết về cung cầu thị trường phốt pho đỏ, báo cáo UBND tỉnh Lào Cai xem xét, đánh giá cân đối năng lực sản xuất, các điều kiện về môi trường có liên quan làm cơ sở ban hành quyết định chủ trương đầu tư và các thủ tục khác có liên quan để đảm bảo hiệu quả đầu tư, tránh lãng phí.

- Về môi trường: Công ty CP Quốc tế Latvita cần đáp ứng và đảm bảo tuân thủ các quy định về an toàn môi trường, an toàn sản xuất, có các biện pháp đảm bảo an toàn hóa chất, an toàn môi trường để trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét, thẩm định và phê duyệt; cần đảm bảo hài hòa giữa chủ trương của địa phương, lợi ích cửa doanh nghiệp và môi trường (Theo đánh giá của UBND tỉnh Lào Cai tại Công văn số 5656/UBND-KT: Hạ tầng Khu công nghiệp Tăng Loỏng không được đầu tư đồng bộ; hiện khu vực đang có dấu hiệu quá sức chịu tải về môi trường).

- Về công nghệ, thiết bị: Sử dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến hiện đại. Khuyến khích áp dụng công nghệ cao để đảm bảo sản xuất ổn định, sử dụng hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường, không sử dụng các thiết bị cũ, không đảm bảo an toàn, nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng;

- Chủ đầu tư tổ chức triển khai các thủ tục về lập dự án, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự án, tổ chức lựa chọn nhà thầu, thẩm định công nghệ... theo đúng quy định hiện hành; cần có nghiên cứu hoặc hợp tác nghiên cứu với các đơn vị trong khu vực để tận dụng các sản phẩm phụ, các sản phẩm thải bỏ (ở dạng rắn, lỏng, khí) để sản xuất các sản phẩm có hiệu quả kinh tế, không gây ô nhiễm môi trường, đảm bảo chuỗi sản xuất là khép kín, tăng hiệu quả đầu tư trên từng đơn vị sản phẩm.

Trên đây là một số ý kiến của Bộ Công Thương gửi UBND tỉnh Lào Cai nghiên cứu, xem xét. Trong quá trình triển khai đầu tư và vận hành, đề nghị UBND tỉnh Lào Cai tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương để xem xét, đánh giá và quản lý đầu tư, vận hành Dự án theo đúng các quy định của pháp luật./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Lưu: VT, HC.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG





Đặng Hoàng An