ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1045/UBND-ĐTXD | An Giang, ngày 24 tháng 09 năm 2014 |
Kính gửi: | - Các Sở, ban ngành cấp tỉnh; |
Căn cứ Nghị định số 15/2013/NĐ-CP ngày 06 tháng 02 năm 2013 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng;
Căn cứ Thông tư số 10/2013/TT-BXD ngày 25 tháng 07 năm 2013 của Bộ Xây dựng quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng công trình xây dựng;
Căn cứ Thông tư số 13/2013/TT-BXD ngày 15 tháng 8 năm 2013 của Bộ Xây dựng quy định thẩm tra, thẩm định và phê duyệt thiết kế xây dựng công trình;
Căn cứ Thông tư số 75/2014/TT-BTC ngày 12 tháng 6 năm 2014 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm tra thiết kế công trình xây dựng;
Căn cứ Thông tư số 09/2014/TT-BXD ngày 10 tháng 7 năm 2014 của Bộ Xây dựng sửa đổi bổ sung một số điều tại các Thông tư hướng dẫn Nghị định số 15/2013/NĐ-CP ngày 06 tháng 02 năm 2013 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình;
Căn cứ công văn số 2814/BXD-GĐ ngày 30 tháng 12 năm 2013 của Bộ Xây dựng về việc Kiểm tra công tác nghiệm thu công trình, báo cáo về tình hình chất lượng và công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng;
Xét đề nghị của Sở Xây dựng tại công văn số 1634/SXD-HĐXD ngày 29 tháng 8 năm 2014 về việc triển khai Thông tư số 09/2014/TT-BXD của Bộ Xây dựng.
Ủy ban nhân dân tỉnh quy định về công tác thẩm tra thiết kế và kiểm tra công tác nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng trên địa bàn tỉnh An Giang theo Nghị định 15/2013/NĐ-CP của Chính phủ và các Thông tư hướng dẫn của Bộ Xây dựng như sau:
I. Thẩm tra thiết kế, dự toán:
1. Phạm vi áp dụng:
Đối với những công trình xây dựng mới; công trình sửa chữa, cải tạo, thay đổi thiết kế làm thay đổi quy mô, tổng mức đầu tư hoặc làm thay đổi tải trọng thiết kế, giải pháp kết cấu, vật liệu chính của kết cấu chịu lực chính làm ảnh hưởng tới an toàn chịu lực của công trình (nếu phải lập dự án đầu tư hoặc báo cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng); các thiết kế giải pháp khắc phục sự cố các công trình tại Khoản 1 Điều 21 Nghị định 15/2013/NĐ-CP, cụ thể:
a) Công trình dân dụng và hạ tầng kỹ thuật:
- Nhà ở chung cư cấp II và cấp III;
- Nhà ở riêng lẻ từ 7 tầng trở lên;
- Công trình công cộng cấp II và cấp III;
- Công trình hạ tầng kỹ thuật:
+ Cấp II và cấp III: đối với công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước;
+ Cấp II: đối với vốn khác;
+ Công trình xử lý chất thải rắn độc hại cấp II, cấp III và cấp IV.
b) Công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn: cấp II, cấp III và cấp IV.
c) Công trình giao thông:
- Cầu, hầm, đường bộ:
+ Cấp II và cấp III: đối với công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước;
+ Cấp II: đối với vốn khác;
- Công trình bến, ụ tàu; cảng bến đường thủy cấp II, cấp III và cấp IV.
d) Công trình công nghiệp:
- Công trình cấp II, III thuộc các loại: Đường dây tải điện và trạm biến áp, nhà máy thủy điện, nhà máy nhiệt điện, nhà máy luyện kim, nhà máy sản xuất Alumin.
- Công trình cấp II, cấp III và cấp IV thuộc các loại: Nhà máy lọc hóa dầu, chế biến khí, nhà kho, tuyến đường ống (dẫn xăng, dầu, khí hóa lỏng), nhà máy sản xuất và kho chứa hóa chất nguy hiểm, nhà máy sản xuất và kho chứa vật liệu nổ công nghiệp.
2. Phân công trách nhiệm thẩm tra thiết kế, dự toán:
2.1. Sở Xây dựng và Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành (Sở Giao thông vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương) chịu trách nhiệm thẩm tra thiết kế, dự toán các công trình theo quy định tại Khoản 7 Điều 5 Thông tư số 13/2013/TT-BXD, cụ thể:
a) Sở Xây dựng chịu trách nhiệm thẩm tra thiết kế, dự toán các công trình (trừ các công trình thuộc dự án do Bộ trưởng Bộ Xây dựng quyết định đầu tư):
- Nhà ở chung cư cấp II và cấp III;
- Nhà ở riêng lẻ từ 7 tầng trở lên;
- Công trình công cộng cấp II và cấp III;
- Công trình hạ tầng kỹ thuật:
+ Cấp II và cấp III: đối với công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước;
+ Cấp II: đối với vốn khác;
+ Công trình xử lý chất thải rắn độc hại cấp II, cấp III và cấp IV.
b) Sở Giao thông vận tải chịu trách nhiệm thẩm tra thiết kế, dự toán các công trình (trừ các công trình thuộc dự án do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định đầu tư):
- Cầu, hầm, đường bộ:
+ Cấp II và cấp III: đối với công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước;
+ Cấp II: đối với vốn khác;
- Công trình bến, ụ tàu; cảng bến đường thủy, hệ thống cáp treo vận chuyển người cấp II, cấp III và cấp IV.
c) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm thẩm tra thiết kế, dự toán các công trình (trừ các công trình thuộc dự án do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định đầu tư): Hồ chứa nước; đập ngăn nước, tràn xả lũ; cống lấy nước, cống xả nước; kênh; đường ống kín dẫn nước; đường hầm thủy công; đê; kè; trạm bơm và công trình thủy lợi khác cấp II, cấp III và cấp IV; các công trình lâm sinh và công trình hạ tầng cơ sở kỹ thuật phục vụ cho bảo vệ và phát triển rừng không phân biệt cấp đối với các dự án mà chủ đầu tư là tổ chức thuộc địa phương theo quy định tại Thông tư liên tịch số 10/2013/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT ngày 01/02/2013 của Liên Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn - Bộ Kế hoạch & Đầu tư.
d) Sở Công Thương chịu trách nhiệm thẩm tra thiết kế, dự toán các công trình (trừ các công trình thuộc dự án do Bộ trưởng Bộ Công thương quyết định đầu tư):
- Công trình cấp II, III thuộc các loại: Đường dây tải điện và trạm biến áp, nhà máy thủy điện, nhà máy nhiệt điện, nhà máy luyện kim, nhà máy sản xuất Alumin.
- Công trình cấp II, cấp III và cấp IV thuộc các loại: Nhà máy lọc hóa dầu, chế biến khí, nhà kho, tuyến đường ống (dẫn xăng, dầu, khí hóa lỏng), nhà máy sản xuất và kho chứa hóa chất nguy hiểm, nhà máy sản xuất và kho chứa vật liệu nổ công nghiệp.
Lưu ý:
- Trong trường hợp dự án đầu tư xây dựng gồm nhiều công trình có loại và cấp khác nhau thì cơ quan được phân công tổ chức thực hiện thẩm tra thiết kế, dự toán là cơ quan có trách nhiệm thực hiện thẩm tra thiết kế đối với công trình chính của dự án đầu tư xây dựng công trình.
- Khi thẩm tra thiết kế các công trình đường bộ trong đô thị, Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm lấy ý kiến của Sở Xây dựng về các hạng mục cây xanh, chiếu sáng, cấp nước, thoát nước, tuynel kỹ thuật và các hạng mục hạ tầng kỹ thuật đô thị khác (nếu có) để đảm bảo tính đồng bộ, nâng cao hiệu quả sử dụng, tiết kiệm chi phí, đảm bảo cảnh quan và môi trường.
2.2. Căn cứ vào điều kiện năng lực thực tế của cơ quan chuyên môn về xây dựng của các UBND huyện, thị xã, thành phố (gọi tắt là UBND cấp huyện), Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh, giao cho Sở Xây dựng và Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành (ngoại trừ Sở Công Thương) thực hiện ủy quyền cụ thể cho UBND cấp huyện, Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh thực hiện thẩm tra thiết kế, dự toán đối với các công trình xây dựng thuộc trách nhiệm thẩm tra thiết kế, dự toán của mình.
3. Nội dung thẩm tra thiết kế, dự toán:
Thực hiện theo quy định tại Điều 4 của Thông tư số 13/2013/TT-BXD. Tuy nhiên cần lưu ý một số vấn đề sau:
a) Đối với các công trình không sử dụng vốn ngân sách nhà nước (công trình sử dụng vốn khác):
Trong thời gian 05 ngày làm việc, cơ quan được phân công thẩm tra khi nhận hồ sơ trình thẩm tra của chủ đầu tư, có trách nhiệm ra thông báo bằng văn bản và chuyển trả hồ sơ để chủ đầu tư lựa chọn tư vấn thẩm tra có đủ điều kiện về năng lực đã được công bố công khai trên trang thông tin điện tử của Sở Xây dựng, Bộ Xây dựng để ký hợp đồng tư vấn thẩm tra với những nội dung theo quy định tại khoản 1, Điều 4 của Thông tư số 13/2013/TT-BXD.
Sau khi có báo cáo kết quả thẩm tra, chủ đầu tư có trách nhiệm gửi báo cáo kết quả thẩm tra về cho cơ quan được phân công thẩm tra có ý kiến về kết quả thẩm tra của tổ chức tư vấn thẩm tra bằng văn bản theo quy định tại Phụ lục số 5 của Thông tư số 13/2013/TT-BXD, để chủ đầu tư thực hiện các bước tiếp theo.
b) Đối với các công trình sử dụng toàn bộ hoặc một phần vốn ngân sách nhà nước; công trình sử dụng vốn có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước; công trình đầu tư bằng vốn xây dựng cơ bản tập trung; công trình được đầu tư theo hình thức: Xây dựng - chuyển giao (BT), xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), xây dựng - chuyển giao - kinh doanh (BTO), hợp tác công - tư (PPP) và những công trình đầu tư bằng nguồn vốn hỗn hợp khác (gọi chung là công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước):
- Trường hợp các cơ quan được phân công thẩm tra có đủ điều kiện năng lực thẩm tra theo quy định của pháp luật: trực tiếp thực hiện thẩm tra theo nội dung thẩm tra được quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 21 của Nghị định số 15/2013/NĐ-CP, đồng thời có trách nhiệm tổng hợp, lập thông báo kết quả thẩm tra và đóng dấu vào các bản vẽ thiết kế đã được thẩm tra theo đúng quy định tại khoản 4, Điều 4 của Thông tư số 13/2013/TT-BXD.
- Trường hợp các cơ quan được phân công thẩm tra không có đủ điều kiện năng lực thẩm tra theo quy định của pháp luật:
+ Trong thời gian 05 ngày làm việc, cơ quan được phân công thẩm tra khi nhận hồ sơ trình thẩm tra của chủ đầu tư, có trách nhiệm lựa chọn tổ chức tư vấn thẩm tra có đủ điều kiện về năng lực đã được công bố công khai trên trang thông tin điện tử của Sở Xây dựng và Bộ Xây dựng để chỉ định thẩm tra một phần hoặc toàn bộ các nội dung thẩm tra quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Điều 4 của Thông tư số 13/2013/TT-BXD và thông báo bằng văn bản đến chủ đầu tư và tổ chức tư vấn để ký hợp đồng, thực hiện thẩm tra.
+ Tổ chức tư vấn trực tiếp thẩm tra có trách nhiệm tổng hợp, lập thông báo kết quả thẩm tra và đóng dấu vào các bản vẽ thiết kế đã được thẩm tra theo đúng quy định tại khoản 4, Điều 4 của Thông tư số 13/2013/TT-BXD.
+ Chủ đầu tư gửi báo cáo kết quả thẩm tra cho cơ quan được phân công thẩm tra xem xét và có ý kiến bằng văn bản về kết quả thẩm tra theo quy định tại Khoản 4, Điều 4 của Thông tư số 13/2013/TT-BXD để chủ đầu tư thực hiện các bước tiếp theo.
+ Chủ đầu tư và nhà thầu thiết kế công trình có trách nhiệm hoàn thiện hồ sơ thiết kế theo kết quả thẩm tra và ý kiến của cơ quan được phân công thẩm tra trước khi thẩm định và phê duyệt thiết kế, dự toán công trình; đồng thời, có trách nhiệm gửi một bản chụp của bản vẽ thiết kế và dự toán công trình (đã chỉnh sửa theo kết quả thẩm tra) về cơ quan được phân công thẩm tra để quản lý.
c) Nội dung thẩm tra thiết kế, dự toán được quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 4 của Thông tư số 13/2013/TT-BXD.
Riêng đối với nội dung thẩm tra đánh giá sự hợp lý của thiết kế đảm bảo tiết kiệm chi phí của công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước được quy định tại khoản 1, Điều 3 của Thông tư số 09/2014/TT-BXD, cụ thể: kiểm tra sự phù hợp giữa khối lượng chủ yếu của dự toán với khối lượng thiết kế; kiểm tra tính đúng đắn, hợp lý của việc áp dụng chế độ chính sách, vận dụng đơn giá xây dựng công trình, định mức xây dựng công trình, định mức tỷ lệ, dự toán chi phí tư vấn và các khoản mục chi phí khác, xác định giá trị dự toán công trình; đánh giá giải pháp thiết kế về tiết kiệm chi phí xây dựng.
d) Cho phép các cơ quan được phân công thẩm tra được chỉ định hoặc phối hợp với tổ chức tư vấn thẩm tra có đủ điều kiện năng lực thực hiện công tác thẩm tra thiết kế, dự toán xây dựng công trình.
4. Thời gian thẩm tra:
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 8 của Thông tư số 13/2013/TT-BXD, cụ thể:
- Trong thời gian 07 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ trình thẩm tra, cơ quan được phân công thẩm tra có trách nhiệm xem xét hồ sơ và có thông báo đến chủ đầu tư để bổ sung, hoàn thiện hồ sơ (nếu hồ sơ chưa đủ hoặc không đúng quy định).
- Thời gian bắt đầu thẩm tra của cơ quan được phân công thẩm tra được tính từ ngày cơ quan này nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cụ thể:
+ Đối với các công trình thiết kế 2 bước, thiết kế 3 bước hoặc thiết kế khác triển khai sau thiết kế cơ sở: 30 ngày làm việc.
+ Đối với các công trình thiết kế một bước: 20 ngày làm việc.
- Tùy theo điều kiện thực tế mà cơ quan được phân công thẩm tra quy định thời gian thẩm tra trong bộ thủ tục hành chính của mình cho phù hợp, nhưng không được vượt quá thời gian quy định tại khoản này.
5. Thành phần và số lượng hồ sơ:
Tùy theo điều kiện, đặc điểm của chuyên ngành, mà cơ quan được phân công thẩm tra có thể quy định thêm thành phần và số lượng hồ sơ trình thẩm tra để phục vụ cho công tác thẩm tra, nhưng cơ bản phải đáp ứng đủ thành phần hồ sơ theo quy định tại Điều 7 của Thông tư số 13/2013/TT-BXD; đồng thời, phải quy định rõ trong bộ thủ tục hành chính về tiếp nhận thẩm tra thiết kế, dự toán xây dựng công trình của mình.
6. Phí và chi phí thẩm tra thiết kế, dự toán:
Theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4 Điều 8 Thông tư số 13/2013/TT-BXD của Bộ Xây dựng và Điều 2, Điều 3 của Thông tư số 75/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính.
a) Phí thẩm tra thiết kế, dự toán:
Là khoản thu thuộc ngân sách nhà nước, được tính trong tổng mức đầu tư, dự toán công trình, xác định theo quy định tại Điều 2 của Thông tư số 75/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính, chủ đầu tư có trách nhiệm chi trả phí thẩm tra khi nhận ý kiến về kết quả thẩm tra của cơ quan được phân công thẩm tra.
b) Chi phí thẩm tra thiết kế, dự toán:
Được tính trong tổng mức đầu tư, dự toán công trình. Chủ đầu tư căn cứ vào khối lượng thẩm tra được xác định trong hợp đồng với đơn vị tư vấn thẩm tra được cơ quan được phân công thẩm tra chỉ định hoặc phối hợp thực hiện, để thanh toán theo mức chi phí thực hiện theo quy định của Bộ Xây dựng.
c) Đối với các hạng mục công trình thẩm tra thiết kế, dự toán kể từ ngày 01/8/2014 (ngày Thông tư số 75/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính có hiệu lực) thuộc dự án đầu tư xây dựng đã được phê duyệt kế hoạch đấu thầu và chưa tính phí thẩm tra thiết kế, dự toán trong tổng mức đầu tư xây dựng công trình, cho phép các chủ đầu tư được sử dụng chi phí dự phòng của công trình để thực hiện thanh quyết toán theo đúng quy định hiện hành.
Điều 2. Kiểm tra công tác nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng theo quy định tại Điều 32 Nghị định số 15/2013/NĐ-CP:
1. Phạm vi áp dụng và phân công trách nhiệm:
a) Đối với Sở Xây dựng và Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành: Như khoản I.1 và I.2 của văn bản này (ngoại trừ các công trình được phân cấp tại điểm b, c của Khoản này).
b) Phân cấp cho UBND các huyện, thị xã, thành phố (gọi tắt là UBND cấp huyện) chịu trách nhiệm kiểm tra đối với các công trình do mình quyết định đầu tư hoặc cấp phép xây dựng, cụ thể như sau:
- Đối với công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước do mình quyết định đầu tư:
+ Công trình công cộng và hạ tầng kỹ thuật cấp III (trừ các công trình xử lý chất thải rắn độc hại);
+ Công trình giao thông: đường (cấp III), bến, ụ tàu, cảng bến đường thủy cấp IV;
+ Công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn: cấp IV.
- Đối với công trình sử dụng vốn khác, do mình cấp phép xây dựng:
+ Công trình nhà ở riêng lẻ 7 tầng;
+ Công trình công cộng cấp III;
+ Công trình giao thông: đường (cấp III), bến, ụ tàu, cảng bến đường thủy cấp IV;
+ Công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn: cấp IV.
c) Ban Quản lý các khu kinh tế tỉnh chịu trách nhiệm kiểm tra đối với các loại công trình cấp III, IV thuộc trách nhiệm kiểm tra của các cơ quan chuyên môn về xây dựng nhưng nằm trong các khu công nghiệp do mình quản lý.
2. Phối hợp kiểm tra:
Trường hợp dự án đầu tư xây dựng công trình gồm nhiều công trình có loại và cấp khác nhau thì cơ quan được phân công kiểm tra công trình, hạng mục công trình chính, của dự án, có trách nhiệm tổ chức kiểm tra tất cả các công trình, hạng mục công trình xây dựng thuộc đối tượng phải được kiểm tra của dự án (khi cần thiết có thể yêu cầu Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành tham gia phối hợp thực hiện).
3. Thời hạn nộp hồ sơ:
a) Trong quá trình thi công:
- Sau khi khởi công công trình, chủ đầu tư có trách nhiệm báo cáo cơ quan được phân công kiểm tra thông tin của công trình với các nội dung như sau: Tên và địa chỉ liên lạc của chủ đầu tư, tên công trình, địa điểm xây dựng, quy mô và tiến độ thi công dự kiến của công trình (kèm bản tiến độ thi công chi tiết do nhà thầu thi công lập được chủ đầu tư phê duyệt).
- Sau khi nhận được báo cáo của chủ đầu tư về thông tin công trình, cơ quan được phân công kiểm tra có trách nhiệm gửi thông báo kế hoạch kiểm tra cho chủ đầu tư bao gồm: Thành phần tham gia kiểm tra, số lần kiểm tra, nội dung của lần kiểm tra, thời điểm dự kiến kiểm tra và các tài liệu có liên quan yêu cầu chủ đầu tư tập hợp để tiến hành kiểm tra.
Tùy thuộc vào quy mô, tính chất kỹ thuật của công trình, cơ quan được phân công kiểm tra xác định số lần kiểm tra, nội dung kiểm tra và tài liệu cần kiểm tra, nhưng tối đa không quá 02 lần kiểm tra tại một số giai đoạn chuyển bước thi công quan trọng của công trình.
- Trước 10 ngày làm việc so với ngày chủ đầu tư dự kiến tổ chức nghiệm thu đối với các giai đoạn chuyển bước thi công quan trọng của công trình đã được xác định trong kế hoạch kiểm tra được cơ quan được phân công kiểm tra thông báo, chủ đầu tư có trách nhiệm gửi phiếu yêu cầu kiểm tra cho cơ quan phân công kiểm tra, để các cơ quan này lập kế hoạch kiểm tra, nội dung kiểm tra thông báo cho chủ đầu tư.
b) Đối với giai đoạn trước khi nghiệm thu đưa công trình, hạng mục công trình vào sử dụng (kiểm tra lần cuối):
- Trước 10 ngày làm việc so với ngày chủ đầu tư dự kiến tổ chức nghiệm thu đưa công trình, hạng mục công trình vào sử dụng, chủ đầu tư phải gửi cho cơ quan được phân công kiểm tra báo cáo hoàn thành hạng mục công trình hoặc hoàn thành công trình (phụ lục số 3 của Thông tư số 10/2013/TT-BXD) cùng danh mục hồ sơ hoàn thành hạng mục công trình hoặc hoàn thành công trình (phụ lục 5 của Thông tư số 10/2013/TT-BXD).
- Sau khi nhận được báo cáo, danh mục hồ sơ hoàn thành hạng mục công trình hoặc hoàn thành công trình của chủ đầu tư, trong vòng 07 ngày làm việc cơ quan được phân công kiểm tra có trách nhiệm kiểm tra danh mục hồ sơ hoàn thành công trình và có văn bản thông báo một lần đến chủ đầu tư để bổ sung, hoàn thiện hồ sơ (nếu hồ sơ chưa đầy đủ hoặc không đúng quy định); đồng thời lập kế hoạch kiểm tra công tác nghiệm thu đưa công trình, hạng mục công trình vào sử dụng gửi chủ đầu tư để phối hợp thực hiện.
4. Nội dung kiểm tra:
a) Căn cứ vào điều kiện thực tế, quy mô, tính chất kỹ thuật của công trình, cơ quan được phân công kiểm tra lập nội dung kiểm tra trong kế hoạch thông báo cho chủ đầu tư cho phù hợp với giai đoạn thi công của công trình, nhưng phải đảm bảo theo các nội dung như sau:
- Kiểm tra hiện trạng các bộ phận công trình bằng trực quan và kiểm tra các số liệu quan trắc, đo đạc;
- Kiểm tra sự tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý chất lượng công trình trên cơ sở kiểm tra hồ sơ hoàn thành công trình xây dựng được lập theo quy định của phụ lục 5 Thông tư số 10/2013/TT-BXD của Bộ Xây dựng;
- Kiểm tra sự tuân thủ các quy định của pháp luật về xây dựng có liên quan.
b) Cho phép cơ quan được phân công kiểm tra được quyền yêu cầu chủ đầu tư ký hợp đồng với tổ chức tư vấn có đủ điều kiện năng lực phù hợp tham gia thực hiện việc kiểm tra hồ sơ, đánh giá sự phù hợp theo yêu cầu của thiết kế.
c) Trường hợp kiểm tra hồ sơ phát hiện thấy tổ chức thí nghiệm không đủ điều kiện năng lực theo quy định, số liệu kết quả thí nghiệm không đủ độ tin cậy; kiểm tra hiện trạng công trình bằng trực quan, các số liệu quan trắc, đo đạc cho thấy công trình, hạng mục công trình, bộ phận công trình xây dựng không đảm bảo chất lượng theo yêu cầu của thiết kế (nghiêng, lún, nứt, thấm... vượt quy định cho phép) thì cơ quan được phân công kiểm tra được quyền yêu cầu chủ đầu tư tổ chức thực hiện thí nghiệm đối chứng, kiểm định chất lượng, thí nghiệm khả năng chịu lực của kết cấu công trình. Các tổ chức tư vấn thực hiện các công việc này phải đáp ứng điều kiện năng lực theo quy định và phải được cơ quan được phân công kiểm tra chấp thuận.
5. Thông báo kết quả kiểm tra:
- Sau khi kết thúc lần kiểm tra, cơ quan được phân công kiểm tra phải thông báo kết quả kiểm tra, nêu rõ các vấn đề còn tồn tại (nếu có) để chủ đầu tư khắc phục.
- Trên cơ sở kết quả kiểm tra công trình lần cuối, nếu hiện trạng chất lượng công trình và hồ sơ hoàn thành công trình đáp ứng được yêu cầu của thiết kế và quy định của pháp luật, đảm bảo đủ điều kiện khai thác và sử dụng công trình thì cơ quan được phân công kiểm tra thông báo chấp thuận cho chủ đầu tư tổ chức nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng (theo mẫu quy định tại Phụ lục 4 Thông tư số 10/2013/TT-BXD), trong thời hạn 15 ngày làm việc (đối với công trình cấp III) hoặc 30 ngày làm việc (đối với công trình cấp II).
- Trường hợp công trình xây dựng còn tồn tại một số sai sót hoặc khiếm khuyết trong thi công xây dựng, nhưng không làm ảnh hưởng đến khả năng chịu lực, tuổi thọ, công năng, mỹ quan của công trình và không gây cản trở cho việc khai thác, sử dụng công trình theo yêu cầu thiết kế thì chủ đầu tư có thể lập cam kết, trong đó quy định thời hạn sửa chữa các sai sót và gửi về cơ quan được phân công kiểm tra. Trên cơ sở cam kết của chủ đầu tư và các bên liên quan, cơ quan được phân công kiểm tra có thể xem xét ban hành thông báo chấp thuận cho chủ đầu tư tổ chức nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng.
- Trường hợp công trình có biểu hiện không đảm bảo an toàn vận hành, khai thác và sử dụng (an toàn chịu lực, an toàn phòng cháy và chữa cháy, an toàn môi trường và các an toàn khác theo quy định của pháp luật có liên quan); vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng công trình thì cơ quan được phân công kiểm tra không chấp thuận cho chủ đầu tư tổ chức nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng. Việc tổ chức nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng chỉ được thực hiện nếu các bên có liên quan khắc phục, giải quyết được các tồn tại và vi phạm nêu trên.
- Nếu quá thời hạn nêu trên mà chủ đầu tư chưa nhận được thông báo chấp thuận của cơ quan được phân công kiểm tra thì chủ đầu tư được quyền tổ chức nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng.
6. Chi phí kiểm tra:
Chi phí cho việc kiểm tra công tác nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng được lập dự toán và tính trong tổng mức đầu tư xây dựng công trình, Theo quy định tại khoản 2, Điều 1 của Thông tư số 09/2014/TT-BXD, bao gồm: chi phí kiểm tra của cơ quan được phân công kiểm tra, chi phí thuê cá nhân (chuyên gia) và chi phí thuê cá nhân, tổ chức tư vấn có đủ điều kiện năng lực phù hợp để thực hiện kiểm tra trong trường hợp cơ quan được phân công trách nhiệm kiểm tra yêu cầu, quy định như sau:
a) Chi phí kiểm tra của cơ quan được phân cấp kiểm tra theo hướng dẫn về chế độ công tác phí của Bộ Tài chính gồm: chi phí đi lại, phụ cấp lưu trú, chi phí ở và chi phí khác phục vụ cho công tác kiểm tra.
b) Chi phí thuê chuyên gia của cơ quan được phân công trách nhiệm kiểm tra bao gồm: chi phí đi lại, chi phí ở và công chuyên gia.
c) Chi phí thuê tổ chức tư vấn có đủ điều kiện năng lực phù hợp thực hiện kiểm tra công tác nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng được lập dự toán, căn cứ vào khối lượng công việc thực hiện theo yêu cầu của cơ quan được phân công kiểm tra và quy định của pháp luật về lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
d) Cơ quan được phân công kiểm tra lập dự trù chi phí kiểm tra theo quy định hiện hành, bao gồm chi phí quy định tại điểm a, b khoản này trong quá trình thẩm tra dự toán hoặc kế hoạch kiểm tra gửi chủ đầu tư. Dự trù chi phí kiểm tra là cơ sở để chủ đầu tư thanh toán các chi phí thực tế của cơ quan được phân công kiểm tra trong suốt quá trình kiểm tra.
đ) Đối với các dự án (báo cáo kinh tế kỹ thuật) đã được phê duyệt kế hoạch đấu thầu trước thời điểm Thông tư 09/2014/TT-BXD của Bộ Xây dựng có hiệu lực và chưa tính chi phí kiểm tra công tác nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng, chi phí thí nghiệm đối chứng, kiểm định, thí nghiệm thí nghiệm khả năng chịu lực của kết cấu công trình theo yêu cầu của cơ quan được phân công kiểm tra trong tổng mức đầu tư xây dựng công trình, cho phép các chủ đầu tư được sử dụng chi phí dự phòng của công trình để thực hiện thanh quyết toán theo đúng quy định hiện hành.
III. Tổ chức thực hiện:
1. Các cơ quan được phân công thẩm tra thiết kế, dự toán; kiểm tra công tác nghiệm thu có trách nhiệm bổ sung nhân sự và chuẩn bị cơ sở vật chất để thực hiện nhiệm vụ được giao theo quy định; đồng thời, có trách nhiệm báo cáo trước ngày 25 của tháng cuối Quý về tình hình triển khai thực hiện thẩm tra thiết kế, dự toán; kiểm tra nghiệm thu đối với các công trình xây dựng được ủy quyền, phân cấp (theo phụ lục số 1 đính kèm). Giao Sở Xây dựng là cơ quan đầu mối tổng hợp báo cáo Quý từ các Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, UBND cấp huyện được ủy quyền, phân cấp về tình hình thực hiện thẩm tra thiết kế, dự toán; kiểm tra nghiệm thu công trình xây dựng, hàng năm báo cáo Bộ Xây dựng và UBND tỉnh.
2. Căn cứ quy định này và các quy định tại Nghị định 15/2013/NĐ-CP, Thông tư 10/2013/TT-BXD, Thông tư 13/2013/TT-BXD, cơ quan được phân công thẩm tra thiết kế, dự toán; kiểm tra công tác nghiệm thu thực hiện điều chỉnh, bổ sung Bộ thủ tục hành chính tại cơ quan mình, trình cấp thẩm quyền phê duyệt và tổ chức công khai theo quy định.
3. Đối với các công trình sử dụng vốn khác theo quy định tại khoản I.1 của văn bản này, cơ quan cấp phép xây dựng có trách nhiệm yêu cầu chủ đầu tư tiến hành tổ chức thực hiện thẩm tra thiết kế, kiểm tra công tác nghiệm thu theo quy định tại văn bản này trong quá trình cấp phép xây dựng.
4. Đối với các công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước theo quy định tại khoản I.1 của văn bản này, các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước tỉnh, phòng Tài chính Kế hoạch, Kho bạc Nhà nước các huyện, thị xã, thành phố căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao, yêu cầu chủ đầu tư cung cấp Ý kiến kết quả thẩm tra thiết kế, dự toán, Kết quả kiểm tra công tác nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng của các cơ quan được phân công trách nhiệm, trong quá trình thẩm định báo cáo kinh tế - kỹ thuật, cấp, phát vốn.
5. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, phát sinh thì các đơn vị phản ánh về Sở Xây dựng để hướng dẫn hoặc tổng hợp trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định theo thẩm quyền.
6. Văn bản này thay thế văn bản số 64/UBND-ĐTXD ngày 17 tháng 01 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc triển khai Nghị định 15/2013/NĐ-CP, Thông tư số 10/2013/TT-BXD, Thông tư số 13/2013/TT-BXD./.
Nơi nhận: | KT. CHỦ TỊCH |
PHỤ LỤC SỐ 1
(Đính kèm công văn số 1045/UBND-ĐTXD ngày 24/9/2014 của UBND tỉnh)
BÁO CÁO QUÝ....NĂM...
TÌNH HÌNH THẨM TRA THIẾT KẾ, DỰ TOÁN; KIỂM TRA CÔNG TÁC NGHIỆM THU ĐƯA CÔNG TRÌNH VÀO SỬ DỤNG
1. Chất lượng khảo sát, thiết kế (thông qua công tác thẩm tra thiết kế):
a) Số lượng hồ sơ thiết kế công trình được thẩm tra:
- Công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước: (nêu số lượng).
- Công trình sử dụng vốn khác: (nêu số lượng).
b) Chất lượng thiết kế (1):
c) Chiết giảm chi phí dự toán sau thẩm tra đối với công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước (số tiền, tỷ lệ chiết giảm) (2)
d) Các đánh giá khác (nếu có)
Lưu ý: Trường hợp việc thẩm tra thiết kế công trình được thực hiện bởi tổ chức tư vấn do cơ quan chuyên môn về xây dựng chỉ định thực hiện thì các thông tin nêu trên căn cứ kết quả thẩm tra của tổ chức tư vấn.
2. Chất lượng thi công xây dựng (thông qua kiểm tra công tác nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng):
a) Số lượng các công trình được kiểm tra:
- Công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước: (nêu số lượng).
- Công trình sử dụng vốn khác: (nêu số lượng).
b) Chất lượng thi công xây dựng và công tác quản lý chất lượng (3).
3. Các ý kiến, kiến nghị (nếu có)
Nơi nhận: | Giám đốc Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành hoặc Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố |
Ghi chú:
(1) Báo cáo số lượng hồ sơ thiết kế xây dựng công trình không đảm bảo chất lượng hoặc không tuân thủ quy định của pháp luật do vi phạm một trong các lỗi sau:
- Sai sót trong việc tính toán kết cấu, thiết kế công trình hoặc thể hiện sai trên bản vẽ dẫn tới không đảm bảo an toàn của công trình dẫn đến phải chỉnh sửa thiết kế.
- Vi phạm Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn chủ yếu áp dụng cho công trình.
- Vi phạm quy định của pháp luật về điều kiện năng lực của tổ chức, cá nhân thực hiện thiết kế hoặc có nhiều sai sót khác trong quá trình tính toán kết cấu, chỉnh sửa lại toàn bộ hồ sơ thiết kế (phải thẩm tra lại).
(2) Chiết giảm chi phí được tính dựa trên dự toán do chủ đầu tư trình:
- Số tiền cắt giảm = Giá trị dự toán do chủ đầu tư trình - Giá trị dự toán sau khi thẩm tra.
- Tỷ lệ chiết giảm (%) = Số tiền cắt giảm/Giá trị dự toán do chủ đầu tư trình x 100.
(3) Báo cáo về số lượng công trình có chất lượng thi công xây dựng không đạt yêu cầu khi có vi phạm sau:
- Để xảy ra sự cố công trình hoặc các sai sót lớn về chất lượng công trình ảnh hưởng đến an toàn, công năng sử dụng của công trình.
- Vi phạm các quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng, không đủ cơ sở để được chấp thuận nghiệm thu đưa vào sử dụng.
- 1 Công văn 468/SXD-GĐ&QLCL năm 2014 hướng dẫn kiểm tra công tác nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Lai Châu
- 2 Thông tư 09/2014/TT-BXD sửa đổi Thông tư hướng dẫn Nghị định 15/2013/NĐ-CP về quản lý chất lượng công trình xây dựng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành
- 3 Thông tư 75/2014/TT-BTC về quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm tra thiết kế công trình xây dựng của Bộ Tài chính
- 4 Công văn 92/SXD-KTXD năm 2014 hướng dẫn lập dự toán Chi phí kiểm tra công tác nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng do Sở Xây dựng tỉnh Hà Giang ban hành
- 5 Công văn 1167/SXD-KTXD năm 2014 thực hiện công tác Thẩm tra thiết kế xây dựng công trình; Kiểm tra công tác nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh
- 6 Công văn 2814/BXD-GĐ năm 2013 kiểm tra công tác nghiệm thu công trình, báo cáo về tình hình chất lượng và công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng do Bộ Xây dựng ban hành
- 7 Công văn 6962/UBND-ĐTMT năm 2013 thực hiện công tác thẩm tra thiết kế xây dựng công trình; kiểm tra công tác nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh
- 8 Hướng dẫn 05/HD-SXD năm 2013 về công tác thẩm tra thiết kế công trình xây dựng theo Thông tư 13/2013/TT-BXD trên địa bàn tỉnh Bình Định
- 9 Thông tư 13/2013/TT-BXD quy định về thẩm tra, thẩm định và phê duyệt thiết kế xây dựng công trình do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành
- 10 Thông tư 10/2013/TT-BXD hướng dẫn quản lý chất lượng công trình xây dựng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành
- 11 Hướng dẫn tạm thời 01/HD-SXD năm 2013 thực hiện công tác thẩm tra thiết kế công trình trên địa bàn tỉnh Lào Cai theo Nghị định 15/2013/NĐ-CP về quản lý chất lượng công trình xây dựng do Sở Xây dựng tỉnh Lào Cai ban hành
- 12 Nghị định 15/2013/NĐ-CP về quản lý chất lượng công trình xây dựng
- 13 Thông tư liên tịch 10/2013/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT hướng dẫn quản lý, sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước thực hiện Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020 theo Quyết định 57/QĐ-TTg do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành
- 14 Công văn 1710/UBND-NL năm 2008 về ủy quyền phê duyệt hồ sơ thiết kế - dự toán các công trình lâm sinh do tỉnh Gia Lai ban hành
- 1 Công văn 6962/UBND-ĐTMT năm 2013 thực hiện công tác thẩm tra thiết kế xây dựng công trình; kiểm tra công tác nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh
- 2 Công văn 1167/SXD-KTXD năm 2014 thực hiện công tác Thẩm tra thiết kế xây dựng công trình; Kiểm tra công tác nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh
- 3 Hướng dẫn 05/HD-SXD năm 2013 về công tác thẩm tra thiết kế công trình xây dựng theo Thông tư 13/2013/TT-BXD trên địa bàn tỉnh Bình Định
- 4 Hướng dẫn tạm thời 01/HD-SXD năm 2013 thực hiện công tác thẩm tra thiết kế công trình trên địa bàn tỉnh Lào Cai theo Nghị định 15/2013/NĐ-CP về quản lý chất lượng công trình xây dựng do Sở Xây dựng tỉnh Lào Cai ban hành
- 5 Công văn 468/SXD-GĐ&QLCL năm 2014 hướng dẫn kiểm tra công tác nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Lai Châu
- 6 Công văn 1710/UBND-NL năm 2008 về ủy quyền phê duyệt hồ sơ thiết kế - dự toán các công trình lâm sinh do tỉnh Gia Lai ban hành
- 7 Công văn 92/SXD-KTXD năm 2014 hướng dẫn lập dự toán Chi phí kiểm tra công tác nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng do Sở Xây dựng tỉnh Hà Giang ban hành