TỔNG CỤC THUẾ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 10518/CT-TTHT | Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 24 tháng 10 năm 2017 |
Kính gửi: Công ty CP Vận tải Xăng Dầu Đường Thủy Petrolimex (PJTACO)
Địa chỉ: Tầng 7, Tòa nhà số 322 Điện Biên Phủ, P. 22, Q. Bình Thạnh
MST: 0301825283
Trả lời văn thư số 551/CV-TGĐ ngày 28/9/2017 của Công ty về xử lý tài chính các khoản nợ không có khả năng thu hồi, Cục Thuế TP có ý kiến như sau:
Căn cứ Khoản 4 Điều 6 Thông tư số 228/2009/TT-BTC ngày 7/12/2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ trích lập và sử dụng các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, tổn thất các khoản đầu tư tài chính, nợ phải thu khó đòi và bảo hành sản phẩm, hàng hóa, công trình xây lắp tại doanh nghiệp quy định xử lý tài chính các khoản nợ không có khả năng thu hồi:
“Xử lý tài chính các khoản nợ không có khả năng thu hồi:
a) Nợ phải thu không có khả năng thu hồi bao gồm các khoản nợ sau:
- Đối với tổ chức kinh tế:
+ Khách nợ đã giải thể, phá sản: Quyết định của Tòa án tuyên bố phá sản doanh nghiệp theo Luật phá sản hoặc quyết định của người có thẩm quyền về giải thể đối với doanh nghiệp nợ, trường hợp tự giải thể thì có thông báo của đơn vị hoặc xác nhận của cơ quan quyết định thành lập đơn vị, tổ chức.
+ Khách nợ đã ngừng hoạt động và không có khả năng chi trả: Xác nhận của cơ quan quyết định thành lập doanh nghiệp hoặc tổ chức đăng ký kinh doanh về việc doanh nghiệp, tổ chức đã ngừng hoạt động không có khả năng thanh toán.
- Đối với cá nhân phải có một trong các tài liệu sau:
+ Giấy chứng từ (bản sao) hoặc xác nhận của chính quyền địa phương đối với người nợ đã chết nhưng không có tài sản thừa kế để trả nợ.
+ Giấy xác nhận của chính quyền địa phương đối với người nợ còn sống hoặc đã mất tích nhưng không có khả năng trả nợ.
+ Lệnh truy nã hoặc xác nhận của cơ quan pháp luật đối với người nợ đã bỏ trốn hoặc đang bị truy tố, đang thi hành án hoặc xác nhận của chính quyền địa phương về việc khách nợ hoặc người thừa kế không có khả năng chi trả.
b) Xử lý tài chính:
Tổn thất thực tế của từng khoản nợ không thu hồi được là khoản chênh lệch giữa nợ phải thu ghi trên sổ kế toán và số tiền đã thu hồi được (do người gây ra thiệt hại đền bù, do phát mại tài sản của đơn vị nợ hoặc người nợ, do được chia tài sản theo quyết định của tòa án hoặc các cơ quan có thẩm quyền khác...).
Giá trị tổn thất thực tế của khoản nợ không có khả năng thu hồi, doanh nghiệp sử dụng nguồn dự phòng nợ phải thu khó đòi, quỹ dự phòng tài chính (nếu có) để bù đắp, phần chênh lệch thiếu hạch toán vào chi phí quản lý của doanh nghiệp.
Các khoản nợ phải thu sau khi đã có quyết định xử lý, doanh nghiệp vẫn phải theo dõi riêng trên sổ kế toán và được phản ánh ở ngoài bảng cân đối kế toán trong thời hạn tối thiểu là 10 năm, tối đa là 15 năm kể từ ngày thực hiện xử lý và tiếp tục có các biện pháp để thu hồi nợ. Nếu thu hồi được nợ thì số tiền thu hồi sau khi trừ các chi phí có liên quan đến việc thu hồi nợ, doanh nghiệp hạch toán vào thu nhập khác.
c) Khi xử lý khoản nợ phải thu không có khả năng thu hồi doanh nghiệp phải lập hồ sơ sau:
- Biên bản của Hội đồng xử lý nợ của doanh nghiệp. Trong đó ghi rõ giá trị của từng khoản nợ phải thu, giá trị nợ đã thu hồi được, giá trị thiệt hại thực tế (sau khi đã trừ đi các khoản thu hồi được).
- Bảng kê chi tiết các khoản nợ phải thu đã xóa để làm căn cứ hạch toán, biên bản đối chiếu nợ được chủ nợ và khách nợ xác nhận hoặc Bản thanh lý hợp đồng kinh tế hoặc xác nhận của cơ quan quyết định thành lập doanh nghiệp, tổ chức hoặc các tài liệu khách quan khác chứng minh được số nợ tồn đọng và các giấy tờ tài liệu liên quan.
- Sổ kế toán, chứng từ, tài liệu chứng minh khoản nợ chưa thu hồi được, đến thời điểm xử lý nợ doanh nghiệp đang hạch toán nợ phải thu trên sổ kế toán của doanh nghiệp.
d) Thẩm quyền xử lý nợ:
Hội đồng quản trị (đối với doanh nghiệp có Hội đồng quản trị) hoặc Hội đồng thành viên (đối với doanh nghiệp có Hội đồng thành viên); Tổng giám đốc, Giám đốc (đối với doanh nghiệp không có Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên) hoặc chủ doanh nghiệp căn cứ vào Biên bản của Hội đồng xử lý, các bằng chứng liên quan đến các khoản nợ để quyết định xử lý những khoản nợ phải thu không thu hồi được và chịu trách nhiệm về quyết định của mình trước pháp luật, đồng thời thực hiện các biện pháp xử lý trách nhiệm theo chế độ hiện hành.”.
Căn cứ quy định nêu trên, về nguyên tắc khoản nợ không có khả năng thu hồi theo quy định tại Điểm a Khoản 4 Điều 6 Thông tư số 228/2009/TT-BTC Công ty được lập hồ sơ để xử lý và tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN theo hướng dẫn tại Điểm b, c, d Khoản 4 Điều 6 Thông tư số 228/2009/TT-BTC nêu trên.
Cục Thuế TP thông báo Công ty biết để thực hiện theo đúng quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật đã được trích dẫn tại văn bản này.
| KT. CỤC TRƯỞNG |
- 1 Luật Phá sản 2014
- 2 Công văn 5476/VP-THKH năm 2013 tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản từ nguồn do Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 3 Công văn 4103/CT-QLN xử lý nợ chờ điều chỉnh do Cục thuế thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 4 Thông tư 228/2009/TT-BTC hướng dẫn chế độ trích lập và sử dụng các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, tổn thất các khoản đầu tư tài chính, nợ phải thu khó đòi và bảo hành sản phẩm, hàng hóa, công trình xây lắp tại doanh nghiệp do Bộ Tài chính ban hành
- 1 Công văn 4103/CT-QLN xử lý nợ chờ điều chỉnh do Cục thuế thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 2 Công văn 2685/CT-TTHT xử lý chênh lệch giá đối với khoản nợ phải trả do Cục thuế thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 3 Công văn 5476/VP-THKH năm 2013 tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản từ nguồn do Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành