Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 1064/TTg-TCCV
V/v: triển khai thực hiện Nghị định số 63/2010/NĐ-CP về kiểm soát TTHC

Hà Nội, ngày 23 tháng 06 năm 2010

 

Kính gửi:

- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ;
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương,
- Tổ trưởng Tổ công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ.

 

Ngày 08 tháng 6 năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 63/2010/NĐ-CP về kiểm soát thủ tục hành chính. Đây là Nghị định quan trọng được Chính phủ ban hành để bảo đảm, duy trì tính bền vững kết quả của Đề án 30 và tiếp tục nâng cao chất lượng các quy định về thủ tục hành chính thông qua việc thiết lập cơ chế pháp lý cho hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính từ khâu dự thảo cho đến việc thực thi các quy định này trên thực tế.

Để kịp thời triển khai Nghị định ngay sau khi có hiệu lực thi hành từ ngày 14 tháng 10 năm 2010, đồng thời để bảo đảm tính độc lập tương đối và chủ động trong hoạt động của Cơ quan, đơn vị kiểm soát thủ tục hành chính, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu việc thiết lập cơ quan, đơn vị kiểm soát thủ tục hành chính và bố trí kinh phí cho hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính phải trên cơ sở tổ chức lại Tổ công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, Tổ công tác thực hiện đề án 30 của các bộ, ngành, địa phương và kế thừa cơ chế tài chính cho Đề án 30 quy định tại Thông tư số 129/TT-BTC ngày 24 tháng 6 năm 2009 của Bộ Tài chính, Cụ thể là:

1. Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ trong tháng 8 năm 2010 trình Thủ tướng ký ban hành Quyết định quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan kiểm soát thủ tục hành chính theo quy định tại khoản 1 và khoản 4 Điều 5 Chương I của Nghị định. Theo đó, Cơ quan kiểm soát thủ tục hành chính là tổ chức thuộc Văn phòng Chính phủ, đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, thực hiện chức năng kiểm soát thủ tục hành chính theo quy định tại Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng 6 năm 2010 và Nghị định số 20/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 2 năm 2008. Cơ quan kiểm soát thủ tục hành chính có tài khoản và con dấu riêng.

Biên chế tối thiểu của Cơ quan kiểm soát thủ tục hành chính là 50 cán bộ thuộc biên chế của Văn phòng Chính phủ. Trong quá trình hoạt động tùy theo yêu cầu công việc, Cơ quan kiểm soát thủ tục hành chính được tăng cường cán bộ của các bộ, ngành về làm việc theo chế độ biệt phái và chuyên gia tư vấn trong và ngoài khu vực nhà nước đến làm việc theo chế độ hợp đồng khoán việc.

2. Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ trong tháng 8 năm 2010 ban hành Thông tư liên tịch quy định về chức năng, nhiệm vụ, biên chế của đơn vị kiểm soát thủ tục hành chính thuộc Văn phòng bộ, cơ quan ngang bộ, Văn phòng Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo quy định tại các khoản 2, 3 và 5 Điều 5 Chương I của Nghị định. Theo đó, đơn vị kiểm soát thủ tục hành chính là tổ chức thuộc Văn phòng bộ, cơ quan ngang bộ, Văn phòng Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chánh Văn phòng bộ, cơ quan ngang bộ, Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thực hiện chức năng kiểm soát thủ tục hành chính theo quy định tại Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng 6 năm 2010 và Nghị định số 20/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 2 năm 2008.

Biên chế tối thiểu của đơn vị kiểm soát thủ tục hành chính là 5 cán bộ thuộc biên chế Văn phòng Bộ, cơ quan ngang bộ, Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (riêng Bộ Ngoại giao, Ủy ban Dân tộc, Thanh tra Chính phủ biên chế tối thiểu là 2 cán bộ). Trong quá trình hoạt động tùy theo yêu cầu công việc, đơn vị kiểm soát thủ tục hành chính được tăng cường cán bộ của một số đơn vị thuộc bộ, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo chế độ biệt phái và chuyên gia tư vấn trong và ngoài khu vực nhà nước đến làm việc theo chế độ hợp đồng khoán việc.

3. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bộ ngành, địa phương có liên quan xây dựng và ban hành thông tư hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí cho hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính theo quy định tại khoản 2 Điều 34 Chương VI của Nghị định. Bảo đảm cơ chế tài chính phục vụ có hiệu quả hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính. Thời hạn hoàn thành trước ngày 01 tháng 9 năm 2010.

4. Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương hoàn thành việc bảo đảm điều kiện và trụ sở làm việc cho Cơ quan, đơn vị kiểm soát thủ tục hành chính để bắt đầu thực hiện nhiệm vụ từ ngày 14 tháng 10 năm 2010.

5. Tổ công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ (Tổ công tác chuyên trách), Tổ công tác thực hiện Đề án 30 của các bộ, ngành, địa phương tự chấm dứt hoạt động kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành. Nhiệm vụ còn lại của các đơn vị này để thực hiện Đề án Đơn giản hóa thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước sẽ do Cơ quan, đơn vị kiểm soát thủ tục hành chính của Văn phòng Chính phủ, Văn phòng bộ, cơ quan ngang bộ, Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm thực hiện. Các cán bộ biệt phái do các bộ, ngành cử đến làm việc tại Tổ công tác chuyên trách đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2010 sẽ tiếp tục làm việc tại Cơ quan kiểm soát thủ tục hành chính cho đến hết thời hạn này. Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành căn cứ vào nguyện vọng, năng lực và sở trường công tác để ưu tiên tạo điều kiện bố trí công việc cho số cán bộ này, bao gồm cả việc giữ lại Cơ quan kiểm soát thủ tục hành chính để làm việc nếu có nguyện vọng và trình độ chuyên môn đáp ứng công việc được giao.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- TTgCP, các PTTgCP;
- VPCP: BTCN, các PCN, các Vụ: TCCB, KTTH, PL, TV, Cục Quản trị, Cổng TTĐT;
- TCTCT: các Tổ phó;
- Lưu: VT, TCCV (5).

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng