Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1094/TCHQ-TXNK
V/v: trả lời vướng mắc của bạn đọc

Hà Nội, ngày 05 tháng 02 năm 2015

 

Kính gửi: Cổng Thông tin điện tử (Bộ Tài chính).

Tổng cục Hải quan nhận được công văn số 108/BTC-THTK ngày 08/01/2015 của Cổng Thông tin điện tử đề nghị trả lời các vướng mắc của bạn đọc. Về vấn đề này, Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:

1. Câu hỏi của bạn đọc Trần Thị Quyên về thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với phần mềm (Email: quyen.tran3@gmaiLcom - Điện thoại: 0919.990.264)

a. Nội dung câu hỏi:

“Công ty em là công ty thương mại, có mua một số thiết bị và đì kèm một phần mềm, khi xuất hóa đơn cho bên em, công ty bên bán xuất tất cả các thiết bị và phần mềm đều có thuế suất 10% nhưng khi em xuất lại hóa đơn cho khách hàng các thiết bị và phần mềm đó thuế GTGT cũng 10% nhưng khách hàng em không chịu, họ bảo phần mềm là không chịu thuế. Em đã làm việc với bên cung cấp, họ nói do đây là nhập khẩu cá thiết bị và phần mềm từ đối tác nước ngoài hết, khi kê khai hải quan vẫn phải nộp thuế GTGT 10% nên đầu ra họ phải xuất 10%. Anh / Chị hỗ trợ giúp em vấn đề này, do em cũng tìm hiểu nhưng vẫn chưa có câu trả lời chính xác”

b. Ý kiến trả lời của Tổng cục Hải quan:

Theo quy định tại khoản 21 Điều 5 Luật Thuế GTGT thì “phần mềm máy tính” thuộc đối tượng không chịu thuế.

Theo quy định tại khoản 21 Điều 4 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính thì “Phần mềm máy tính bao gồm sản phẩm phần mềm và dịch vụ phần mềm theo quy định của pháp luật” thuộc đối tượng không chịu thuế.

Đề nghị bạn đọc đối chiếu quy định trên để thực hiện.

2. Câu hỏi của bạn đọc Tran Quoc Tri vướng mắc về thuế GTGT đối với hàng tạm nhập tái xuất (Email: trivfa@yahoo.com - Điện thoại: 0913.045.117)

a. Nội dung câu hỏi:

“Theo quy định tại Khoản 20 Luật Thuế GTGT thì hàng tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu là hàng không chịu thuế GTGT. Tại khoản 25 Điều 5 Luật thuế quy định thuế đầu vào hàng ngày không được khấu trừ và hoàn thuế, trừ trường hợp áp dụng thuế suất 0% quy định tại khoản 1 Điều 8 của Luật Thuế GTGT. Tại khoản 1 Điều 8 của Luật Thuế GTGT quy định hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT quy định tại Điều 5 của Luật khi xuất khẩu sẽ được áp dụng thuế suất 0% trừ một số trường hợp. Theo một số doanh nghiệp thì:

- Hàng tạm nhập khẩu để tái xuất khẩu sẽ không chịu thuế GTGT khi nhập khẩu.

- Khi hàng tạm nhập khẩu đó đã tái xuất khẩu theo đúng quy định của hàng hóa xuất khẩu thì theo quy định tại khoản 1 Điều 8 của Luật, hàng tái xuất khẩu đó được áp dụng thuế suất 0%. Việc hiểu và áp dụng như vậy có đúng tinh thần của Luật Thuế GTGT hay không? ”

b. Ý kiến trả lời của Tổng cục Hải quan:

- Về thuế GTGT khi nhập khẩu hàng tạm nhập khẩu để tái xuất khẩu:

Theo quy định tại khoản 20 Điều 5 thì: Hàng tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu; hàng tạm xuất khẩu, tái nhập khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.

Theo đó, hàng tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT khi nhập khẩu.

- Về việc áp dụng thuế suất 0% khi xuất khẩu: Vấn đề này thuộc chức năng của Tổng cục Thuế, đề nghị bạn đọc liên hệ Tổng cục Thuế để được hướng dẫn cụ thể.

3. Câu hỏi của bạn đọc Phạm Thị Ngọc Vân vướng mắc về việc miễn thuế nhập khẩu (Email: ngocvanpt@gmail.com - Điện thoại: 0909.198.869)

a. Nội dung câu hỏi:

“Công ty chúng tôi là công ty sản xuất viên nén gỗ xuất đi thị trường nước ngoài. Bên tôi có nhập máy viên nén gỗ từ Châu Âu, Mỹ, Trung Quốc về để SX. Thực sự ngành này trên thế giới được khuyến khích và tạo điều kiện rất nhiều cũng như Việt Nam vì sử dụng các phế phẩm từ gỗ, từ các loại phế phẩm nguyên liệu khác mà người ta vứt đi để SX và XK mang nguồn ngoại tệ lớn về Việt Nam cũng như tạo công văn việc làm cho người lao động và bảo vệ môi trường. Chúng tôi đã đầu tư và đi đầu trong SX ở lĩnh vực này ở Việt Nam. Nhưng khi NK máy móc thiết bị về dây chuyền máy nén gỗ chúng tôi không có trong danh mục ưu đãi của hải quan về dây chuyền SX tạo TSCĐ cho doanh nghiệp, đây thực sự là thiệt thòi rất lớn cho những doanh nghiệp sử dụng năng lượng sinh học từ phế phẩm để chế biến và XK. Và cũng như áp mã HS code cho tất cả dây chuyền máy móc của Công ty chúng tôi. Hi vọng phía Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan có thể giải đáp thắc mắc cho doanh nghiệp. Để doanh nghiệp chúng tôi sớm có thể nắm rõ tình hình về cách áp mã cũng như biểu thuế cho áp mã máy móc thiết bị về để SX viên nén gỗ”.

b. Ý kiến trả lời của Tổng cục Hải quan:

- Chính sách thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu được quy định tại Luật Thuế Xuất khẩu, Thuế nhập khẩu số 45/2005/QH11, Nghị định số 87/2010/NĐ-CP ngày 13/8/2010 của Chính phủ và Thông tư số 128/2013/TT- BTC ngày 10/9/2013 của Bộ Tài chính. Đề nghị bạn đọc nghiên cứu quy định tại các văn bản nêu trên để thực hiện.

- Về mã HS: Do bạn đọc không trình bày rõ dây chuyền sản xuất, tên mặt hàng nhập khẩu ở dạng rời, đồng bộ hay linh kiện, việc phân loại phải căn cứ nguyên tắc phân loại, đề nghị bạn đọc nghiên cứu Danh mục hàng hóa XNK Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư số 156/2011/TT-BTC ngày 14/11/2011 của Bộ Tài chính và Biểu Thuế nhập khẩu ưu đãi ban hành kèm theo Thông tư số 173/2014/TT-BTC ngày 14/11/2014 của Bộ Tài chính, Thông tư số 03/2015/TT-BTC ngày 06/01/2015 của Bộ Tài chính để áp mã HS hoặc liên hệ với cơ quan hải quan nơi dự kiến làm thủ tục nhập khẩu để được hướng dẫn cụ thể.

Trên đây là ý kiến của Tổng cục Hải quan, xin chuyển Cổng Thông tin điện tử tổng hợp trả lời bạn đọc.

 


Nơi nhận:

- Như trên;
- Lưu: VT, TXNK-CS-M.Linh (3b).

TL. TỔNG CỤC TRƯỞNG
KT. CỤC TRƯỞNG CỤC THUẾ XNK
PHÓ CỤC TRƯỞNG




Nguyễn Ngọc Hưng