- 1 Thông tư 50/2015/TT-BGTVT hướng dẫn Nghị định 11/2010/NĐ-CP về quản lý và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 2 Luật Quy hoạch 2017
- 3 Nghị định 117/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 11/2010/NĐ-CP quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ
- 4 Thông tư 39/2021/TT-BGTVT sửa đổi Thông tư 50/2015/TT-BGTVT hướng dẫn thực hiện Nghị định 11/2010/NĐ-CP quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 5 Luật Đất đai 2024
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 10976/BGTVT-KCHT | Hà Nội, ngày 10 tháng 10 năm 2024 |
Kính gửi: Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng
Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT) nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Lâm Đồng do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 655/BDN ngày 02/8/2024, nội dung kiến nghị như sau:
Cử tri phản ánh hiện nay có nhiều trường hợp người dân đi làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vướng nội dung: trên đất có đường đi nhưng đường đi này không được thể hiện trên bản đồ cũ nhưng lại thể hiện trên bản đồ mới, vì vậy, khi làm hồ sơ cấp giấy chứng nhận không thực hiện được do vướng quy định tại khoản 2 Điều 20 của Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT ngày 23/9/2015 của Bộ Giao thông vận tải: “đường nhánh được nối vào quốc lộ phải thông qua điểm đấu nối thuộc quy hoạch các điểm đấu nối đã được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt sau khi có văn bản của Bộ Giao thông vận tải”. Cử tri kiến nghị có hướng dẫn tháo gỡ để khắc phục tình trạng trên, tạo điều kiện cho người dân sớm được cấp giấy chứng nhận theo quy định.
Trước tiên, Bộ GTVT trân trọng cảm ơn cử tri và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng đã quan tâm, góp ý đối với công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng nhằm giúp công tác quản lý nhà nước của Bộ GTVT ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của xã hội và người dân. Về nội dung kiến nghị của cử tri nêu trên, Bộ GTVT xin trả lời như sau:
Theo các quy định hiện hành của pháp luật về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đều thống nhất trên nguyên tắc là Bộ GTVT có trách nhiệm quản lý quốc lộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm quản lý đường tỉnh, quốc lộ đi qua đô thị loại đặc biệt; quốc lộ khi được phân cấp; đường đô thị; đường huyện; đường xã; đường thôn; đường gom; đường bên tách khỏi quốc lộ. Theo điểm a khoản 1 Điều 7 và điểm b khoản 1 Điều 151 của Luật Đất đai đối với trường hợp đất trong hành lang an toàn đường bộ thì người sử dụng đất không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất trong trường hợp đất được giao cho tổ chức trong nước quản lý công trình công cộng và hành lang bảo vệ an toàn các công trình theo quy định của pháp luật. Đối với phần đất ngoài phạm vi hành lang an toàn đường bộ, việc cấp giấy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thuộc thẩm quyền của địa phương theo quy định của pháp luật về đất đai.
Tại khoản 2, Điều 1 Nghị định số 117/2021/NĐ-CP ngày 22/12/2021 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ: “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định phê duyệt các điểm đấu nối vào quốc lộ phù hợp với các quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, tuân thủ nguyên tắc, yêu cầu đấu nối theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải; chịu trách nhiệm về việc thực hiện đấu nối bảo đảm giao thông an toàn và khả năng thông hành của tuyến đường”. Theo đó, việc quyết định các tuyến đường nhánh đấu nối vào quốc lộ thuộc trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, phù hợp với quy định kỹ thuật của Bộ GTVT[1].
Về vướng mắc khi làm thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong trường hợp trên đất có đường đi “không được thể hiện trên bản đồ quy hoạch cũ nhưng lại thể hiện trên bản đồ quy hoạch mới”, việc xây dựng bản đồ quy hoạch mới của các địa phương được UBND các tỉnh tổ chức thực hiện theo quy hoạch địa phương trên cơ sở quy định của pháp luật về quy hoạch do vậy thẩm quyền xử lý các vướng mắc trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là thuộc UBND cấp tỉnh.
Theo quy định tại Điều 5. Hệ thống quy hoạch quốc gia, Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 được Quốc hội ban hành ngày 24/11/2017, không còn khái niệm “quy hoạch đấu nối đường nhánh vào quốc lộ”. Do vậy, Ủy Ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm rà soát, ban hành quyết định phê duyệt các điểm đấu nối vào quốc lộ; Bộ GTVT đã ban hành Thông tư số 39/2021/TT-BGTVT ngày 31/12/2021, có nội dung sửa đổi Điều 20 của Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT ngày 23/9/2015 về hoạt động đấu nối làm cơ sở tổ chức thực hiện cho phù hợp với các quy định khác có liên quan.
Bộ GTVT đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng có ý kiến với UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo các cơ quan tham mưu, UBND cấp huyện chủ động nghiên cứu để xử lý ý kiến và trả lời cử tri tỉnh Lâm Đồng phản ánh theo thẩm quyền.
Trên đây là trả lời của Bộ GTVT đối với vấn đề được cử tri quan tâm kiến nghị. Bộ GTVT trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng để trả lời cử tri và rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, góp ý của cử tri đối với ngành Giao thông vận tải./.
| BỘ TRƯỞNG |
[1] Quy định về khoảng cách, quỹ đất để thiết kế làn tăng/giảm tốc, độ dốc dọc; tầm nhìn, …để đảm bảo an toàn giao thông.
- 1 Thông tư 50/2015/TT-BGTVT hướng dẫn Nghị định 11/2010/NĐ-CP về quản lý và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 2 Luật Quy hoạch 2017
- 3 Nghị định 117/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 11/2010/NĐ-CP quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ
- 4 Thông tư 39/2021/TT-BGTVT sửa đổi Thông tư 50/2015/TT-BGTVT hướng dẫn thực hiện Nghị định 11/2010/NĐ-CP quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 5 Luật Đất đai 2024