Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1106/BGDĐT-GDTrH
V/v: biên soạn và tổ chức thực hiện nội dung giáo dục địa phương trong chương trình giáo dục phổ thông

Hà Nội, ngày 20 tháng 3 năm 2019

 

Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Thực hiện Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc Ban hành Chương trình giáo dục phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn việc biên soạn và tổ chức thực hiện nội dung giáo dục địa phương đối với cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông như sau:

I. Định hướng nội dung giáo dục địa phương

1. Nội dung giáo dục địa phương bao gồm các lĩnh vực sau:

a) Các vấn đề về văn hóa, lịch sử truyền thống của địa phương

- Về văn hóa: Lễ hội truyền thống; các loại hình nghệ thuật truyền thống; truyền thống quê hương; phong tục, tập quán địa phương; xây dựng nếp sống văn minh, tôn trọng kỷ cương, pháp luật.

- Về lịch sử, truyền thống: Danh nhân văn hóa; di tích lịch sử; bảo tàng, lịch sử hình thành và phát triển của địa phương.

b) Các vấn đề về địa lý, kinh tế, hướng nghiệp của địa phương

- Về địa lý địa phương: Địa lý tự nhiên; địa lý dân cư; địa lý kinh tế xã hội; địa lý du lịch.

- Về kinh tế, hướng nghiệp: Thị trường lao động; các ngành nghề, làng nghề truyền thống; các ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.

c) Các vấn đề về chính trị - xã hội, môi trường của địa phương

- Về chính trị - xã hội: Chính sách an sinh xã hội; các vấn đề giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống.

- Về môi trường: Bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học; ứng phó với biến đổi khí hậu.

2. Căn cứ vào đặc điểm của từng vùng miền, các địa phương nghiên cứu, lựa chọn những nội dung phù hợp để biên soạn theo các chủ đề và hướng dẫn các nhà trường tổ chức thực hiện.

3. Tài liệu giáo dục địa phương phải đảm bảo các yêu cầu sau:

a) Tuân thủ các quy định của pháp luật;

b) Cụ thể hóa được mục tiêu của chương trình giáo, dục phổ thông góp phần giáo dục các phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lỗi của học sinh;

c) Yêu cầu cần đạt về kiến thức, kỹ năng, thái độ của nội dung giáo dục địa phương trong từng cấp học, từng lớp học bảo đảm thiết thực, phù hợp với lứa tuổi, trình độ, định hướng nghề nghiệp của học sinh để làm cơ sở đánh giá kết quả giáo dục học sinh;

d) Vận dụng được các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học theo định hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, năng lực tự học, tự nghiên cứu, vận dụng kiến thức vào thực tiễn của học sinh;

đ) Vận dụng được các phương pháp, hình thức kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục nội dung giáo dục địa phương theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh. Sử dụng kết quả kiểm tra để đánh giá, xếp loại học sinh theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

e) Các thuật ngữ chính được giải thích rõ ràng; thể thức, kỹ thuật trình bày bảo đảm quy định hiện hành.

II. Biên soạn, thẩm định và phê duyệt tài liệu giáo dục địa phương

1. Việc biên soạn, thẩm định tài liệu giáo dục địa phương thực hiện theo quy định hiện hành. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tiêu chuẩn thành viên và tổ chức hoạt động của Ban biên soạn, Hội đồng thẩm định tài liệu giáo dục địa phương của tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương (Sau đây gọi chung là tỉnh) vận dụng Thông tư số 14/2017/TT-BGDĐT ngày 06/6/2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định tiêu chuẩn, quy trình xây dựng, chỉnh sửa chương trình giáo dục phổ thông; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục phổ thông.

2. Tập hợp các chuyên gia, cán bộ khoa học, công nghệ, các nhà hoạt động văn hóa, nghệ sỹ và nghệ nhân tiêu biểu am hiểu về địa phương tham gia biên soạn, thẩm định tài liệu giáo dục địa phương theo từng lĩnh vực chuyên môn phù hợp.

3. Ủy ban nhân dân tỉnh chủ trì tổ chức thực hiện biên soạn và thẩm định tài liệu giáo dục địa phương, trình Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt. Hồ sơ đề nghị phê duyệt tài liệu nội dung giáo dục địa phương gồm:

a) Công văn của Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt tài liệu nội dung giáo dục địa phương.

b) Quyết định thành lập Ban biên soạn, Hội đồng thẩm định tài liệu giáo dục địa phương.

c) Tài liệu giáo dục địa phương đã thẩm định; biên bản Hội đồng thẩm định từng tài liệu.

III. Tổ chức thực hiện nội dung giáo dục địa phương

1. Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí ngân sách của địa phương và các nguồn hợp pháp khác để biên soạn tài liệu giáo dục địa phương theo quy định hiện hành.

2. Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức tập huấn, hướng dẫn cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên về nội dung, hình thức, phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực trong thực hiện nội dung giáo dục địa phương; xây dựng kế hoạch bài học theo hướng tăng cường, phát huy tính chủ động, tích cực, tự học của học sinh thông qua việc thiết kế tiến trình dạy học thành các hoạt động học để thực hiện ca ở trong và ngoài lớp học.

Tổ chức kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm việc triển khai thực hiện nội dung, giáo dục địa phương làm căn cứ để tổ chức điều chỉnh, cập nhật tài liệu nếu thấy cần thiết và hằng năm (khi kết thúc năm học) báo cáo tình hình thực hiện nội dung giáo dục của địa phương với Bộ Giáo dục và Đào tạo để theo dõi, chỉ đạo.

3. Các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện nội dung giáo dục địa phương như các môn học, hoạt động giáo dục trong nhà trường: hướng dẫn giáo viên xây dựng kế hoạch dạy học, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập nội dung giáo dục địa phương theo hướng tăng cường rèn luyện cho học sinh phương pháp tự học, tự nghiên cứu tài liệu để tiếp nhận và vận dụng kiến thức thông qua giải quyết các vấn đề thực tiễn của địa phương.

 


Nơi nhận:
- Như trên (để thực hiện)
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Các Thứ trưởng (để ph/hợp);
- Các đơn vị liên quan thuộc Bộ GDĐT; Cục NG&CBQL, RGEP, ETEP, Viện KHGDVN (để thực hiện);
- Sở GDĐT các tỉnh (để thực hiện);
- Lưu: VT, Vụ GDTrH.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Hữu Độ