Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 11449/BTC-HCSN
V/v trả lời vướng mắc của địa phương về triển khai thực hiện các CTMTQG giai đoạn 2021-2025 theo TB số 392/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 19 tháng 10 năm 2023

 

Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại Thông báo số 392/TB-VPCP ngày 24/9/2023 của Văn phòng Chính phủ về sơ kết tình hình triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia từ năm 2021 đến nay và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới.

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Tài chính trả lời các câu hỏi vướng mắc của các địa phương liên quan đến 03 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 để các địa phương được biết và triển khai thực hiện (Chi tiết theo các phụ lục 01, 02 và 03 đính kèm)./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- PTTgCP Trần Lưu Quang (để b/c);
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ GDĐT; Bộ KHĐT;
- Bộ LĐTBXH; Bộ NNPTNT;
- Bộ VHTTDL; Bộ TTTT; Bộ Y tế;
- UBDT; TW Hội LHPN Việt Nam;
- Các Vụ NSNN, PC;
- Lưu: VT, HCSN.(10b)

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Võ Thành Hưng

 

PHỤ LỤC I

CTMTQG GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG
(Kèm theo công văn số 11449/BTC-HCSN ngày 19/10/2023 của Bộ Tài chính)

1. Nội dung kiến nghị số 10 (tỉnh Vĩnh Long)

Kiến nghị Bộ Tài chính có văn bản hướng dẫn rõ về mức hỗ trợ cho dự án, tiểu dự án và mức hỗ trợ cho một hộ khi tham gia thực hiện dự án, tiểu dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo để địa phương sớm triển khai thực hiện.

Bộ Tài chính trả lời như sau:

Điều 21, 22, 23 và 24 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia được sửa đổi, bổ sung tại khoản 12, 13 và 14 Điều 1 Nghị định số 38/2023/NĐ-CP ngày 24/6/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 27/2022/NĐ-CP đã quy định: (i) mức hỗ trợ, phương thức hỗ trợ từ vốn ngân sách nhà nước cho một (01) dự án, kế hoạch liên kết, phương án sản xuất, cơ quan phê duyệt dự án, kế hoạch liên kết, phương án sản xuất quyết định mức hỗ trợ cụ thể nhưng không vượt định mức hỗ trợ đã được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định; (ii) trách nhiệm của các cơ quan trong việc thẩm định và quyết định dự án, kế hoạch liên kết, phương án hỗ trợ phát triển sản xuất. Nội dung quyết định dự án, kế hoạch liên kết, phương án hỗ trợ phát triển sản xuất, trong đó có dự toán kinh phí chi tiết, nguồn kinh phí thực hiện, vốn đối ứng của các hộ gia đình tham gia (nếu có), mức hỗ trợ, tiến độ cấp phát thanh toán từ ngân sách trung ương.

Vì vậy, đề nghị địa phương căn cứ quy định tại các văn bản nêu trên và các quy định pháp luật liên quan để tổ chức triển khai thực hiện theo quy định.

2. Nội dung kiến nghị số 11 (tỉnh Tuyên Quang)

Việc quy định cụ thể về trình tự thủ tục để cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội nhận chứng từ và thanh quyết toán cho người lao động đã gây khó khăn trong việc hướng dẫn và thực hiện hỗ trợ người lao động tại địa phương.

Bộ Tài chính trả lời như sau:

Nội dung kiến nghị của tỉnh Tuyên Quang không nêu cụ thể hỗ trợ cho người lao động theo Dự án, Chương trình nào. Tuy nhiên, liên quan đến nội dung này, hiện nay, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên đang có kiến nghị[1] về việc thủ tục hồ sơ thanh toán kinh phí hỗ trợ lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại Điều 25 Thông tư 15/2022/TT-BTC chưa phù hợp với thực tế, Bộ Tài chính trả lời tại công văn số 10898/BTC-HCSN ngày 09/10/2023 như sau:

“Ngày 15/8/2023, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 55/2023/TT-BTC quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 (thay thế 03 Thông tư[2], trong đó có Thông tư số 15/2022/TT-BTC), trong đó, tại điểm b khoản 3 Điều 25 quy định: “b) Đối với trường hợp người lao động đã hoàn thành khóa học, đang chờ xuất cảnh: Cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội hỗ trợ cho đối tượng trên cơ sở hóa đơn hoặc biên lai thu tiền đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ, khám sức khỏe, hộ chiếu, thị thực, lý lịch tư pháp và các tài liệu liên quan chứng minh người lao động thuộc đối tượng được hỗ trợ.”

Việc quy định thanh toán kinh phí hỗ trợ trên cơ sở hóa đơn hoặc biên lai thu tiền đối với trường hợp người lao động đã hoàn thành khóa học, đang chờ xuất cảnh là đúng theo quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ.

Trường hợp doanh nghiệp thu hộ, chi hộ cho nhiều người lao động khi thực hiện các dịch vụ nêu trên mà không có hóa đơn, biên lai riêng lẻ của từng người thì doanh nghiệp có trách nhiệm xác nhận về các khoản đã thu, chi hộ cho người lao động và phô tô hóa đơn hoặc biên lai thu tiền tổng kèm theo để làm cơ sở thanh toán kinh phí.”

Theo đó, Bộ Tài chính xin cung cấp thông tin để địa phương biết và tổ chức triển khai thực hiện theo quy định.

3. Nội dung kiến nghị số 12 (tỉnh Ninh Thuận)

Hướng dẫn định mức chi trong thực hiện các hoạt động “thiết kế, tổ chức cơ sở dữ liệu về người lao động” và “thu thập, chuẩn hóa, nhập dữ liệu” thuộc Tiểu dự án 3 về hỗ trợ việc làm bền vững thuộc Dự án 4.

Bộ Tài chính trả lời như sau:

Tại khoản 5 và khoản 6 Điều 73[3] Thông tư số 55/2023/TT-BTC đã quy định: “- Chi khảo sát, thu thập, thống kê thông tin thị trường lao động phục vụ tổ chức các hoạt động dịch vụ giao dịch việc làm; thu thập cơ sở dữ liệu việc tìm người - người tìm việc, quản lý lao động gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác: Thực hiện theo khoản 4[4] và khoản 7[5] Điều 4 Thông tư số 55/2023/TT-BTC.

- Chi chuẩn hóa, nhập dữ liệu, vận hành, hiệu chỉnh dữ liệu: Thực hiện theo khoản 4 Điều 4 Thông tư số 55/2023/TT-BTC.”

Vì vậy, đề nghị địa phương căn cứ quy định tại Thông tư số 55/2023/TT-BTC và các quy định pháp luật liên quan để hướng dẫn các đơn vị tổ chức triển khai thực hiện theo quy định./.

 

PHỤ LỤC II

CTMTQG PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
(Kèm theo công văn số 11449/BTC-HCSN ngày 19/10/2023 của Bộ Tài chính)

1. Nội dung kiến nghị số 7 (tỉnh Gia Lai)

a) Nội dung kiến nghị thứ nhất: Đề nghị bổ sung hướng dẫn về thủ tục, hồ sơ thanh quyết toán đối với các mô hình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh cho các địa phương để triển khai thực hiện;

b) Nội dung kiến nghị thứ hai: Đề nghị bổ sung nội dung chi trả cho cộng tác viên dinh dưỡng tại CTMTQG Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Bộ Tài chính trả lời như sau:

Tại khoản 5 Điều 3 Thông tư số 55/2023/TT-BTC quy định việc kiểm soát chi, tạm ứng, thanh toán kinh phí: “Việc kiểm soát chi, tạm ứng, thanh toán kinh phí thực hiện theo quy định tại Nghị định số 11/2020/NĐ-CP ngày 20 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước; Thông tư số 62/2020/TT-BTC ngày 22 tháng 6 năm 2020 của Bộ Tài chính hướng dẫn kiểm soát, thanh toán các khoản chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước.”

Do đó, đề nghị địa phương căn cứ quy định tại Nghị định số 11/2020/NĐ-CP và Thông tư số 62/2020/TT-BTC để thực hiện thanh quyết toán đối với các mô hình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh.

b) Nội dung kiến nghị thứ hai

Tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình[6] không quy định nội dung chi trả cho cộng tác viên dinh dưỡng tại Dự án 7. Do đó, Bộ Tài chính không có cơ sở quy định nội dung này tại Thông tư số 55/2023/TT-BTC

Ngoài ra, Bộ Y tế là cơ quan chủ trì hướng dẫn tổ chức thực hiện Dự án 7. Vì vậy, trường hợp còn vướng mắc, đề nghị Tỉnh gửi kiến nghị nêu trên đến Bộ Y tế để được hướng dẫn theo đúng thẩm quyền.

2. Nội dung kiến nghị số 7 (tỉnh Hà Tĩnh)

Đề nghị kịp thời sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 27/01/2014 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở.

Bộ Tài chính trả lời như sau:

Ngày 18/8/2023, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 56/2023/TT-BTC quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, chuẩn tiếp cận pháp luật và hòa giải ở cơ sở thay thế Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTP. Thông tư số 56/2023/TT-BTC có hiệu lực thi hành từ ngày 06/10/2023.

Theo đó, Bộ Tài chính xin cung cấp thông tin để địa phương biết và tổ chức triển khai thực hiện theo quy định./.

 

PHỤ LỤC III

CTMTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
(Kèm theo công văn số 11449/BTC-HCSN ngày 19/10/2023 của Bộ Tài chính)

1. Nội dung kiến nghị số 6 (tỉnh Lâm Đồng)

a) Nội dung kiến nghị thứ nhất: Đề nghị quy định mức chi cụ thể cho hoạt động văn hóa, thể thao cấp xã phường, thị trấn. Vì hiện nay mức chi cho hoạt động này ở địa phương rất thấp (hằng năm trung bình khoảng 30 triệu đồng/ năm), không đủ để tổ chức cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao thường xuyên.

b) Nội dung kiến nghị thứ hai: Đề nghị quy định định mức chi cụ thể để duy trì các hoạt động tuyên truyền, phục vụ các nhiệm vụ chính trị cũng như hỗ trợ cán bộ làm công tác quản lý các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở theo Quyết định số 2563/QĐ-BVHTTDL ngày 03/08/2015 về việc phê duyệt Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao ở nông thôn.

Bộ Tài chính trả lời như sau:

a) Nội dung kiến nghị thứ nhất:

Căn cứ quy định tại Nội dung 1 thuộc Nội dung thành phần số 6 Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22/02/2022 phê duyệt CTMTQG Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; hướng dẫn thực hiện của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại văn bản số 2234/BVHTTDL-KHTC ngày 27/06/2022; Quyết định số 07/2022/QĐ-TTg ngày 25/03/2022 của TTCP quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện CTMTQG Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, ngày 15/08/2023, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 55/2023/TT-BTC quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện các CTMTQG giai đoạn 2021-2025, trong đó có các Chương trình chuyên đề thuộc CTMTQG Xây dựng nông thôn mới.

Tại Điều 100 Thông tư số 55/2023/TT-BTC đã quy định cụ thể về các nội dung và mức chi từ nguồn ngân sách trung ương về nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở đối với các hoạt động: hỗ trợ mua sắm thiết bị phục vụ cho hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao tại các Trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp xã, Nhà văn hóa - Khu thể thao thôn, hỗ trợ xây dựng tủ sách cho Trung tâm Văn hóa, Thể thao cấp xã, Nhà Văn hóa - Khu thể thao thôn; hỗ trợ kinh phí hoạt động đối với thiết chế văn hóa, thể thao xã, thôn và hỗ trợ kinh phí tổ chức giải thể thao cấp xã, thôn; sản xuất và cấp phát ấn phẩm tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá về các mô hình tiêu biểu về bảo tồn văn hóa truyền thống trong xây dựng nông thôn mới; tổ chức các lớp tập huấn và truyền dạy.

Đối với hỗ trợ các hoạt động văn hóa, thể thao cấp xã phường, thị trấn từ nguồn ngân sách địa phương thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân các cấp ở địa phương.

b) Nội dung kiến nghị thứ hai:

Tại Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt CTMTQG Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 phê duyệt Nội dung thành phần số 06 về nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của người dân nông thôn; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống theo hướng bền vững gắn với phát triển du lịch nông thôn; không bao gồm nội dung Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao ở nông thôn phê duyệt tại Quyết định số 2563/QĐ-BVHTTDL ngày 03/08/2015 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành.

Nội dung, định mức chi hỗ trợ nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của người dân nông thôn; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống theo hướng bền vững gắn với phát triển du lịch nông thôn thuộc CTMTQG Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 được quy định trên cơ sở nội dung hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại văn bản số 2234/BVHTTDL-KHTC ngày 27/06/2022.

Đối với các hoạt động tuyên truyền thuộc nội dung CTMTQG Xây dựng nông thôn mới, nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư số 55/2023/TT-BTC. Đối với các hoạt động thuộc nhiệm vụ chi thường xuyên hàng năm của địa phương, đề nghị thực hiện theo các quy định hiện hành.

Đề nghị Tỉnh phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để được hướng dẫn triển khai, thực hiện Quyết định số 2563/QĐ-BVHTTDL.

2. Nội dung kiến nghị số 13 (tỉnh Quảng Nam)

Kính đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương có ý kiến chỉ đạo các Bộ, ngành sớm hướng dẫn thực hiện thanh toán các Chương trình chuyên đề trong Chương trình nông thôn mới.

Bộ Tài chính trả lời như sau:

Tại khoản 5 Điều 3 Thông tư số 55/2023/TT-BTC ngày 15/08/2023 quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện các CTMTQG giai đoạn 2021-2025 đã quy định việc kiểm soát chi, tạm ứng, thanh toán kinh phí: “Việc kiểm soát chi, tạm ứng, thanh toán kinh phí thực hiện theo quy định tại Nghị định số 11/2020/NĐ-CP ngày 20 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước; Thông tư số 62/2020/TT-BTC ngày 22 tháng 6 năm 2020 của Bộ Tài chính hướng dẫn kiểm soát, thanh toán các khoản chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước.”

Do đó, đề nghị địa phương căn cứ quy định tại Nghị định số 11/2020/NĐ-CP và Thông tư số 62/2020/TT-BTC để thực hiện thanh quyết toán đối với các Chương trình chuyên đề trong Chương trình nông thôn mới./.

 

PHỤ LỤC IV

NỘI DUNG QUY ĐỊNH CHUNG TẠI CÁC CTMTQG
(Kèm theo công văn số 11449/BTC-HCSN ngày 19/10/2023 của Bộ Tài chính)

1. Nội dung kiến nghị số 4 (tỉnh Gia Lai)

Hiện nay, mức hỗ trợ tiền ăn cho người lao động trong thực hiện các Chương trình mục tiêu còn thấp so với thực tế. Đề nghị Chính phủ điều chỉnh mức hỗ trợ tiền ăn cho người học thuộc đối tượng thụ hưởng từ 30.000 đồng/người lên 50.000 đồng/người, ngày thực học.

Bộ Tài chính trả lời như sau:

- Tại Thông tư 55/2023/TT-BTC đã quy định mức hỗ trợ tiền ăn cho đối tượng tham gia các nội dung thuộc các CTMTQG theo mức 50.000 đồng/người, cụ thể: (i) Điểm a khoản 1 Điều 25 quy định hỗ trợ tiền ăn, sinh hoạt phí cho người lao động thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 50.000 đồng/người/ngày; (ii) Điểm b khoản 2 Điều 36 quy định hỗ trợ tiền ăn cho bà mẹ và người chăm sóc khi đi sinh là 50.000 đồng/ngày/người; (ii) Điểm b khoản 1 Điều 67 quy định chi hỗ trợ tiền ăn trưa, nước uống khi tổ chức các hoạt động tham quan hướng nghiệp, gắn kết giữa doanh nghiệp với học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; giữa doanh nghiệp và người lao động là 50.000 đồng/học sinh, sinh viên, người lao động;...

- Đối với đào tạo nghề cho người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động có thu nhập thấp, lao động nông thôn: Tại Điều 68 và khoản 6 Điều 95 Thông tư 55/2023/TT-BTC đã quy định mức hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 7 Thông tư số 152/2016/TT-BTC. Tuy nhiên, mức hỗ trợ tiền ăn 30.000 đồng/người/ngày thực học đã được quy định tại điểm a khoản 2 Điều 5 Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 17/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ

Tại khoản 3 Điều 5 Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg cũng quy định: “Ngoài những đối tượng và mức hỗ trợ quy định tại Khoản 1 và 2 Điều này, các Bộ, ngành, địa phương, cơ sở đào tạo tùy điều kiện và khả năng, huy động thêm các nguồn kinh phí khác để hỗ trợ thêm tiền ăn, tiền đi lại cho người học trong thời gian đào tạo.”

Do vậy, đề nghị địa phương căn cứ quy định tại Thông tư số 152/2016/TT-BTC và Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg để triển khai thực hiện.

Do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ trì, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg, vì vậy, đề nghị tỉnh phản ánh khó khăn, vướng mắc và đề xuất kiến nghị nêu trên đến Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định./.

 



[1] Kiến nghị do Ban Dân nguyện chuyển tới tại các công văn: số 907/BDN, số 945/BDN ngày 16/8/2023 và Văn phòng Chính phủ chuyển tới tại các công văn: số 6122/VPCP-QHĐP, số 6316/VPCP-QHĐP ngày 17/8/2023.

[2] Thông tư số 15/2022/TT-BTC ngày 04/3/2022 quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện CTMTQG Phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025; Thông tư số 46/2022/TT-BTC ngày 28/7/2022 quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách trung ương thực hiện Chương CTMTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; Thông tư số 53/2022/TT-BTC ngày 12/8/2022 của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách trung ương thực hiện CTMTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

[3] Thu thập, phân tích, dự báo thị trường lao động

[4] Khoản 4 Điều 4 Thông tư số 55/2023/TT-BTC: Chi ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động chuyên môn các nội dung thuộc Chương trình: Thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và quy định của pháp luật có liên quan; các định mức kinh tế - kỹ thuật trong lĩnh vực thông tin và truyền thông.

[5] Khoản 7 Điều 4 Thông tư số 55/2023/TT-BTC: Chi điều tra, khảo sát, thống kê nội dung chuyên môn thuộc Chương trình: Nội dung và mức chi theo quy định tại Điều 3, Điều 4 Thông tư số 109/2016/TT-BTC (được sửa đổi bổ sung tại Điều 1 Thông tư số 37/2022/TT-BTC ngày 22 tháng 6 năm 2022 sửa đổi, bổ sung khoản 9 Điều 3 và Mẫu số 01 kèm theo Thông tư số 109/2016/TT-BTC).

[6] Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I; từ năm 2021 đến năm 2025