- 1 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007
- 2 Luật thuế thu nhập cá nhân sửa đổi 2012
- 3 Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14 về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành
- 4 Quyết định 2114/QĐ-TTg năm 2021 về Kế hoạch thực hiện Kết luận 19-KL/TW và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5 Nghị định 26/2023/NĐ-CP về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan
- 6 Nghị định 65/2024/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước
- 7 Thông tư 63/2023/TT-BTC sửa đổi Thông tư quy định về phí, lệ phí nhằm khuyến khích sử dụng dịch vụ công trực tuyến do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 8 Nghị quyết 42/2023/UBTVQH15 về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành
- 9 Nghị định 94/2023/NĐ-CP quy định về chính sách giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết 110/2023/QH15
- 10 Nghị quyết 110/2023/QH15 về Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV
- 11 Nghị định 64/2024/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2024
- 12 Thông tư 43/2024/TT-BTC quy định về mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 13 Nghị định 72/2024/NĐ-CP về chính sách giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết 142/2024/QH15
- 14 Nghị quyết 142/2024/QH15 về Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV
- 15 Nghị định 109/2024/NĐ-CP quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước
BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 11631/BTC-CST | Hà Nội, ngày 29 tháng 10 năm 2024 |
Kính gửi: Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh
Bộ Tài chính đã nhận được kiến nghị của cử tri Thành phố Hồ Chí Minh tại Báo cáo số 514/BC-ĐĐBQH ngày 10/10/2024 về tổng hợp kiến nghị của cử tri Thành phố Hồ Chí Minh trước kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, nội dung kiến nghị như sau:
Nội dung kiến nghị:
Cử tri đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét tiếp tục giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ trong thời gian từ ngày 01/01/2025 đến hết ngày 31/12/2025 để kích thích tiêu dùng của người dân nhiều hơn, góp phần phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Cử tri kiến nghị điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh để phù hợp tình hình kinh tế xã hội hiện nay.
Bộ Tài chính xin trả lời như sau:
1. Về nội dung kiến nghị tiếp tục giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ trong thời gian từ ngày 01/01/2025 đến hết ngày 31/12/2025
Trong suốt giai đoạn năm 2020-2023, Bộ Tài chính đã chủ động nghiên cứu, đề xuất, trình cấp có thẩm quyền cũng như ban hành theo thẩm quyền các giải pháp trong lĩnh vực tài chính, đặc biệt là các giải pháp về gia hạn, miễn, giảm các khoản thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất (như gia hạn các khoản thuế (thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN), thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB)) và tiền thuê đất; miễn, giảm các khoản thuế TNDN, thuế TNCN, thuế GTGT, thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường (BVMT), cùng nhiều khoản phí, lệ phí và tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế. Tổng quy mô các giải pháp hỗ trợ trong giai đoạn 2020-2023 là khoảng 700 nghìn tỷ đồng với việc ban hành 60 văn bản quy phạm pháp luật (trong đó có: 11 Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; 19 Nghị định của Chính phủ; 04 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 26 Thông tư của Bộ Tài chính).
Kể từ đầu năm 2024 đến nay, Bộ Tài chính đã tiếp tục chủ động nghiên cứu, đề xuất trình cấp có thẩm quyền cũng như ban hành theo thẩm quyền các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân gắn với công tác xây dựng, giao dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) hàng năm để bảo đảm khả năng cân đối của NSNN cũng như để các địa phương chủ động trong việc thực hiện dự toán cân đối ngân sách địa phương. Các giải pháp về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đà và đang được thực hiện cho đến hết năm 2024 với quy mô hỗ trợ khoảng 191 nghìn tỷ đồng (trong đó: số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn là khoảng 95 nghìn tỷ đồng; số tiền thuế, phí, lệ phí được giảm khoảng 96 nghìn tỷ đồng), cụ thể là:
- Tiếp tục thực hiện giảm mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong năm 2024 theo Nghị quyết số 42/2023/UBTVQH15 ngày 18/12/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Dự kiến thực hiện Nghị quyết này sẽ giảm thu NSNN năm 2024 khoảng 42,5 nghìn tỷ đồng.
- Tiếp tục thực hiện giảm (2%) thuế suất thuế GTGT như đã áp dụng năm 2023 đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 10% từ ngày 01/01/2024 đến hết ngày 31/12/2024 theo các Nghị quyết số 110/2023/QH15 ngày 29/11/2023 của Quốc hội và Nghị định số 94/2023/NĐ-CP ngày 28/12/2023 của Chính phủ; Nghị quyết số 142/2024/QM15 ngày 29/6/2024 và Nghị định số 72/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 của Chính phủ. Dự kiến thực hiện giải pháp này số tiền thuế được giảm khoảng 49 nghìn tỷ đồng.
- Tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN và tiền thuê đất trong năm 2024 theo Nghị định số 64/2024/NĐ-CP ngày 17/6/2024 của Chính phủ. Dự kiến số tiền thuế, tiền thuê đất được xem xét gia hạn là khoảng 84 nghìn tỷ đồng.
- Tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế TTĐB phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 5, tháng 6, tháng 7, tháng 8 và tháng 9 năm 2024 đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước theo Nghị định số 65/2024/NĐ-CP ngày 17/6/2024 của Chính phủ. Dự kiến số tiền thuế tiêu thụ đặc biệt được gia hạn khoảng 10,7 nghìn tỷ đồng.
- Tiếp tục giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ từ tháng 9 đến hết tháng 11/2024 đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước theo Nghị định số 109/2024/NĐ-CP ngày 29/8/2024 của Chính phủ. Dự kiến số tiền lệ phí trước bạ giảm khoảng 2.600 tỷ đồng.
- Tiếp tục giảm mức thu đối với 36 khoản phí, lệ phí, áp dụng từ ngày 01/7/2024 đến hết ngày 31/12/2024 để hỗ trợ cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, người dân trong năm 2024 theo Thông tư số 43/2024/TT-BTC ngày 28/6/2024 của Bộ Tài chính. Dự kiến số tiền phí, lệ phí được giảm khoảng 700 tỷ đồng.
Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư số 63/2023/TT-BTC ngày 16/10/2023 quy định giảm mức thu phí, lệ phí từ 10% đến 50% nhằm khuyến khích sử dụng dịch vụ công trực tuyến (có hiệu lực từ 01/12/2023 và áp dụng đến hết năm 2025). Dự kiến thực hiện chính sách này sẽ hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khoảng 100 tỷ đồng/năm.
Ngoài ra, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2023/NĐ-CP ngày 31/5/2023 về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài ngạch thuế quan, trong đó có điều chỉnh chính sách thuế nhập khẩu, thuế xuất khẩu nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, hiện nay Bộ Tài chính đang xây dựng hồ sơ trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định việc giảm tiền thuê đất năm 2024 nhằm tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế phục hồi, tăng trưởng, đặc biệt sau cơn bão số 3 (Yagi).
Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình thực tế, dự báo tình hình phát triển kinh tế - xã hội để nghiên cứu, báo cáo các cấp có thẩm quyền giải pháp phù hợp.
2. Về kiến nghị điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh
Theo quy định của Luật thuế TNCN hiện hành, cá nhân được trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với một số ngành nghề phải tham gia bảo hiểm bắt buộc, trừ đi mức giảm trừ gia cảnh, các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, các khoản phụ cấp, trợ cấp theo quy định... Số còn lại mới là thu nhập làm căn cứ tính thuế TNCN.
Luật thuế TNCN (áp dụng từ 01/01/2009) quy định mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 4 triệu đồng/tháng (48 triệu đồng/năm); mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 1,6 triệu đồng/tháng.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TNCN số 26/2012/QH13 (áp dụng từ 01/7/2013) quy định mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm); mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng. Đồng thời bổ sung quy định: Trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm Luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo.
Ngày 02/6/2020 Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14 về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế TNCN (áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2020). Theo đó, nâng mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm); mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng. Việc điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh của thuế TNCN đã góp phần giảm bớt nghĩa vụ cho người nộp thuế, số thuế phải nộp sẽ được giảm cho mọi đối tượng đang nộp thuế TNCN.
Quy định về giảm trừ trước khi tính thuế đảm bảo nguyên tắc cá nhân cần phải có một mức thu nhập nhất định nhằm đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của cuộc sống như: ăn, ở, đi lại, học tập, khám chữa bệnh..., vì thế, thu nhập trên ngưỡng này mới phải nộp thuế. Việc áp dụng các khoản giảm trừ còn hướng tới mục tiêu loại trừ các đối tượng có thu nhập thấp ra khỏi diện phải nộp thuế TNCN. Mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế, người phụ thuộc của người nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế TNCN là mức cụ thể theo mặt bằng chung của xã hội, không phân biệt người có thu nhập cao hay thấp, với nhu cầu tiêu dùng khác nhau. Cá nhân có khó khăn do thiên tai, hoả hoạn, tai nạn, bệnh hiểm nghèo thì Luật thuế TNCN đã có quy định giảm thuế cho các trường hợp này. Theo đó, mức giảm trừ gia cảnh cụ thể cần được nghiên cứu, tính toán một cách kỹ lưỡng, đảm bảo cao hơn GDP bình quân đầu người, tiền lương tối thiểu vùng, mức chi tiêu bình quân đầu người trong một giai đoạn nhất định.
Theo Báo cáo khảo sát mức sống dân cư năm 2023 của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố thì thu nhập bình quân đầu người/tháng của Việt Nam trong năm 2023 (theo giá hiện hành) là 4,96 triệu đồng và nhóm hộ có thu nhập cao nhất (nhóm gồm 20% dân số giàu nhất - nhóm 5) có thu nhập bình quân là 10,86 triệu đồng/tháng/người. Theo đó, mức giảm trừ cho người nộp thuế hiện nay (11 triệu đồng/tháng) là hơn 2,2 lần so với mức thu nhập bình quân đầu người (cao hơn nhiều so với mức phổ biến mà các nước đang áp dụng từ 0,5 đến 1 lần); đồng thời cũng cao hơn mức thu nhập bình quân của nhóm 20% dân số có thu nhập cao nhất. Mức giảm trừ đối với người phụ thuộc cũng gần với mức thu nhập bình quân đầu người hiện nay.
Với mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế hiện nay là 11 triệu đồng/tháng và cho mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng thì người có thu nhập từ tiền lương, tiền công ở mức 17 triệu đồng/tháng (nếu có 1 người phụ thuộc) hay mức 22 triệu đồng/tháng (nếu có 2 người phụ thuộc) sau khi trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp... thì cũng chưa phải nộp thuế TNCN.
Tại khoản 4 Điều 1 Luật thuế TNCN số 26/2012/QH13 quy định: “Trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm Luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh quy định tại khoản này phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo”.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê thì chỉ số CPI năm 2020 tăng 3,23%, CPI năm 2021 tăng 1,84%, CPI năm 2022 tăng 3,15% và CPI năm 2023 tăng 3,25%. Như vậy, CPI biến động chưa đến 20% kể từ thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất (năm 2020), do đó, theo quy định của Luật thuế TNCN hiện hành thì chưa thể điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh.
Thuế TNCN điều tiết vào thu nhập của cá nhân. Việc thực hiện chính sách thuế TNCN có vai trò rất quan trọng để triển khai chính sách phân phối lại. Cùng với các nguồn thu khác, nguồn thu từ thuế TNCN đã tạo nên quỹ ngân sách nhà nước để đáp ứng rất nhiều các nhu cầu chi cho đầu tư phát triển, an ninh quốc phòng, đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo. Hiện nay, thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 2114/QĐ-TTg ngày 16/12/2021 ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Bộ Tài chính đang tiến hành rà soát, đánh giá tổng thể Luật thuế TNCN (trong đó có nội dung về mức giảm trừ gia cảnh...) để báo cáo Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung theo Chương trình xây dựng luật của Quốc hội, đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam, cũng như thông lệ quốc tế (dự kiến đăng ký Chương trình xây dựng Luật vào năm 2025, trình Quốc hội cho ý kiến vào tháng 10/2025 và thông qua vào tháng 5/2026).
Trên đây là trả lời của Bộ Tài chính đối với kiến nghị của cử tri Thành phố Hồ Chí Minh, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh để trả lời cử tri./.
| BỘ TRƯỞNG |
- 1 Công văn 10996/BTC-HCSN năm 2024 trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV do Bộ Tài chính ban hành
- 2 Công văn 11169/BTC-HCSN năm 2024 trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Đà Nẵng gửi đến trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV do Bộ Tài chính ban hành
- 3 Công văn 11167/BTC-HCSN năm 2024 trả lời kiến nghị của cử tri Hải Phòng gửi đến trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV do Bộ Tài chính ban hành