Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
----------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 11931/TCHQ-GSQL
V/v phương pháp xác định hao hụt xăng dầu TNTX theo quy định tại Thông tư số 43/2015/TT-BCT

Hà Nội, ngày 21 tháng 12 năm 2016

 

nh gửi: Vụ Thị trường trong nước -Bộ Công Thương.

Trong quá trình triển khai Thông tư số 43/2015/TT-BCT ngày 08/12/2015 của Bộ Công Thương quy định tỷ lệ hao hụt trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, Cục Hải quan các tỉnh, thành phố gặp khó khăn trong việc xác định lượng hao hụt đối với xăng dầu kinh doanh tạm nhập tái xuất; nội dung cụ thể sau:

1. Quy định hiện hành đối với xăng dầu kinh doanh tạm nhập tái xuất:

a) Quy định tại Thông tư số 43/2015/TT-BCT:

Khoản 1 Điều 4 “hao hụt xăng dầu trong hoạt động kinh doanh xăng dầu là tổng hao hụt xăng dầu của các công đoạn mà hoạt động kinh doanh xăng dầu đó thực hiện (bao gồm các công đoạn nhập, vận chuyển, tồn chứa, xuất)”.

b) Quy định tại Thông tư số 38/2014/TT-BCT ngày 24/10/2014:

Khoản 4 Điều 14 “thương nhân được phép tạm nhập xăng dầu theo từng lô lớn và tái xuất nguyên lô hoặc theo từng lô nhỏ từ các kho chứa nội địa theo đúng số lượng và chủng loại đã tạm nhập”.

c) Quy định tại Thông tư số 69/2016/TT-BTC ngày 06/5/2016:

Theo khoản 2, Điều 4 thì xăng dầu kinh doanh tạm nhập tái xuất được lưu trữ chung với xăng dầu nhập kinh doanh.

Theo khoản 2 Điều  11 thì xăng du tái xuất được thực hiện thủ tục hải quan tại Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu nơi thương nhân có hệ thống kho nội địa chứa xăng dầu nhập khẩu, tạm nhập.

2. Khó khăn khi xác định lượng hao hụt đối với xăng dầu kinh doanh tạm nhập tái xuất:

Căn cứ các quy định dẫn trên thì:

a) Thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu được phép điều chuyển xăng dầu trong hệ thống kho chứa xăng dầu theo mục đích và nhu cầu sử dụng, dẫn tới việc một lô hàng có thể trải qua nhiều công đoạn như chuyển bể, di chuyển nội bộ, vận chuyển, tồn chứa; ví dụ cụ thể như sau;

Một lô hàng xăng dầu tạm nhập tái xuất được bơm vào bể A. Sau thời gian tồn chứa tại bể A, doanh nghiệp vận chuyển lượng xăng dầu này sang bể B, tồn chứa một thời gian và tiếp tục vận chuyển đến bể C để tái xuất. Theo đó, hao hụt công đoạn nhập (từ tàu đến - lên bồn) được xác định tại bể A, hao hụt công đoạn xuất được xác định tại bể C; hao hụt xăng dầu công đoạn tồn chứa sẽ được xác định tại từng bể chứa (A, B, C) hay được xác định trên bể thực xuất cuối cùng (bể C); tương tự như đối với hao hụt công đoạn vận chuyển được xác định tại từng công đoạn vận chuyển (từ A sang B, B sang C) hay được xác định từ bể thực nhập đầu tiên đến bể thực xuất cuối cùng (vận chuyển từ A sang C)?

b) Trường hợp xăng dầu kinh doanh tạm nhập tái xuất lưu trữ chung với xăng dầu nhập kinh doanh thì khi xác định tỷ lệ hao hụt công đoạn tồn chứa như thế nào, tính chung tổng lượng xăng dầu tồn chứa trong bồn hay chỉ tính đúng lượng hao hụt tồn chứa trên lượng xăng dầu tạm nhập, (ví dụ trong bồn có 1.000 tấn xăng dầu nhập kinh doanh và 500 tấn xăng dầu tạm nhập tái xuất, lượng hao hụt công đoạn tồn chứa đối với xăng dầu tạm nhập tái xuất được tính trên 1.500 tấn hay chỉ tính trên 500 tấn).

Để hải quan địa phương và doanh nghiệp có cơ sở thực hiện thống nhất, Tổng cục Hải quan đề nghị Quý Vụ có ý kiến về các nội dung nêu trên. Ý kiến tham gia xin gửi về Tổng cục Hải quan (qua Cục Giám sát quản lý về Hải quan) trước ngày 30/12/2016.

Trân trọng./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Lưu: VT, GSQL (03b).

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Vũ Ngọc Anh