Kính gửi: Cục Hải quan các tỉnh, thành phố.
Bộ Tài chính nhận được phản ánh vướng mắc và đề nghị tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa đóng chung container, nhưng không thực hiện việc chia tách, đóng ghép trong kho CFS mà thực hiện tại các địa điểm khác sau khi hàng hóa đã được thông quan của một số doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội da giày Việt Nam. Về việc này, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện như sau:
1/ Đối với hàng xuất khẩu:
a) Điều kiện để thực hiện việc đóng ghép chung container:
- Địa điểm thực hiện đóng ghép container phải nằm trong địa bàn giám sát hải quan: khu vực cảng biển, cửa khẩu hoặc các địa điểm được thành lập theo quy định tại Chương III Thông tư số 128/2013/TT-BTC ngày 10/9/2013 của Bộ Tài chính.
- Các lô hàng xuất khẩu phải được tập kết đầy đủ tại địa điểm nêu trên trước khi đóng ghép vào container.
b) Trình tự thực hiện:
b.1) Trách nhiệm của doanh nghiệp
- Doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền có công văn đề nghị Chi cục hải quan nơi thực hiện việc đóng ghép hàng hóa (trong đó nêu cụ thể: tên doanh nghiệp, tên hàng, dự kiến về: số lượng kiện, thời gian, địa điểm thực hiện đóng ghép container);
- Chịu trách nhiệm bảo quản nguyên trạng container, hàng hóa trong thời gian lưu giữ tại địa điểm tập kết và quá trình vận chuyển từ địa điểm đóng ghép container đến cửa khẩu xuất.
- Xuất trình các tờ khai hải quan đã được cơ quan hải quan quyết định thông quan cho Chi cục hải quan nơi quản lý địa điểm đóng ghép container
b.2) Trách nhiệm của cơ quan hải quan:
Chi cục hải quan nơi thực hiện việc đóng ghép hàng hóa chịu trách nhiệm giám sát việc đóng ghép hàng hóa và niêm phong container.
Trường hợp việc đóng ghép thực hiện tại địa điểm ngoài khu vực cửa khẩu xuất hoặc việc đăng ký tờ khai thực hiện tại Chi cục hải quan khác với Chi cục hải quan nơi thực hiện việc đóng ghép hàng hóa thì việc giám sát hải quan đối với hàng hóa vận chuyển từ địa điểm đóng ghép đến cửa khẩu xuất hoặc hàng hóa vận chuyển từ nơi đăng ký tờ khai đến nơi thực hiện đóng ghép thực hiện theo quy định tại Điều 61 Thông tư số 128/2013/TT-BTC (áp dụng đối với trường hợp làm thủ tục chuyển cửa khẩu theo phương thức thủ công) hoặc Điều 31, 33 Thông tư số 22/2014/TT-BTC (áp dụng đối với trường hợp khai báo vận chuyển hàng hóa đang chịu sự giám sát hải quan theo thủ tục hải quan điện tử).
b.3) Cơ sở để xác định hàng hóa đã xuất khẩu thực hiện như hướng dẫn tại khoản 1 Điều 30 Thông tư số 128/2013/TT-BTC (áp dụng đối với trường hợp thủ tục hải quan thủ công) hoặc khoản 1 Điều 32 Thông tư số 22/2014/TT-BTC (áp dụng đối với trường hợp thủ tục hải quan điện tử).
2/ Đối với hàng nhập khẩu:
a) Điều kiện để doanh nghiệp được chia tách hàng hóa đóng chung container:
- Các lô hàng có cùng vận đơn.
- Việc chia tách hàng hóa được thực hiện tại cửa khẩu nhập, trừ trường hợp các lô hàng đã được cơ quan hải quan quyết định thông quan/giải phóng hàng.
b) Trình tự thực hiện:
b.1) Trách nhiệm của doanh nghiệp:
- Doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền có văn bản đề nghị gửi Chi cục hải quan nơi thực hiện việc chia tách container, trong đó nêu cụ thể: tên doanh nghiệp, tên hàng, số lượng kiện, trọng lượng, số vận đơn, nơi đăng ký tờ khai hải quan, thời gian, địa điểm thực hiện chia tách container.
- Các lô hàng đã được cơ quan hải quan quyết định thông quan/giải phóng hàng thì doanh nghiệp được vận chuyển hàng hóa ra khỏi khu vực giám sát hải quan để thực hiện việc chia tách. Trường hợp có lô hàng thuộc diện phải kiểm tra nhà nước về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch thì hàng hóa được bảo quản tại các địa điểm theo quy định tại Điều 27 Thông tư số 128/2013/TT-BTC.
- Xuất trình đầy đủ các tờ khai hải quan của các lô hàng vận chuyển đóng chung container cho cơ quan hải quan quản lý địa điểm lưu giữ hàng hóa và bảo quản nguyên trạng container, hàng hóa đến khi vận chuyển ra khỏi khu vực giám sát hải quan tại cửa khẩu.
b.2) Trách nhiệm của cơ quan hải quan:
Ngoài việc thực hiện đầy đủ các công việc theo quy trình giám sát hải quan hiện hành, công chức hải quan nơi có container hàng hóa chờ chia tách chỉ cho phép doanh nghiệp được mở container để chia tách hoặc được vận chuyển container về địa điểm ngoài cửa khẩu sau khi đã kiểm tra, đối chiếu đầy đủ số lượng tờ khai, vận đơn do doanh nghiệp xuất trình.
3/ Thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu vận chuyển chung container của nhiều chủ hàng thực hiện theo loại hình xuất khẩu, nhập khẩu tương ứng và theo quy định hiện hành.
Bộ Tài chính có ý kiến để Cục Hải quan tỉnh, thành phố biết, thực hiện. Trường hợp có vướng mắc phát sinh thì báo cáo kịp thời về Bộ Tài chính (qua Tổng cục Hải quan) để tổng hợp và có hướng dẫn cụ thể./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
- 1 Công văn 7731/TCHQ-GSQL năm 2014 về quản lý giám sát hàng hóa xuất khẩu, phương tiện vận tải, xuất nhập cảnh tại Khu chuyển tải Tư Hiền-Tư Dung, thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế do Tổng cục Hải quan ban hành
- 2 Công văn 6954/TCHQ-GSQL năm 2014 giám sát hàng hóa vận chuyển từ Cửa khẩu Lao Bảo đến ICD Lào Cai do Tổng cục Hải quan ban hành
- 3 Thông tư 22/2014/TT-BTC quy định thủ tục hải quan điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại do Bộ Tài chính ban hành
- 4 Thông tư 128/2013/TT-BTC quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất, nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hoá xuất, nhập khẩu do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 1 Công văn 6954/TCHQ-GSQL năm 2014 giám sát hàng hóa vận chuyển từ Cửa khẩu Lao Bảo đến ICD Lào Cai do Tổng cục Hải quan ban hành
- 2 Công văn 7731/TCHQ-GSQL năm 2014 về quản lý giám sát hàng hóa xuất khẩu, phương tiện vận tải, xuất nhập cảnh tại Khu chuyển tải Tư Hiền-Tư Dung, thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế do Tổng cục Hải quan ban hành
- 3 Công văn 6620/TCHQ-GSQL năm 2020 về xử lý hàng hóa tồn đọng trong CFS quá thời hạn do Tổng cục Hải quan ban hành