Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1228/LĐTBXH-KHTC
V/v tập trung chỉ đạo, phấn đấu hoàn thành các Mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ về lao động, người có công và xã hội

Hà Nội, ngày 14 tháng 04 năm 2016

 

Kính gửi:

- Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ;
- Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

 

Bước vào năm 2016, đất nước phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức: kinh tế thế giới tiếp tục xu hướng phục hồi nhưng chậm và chứa đựng nhiều rủi ro; ở trong nước, các đợt rét đậm, rét hại xảy ra đầu năm gây thiệt hại về cây trồng và gia súc tại các tỉnh miền núi phía Bắc; hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra đặc biệt nghiêm trọng tại các tỉnh Miền Trung, Tây Nguyên và Nam Bộ. Nhiệm vụ đặt ra cho Ngành hiện nay rất nặng nề.

Để phấn đấu hoàn thành các Mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ về lao động, người có công và xã hội năm 2016, tạo tiền đề thực hiện thắng lợi các Mục tiêu, nhiệm vụ 5 năm 2016 - 2020 theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XII, Bộ yêu cầu các đồng chí Thủ trưởng đơn vị, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh/ thành phố trực thuộc Trung ương theo chức trách, nhiệm vụ được giao, tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ 15 nhóm giải pháp chủ yếu trong Chương trình công tác lĩnh vực lao động, người có công và xã hội năm 2016 ban hành kèm theo Quyết định số 80/QĐ-LĐTBXH ngày 15/01/2016 và một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

1. Tập trung hơn nữa công tác xây dựng thể chế, đảm bảo hoàn thành kế hoạch theo Chương trình công tác năm 2016 của Chính phủ, trong đó, đặc biệt tập trung vào hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn thực hiện Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật giáo dục nghề nghiệp; Luật an toàn, vệ sinh lao động; Luật trẻ em bảo đảm tính đồng bộ để thực hiện hiệu quả. Rà soát, đánh giá các chính sách an sinh xã hội trên từng lĩnh vực để đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành thay thế chính sách mới cho phù hợp. Nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật để thực thi nội dung về lao động trong Cộng đồng ASEAN và các Hiệp định thương mại tự do (FTA), bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, pháp luật của Việt Nam và quy định của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO).

Các đơn vị được giao chủ trì nghiên cứu, xây dựng phải đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ theo quy định. Trong quá trình xây dựng phải huy động sự tham gia ý kiến của các cơ quan, đoàn thể, hiệp hội, doanh nghiệp và nhân dân, nhất là các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản quy phạm pháp luật, chính sách để đảm bảo tính khả thi, áp dụng ngay vào cuộc sống.

Các đơn vị liên quan, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh/thành phố phải tích cực tham gia ngay trong quá trình soạn thảo, nắm bắt nội dung để chủ động hướng dẫn, triển khai thực hiện kịp thời khi văn bản được ban hành.

2. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, giảm và loại bỏ những thủ tục hành chính rườm rà, chồng chéo đối với các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp, người dân, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước; triển khai thực hiện Nghị quyết 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử; xây dựng cơ sở dữ liệu về lao động, người có công và xã hội; phát triển các dịch vụ công trực tuyến và các ứng dụng hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Ứng dụng công nghệ thông tin phải gắn với công tác bảo mật trong việc theo dõi chương trình công tác, theo dõi thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo Bộ, Lãnh đạo Ủy ban nhân dân các cấp giao.

Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong Ngành tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, đổi mới phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo, Điều hành; tăng cường hơn nữa mối quan hệ phối hợp giữa các đơn vị trong và ngoài Ngành; đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ và thông tin vào các lĩnh vực công tác, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác; thực hành Tiết kiệm, chống lãng phí; chỉ đạo quyết liệt công tác kiểm tra, tự kiểm tra văn bản để tiếp tục hoàn thiện, đảm bảo đưa các quy phạm pháp luật vào cuộc sống.

3. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật, chính sách; theo dõi, kiểm tra việc thực hiện các kết luận thanh tra nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác xử lý sau thanh tra. Tập trung xử lý, làm chuyển biến rõ nét những vấn đề xã hội bức xúc được cử tri và đại biểu Quốc hội quan tâm.

4. Làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền với sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, cơ sở. Các cơ quan báo chí của Ngành phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc Bộ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh/thành phố bám sát các chủ trương, chính sách, sự kiện và các nhiệm vụ chính trị của Bộ, Ngành để kịp thời thông tin trung thực, chính xác những kết quả tích cực, những tồn tại, hạn chế trong hoạt động cũng như phổ biến các chủ trương, chính sách, pháp luật của Ngành để định hướng dư luận và giúp người dân hiểu rõ, hiểu đúng, chia sẻ tạo sự đồng thuận trong thực thi chính sách, pháp luật về lao động, người có công và xã hội.

5. Tăng cường và mở rộng hoạt động hợp tác và hội nhập quốc tế, nhất là hợp tác về dạy nghề, phát triển thị trường lao động, an sinh xã hội,... nhằm thu hút nguồn lực, kinh nghiệm quốc tế cho phát triển các lĩnh vực của Ngành.

6. Tăng cường sự phối hợp với các Ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức đoàn thể ở các cấp, các doanh nghiệp nhằm phát huy cao nhất sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong thực hiện các Mục tiêu, nhiệm vụ về lao động, người có công và xã hội./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Các đ/c Lãnh đạo Bộ;
- Lưu: VT, Vụ KHTC.

BỘ TRƯỞNG




Đào Ngọc Dung