BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 12287/BTC-CST | Hà Nội, ngày 04 tháng 9 năm 2015 |
Kính gửi: Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc
Trả lời công văn số 28a/ĐĐBQH-CTĐBQH ngày 13/5/2015 của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc về việc đề nghị trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:
Tại điểm b khoản 3 Điều 1 Quyết định số 1211/QĐ-TTg ngày 24/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 có nêu định hướng đối với xe đến 9 chỗ: “Tập trung định hướng tiêu dùng vào dòng xe cá nhân kích thước nhỏ, tiêu thụ ít năng lượng, phù hợp với mức thu nhập dân cư và khả năng đáp ứng của hạ tầng giao thông ”,
Tại khoản 5 Điều 1 Quyết định số 1211/QĐ-TTg ngày 24/7/2014 nêu giải pháp và cơ chế chính sách đối với phụ tùng, linh kiện: “Áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu ở mức trần các cam kết thuế quan mà Việt Nam đã tham gia đối với các loại phụ tùng, linh kiện cần khuyến khích đầu tư sản xuất và các loại phụ tùng, linh kiện sản xuất trong nước đáp ứng được yêu cầu về chất lượng và số lượng”
Tại khoản 1 Điều 2 Quyết định số 1168/QĐ-TTg ngày 16/7/2014 của Thủ tướng chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về các chính sách để thực hiện Chiến lược Phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.
Bên cạnh đó hiện nay Bộ Công Thương đang chủ trì xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định về phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Theo đó, sau khi các văn bản trên được ban hành, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan rà soát và đề xuất các chính sách tài chính phù hợp, trong đó có chính sách thuế nhập khẩu đối với linh kiện, phụ tùng ô tô để hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong nước, phù hợp với các cam kết quốc tế và khu vực.
Tại Điều 6 Luật thuế TTĐB quy định nguyên tắc xác định giá tính thuế TTĐB như sau:
- Tại khoản 1 quy định: Đối với hàng hóa sản xuất trong nước là giá do cơ sở sản xuất bán ra.
- Tại khoản 6 quy định: Giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hàng hóa, dịch vụ quy định tại Điều này bao gồm cả khoản thu thêm, được thu (nếu có) mà cơ sở kinh doanh được hưởng).
Căn cứ quy định trên:
Kiến nghị cách tính thuế TTĐB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước theo giá CIF bộ linh kiện nhập khẩu cộng với thuế nhập khẩu ô tô chưa phù hợp với nguyên tắc xác định giá tính thuế TTĐB quy định tại Luật (là giá bán ra) và trong trường hợp doanh nghiệp muốn mở rộng thị trường, có giá bán thấp hơn giá thành thì thuế TTĐB tính trên lỗ của doanh nghiệp. Như vậy, cách tính thuế này sẽ tạo ra sự không công bằng, tiêu diệt sự cạnh tranh của doanh nghiệp nhỏ, mới vào thị trường, có giá bán thấp hơn giá thành so với các doanh nghiệp có thương hiệu lớn, đã vào thị trường lâu.
Bên cạnh đó, cách xác định giá tính thuế theo bộ linh kiện nhập khẩu sẽ vi phạm cam kết khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về phân biệt đối xử giữa hàng sản xuất trong nước và hàng nhập khẩu.
Để đảm bảo công bằng giữa ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước và ô tô nhập khẩu, hiện nay, Bộ Tài chính đã có Tờ trình số 92/TTr-BTC ngày 29/6/2015 trình Chính phủ về dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế TTĐB và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TTĐB. Theo đó, Bộ Tài chính trình Chính phủ xác định giá tính thuế TTĐB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước là giá do cơ sở sản xuất, lắp ráp bán ra, đối với ô tô nhập khẩu là giá do nhà nhập khẩu bán ra.
Ngoài ra, để khuyến khích phát triển ngành công nghiệp ô tô trong nước, ngày 14/8/2015 Bộ Tài chính đã có công văn số 11140/BTC-CST gửi xin ý kiến các Bộ, ngành, địa phương về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Luật về thuế, trong đó có đề xuất giảm thuế suất thuế TTĐB đối với dòng xe có dung tích xi lanh dưới 2.000 cm3 và tăng thuế suất thuế TTĐB đối với dòng xe có dung tích xi lanh trên 3.000cm3.
3. Về thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa:
Thực hiện chủ trương cải cách thủ tục hành chính, thời gian qua, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, Quốc hội ban hành Luật Hải quan 2014; Nghị định 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015; Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 hướng dẫn thủ tục hải quan với nhiều điểm mới theo hướng tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp như giảm hồ sơ hải quan; đơn giản hóa tối ưu việc thực hiện thủ tục hải quan thông qua thực hiện thủ tục hải quan điện tử; giảm chi phí; thay đổi phương thức và phương pháp quản lý hải quan, góp phần hoàn thành các mục tiêu cải cách, hiện đại hóa hải quan. Đặc biệt trong năm 2014, ngành hải quan đã triển khai thành công hệ thống thông quan điện tử VNACCS do phía Nhật Bản giúp đỡ, tài trợ với ưu điểm tốc độ thông quan nhanh (đối với tờ khai hàng hóa xuất nhập khẩu được phân luồng xanh thì thời gian thông quan chỉ từ 1 đến 3 giây), hạn chế hồ sơ giấy, không cần phải khai riêng tờ khai trị giá, giảm bớt một số loại hình xuất nhập khẩu... Đồng thời cơ quan Hải quan cũng là đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì thực hiện triển khai cơ chế một cửa quốc gia và đến thời điểm hiện tại đã chính thức kết nối các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải và đang tiếp tục triển khai kết nối với các Bộ khác, về việc hỗ trợ doanh nghiệp khi làm thủ tục xuất, nhập khẩu hàng hóa tại các cửa khẩu, tại các Chi cục Hải quan và tại website của Tổng cục Hải quan đều có thông báo công khai số điện thoại đường dây nóng của các cán bộ chuyên môn nhằm mục đích hướng dẫn,giải quyết nhanh nhất các vướng mắc của doanh nghiệp.
Như vậy, ngành Hải quan đã và đang liên tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa.
Việt Nam đã là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và có nghĩa vụ tuân thủ nguyên tắc không phân biệt đối xử của WTO. Do vậy, các chính sách thuế của Việt Nam vẫn cần đảm bảo nguyên tắc đối xử quốc gia, không đối xử với hàng nhập khẩu kém thuận lợi hơn hàng sản xuất trong nước. Bộ Tài chính đề nghị thực hiện chính sách thuế TTĐB đối với dòng xe máy từ 125 phân khối trở lên như quy định hiện hành.
(i) Về ổn định chính sách:
Tại khoản b, điểm 5 Điều 1 Quyết định số 1168/QĐ-TTg ngày 16/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 có nêu: “Bảo đảm nhất quán, ổn định hệ thống chính sách trong thời gian tối thiểu 10 năm, phù hợp với xu thế hội nhập để tạo sự tin tưởng đối với người tiêu dùng và nhà sản xuất, làm tiền đề cho các hoạt động đầu tư”
Tại điểm c, khoản 4 Điều 1 Quyết định số 1211/QĐ-TTg ngày 24/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 có nêu: “Thực hiện nhất quán hệ thống chính sách đã và sẽ ban hành trong thời gian tối thiểu 10 năm, phù hợp với xu thế hội nhập để tạo sự tin tưởng đối với các nhà đầu tư, nhà sản xuất, tăng thu hút hoạt động đầu tư nhằm đạt mục tiêu phát triển công nghiệp ô tô”
(ii) Về lệ phí trước bạ ô tô:
Theo Nghị định số 23/2013/NĐ-CP ngày 25/3/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 45/2011/NĐ-CP ngày 17/6/2011 của Chính phủ về lệ phí trước bạ thì mức thu lệ phí trước bạ theo tỷ lệ (%) như sau:
- Đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô là 2%.
- Riêng ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi (kể cả lái xe):
+ Mức thu lần đầu là 10%.
Để hạn chế sự gia tăng quá mức của ô tô cá nhân, giảm ùn tắc giao thông, điều tiết thu nhập hợp lý, đồng thời để phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương thì việc quy định mức thu lệ phí trước bạ lần đầu đối với ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi (kể cả lái xe) và quy định giao Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định mức thu lần đầu cụ thể nhưng tối đa không quá 50% mức quy định chung là phù hợp (mức trần của khung lệ phí trước bạ theo quy định hiện hành đã giảm 5% so với quy định tại Nghị định số 45/2011/NĐ-CP).
+ Mức thu lần thứ 2 trở đi là 2%.
Bộ Tài chính có ý kiến để Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc được biết, trả lời doanh nghiệp./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
- 1 Công văn 9138/VPCP-ĐMDN về kiến nghị của doanh nghiệp quý III năm 2016 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 2 Thông tư 38/2015/TT-BTC Quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 3 Nghị định 08/2015/NĐ-CP Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan
- 4 Quyết định 1211/QĐ-TTg năm 2014 phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5 Quyết định 1168/QĐ-TTg năm 2014 phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6 Luật Hải quan 2014
- 7 Công văn 1928/BTC-CST năm 2014 trả lời kiến nghị doanh nghiệp do Bộ Tài chính ban hành
- 8 Công văn 17043/BTC-CST năm 2013 trả lời kiến nghị của doanh nghiệp do Bộ Tài chính ban hành
- 9 Nghị định 23/2013/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 45/2011/NĐ-CP về lệ phí trước bạ
- 10 Nghị định 45/2011/NĐ-CP về lệ phí trước bạ
- 11 Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt 2008
- 12 Công văn số: 2307/TCT-DNNN về việc trả lời kiến nghị của doanh nghiệp tại hội nghị đối thoại do Bộ Tài chính ban hành
- 13 Công văn số 2531/TCHQ-KTTT của Tổng cục Hải quan về việc trả lời kiến nghị của doanh nghiệp
- 1 Công văn 9138/VPCP-ĐMDN về kiến nghị của doanh nghiệp quý III năm 2016 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 2 Công văn 1928/BTC-CST năm 2014 trả lời kiến nghị doanh nghiệp do Bộ Tài chính ban hành
- 3 Công văn 17043/BTC-CST năm 2013 trả lời kiến nghị của doanh nghiệp do Bộ Tài chính ban hành
- 4 Công văn số: 2307/TCT-DNNN về việc trả lời kiến nghị của doanh nghiệp tại hội nghị đối thoại do Bộ Tài chính ban hành
- 5 Công văn số 2531/TCHQ-KTTT của Tổng cục Hải quan về việc trả lời kiến nghị của doanh nghiệp