Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 12338/BTC-CST
V/v hướng dẫn, áp dụng quy định pháp luật

Hà Nội, ngày 28 tháng 10 năm 2021

 

Kính gửi: Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận.

Trả lời công văn số 2822/SXD-QLXD&HTKT ngày 06/9/2021 của Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận đề nghị hướng dẫn địa phương xây dựng và ban hành chính sách hỗ trợ tổ chức, hộ gia đình thu gom, xử lý nước thải theo quy định tại khoản 5 Điều 86 Luật Bảo vệ môi trường (BVMT), Bộ Tài chính có ý kiến như sau:

I. Về quy định tại Luật BVMT

- Tại khoản 5 Điều 86 Luật BVMT quy định:

“Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm sau đây:

...

c) Ban hành lộ trình và chính sách hỗ trợ để tổ chức, hộ gia đình trong đô thị, khu dân cư tập trung xây dựng công trình, lắp đặt thiết bị xử lý nước thải tại chỗ đáp ứng yêu cầu về BVMT trước khi thải vào nguồn tiếp nhận trong trường hợp không bố trí được quỹ đất xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải tại khu đô thị, khu dân cư tập trung đã hình thành trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành;

d) Ban hành lộ trình thực hiện và chính sách hỗ trợ thu gom, xử lý tại chỗ nước thải sinh hoạt phát sinh từ tổ chức, hộ gia đình, tại các khu dân cư không tập trung”.

- Tại Điều 141 Luật BVMT quy định:

“1. Chính sách ưu đãi, hỗ trợ về BVMT được quy định như sau:

a) Nhà nước thực hiện ưu đãi, hỗ trợ về đất đai, vốn; miễn, giảm thuế, phí đối với hoạt động BVMT; trợ giá, trợ cước vận chuyển đối với sản phẩm thân thiện môi trường và các ưu đãi, hỗ trợ khác đối với hoạt động BVMT theo quy định của pháp luật;

...

5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này”.

Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chủ trì tham mưu soạn thảo Luật BVMT và các văn bản hướng dẫn. Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT. Vì vậy, đề nghị Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường để được hướng dẫn triển khai thực hiện cho phù hợp.

II. Về chính sách tài chính liên quan

1. Về chính sách thuế

Pháp luật thuế hiện hành đã có quy định ưu đãi ở mức cao nhất trong khuôn khổ pháp luật về thuế đối với lĩnh vực bảo vệ môi trường, cụ thể như:

Luật thuế TNDN (Điều 13, Điều 14) quy định: Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới, bao gồm: ... sản xuất năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, năng lượng từ việc tiêu hủy chất thải; bảo vệ môi trường được áp dụng thuế suất ưu đãi 10% trong 15 năm, miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 tiếp theo; Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vực môi trường được áp dụng thuế suất ưu đãi 10% và được miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong tối đa 9 năm tiếp theo,...

Lĩnh vực bảo vệ môi trường thuộc ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư hoặc ưu đãi đầu tư theo quy định tại Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư, do vậy được miễn, giảm thuế sử dụng đất phi nông nghiệp (khoản 1 Điều 9, khoản 1 Điều 10 Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp); được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định của dự án đầu tư, miễn thuế nhập khẩu trong thời hạn 05 năm kể từ khi bắt đầu sản xuất đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để sản xuất của dự án đầu tư thuộc danh mục ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư (khoản 11, 13 Điều 16 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu); ngoài ra, máy móc, thiết bị, phương tiện, dụng cụ, vật tư chuyên dùng nhập khẩu trong nước chưa sản xuất được để thu gom, vận chuyển, xử lý, chế biến nước thải, rác thải, khí thải, quan trắc và phân tích môi trường, sản xuất năng lượng tái tạo; xử lý ô nhiễm môi trường, ứng phó, xử lý sự cố môi trường được miễn thuế nhập khẩu (điểm a khoản 19 Điều 16 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu).

Do đó, đề nghị Sở Xây dựng hướng dẫn thực hiện ưu đãi thuế đối với hoạt động BVMT theo quy định hiện hành.

2. Ưu đãi về đất đai

Chính sách ưu đãi về tiền thuê đất đối với các dự án nói chung và dự án thu gom, xử lý nước thải nói riêng đã được quy định cụ thể tại Nghị định số 46/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước, Nghị định số 135/2016/NĐ-CP ngày 09/9/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước và Nghị định số 123/2017/NĐ-CP ngày 14/11/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước.

3. Ưu đãi về vốn

Căn cứ Nghị định số 32/2017/NĐ-CP ngày 31/3/2017 của Chính phủ về tín dụng đầu tư của Nhà nước, trường hợp các dự án trong lĩnh vực môi trường thuộc đối tượng quy định tại Danh mục các dự án được vay vốn tín dụng đầu tư theo quy định tại Nghị định số 32/2017/NĐ-CP, Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận hướng dẫn chủ đầu tư dự án liên hệ với Ngân hàng phát triển để được hướng dẫn thực hiện theo quy định của pháp luật.

4. Về trợ giá, trợ cước

- Tại khoản 7 Điều 1 Nghị định số 149/2016/NĐ-CP ngày 11/11/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá quy định: “Ủy ban nhân dân tỉnh quy định mức trợ giá, trợ cước vận chuyển hàng hóa thuộc danh mục được trợ giá, trợ cước vận chuyển chi từ ngân sách địa phương và trung ương; mức giá hoặc khung giá bán lẻ hàng hóa được trợ giá, trợ cước vận chuyển; giá cước vận chuyển cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu thuộc danh mục được trợ giá phục vụ đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo”.

- Tại Điều 46 Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật BVMT năm 2014 quy định trợ giá sản phẩm, dịch vụ:

“Chủ dự án thực hiện các hoạt động, cung ứng các sản phẩm sau đây nếu đáp ứng các tiêu chí về sản phẩm, dịch vụ công ích thì được trợ giá theo quy định của pháp luật về sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích:

1. Hoạt động quy định tại Khoản 2 và Khoản 9 Phụ lục III1 Nghị định này, hoạt động quan trắc môi trường nền quy định tại Khoản 8 Phụ lục III2 Nghị định này.

2. Sản phẩm từ hoạt động bảo vệ môi trường quy định tại Khoản 12 và Khoản 13 Phụ lục III3 Nghị định này”.

- Tại Điều 141 Luật BVMT năm 2020 quy định:

“1. Chính sách ưu đãi, hỗ trợ về bảo vệ môi trường được quy định như sau:

a) Nhà nước thực hiện ưu đãi, hỗ trợ về đất đai, vốn; miễn, giảm thuế, phí đối với hoạt động bảo vệ môi trường; trợ giá, trợ cước vận chuyển đối với sản phẩm thân thiện môi trường và các ưu đãi, hỗ trợ khác đối với hoạt động bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật;...

5. Chính phủ quy định chi tiết điều này”.

Căn cứ quy định tại Điều 141 Luật BVMT nêu trên thì Chính phủ quy định chi tiết ưu đãi, hỗ trợ về bảo vệ môi trường, trong đó có chính sách trợ giá, trợ cước vận chuyển đối với sản phẩm thân thiện môi trường.

Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chủ trì tham mưu soạn thảo Luật BVMT và các văn bản hướng dẫn. Vì vậy, đề nghị Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường để được hướng dẫn triển khai thực hiện cho phù hợp.

Bộ Tài chính trả lời để Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận biết và thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Lãnh đạo Bộ (để b/c);
- Các Bộ: XD, TNMT;
- Các Vụ: PC, NSNN, TCNH;
- Các Cục: QLG, QLCS;
- Lưu: VT, Vụ CST (P5) (  b).

TL. BỘ TRƯỞNG
VỤ TRƯỞNG VỤ CHÍNH SÁCH THUẾ




Nguyễn Quốc Hưng

 



1 2. Thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn thông thường tập trung; 9. Dịch vụ hỏa táng, điện táng.

2 8. Quan trắc môi trường.

3 12. Sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường được Bộ Tài nguyên và Môi trường gắn Nhãn xanh Việt Nam; sản phẩm từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chứng nhận; 13. Sản xuất xăng, nhiên liệu diezen và nhiên liệu sinh học được chứng nhận hợp quy; than sinh học; năng lượng từ sử dụng sức gió, ánh sáng mặt trời, thủy triều, địa nhiệt và các dạng năng lượng tái tạo khác.