Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1243/BNN-KTHT
V/v đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn và đăng ký nhu cầu đào tạo nghề “giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp”

Hà Nội, ngày 04 tháng 3 năm 2022

 

Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Trong giai đoạn 2010 - 2020 công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn đã góp phần nâng cao chất lượng lao động nông nghiệp đóng góp vào nâng cao giá trị chung của toàn ngành. Tuy nhiên, vẫn còn một số bất cập: Nội dung, phương pháp chưa đổi mới để phù hợp với yêu cầu người học; chưa cập nhật bổ sung những nghề mới phù hợp với yêu cầu phát triển ngành và xu hướng phát triển thị trường; đào tạo vẫn chạy theo số lượng mà chưa quan tâm tới hiệu quả chất lượng. Để triển khai các hoạt động về đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn giai đoạn tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai các hoạt động, nhiệm vụ cụ thể như sau:

1. Xác định nhu cầu, xây dựng kế hoạch trung hạn, hàng năm đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn và kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng cho người dạy nghề nông nghiệp, cán bộ quản lý trong công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, tập trung vào các đối tượng:

Đối với lao động nông nghiệp: Lao động trong các hợp tác xã, trang trại, doanh nghiệp nằm trong vùng quy hoạch sản xuất nông nghiệp tập trung các sản phẩm chủ lực của địa phương; lao động trong các làng nghề tham gia phát triển làng nghề, bảo tồn làng nghề truyền thống gắn với các giá trị văn hóa, du lịch nông nghiệp nông thôn; lao động tham gia vào chương trình phát triển các sản phẩm OCOP của địa phương; chuyển đổi số trong nông nghiệp; người có nhu cầu đi xuất khẩu lao động. Ưu tiên đào tạo cho lao động vùng dân tộc thiểu số, miền núi; người nghèo và phụ nữ.

Rà soát các đối tượng tham gia đào tạo tại các cơ quan quản lý và cơ sở đào tạo để tổ chức tuyên truyền, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kỹ năng, phương pháp trong đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo nghề.

2. Xác định các nghề đào tạo phục vụ cho sản xuất các sản phẩm chủ lực ở địa phương, sản phẩm có giá trị kinh tế gắn với phát triển du lịch nông thôn

Đối với các nghề đào tạo cần yêu cầu các cơ sở đạo tạo bổ sung cho người học kỹ năng về quản lý, ứng dụng công nghệ thông tin, quản trị Marketing, tài chính, xây dựng các phương án sản xuất đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu; về đầu ra sản phẩm có truy suất nguồn gốc, chứng nhận an toàn, cấp mã vùng trồng, các tiêu chuẩn, quy chuẩn, mô hình kinh tế tuần hoàn sử dụng hiệu quả phụ phẩm nông nghiệp. Phát triển quản lý chuỗi cung ứng nông sản từ sản xuất, thu hoạch, sơ chế, bảo quản, vận chuyển, chế biến và tiêu thụ sản phẩm… đảm bảo lao động tiệm cận trình độ công nhân nông nghiệp, chuyên nghiệp.

Ưu tiên nghề mới: Bán hàng online, kinh doanh các sản phẩm nông sản địa phương, đào tạo các nghề phù hợp định hướng phát triển nông nghiệp và nhu cầu học nghề nông nghiệp của người dân, đặc biệt nghề “Giám đốc hợp tác xã nông nghiệp”.

3. Tổ chức đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn

Đặt hàng với các cơ sở đào tạo nghề; kết nối với các doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết sản xuất tại địa phương tham gia vào chương trình đào tạo để đáp ứng các yêu cầu, điều kiện cần của doanh nghiệp về lao động nông nghiệp.

Đẩy mạnh truyền thông về đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn: Xây dựng các chuyên trang, phóng sự tuyên truyền về chủ trương, định hướng phát triển kinh tế nông thôn, sản xuất nông nghiệp, các yêu cầu về đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn.

Kinh phí thực hiện được bố trí từ ngân sách Nhà nước (ngân sách sự nghiệp kinh tế) giao cho các địa phương hằng năm và bố trí từ các hoạt động đào tạo nghề trong 3 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025; Kinh phí từ ngân sách địa phương; huy động thêm nguồn lực của các tổ chức quốc tế, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp, cá nhân và cộng đồng để bổ sung cho việc thực hiện đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn.

Trong quá trình thực hiện có khó khăn vướng mắc kịp thời phản ảnh về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xử lý. Riêng đối với đào tạo trình độ sơ cấp nghề “Giám đốc hợp tác xã nông nghiệp” đề nghị các địa phương xác định nhu cầu đào tạo (số lượng, đối tượng) theo mẫu gửi kèm báo cáo về Bộ qua Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Phòng Ngành nghề nông thôn) trước ngày 15/3/2022 để tổng hợp theo địa chỉ nhà B9, số 02 Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội (đồng thời gửi qua địa chỉ Email: vuongthihuy@gmail.com1)./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Sở NN và PTNT các tỉnh;
- Chi cục PTNT các tỉnh;
- Các Trường thuộc Bộ;
- Lưu VT, KTHT.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Trần Thanh Nam

 

PHỤ LỤC

ĐĂNG KÝ NHU CẦU ĐÀO TẠO “GIÁM ĐỐC HỢP TÁC XÃ NÔNG NGHỆP”

Tỉnh……………………………………….………….

STT

Năm

Nhu cầu đào tạo

(người)

Đối tượng đào tạo

1

2022

 

 

2

2023

 

 

3

2024

 

 

4

2025

 

 

 

Tổng

 

 

 

 

….., Ngày tháng năm 2022
Thủ trưởng đơn vị
(ký, đóng dấu)

 



1 Thông tin chi tiết liên hệ đ/c Vương Thị Huy, Chuyên viên Phòng Ngành nghề nông thôn. Điện thoại 0969.411.329. Đường link cập nhật nhu cầu đào tạo: