Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1254/LĐTBXH-LĐTL
V/v Hướng dẫn chế độ trợ cấp thôi việc khi giải thể công ty.

Hà Nội, ngày 22 tháng 04 năm 2011

 

Kính gửi: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình

Trả lời công văn số 226/SLĐTBXH-CSLĐ ngày 08/4/2011 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình về việc giải thể công ty, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có ý kiến như sau:

1. Theo quy định tại điểm đ, khoản 1, Điều 38 Bộ luật Lao độngđiểm a, khoản 2, mục III Thông tư số 21/2003/TT-BLĐTBXH ngày 22/9/2003 đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 17/2009/TT-BLĐTBXH ngày 26/5/2009 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thì đối với người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp được cơ quan có thẩm quyền quyết định giải thể được hưởng chế độ trợ cấp thôi việc theo quy định tại khoản 1, Điều 42 Bộ luật Lao động.

Theo quy định tại điểm c, khoản 2, mục III Thông tư số 20/2007/TT-BLĐTBXH ngày 04/10/2007 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thì công ty cổ phần có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc cho người lao động từ doanh nghiệp 100% vốn nhà nước chuyển sang khi người lao động đó thôi việc tại công ty cổ phần, kể cả khoản trợ cấp cho thời gian thực tế làm việc tại doanh nghiệp 100% vốn nhà nước trước đó và thời gian người lao động làm việc tại công ty, đơn vị khác thuộc khu vực nhà nước nhưng chuyển đến công ty 100% vốn nhà nước trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 mà chưa nhận trợ cấp thôi việc.

Như vậy, đối với người lao động làm việc trong công ty cổ phần (được chuyển đổi từ công ty nhà nước) bị chấm dứt hợp đồng lao động do công ty cổ phần được cơ quan có thẩm quyền quyết định giải thể thì công ty cổ phần có trách nhiệm giải quyết chế độ trợ cấp thôi việc theo quy định tại Nghị định số 44/2003/NĐ-CP ngày 09/5/2003 của Chính phủ đối với thời gian làm việc tại công ty nhà nước (trước khi chuyển đổi thành công ty cổ phần) và thời gian làm việc tại công ty cổ phần.

2. Đối với các trường hợp người lao động đã hưởng chế độ lao động dôi dư vẫn tiếp tục làm việc nhưng không ký hợp đồng lao động, đề nghị quý Sở căn cứ vào các quy định của Nhà nước, làm rõ từng trường hợp cụ thể để giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.

Đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Lưu VT, Vụ LĐTL.

TL. BỘ TRƯỞNG
KT. VỤ TRƯỞNG VỤ LAO ĐỘNG - TIỀN LƯƠNG
PHÓ VỤ TRƯỞNG




Hoàng Minh Hào