Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 1258/TCHQ-GSQL
V/v thủ tục hải quan đối với hàng nhập khẩu được vận chuyển giữa Cảng Tân Cảng Hiệp Phước và Cảng Cát Lái

Hà Nội, ngày 09 tháng 02 năm 2015

 

Kính gửi: Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh

Trả lời công văn số 217/HQHCM-GSQL ngày 23/01/2015 của Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh về việc nêu tại trích yếu, Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:

Căn cứ Luật Hải quan số 54/2014/QH13 ngày 23/6/2014; Nghị định 154/2005/NĐ-CP ngày 15/12/2005 của Chính phủ; Thông tư 128/2013/TT-BTC ngày 10/09/2013 của Bộ Tài chính; theo hướng dẫn tại công văn số 12121/BTC-TCHQ ngày 28/8/2014 của Bộ Tài chính; nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, giảm bớt tình trạng ùn tắc, quá tải hàng hóa tại khu vực Cảng Sài Gòn KVI (Cảng Cát Lái) và khai thác Cảng Tân cảng - Hiệp Phước.

Trong trường hợp hết chỗ neo đậu tàu làm hàng hoặc hàng hóa tồn đọng gia tăng tại Cảng Cát Lái thì Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn được thực hiện việc đưa các tàu chở hàng nhập khẩu dự kiến cập Cảng Cát Lái sang cập Cảng Tân cảng - Hiệp Phước hoặc vận chuyển hàng hóa nhập khẩu đã được dỡ xuống Cảng Cát Lái đến Cảng Tân Cảng Hiệp Phước để làm thủ tục hải quan hàng tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Hiệp Phước. Việc thực hiện này phải đảm bảo các điều kiện về giám sát hải quan theo quy định như sau:

I. Nguyên tắc chung:

1) Phải được sự chấp thuận của chủ hàng/Hãng tàu/Đại lý hãng tàu đối với việc chuyển cảng;

2) Hàng hóa nhập khẩu trong quá trình vận chuyển sang Cảng Tân Cảng Hiệp Phước phải đảm bảo nguyên trạng hàng hóa, niêm phong và đúng thời gian cam kết với chủ hàng;

3) Việc vận chuyển các container hàng nhập khẩu chuyển cảng trong trường hợp này chỉ được thực hiện bằng phương tiện vận tải bằng đường thủy (không áp dụng đối với việc vận chuyển bằng phương tiện vận tải đường bộ);

4) Việc áp dụng phương án giải quyết nêu trên được thực hiện tạm thời cho đến thời điểm hiệu lực của Thông tư hướng dẫn Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ.

II. Hướng dẫn cụ thể:

1. Trường hợp chuyển tàu chở hàng dự kiến cập Cảng Cát Lái sang Cảng Tân Cảng Hiệp Phước để làm thủ tục hải quan:

a) Trách nhiệm của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn:

a1) Thông báo cho Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn Khu vực I, Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Hiệp Phước danh sách container (số lượng, số hiệu container, số seal của hãng vận tải) được dỡ tại Cảng Tân Cảng Hiệp Phước thay vì Cảng Cát Lái;

a2) Làm việc với chủ hàng hóa nhập khẩu để được sự đồng ý của chủ hàng về việc chuyển cảng (lập biên bản có sự đồng ý của chủ hàng hoặc hãng tàu/Đại lý hãng tàu đại diện hợp pháp của chủ hàng);

a3) Gửi biên bản nêu trên cho Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn Khu vực I và thông báo việc chuyển cảng bằng văn bản cho chủ hàng và Hãng tàu/Đại lý hãng tàu.

b) Trách nhiệm của Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Hiệp Phước:

Trên cơ sở danh sách container do Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn cung cấp, Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Hiệp Phước thực hiện làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu theo quy định hiện hành.

2. Trường hợp hàng hóa nhập khẩu đã được dỡ xuống Cảng Cát Lái sau đó vận chuyển đến Cảng Tân Cảng Hiệp Phước:

Ngày 28/8/2014, Bộ Tài chính đã có công văn số 12121/BTC-TCHQ ngày 28/8/2014 của Bộ Tài chính về việc giải quyết tình trạng ùn tắc quá tải hàng hóa XNK tại Cảng Cát Lái - Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo đó, đối với trường hợp hàng hóa nhập khẩu đã được dỡ xuống Cảng Cát Lái sau đó vận chuyển đến Cảng Tân Cảng Hiệp Phước, đề nghị Cục Hải quan Thành Phố Hồ Chí Minh hướng dẫn Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn thực hiện tương tự theo hướng dẫn tại công văn số 12121/BTC-TCHQ.

Trước mắt, nhằm giải quyết ách tắc tại Cảng Cát Lái và tạo thuận lợi cho chủ hàng, giảm thủ tục hành chính, trong trường hợp nêu tại khoản 1 và khoản 2 công văn này, nếu chủ hàng hóa nhập khẩu có yêu cầu nhận hàng thì cho phép chủ hàng mang lệnh giao hàng của những container thuộc lô hàng đó được làm thủ tục thông quan tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Hiệp Phước mà không cần điều chỉnh tên Cảng đích ghi trên vận đơn (Cảng Cát Lái) trong bộ hồ sơ hải quan.

Về lâu dài, để linh hoạt trong việc vận chuyển, đề nghị Cục Hải quan Thành Phố Hồ Chí Minh yêu cầu Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn sớm làm việc với các Hãng tàu/Đại lý hãng tàu để ghi cảng đích trên vận đơn là Cảng liên kết hoặc “Cảng TP. Hồ Chí Minh”.

3. Đối với những hàng hóa ùn ứ quá 30 ngày theo điểm 3 công văn số 3277/HQHCM-GSQL ngày 10/9/2014 của Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh:

Đề nghị Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu Sài Gòn Khu vực I nghiên cứu phương án phối hợp với Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn thực hiện rà soát, thống kê, lập danh sách, xác minh những lô hàng nêu trên để vận chuyển đến lưu tại khu vực giám sát hải quan tại Cảng Tân Cảng Hiệp Phước đảm bảo giám sát hải quan theo đúng quy định; và thực hiện làm thủ tục hải quan theo hướng dẫn tại công văn số 12121/BTC-TCHQ.

Đối với những lô hàng đang phối hợp với cơ quan chức năng để giám sát trọng điểm, hàng có thông tin phối hợp với các lực lượng chống buôn lậu trong và ngoài ngành, chỉ được phép vận chuyển từ Cảng Cát Lái sang Cảng Tân Cảng Hiệp Phước khi đã có biên bản chấp thuận của các cơ quan chức năng đang xử lý.

Riêng đối với trường hợp hàng hóa được xác định là hàng tồn đọng theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Thông tư số 203/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính thì thực hiện xử lý theo quy định tại Thông tư này.

Tổng cục Hải quan trả lời để Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh biết và thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- TCT Tân Cảng SG (thay trả lời cv 195/TCT-CP);
- Lưu: VT, GSQL (03b).

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Vũ Ngọc Anh