BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1300/BGDĐT-GDCN | Hà Nội, ngày 18 tháng 3 năm 2014 |
Kính gửi: | - Các sở giáo dục và đào tạo; |
Thực hiện chương trình công tác năm 2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức xây dựng Dự thảo Chương trình khung Bồi dưỡng nghiệp vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non tư thục. Dự thảo này được đăng tải tại trang thông tin điện tử của Bộ (www.moet.gov.vn) để xin ý kiến góp ý của các tổ chức và cá nhân liên quan.
Bộ giáo dục và Đào tạo trân trọng đề nghị các các sở giáo dục và đào tạo, các trường trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học, các tổ chức khác và cá nhân có liên quan cho ý kiến góp ý Dự thảo nói trên. Các ý kiến góp ý đề nghị gửi bằng văn bản về địa chỉ: Bộ Giáo dục và Đào tạo (Vụ Giáo dục chuyên nghiệp), 49 Đại Cồ Việt, Hà Nội hoặc qua địa chỉ email: htson@moet.edu.vn trước ngày 30 tháng 4 năm 2014.
Thông tin chi tiết đề nghị liên hệ với Ông Hoàng Thái Sơn, Chuyên viên Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo; Điện thoại: 04.38694988/ 0913515815.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác./.
Nơi nhận: | TL. BỘ TRƯỞNG |
(Dự thảo)
CHƯƠNG TRÌNH KHUNG
BỒI DƯỠNG NGHIỆP VỤ CHĂM SÓC, NUÔI DƯỠNG, GIÁO DỤC TRẺ TẠI CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC MẦM NON TƯ THỤC
(Ban hành kèm theo Quyết định số /2014/QĐ-BGDĐT ngày tháng năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
Chương trình này cung cấp cho người học một số năng lực để có thể thực hiện được các nghiệp vụ cơ bản về chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em tại các cơ sở giáo dục mầm non tư thục.
2. Mục tiêu cụ thể
Sau khi hoàn thành chương trình, người học có khả năng:
- Xác định được vai trò, quyền hạn, yêu cầu đối với người làm công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ ở các cơ sở giáo dục mầm non tư thục.
- Trình bày và giải thích được những nội dung cơ bản về tâm lý và giáo dục trẻ mầm non, chăm sóc sức khỏe và đảm bảo an toàn cho trẻ mầm non; tổ chức thực hiện chương trình giáo dục mầm non, công tác quản lý cơ sở giáo dục mầm non.
- Áp dụng được những kiến thức về quản lý giáo dục mầm non, tâm sinh lý, dinh dưỡng của trẻ mầm non, phương pháp sư phạm để lập được kế hoạch và tổ chức thực hiện các nghiệp vụ quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em phù hợp với yêu cầu của từng độ tuổi, từng cá nhân và điều kiện thực tế tại cơ sở giáo dục mầm non tư thục và bảo đảm đúng quy định của pháp luật.
- Có nhận thức đúng đắn về giáo dục mầm non; yêu nghề, mến trẻ và có trách nhiệm cao với công việc, tôn trọng pháp luật và quy định tại nơi làm việc.
II. ĐỐI TƯỢNG BỒI DƯỠNG
Người có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên đang làm hoặc có nguyện vọng làm công tác quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em tại các cơ sở giáo dục mầm non tư thục nhưng chưa được đào tạo, bồi dưỡng năng lực và chưa có văn bằng, chứng chỉ về giáo dục mầm non.
III. NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH VÀ THỜI LƯỢNG
TT | Tên chuyên đề | Thời lượng (tiết) |
| ||
Tổng | Lý thuyết | Thực hành |
| ||
| |||||
1 | Chuyên đề 1: Chăm sóc sức khỏe và bảo đảm an toàn cho trẻ mầm non | 75 | 35 | 40 |
|
2 | Chuyên đề 2: Tâm lý và giáo dục trẻ mầm non | 45 | 25 | 20 |
|
3 | Chuyên đề 3: Tổ chức thực hiện chương trình giáo dục mầm non | 90 | 45 | 45 |
|
4 | Chuyên đề 4: Công tác quản lý cơ sở giáo dục mầm non | 45 | 30 | 15 |
|
5 | Chuyên đề 5: Thực tập tại cơ sở giáo dục mầm non tư thục | 45 |
| 45 |
|
| TỔNG | 300 | 135 | 165 |
|
IV. YÊU CẦU VỀ GIÁO VIÊN
- Giáo viên phải có bằng tốt nghiệp đại học trở lên phù hợp với nội dung chuyên môn của từng chuyên đề giảng dạy.
- Có kinh nghiệm 5 năm công tác trở lên về đào tạo giáo viên mầm non hoặc về quản lý giáo dục mầm non.
- Có năng lực hướng dẫn thực hành nghiệp vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em.
V. MÔ TẢ CÁC CHUYÊN ĐỀ
1. Chuyên đề 1: Chăm sóc sức khỏe và bảo đảm an toàn cho trẻ mầm non
a) Mục tiêu:
Sau khi hoàn thành chuyên đề này, người học có khả năng:
- Trình bày được một số đặc điểm của cơ thể trẻ và giải thích được mối liên hệ giữa các đặc điểm này với việc chăm sóc sức khỏe và bảo đảm an toàn cho trẻ mầm non.
- Vận dụng được các biện pháp chăm sóc, bảo vệ cơ thể trẻ, phòng chống ngộ độc thực phẩm và xử lý một số bệnh, tai nạn thường gặp ở trẻ mầm non.
b) Nội dung:
Nội dung cơ bản của chuyên đề bao gồm:
Đặc điểm cơ thể trẻ, bao gồm: Một số đặc điểm phát triển của các hệ cơ quan (hệ thần kinh, các giác quan, hệ vận động, hệ tiêu hóa, hệ tim mạch, hệ hô hấp và các cơ quan khác trên cơ thể trẻ) và cách chăm sóc, bảo vệ từng hệ cơ quan cũng như toàn bộ cơ thể trẻ.
- Cách phòng chống một số bệnh thường gặp ở trẻ em, bao gồm: Cách nhận biết những dấu hiệu, triệu chứng chính của bệnh, nguyên nhân gây bệnh, biện pháp phòng tránh và cách xử lý.
- Dinh dưỡng, chăm sóc bữa ăn, giấc ngủ cho trẻ mầm non và các biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm trong tổ chức ăn uống tại các cơ sở giáo dục mầm non, bao gồm: Đặc điểm, nguyên nhân của ngộ độc thực phẩm thường gặp hiện nay; nguyên tắc và biện pháp đảm bảo vệ sinh an toàn trong lựa chọn chế biến và bảo quản thực phẩm cho trẻ mầm non.
- Vệ sinh cơ thể trẻ, vệ sinh môi trường trong và ngoài nhóm, lớp mầm non.
- Một số biện pháp phòng chống tai nạn thường gặp ở trẻ mầm non (ngộ độc cấp, ngã, bỏng, điện giật, rắn cắn; dị vật đường ăn, đường thở; gãy xương và một số tai nạn khác), bao gồm: Các nguyên tắc, biện pháp cơ bản về phòng tránh, phát hiện, sơ cứu, xử lý tai nạn.
c) Điều kiện tiên quyết: Không
2. Chuyên đề 2: Tâm lý và giáo dục trẻ mầm non
a) Mục tiêu:
Sau khi hoàn thành chuyên đề này, người học có khả năng:
- Trình bày được các nội dung cơ bản về đặc điểm phát triển tâm lý của trẻ em theo từng giai đoạn ở trước 6 tuổi và nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục mầm non cơ bản.
- Giải thích mối liên hệ giữa đặc điểm tâm lý trẻ với việc nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ.
- Tổ chức và áp dụng được các phương pháp giáo dục phù hợp với trẻ mầm non.
b) Nội dung:
Nội dung cơ bản của chuyên đề bao gồm:
- Đặc điểm tâm lý trẻ em trước 6 tuổi, bao gồm: Đặc điểm phát triển tâm lý của trẻ theo từng giai đoạn trước 6 tuổi như: Giai đoạn nhà trẻ: 3-6 tháng, 6-12 tháng, 12-18 tháng, 24-36 tháng; giai đoạn mẫu giáo: 3-4 tuổi, 4-5 tuổi, 5-6 tuổi.
- Nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục trẻ ở lứa tuổi nhà trẻ và lứa tuổi mẫu giáo.
c) Điều kiện tiên quyết: Thực hiện sau Chuyên đề 1.
3. Chuyên đề 3: Tổ chức thực hiện chương trình giáo dục mầm non
a) Mục tiêu:
Sau khi hoàn thành chuyên đề này, người học có khả năng:
- Trình bày được các nội dung cơ bản về tổ chức thực hiện chương trình giáo dục mầm non.
- Lập kế hoạch và thực hiện được một số hoạt động giáo dục trong ngày và trong tuần theo đúng hướng dẫn của chương trình giáo dục mầm non.
b) Nội dung:
Nội dung cơ bản của chuyên đề bao gồm:
- Khái quát về cấu trúc, nội dung cơ bản của chương trình giáo dục mầm non.
- Tổ chức thực hiện chương trình giáo dục mầm non, bao gồm: Tổ chức các hoạt động giáo dục theo từng lứa tuổi ở từng lĩnh vực:
+ Ở lứa tuổi nhà trẻ, các hoạt động giáo dục gồm: Hoạt động giao lưu cảm xúc; hoạt động với đồ vật; hoạt động chơi - tập có chủ đích; hoạt động ăn, ngủ, vệ sinh cá nhân nhằm phát triển thể chất, nhận thức, ngôn ngữ và tình cảm - kỹ năng xã hội và thẩm mỹ cho trẻ tuổi nhà trẻ;
+ Ở lứa tuổi mẫu giáo, các hoạt động giáo dục gồm: Hoạt động chơi, hoạt động học, hoạt động lao động, hoạt động ăn ngủ, vệ sinh cá nhân nhằm phát triển thể chất, nhận thức, ngôn ngữ, thẩm mỹ, tình cảm và kỹ năng xã hội cho trẻ tuổi mẫu giáo.
c) Điều kiện tiên quyết: Thực hiện sau Chuyên đề 2.
4. Chuyên đề 4: Công tác quản lý cơ sở giáo dục mầm non
a) Mục tiêu:
Sau khi hoàn thành chuyên đề này, người học có khả năng:
- Trình bày được một số văn bản chủ yếu quy định về giáo dục mầm non.
- Trình bày được vai trò, quyền hạn, yêu cầu đối với người quản lý và người chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non, các nội dung cơ bản về công tác quản lý cơ sở giáo dục mầm non, quản lý nhóm/ lớp trong cơ sở giáo dục mầm non.
- Thực hiện được một số nhiệm vụ cơ bản trong quản lý cơ sở giáo dục mầm non và quản lý nhóm /lớp trẻ mầm non đúng theo quy định của pháp luật và phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.
b) Nội dung:
Nội dung cơ bản của chuyên đề bao gồm:
- Các văn bản chủ yếu quy định liên quan đến giáo dục mầm non và các cơ sở giáo dục mầm non.
- Công tác quản lý cơ sở giáo dục mầm non, bao gồm: Vị trí, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức cơ sở giáo dục mầm non; vai trò, quyền hạn, yêu cầu của người quản lý cơ sở giáo dục mầm non; nghiệp vụ quản lý cơ sở giáo dục mầm non như lập kế hoạch, quản lý số lượng trẻ mầm non, quản lý các hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ, quản lý nhân sự, tài chính, cơ sở vật chất, hành chính, tổ chức lao động, kiểm tra, giám sát; công tác phối hợp với gia đình và cộng đồng.
- Công tác quản lý nhóm/lớp trong cơ sở giáo dục mầm non, bao gồm: Vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn và yêu cầu đối với người chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ mầm non; công tác quản lý nhóm/lớp của giáo viên mầm non, bao gồm: Tìm hiểu hoạt động của trẻ, quản lý trẻ trong nhóm/lớp, đánh giá sự phát triển của trẻ, quản lý cơ sở vật chất của nhóm/lớp; xây dựng mối quan hệ giữa giáo viên với phụ huynh.
c) Điều kiện tiên quyết: Thực hiện sau Chuyên đề 3.
5. Chuyên đề 5: Thực tập tại cơ sở giáo dục mầm non tư thục
a) Mục tiêu:
Sau khi hoàn thành chuyên đề này, người học có khả năng:
- Lập kế hoạch và tổ chức được một số hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em ở cơ sở giáo dục mầm non tư thục. Đánh giá được ưu nhược điểm và rút ra bài học kinh nghiệm trong việc tổ chức các hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em ở một cơ sở giáo dục.
- Áp dụng tổng hợp, linh hoạt các kiến thức, kỹ năng đã được học vào việc tổ chức hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em tại cơ sở giáo dục mầm non tư thục.
b) Nội dung:
Nội dung cơ bản của chuyên đề bao gồm:
- Tìm hiểu một số điểm cơ bản về kinh tế - xã hội địa phương và thông tin cơ bản về cơ sở giáo dục mầm non tư thục nơi thực tập để có định hướng thực hiện các hoạt động thực tập phù hợp trong suốt quá trình thực tập.
- Dự giờ: Người học dự và ghi chép chế độ sinh hoạt trong 1 ngày đối với các lớp nhà trẻ và lớp mẫu giáo. Trong quá trình dự giờ có thể thảo luận, tham gia cùng với giáo viên của cơ sở giáo dục mầm non trong một số hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ. Xác định các tình huống trong quản lý, chăm sóc và giáo dục trẻ và đề xuất cách giải quyết.
- Thực tập lập kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ: Lập kế hoạch và thực hiện chế độ sinh hoạt trong 1 ngày ở một lớp lứa tuổi cụ thể; xây dựng khẩu phần ăn trong 1 tuần cho trẻ ở một lớp lứa tuổi cụ thể; lập kế hoạch hoạt động giáo dục theo chủ đề và tổ chức thực hiện một số hoạt động giáo dục trẻ ở một số nhóm, lớp theo độ tuổi cụ thể; thiết kế môi trường hoạt động ở một nhóm, lớp mầm non.
- Viết báo cáo kết quả thực tập.
c) Điều kiện tiên quyết: Người học đã hoàn thành các Chuyên đề 1, 2, 3 và 4.
VI. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ HỌC TẬP VÀ CẤP CHỨNG CHỈ
1. Kết thúc mỗi chuyên đề trong chương trình bồi dưỡng này sẽ có một bài kiểm tra chuyên đề, đánh giá theo kết quả học tập ở đầu ra. Nội dung, hình thức, thời gian kiểm tra do Thủ trưởng cơ sở bồi dưỡng chương trình này quyết định và phải được công bố trước khi thực hiện khóa bồi dưỡng.
2. Điểm kiểm tra kết thúc chuyên đề được chấm theo thang điểm hệ 10 (từ 0 đến 10), bài kiểm tra phải đạt từ 5 điểm trở lên mới đạt yêu cầu.
3. Người học tham dự ít nhất 80% thời gian lên lớp lý thuyết, thực hiện đầy đủ các bài thực hành, thực tập và các yêu cầu của chuyên đề, chấp hành đúng các quy định của cơ sở giáo dục thì được tham dự kiểm tra chuyên đề đó.
4. Người học được quyền dự kiểm tra kết thúc chuyên đề không quá 3 lần. Nếu đã hết số lần dự kiểm tra kết thúc chuyên đề nhưng điểm chưa đạt yêu cầu hoặc không đủ điều kiện dự kiểm tra được quy định tại khoản 3, mục này thì phải học lại chuyên đề đó mới được dự kiểm tra.
5. Người học có điểm kiểm tra của tất cả các chuyên đề trong chương trình bồi dưỡng đạt yêu cầu sẽ được Thủ trưởng cơ sở bồi dưỡng chương trình này xem xét, công nhận và cấp chứng chỉ hoàn thành khóa bồi dưỡng.
VII. HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH
1. Cơ sở giáo dục hoặc cơ quan, tổ chức khác thực hiện chương trình này phải bảo đảm điều kiện theo Quy định về tổ chức bồi dưỡng và cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em tại các cơ sở giáo dục mầm non tư thục do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
2. Căn cứ vào chương trình này, các cơ sở giáo dục được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ có trách nhiệm xây dựng đề cương chi tiết và tài liệu cho các chuyên đề để tiến hành bồi dưỡng cho người học. Nội dung bồi dưỡng ở mỗi chuyên đề phải là những vấn đề hết sức cơ bản, thực tế theo hướng hình thành năng lực thực hiện và dễ hiểu đối với người học.
3. Phương pháp bồi dưỡng chủ yếu là tập trung vào hướng dẫn, thảo luận, xử lý tình huống, tham khảo các tài liệu học tập kết hợp với thực hành, thực tập hình thành năng lực nghiệp vụ. Số lượng học viên mỗi lớp không quá 35 người. Một ngày học không quá 8 tiết kể cả thời gian trao đổi và thảo luận.
4. Hình thức bồi dưỡng: Cần linh hoạt cho phù hợp với đối tượng học và có thể tổ chức bồi dưỡng tập trung một đợt hay nhiều đợt bảo đảm thời lượng được quy định cho từng chuyên đề và phải hoàn thành chương trình bồi dưỡng trong thời gian không quá 06 tháng./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
- 1 Dự thảo Nghị định quy định về chính sách phát triển giáo dục mầm non
- 2 Công văn 2477/LĐTBXH-TE năm 2018 về bảo đảm an toàn cho trẻ em khi tham gia các hoạt động trong kỳ nghỉ hè do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
- 3 Quyết định 777/QĐ-BGDĐT năm 2017 đính chính Thông tư 28/2016/TT-BGDĐT sửa đổi Chương trình giáo dục mầm non kèm theo Thông tư 17/2009/TT-BGDĐT do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 4 Thông tư 28/2016/TT-BGDĐT sửa đổi Chương trình giáo dục mầm non kèm theo Thông tư 17/2009/TT-BGDĐT do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 5 Công văn 1120/KCB-QLCL năm 2016 xin góp ý dự thảo Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện do Cục Quản lý Khám, chữa bệnh ban hành
- 6 Công văn 5183/BGDĐT-GDMN năm 2015 về gửi phiếu trưng cầu ý kiến và khảo sát thực hiện Chương trình giáo dục mầm non do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 7 Kế hoạch 330/KH-BGDĐT năm 2015 triển khai Đề án "Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất đến năm 2020" ngành giáo dục do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 8 Công văn 5323/BGDĐT-GDMN năm 2014 hướng dẫn báo cáo tình hình giáo dục mầm non năm học 2014 – 2015 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 9 Công văn 400/KTKĐCLGD-KĐPT năm 2014 góp ý dự thảo Thông tư Quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục và quy trình, chu kỳ kiểm định chất lượng giáo dục trường mầm non do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 10 Công văn 1753/VPCP-TCCV năm 2014 dự thảo Nghị định quy định về trọng dụng và đãi ngộ công chức có tài năng trong hoạt động công vụ do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 11 Công văn 9056/BGDĐT-GDMN năm 2013 tăng cường quản lý cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 12 Công văn 6221/BGDĐT-GDMN năm 2013 đảm bảo an toàn cho trẻ em tại cơ sở giáo dục mầm non do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 1 Công văn 6221/BGDĐT-GDMN năm 2013 đảm bảo an toàn cho trẻ em tại cơ sở giáo dục mầm non do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 2 Công văn 9056/BGDĐT-GDMN năm 2013 tăng cường quản lý cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 3 Công văn 1753/VPCP-TCCV năm 2014 dự thảo Nghị định quy định về trọng dụng và đãi ngộ công chức có tài năng trong hoạt động công vụ do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 4 Công văn 400/KTKĐCLGD-KĐPT năm 2014 góp ý dự thảo Thông tư Quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục và quy trình, chu kỳ kiểm định chất lượng giáo dục trường mầm non do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 5 Công văn 5323/BGDĐT-GDMN năm 2014 hướng dẫn báo cáo tình hình giáo dục mầm non năm học 2014 – 2015 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 6 Kế hoạch 330/KH-BGDĐT năm 2015 triển khai Đề án "Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất đến năm 2020" ngành giáo dục do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 7 Công văn 5183/BGDĐT-GDMN năm 2015 về gửi phiếu trưng cầu ý kiến và khảo sát thực hiện Chương trình giáo dục mầm non do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 8 Thông tư 28/2016/TT-BGDĐT sửa đổi Chương trình giáo dục mầm non kèm theo Thông tư 17/2009/TT-BGDĐT do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 9 Công văn 1120/KCB-QLCL năm 2016 xin góp ý dự thảo Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện do Cục Quản lý Khám, chữa bệnh ban hành
- 10 Quyết định 777/QĐ-BGDĐT năm 2017 đính chính Thông tư 28/2016/TT-BGDĐT sửa đổi Chương trình giáo dục mầm non kèm theo Thông tư 17/2009/TT-BGDĐT do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 11 Công văn 2477/LĐTBXH-TE năm 2018 về bảo đảm an toàn cho trẻ em khi tham gia các hoạt động trong kỳ nghỉ hè do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
- 12 Dự thảo Nghị định quy định về chính sách phát triển giáo dục mầm non