BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 13008/BGTVT-VT | Hà Nội, ngày 07 tháng 12 năm 2021 |
Kính gửi: | - Tổng cục Đường bộ Việt Nam; |
Ngày 25 tháng 11 năm 2021, Ban chỉ đạo 389 quốc gia đã ban hành Công văn số 20/BCĐ 389-VPTT về tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn hoạt động buôn lậu xăng dầu, than trên các tuyến biên giới, vùng biển. Dự báo trong thời gian tới, tình hình sản xuất, kinh doanh xăng dầu, than trên thế giới diễn biến phức tạp, giá xăng dầu, than tăng giảm thất thường và chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Do tác động từ bên ngoài, ở trong nước, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả mặt hàng xăng dầu còn tiềm ẩn diễn biến phức tạp, khó lường. Các đối tượng sẽ lợi dụng các hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu xăng dầu, than để buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh xăng dầu giả, kém chất lượng, vận chuyển trái phép xăng dầu, than qua biên giới, vùng biển, gây thất thu ngân sách nhà nước, mất an ninh năng lượng, bức xúc trong nhân dân, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành về tăng cường quản lý nhập khẩu than, dầu (tại Công văn số 3211/VPCP-KTTH ngày 19 tháng 10 năm 2021 của Văn phòng Chính phủ); nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh xăng dầu giả, kém chất lượng, vận chuyển trái phép xăng dầu, than qua biên giới, vùng biển, trong thời gian tới; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các cơ quan, đơn vị: các Tổng cục, Cục quản lý chuyên ngành, các Sở Giao thông vận tải và đơn vị có liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình chỉ đạo các lực lượng chức năng trong Ngành thực hiện các nhiệm vụ sau đây:
1. Tiếp tục thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Giao thông vận tải về phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh xăng dầu giả, kém chất lượng, vận chuyển trái phép xăng dầu, than qua biên giới, vùng biển.
2. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thường xuyên tại các đầu mối giao thông, các tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường biển và hàng không; đặc biệt là tại các địa bàn trọng điểm để kịp thời phát hiện các hành vi vận chuyển trái phép xăng dầu, than; đồng thời, xây dựng và triển khai kế hoạch, sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm trong hoạt động vận chuyển trái phép xăng dầu, than qua biên giới, vùng biển.
3. Phối hợp với các co quan chức năng có liên quan tăng cường tuyên truyền rộng rãi bằng nhiều hình thức, đồng thời kiểm soát chặt chẽ tại các đầu mối giao thông (bến xe, nhà ga, cảng) từ khu vực biên giới, cửa khẩu, vùng biển vào các địa bàn nội địa; kiên quyết từ chối vận chuyển trái phép xăng dầu, than. Thủ trưởng bến xe, nhà ga, cảng và doanh nghiệp vận tải phải chịu trách nhiệm về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong bốc, xếp và vận chuyển đặc biệt là các loại xăng dầu, than tại đơn vị mình.
4. Phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ đạo 389 Quốc gia và các cơ quan chức năng có liên quan khi có yêu cầu.
Yêu cầu các cơ quan, đơn vị nghiêm túc triển khai thực hiện các nội dung trên./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
- 1 Kế hoạch 6235/KH-BCT năm 2017 về tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trong kinh doanh xăng dầu do Bộ Công thương ban hành
- 2 Công văn 13070/VPCP-V.I năm 2017 về tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trong kinh doanh xăng dầu do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 3 Quyết định 1938/QĐ-BGTVT về Kế hoạch triển khai thực hiện đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong những tháng cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành