Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1315/BHXH-CSXH
V/v tăng cường công tác quản lý về bảo hiểm thất nghiệp

Hà Nội, ngày 23 tháng 4 năm 2019

 

Kính gửi: Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) quy định tại Luật Việc làm đã tạo hành lang pháp lý cụ thể, rõ dàng và đã đạt được kết quả đáng kích lệ, đáp ứng nguyện vọng của người lao động, người sử dụng lao động góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện vẫn còn một số hạn chế, số người tham gia BHTN tỷ lệ còn ở dưới mức tiềm năng, tình trạng trốn đóng, gian lận gây thất thoát quỹ BHTN còn xảy ra ở một số địa phương; nguyên nhân chủ yếu do việc kết nối, chia sẻ dữ liệu và giao dịch điện tử trong giải quyết, chi trả các chế độ BHTN giữa các cơ quan còn chưa đồng bộ.

Để thực hiện tốt Luật Việc làm và văn bản hướng dẫn Luật, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của chính sách pháp luật và thực hiện mục tiêu chỉ đạo tại Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23-5-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, khắc phục triệt để những hạn chế. Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là BHXH tỉnh) thực hiện các nội dung sau:

1. Tham mưu với Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo các Sở, Ngành có liên quan linh hoạt trong công tác phối hợp với cơ quan BHXH trong việc:

- Đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHTN theo quy định của Luật Việc làm và các văn bản hướng dẫn để các đơn vị, tổ chức cá nhân hiểu rõ sự cần thiết, lợi ích, vai trò, ý nghĩa và những nội dung cơ bản của chính sách BHTN, từ đó giúp người sử dụng lao động và người lao động nâng cao nhận thức về các quyền và trách nhiệm, ý thức chấp hành quy định pháp luật về BHTN; tạo sự đồng thuận, thống nhất trong thực hiện chính sách BHTN;

- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối, chia xẻ dữ liệu giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan trong thực hiện các chính sách BHTN để phát triển đối tượng tham gia BHTN và giải quyết hưởng các chế độ BHTN nhằm nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ BHTN theo hướng thân thiện, công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; khắc phục tình trạng gian lận, trục lợi BHTN; phấn đấu đến năm 2021 hoàn thành mục tiêu Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23-5-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội tỷ lệ người tham gia BHTN đạt khoảng khoảng 28% lực lượng lao động trong độ tuổi;

- Triển khai giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHTN theo quy định tại Nghị định số 166/2016/NĐ-CP ngày 24/12/2016 của Chính phủ quy định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, bảo hiểm y tế, BHTN để tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tham gia đóng, hưởng các chế độ BHTN, tiết kiệm chi phí xã hội;

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về BHTN, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là các hành vi trốn đóng, nợ đóng, gian lận tiền BHXH, BHTN; thực hiện nghiêm các chế tài xử phạt (nếu có) để đảm bảo tính răn đe, ngăn ngừa các trường hợp chốn đóng, chậm đóng, trục lợi quỹ BHTN.

2. Tổ chức thực hiện

2.1. Về công tác tuyên truyền:

- Xây dựng kế hoạch cụ thể về số lượng, cách thức thực hiện mỗi hình thức tuyên truyền; xác định rõ trách nhiệm của các phòng, tổ/bộ phận trong việc tuyên truyền, phổ biến chính sách cho người lao động trên địa bàn về chính sách BHTN, đặc biệt thực hiện thông tin, tuyên truyền, phổ biến các chế độ, chính sách BHTN đối với người lao động ngay khi đến nộp hồ sơ và thụ hưởng các chế độ BHTN;

- Ngoài tổ chức lồng ghép tuyên truyền với các chính sách về BHXH, bảo hiểm y tế cần tổ chức thực hiện tuyên truyền theo chuyên đề riêng về BHTN; cân đối tỷ lệ thông tin tuyên truyền về chính sách BHTN với các chính sách BHXH, bảo hiểm y tế; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền, tập trung vào các hình thức có mức độ tác động lớn đến người lao động như website, đường dây nóng…,

2.2. Công tác phối hợp với Sở Lao động -Thương binh và Xã hội

- Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy chế phối hợp giữa BHXH tỉnh với Trung tâm Dịch vụ việc làm thuộc sở Lao động- Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố, chú trọng các nội dung: phối hợp trong việc gửi danh sách các trường hợp đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) sang cơ quan BHXH tỉnh, rà soát trước khi ra quyết định hưởng TCTN; thời hạn chuyển các quyết định hoặc danh sách người có quyết định về việc hưởng các chế độ BHTN (bao gồm: hưởng mới, hủy, tạm dừng, tiếp tục, chấm dứt, di chuyển hưởng, bảo lưu thời gian đóng BHTN); làm rõ trách nhiệm thu hồi của các bên trong việc giải quyết, chi trả TCTN không đúng;

- Thực hiện liên thông, chia xẻ dữ liệu, giao dịch điện tử với Trung tâm Dịch vụ việc làm trong việc tiếp nhận danh sách đối tượng hưởng TCTN (người hưởng mới, hủy hưởng, tạm dừng, tiếp tục hưởng BHTN) từ các Trung tâm Dịch vụ việc làm theo Nghị định số 166/2016/NĐ-CP ngày 24/12/2016 của Chính phủ quy định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, bảo hiểm y tế, BHTN để hỗ trợ có hiệu quả trong việc quản lý đối tượng hưởng các chế độ BHTN;

- Nâng cao hơn nữa vai trò trách nhiệm trong công tác thanh tra, kiểm tra và giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo về BHTN; tổ chức kiểm tra, rà soát đối tượng trước khi ra quyết định hưởng TCTN; nắm bắt thông tin về tình hình lao động, việc làm của các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, người lao động tham gia đóng, hưởng BHTN không gây phiền hà cho các doanh nghiệp, người lao động. Kịp thời giải quyết tháo g những vướng mắc trong việc quản lý và chi TCTN, hỗ trợ học nghề, tránh tình trạng hưởng TCTN sai quy định;

- Thường xuyên phối hợp thanh tra đóng BHTN nhằm hạn chế tình trạng trốn đóng, chậm đóng, nợ đọng tiền đóng BHTN trên địa bàn; kiểm tra việc thực hiện giải quyết hưởng, chi trả các chế độ BHTN, kiểm tra việc thực hiện đào tạo nghề đối với người thất nghiệp có quyết định hưởng hỗ trợ học nghề theo học; chú trọng các giải pháp xử lý hiệu quả thông qua việc chi trả TCTN, đào tạo đáp ứng yêu cầu của công việc mới.

2.3. Lập danh sách và chi trả

Thực hiện rà soát, kiểm tra đối chiếu dữ liệu người hưởng TCTN trước khi chi trả chế độ TCTN với dữ liệu thu BHXH, BHTN, dữ liệu giải quyết hưởng chế độ hưu trí…, để kịp thời dừng chi trả TCTN đối với các trường hợp hưởng sai quy định; cập nhật, đầy dủ dữ liệu người hưởng; di chuyển hưởng từ tỉnh khác đến; hủy, tạm dừng, tiếp tục, chấm dứt hưởng; di chuyển hưởng đi tỉnh khác, đối tượng được bảo lưu thời gian đóng BHTN…, để phục vụ công tác quản lý của ngành và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người hưởng TCTN.

2.4. Tổ chức thu hồi về quỹ các khoản tiền chi BHTN và hỗ trợ học nghề sai quy định theo kết luận của của các đoàn thanh tra, kiểm tra và Kiểm toán Nhà nước; tổng hợp tình hình phát hiện các trường hợp hưởng TCTN sai quy định, kết quả việc thực hiện thu hồi tiền hưởng TCTN sai quy định.

Đề nghị Trung tâm Công nghệ thông tin xây dựng, kết nối, liên thông dữ liệu về BHTN với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội xong trước ngày 31/12/2019; BHXH tỉnh tổ chức thực hiện các nội dung trên, hàng quý báo cáo kết quả thực hiện về BHXH Việt Nam (Ban Thực hiện chính sách BHXH) trước ngày 10 tháng đầu của quý sau và phản ánh vướng mắc (nếu có)./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Tổng Giám đốc (để b/c);
- Các Phó TGĐ (để b/c);
- Trung tâm CNTT (phối hợp t/hiện);
- Lưu: VT, CSXH.

TL. TỔNG GIÁM ĐỐC
KT.TRƯỞNG BAN THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH BHXH
PHÓ TRƯỞNG BAN




Mai Xuân Nam