Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1316/UBND-VX
Về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết trong mùa mưa trên địa bàn Thành phố

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 29 tháng 4 năm 2022

 

Kính gửi:

- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố;
- Sở Y tế;
- Sở Tài chính;
- Sở Thông tin và Truyền thông;
- Sở Giáo dục và Đào tạo;
- Sở Giao thông vận tải;
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Sở Tài nguyên và Môi trường; Thành Đoàn;
- Bộ Tư lệnh Thành phố;
- Ủy ban nhân dân các quận, huyện và thành phố Thủ Đức;
- Các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội.

Theo báo cáo của Sở Y tế, trong 4 tháng đầu năm 2022, Thành phố có 4.491 trường hợp sốt xuất huyết (SXH), giảm nhẹ so với cùng kỳ. Tuy nhiên, qua hệ thống báo cáo ghi nhận có 109 trường hợp sốt xuất huyết nặng, tăng 354% so với cùng kỳ năm 2021 (24 ca) và 02 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết. Thành phố ghi nhận các quận, huyện có số trường hợp mắc tăng nhanh trong tháng 4: Quận 12, Bình Chánh, Bình Tân và Hóc Môn.

Căn cứ công văn số 2129/BYT-DP ngày 27 tháng 4 năm 2022 của Bộ Y tế về việc tăng cường phòng, chống sốt xuất huyết; xét đề nghị của Sở Y tế tại Tờ trình số 2742/TTr-SYT ngày 27 tháng 4 năm 2022 về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết trong mùa mưa trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân Thành phố yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể và các tổ chức chính trị-xã hội Thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện và thành phố Thủ Đức tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, trong đó cần lưu ý những vấn đề sau:

1. Sở Y tế:

- Chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan triển khai các nội dung phòng, chống sốt xuất huyết phù hợp với từng đặc điểm hoạt động để nâng cao chất lượng phối hợp liên ngành trong phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết.

- Chỉ đạo hệ thống ngành y tế, bệnh viện, các cơ sở y tế trên địa bàn Thành phố chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, dịch truyền, máu và các chế phẩm của máu, phương tiện cấp cứu để tiếp nhận thu dung và điều trị người bệnh kịp thời; tổ chức tập huấn về phòng, chẩn đoán, điều trị sốt xuất huyết Dengue theo hướng dẫn của Bộ Y tế cho các cơ sở y tế trên địa bàn Thành phố; tổ chức tái tập huấn các quy định tại Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế cho cán bộ y tế của Phòng y tế quận, huyện, thành phố Thủ Đức.

- Giám sát chặt chẽ ca bệnh, côn trùng trung gian truyền bệnh nhằm theo dõi và phát hiện sớm, kịp thời xử lý triệt để các ổ dịch phát sinh trong vòng 24 giờ theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.

- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh công tác truyền thông hưởng ứng Ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết lần thứ 12 (15/6/2022) với nhiều hình thức, nội dung tuyên truyền phù hợp và sát với thực tiễn; thường xuyên cập nhật điều chỉnh nội dung giúp cho mọi người, mọi nhà thực hiện tốt và hiệu quả.

- Thành lập đoàn kiểm tra giám sát công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết trên các quận, huyện, thành phố Thủ Đức.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường: nâng cao chất lượng công tác vệ sinh môi trường tại các địa bàn dân cư trên địa bàn Thành phố. Chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Trung tâm y tế quận, huyện, thành phố Thủ Đức lên danh sách các điểm nóng môi trường có nguy cơ đọng nước chứa lăng quăng là nơi phát sinh muỗi và có phương án giải quyết cho từng điểm trình Ủy ban nhân dân quận, huyện, thành phố Thủ Đức duyệt để triển khai thực hiện ngay.

3. Sở Thông tin và Truyền thông:

Phối hợp với Sở Y tế và Ban Tuyên giáo Thành ủy hướng dẫn, chỉ đạo cơ quan báo chí Thành phố thực hiện công tác tuyên truyền về các biện pháp diệt muỗi, diệt lăng quăng phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết; tuyên truyền về nguy cơ và tác hại của bệnh sốt xuất huyết nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình.

4. Sở Giáo dục và Đào tạo:

- Phối hợp chặt chẽ với ngành y tế xây dựng kế hoạch chỉ đạo các cơ sở giáo dục, đơn vị trường học trên địa bàn Thành phố tổ chức các hoạt động phòng chống dịch bệnh trong trường học theo đúng hướng dẫn của ngành y tế, huy động lực lượng học sinh, sinh viên tham gia các hoạt động diệt muỗi, lăng quăng tại gia đình và cộng đồng theo hướng dẫn của ngành y tế, xem đây là một trong các nội dung sinh hoạt ngoại khóa của học sinh, sinh viên. Trong đó, lưu ý nhà trường tổ chức truyền thông cho phụ huynh học sinh biết đường lây truyền các bệnh dịch và biện pháp phòng, chống hữu ích nhất là diệt muỗi, phòng chống bị muỗi đốt.

- Tổ chức tổng vệ sinh môi trường hàng tuần trong khuôn viên của trường, không để ứ đọng nước phát sinh lăng quăng, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết.

5. Bộ Tư lệnh Thành phố:

- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc huy động lực lượng dân quân tại địa phương tham gia vào đội phun hóa chất xử lý dịch bệnh sốt xuất huyết.

- Chịu trách nhiệm vệ sinh môi trường hàng tuần, không để ứ đọng nước phát sinh muỗi, lăng quăng truyền bệnh tại trụ sở làm việc, các điểm đóng quân, doanh trại, kho, bãi.

6. Ủy ban nhân dân các quận, huyện và thành phố Thủ Đức:

- Chỉ đạo quyết liệt các ban, ngành, đoàn thể tham gia vào công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết và thống nhất quan điểm trong toàn hệ thống chính quyền và ban ngành đoàn thể trên địa bàn quận, huyện và thành phố Thủ Đức: “Nguy cơ gây dịch sốt xuất huyết luôn hiện hữu ở mọi nơi, vì vậy việc chủ động phòng chống sốt xuất huyết là việc làm thường xuyên của mọi cá nhân, tổ chức”.

- Xây dựng và triển khai Kế hoạch “Kiểm soát điểm nguy cơ gây dịch sốt xuất huyết” tại quận, huyện, thành phố Thủ Đức theo hướng dẫn của ngành y tế; cần tiếp tục đẩy mạnh việc lồng ghép các hoạt động vệ sinh môi trường phòng, chống dịch bệnh vào các hoạt động thường quy khác, cụ thể như:

Đưa tiêu chí “không có lăng quăng và côn trùng truyền bệnh” vào nội dung kiểm tra vệ sinh của nhà hàng, khách sạn, quán ăn.

Thường xuyên kiểm tra và xử lý các dụng cụ chứa nước không được bảo vệ hoặc không được hủy bỏ, gây nguy cơ tiềm tàng, thuận lợi cho sự sinh sản và phát triển của lăng quăng/bọ gậy tại hộ gia đình, nơi công cộng, nơi tập trung đông người như trường học, bệnh viện, đình, chùa, nhà thờ, bến xe,... thông qua việc huy động lực lượng cộng tác viên, ban ngành đoàn thể.

Tổ chức các hoạt động diệt lăng quăng/bọ gậy thường xuyên đến từng hộ gia đình thông qua hoạt động của cộng tác viên y tế, học sinh và các tổ chức quần chúng (đậy nắp thật kín, loại bỏ vật dụng phế thải, thả cá) ít nhất 1 lần/tháng.

- Tổ chức thực hiện chiến dịch hưởng ứng Ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết lần thứ 12 năm 2022 và triển khai các hoạt động thiết thực nhằm truyền thông phòng chống sốt xuất huyết tại quận, huyện, thành phố Thủ Đức theo hướng dẫn của ngành y tế.

- Thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các cá nhân, đơn vị, tổ chức, chủ các điểm nguy cơ cố tình không thực hiện các hướng dẫn phòng chống sốt xuất huyết, tạo điều kiện để dịch bệnh lây lan tại địa phương theo quy định tại Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

7. Thành Đoàn:

- Phối hợp với Sở Y tế vận động đoàn viên, thanh niên xung kích trong công tác tham gia làm sạch vệ sinh môi trường tại khu dân cư, cơ quan, xí nghiệp, trường học và ngay tại nhà của mỗi đoàn viên trên toàn Thành phố nhằm phòng chống có hiệu quả dịch bệnh.

- Chỉ đạo và triển khai các cơ sở Đoàn thực hiện các biện pháp loại bỏ các vật chứa nguy cơ phát sinh muỗi, lăng quăng tại nơi làm việc, hưởng ứng vì một môi trường làm việc “Cuối tuần không lăng quăng, cả tuần không muỗi”.

- Đưa nội dung thực hiện phòng, chống sốt xuất huyết tại nơi làm việc vào hoạt động thi đua của Đoàn.

- Chỉ đạo các cơ sở Đoàn trực thuộc phối hợp y tế địa phương triển khai các hoạt động vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng phòng, chống sốt xuất huyết.

8. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố và các đoàn thể

- Phối hợp, hỗ trợ ngành y tế trong công tác tuyên truyền và vận động người dân thực hiện phòng, chống dịch bệnh. Đưa nội dung phòng, chống dịch bệnh vào nội dung sinh hoạt định kỳ của tổ chức mình.

- Vận động các hộ gia đình dành từ 10 đến 15 phút mỗi tuần để thu dọn các vật phế thải, dụng cụ chứa nước và thực hiện các biện pháp diệt muỗi, diệt lăng quăng trong nhà và xung quanh nhà vào mỗi thứ bảy, chủ nhật. Trong đó, hộ gia đình của cán bộ viên chức, hội, đoàn thể phải làm gương thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- TTUB: CT, các PCT;
- VPUB: CVP, PVP/VX;
- Báo, Đài thành phố;
- Lưu: VT, (VX-MĐ) TV.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Dương Anh Đức