Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
CỤC QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG NÔNG LÂM SẢN VÀ THỦY SẢN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 132/QLCL-CL1
V/v Hướng dẫn thực hiện một số nội dung Thông tư 78 và Quyết định 3535

Hà Nội, ngày 22 tháng 01 năm 2010

 

Kính gửi:

- Các doanh nghiệp chế biến thủy sản;
- Cơ quan Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tỉnh/thành phố
- Các Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng 1-6
- Cơ quan Quản lý Chất lượng NLTS Trung bộ, Nam bộ.

 

Ngày 10/12/2009, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư số 78/2009/TT-BNNPTNT quy định về kiểm tra, lấy mẫu kiểm nghiệm lô hàng thủy sản (gọi tắt là Thông tư 78); Quyết định số 3535/QĐ-BNN-QLCL về việc công bố danh mục các chỉ tiêu chỉ định kiểm tra lô hàng thủy sản xuất khẩu (gọi tắt là Quyết định 3535). Các quy định nêu trên đã được đăng tải trên website của Cục theo địa chỉ http://www.nafiqad.gov.vn và chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/01/2010.

Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản hướng dẫn chi tiết một số nội dung quy định tại các văn bản nêu tại Phụ lục gửi kèm và yêu cầu các đơn vị thực hiện như sau:

1. Các doanh nghiệp chế biến thủy sản:

- Nghiên cứu và nghiêm túc thực hiện các quy định nêu trên và nội dung hướng dẫn của Cục nêu tại Phụ lục kèm theo.

2. Cơ quan Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tỉnh/thành phố:

- Đề xuất nhu cầu đào tạo cán bộ về nghiệp vụ kiểm tra, lấy mẫu kiểm nghiệm lô hàng thủy sản của đơn vị năm 2010 gửi về Cục và Cơ quan Quản lý Chất lượng Nông lâm thủy sản Trung bộ, Nam bộ trong ngày 29/01/2010. Căn cứ vào đề nghị của các đơn vị, trong quý I năm 2010, Cục sẽ lập kế hoạch tổ chức các khóa tập huấn và thông báo tới các đơn vị.

- Tham khảo các biểu mẫu biên bản kiểm tra lô hàng, phiếu kết quả kiểm tra cảm quan ngoại quan và phiếu lấy mẫu kiểm nghiệm của Trung tâm Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản vùng thuộc Cục trên địa bàn hiện đang sử dụng để xây dựng các biểu mẫu phù hợp với thực tế hoạt động của đơn vị.

3. Các Trung tâm Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản vùng:

- Phối hợp Phổ biến, hướng dẫn và hỗ trợ các doanh nghiệp thuộc địa bàn quản lý triển khai thực hiện Thông tư 78, Quyết định 3535 và hướng dẫn của Cục tại Phụ lục công văn này (khi có yêu cầu).

- Đề xuất nhu cầu đào tạo về nghiệp vụ kiểm tra lô hàng của đơn vị. Đồng thời phối hợp với Cơ quan Trung bộ, Nam bộ để xây dựng kế hoạch tổ chức các khóa tập huấn cho Cơ quan địa phương.

- Đối với các lô hàng chỉ thực hiện kiểm tra hồ sơ, chỉ tiêu ngoại quan và không lấy mẫu kiểm nghiệm, nếu kết quả kiểm tra các nội dung theo quy định tại Thông tư 78 đạt yêu cầu, các đơn vị cấp giấy chứng nhận, vệ sinh an toàn thực phẩm cho lô hàng theo đúng quy định hiện hành.

- Lập hồ sơ theo dõi đối với từng doanh nghiệp để xác định và áp dụng tần suất lấy mẫu kiểm nghiệm lô hàng theo đúng quy định.

4. Cơ quan Quản lý Chất lượng Nông lâm thủy sản Trung bộ, Nam bộ:

- Phối hợp với Trung tâm vùng trên địa bàn phổ biến, hướng dẫn và hỗ trợ các Cơ quan địa phương khi có yêu cầu liên quan đến triển khai thực hiện Thông tư 78, Quyết định 3535 và hướng dẫn triển khai của Cục tại công văn này.

- Chủ trì tổng hợp nhu cầu đào tạo về nghiệp vụ kiểm tra, lấy mẫu kiểm nghiệm lô hàng của cơ quan địa phương, các Trung tâm vùng trên địa bàn để đề xuất kế hoạch tổ chức các khóa tập huấn gửi về Cục trong ngày 04/02/2010.

Đề nghị các đơn vị kịp thời thông báo về Cục những khó khăn vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện để được phối hợp giải quyết.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Thứ trưởng Lương Lê Phương (để báo cáo);
- Phó Cục trưởng phụ trách (để báo cáo);
- Sở NN&PTNT tỉnh/thành phố;
- Hiệp hội CB&XKTS Việt Nam (VASEP);
- Các phòng thuộc Cục;
- Lưu: VT, CL1.

KT. CỤC TRƯỞNG
PHÓ CỤC TRƯỞNG




Trần Bích Nga

 

PHỤ LỤC

(ban hành kèm theo công văn số: 132/QLCL-CL1 ngày 22/01/2010)
HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN MỘT SỐ NỘI DUNG QUY ĐỊNH TẠI THÔNG TƯ 78 VÀ QUYẾT ĐỊNH 3535

I. THÔNG TƯ 78:

1. Khoản 4. Điều 9. Phương pháp lấy mẫu; Khoản 3, Điều 10. Phương pháp kiểm tra cảm quan, ngoại quan:

Hiện nay, Cục đang khẩn trương xây dựng Sổ tay hướng dẫn nghiệp vụ kiểm tra, lấy mẫu lô hàng trên cơ sở tổng hợp các tiêu chuẩn Việt Nam, hướng dẫn của Tổ chức tiêu chuẩn thực phẩm (CODEX), cơ quan thẩm quyền EU, Hoa kỳ. Tài liệu này sẽ hướng dẫn phương pháp lấy mẫu cho từng dạng sản phẩm (đông lạnh, tươi ướp đá, thủy sản sống, hàng khô, đồ hộp …).

Trong khi chờ Cục ban hành Sổ tay nêu trên để áp dụng thống nhất, các đơn vị có thể tham khảo các tiêu chuẩn sau trong quá trình thực hiện kiểm tra, lấy mẫu kiểm nghiệm lô hàng:

- TCVN 5276 - 90. Thủy sản – Lấy mẫu và chuẩn bị mẫu.

- TCVN 5277 - 90: Thủy sản – Phương pháp thử cảm quan.

- TCVN 2068 - 93: Thủy sản đông lạnh – Phương pháp thử.

- TCVN 4409 - 87: Đồ hộp – Phương pháp lấy mẫu.

- TCVN 4410 - 87: Đồ hộp – Phương pháp thử cảm quan.

- TCVN 4412 - 87: Đồ hộp – Phương pháp xác định dạng bên ngoài, độ kín và trạng thái mặt trong của hộp.

- TCVN 5107 - 2003. Nước mắm.

- TCVN 2644 - 1993. Mực đông lạnh – Yêu cầu kỹ thuật

- TCVN 5835 - 1994. Tôm thịt đông lạnh IQF xuất khẩu

- TCVN 5836 - 1994. Tôm thịt luộc chín đông lạnh xuất khẩu

2. Điều 12. Tần suất lấy mẫu kiểm nghiệm:

a. Đối với lô hàng xuất khẩu:

- Các Trung tâm vùng phải lập hồ sơ theo dõi đối với từng doanh nghiệp để xác định đúng tần suất lấy mẫu xét nghiệm quy định tại phụ lục của Thông tư 78 đối với lô hàng của doanh nghiệp theo mức độ rủi ro về ATTP, theo thị trường xuất khẩu.

- Đối với lô hàng xuất khẩu được giảm kiểm tra theo Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 118/2008/QĐ-BNN ngày 11/12/2008 (Quy chế 118):

+ Theo quy định tại Chương II của Thông tư 78 về kiểm tra lô hàng, cơ quan kiểm tra sẽ thực hiện kiểm tra từng lô hàng về hồ sơ, cảm quan, ngoại quan. Bên cạnh đó, tần suất lấy mẫu kiểm nghiệm đối với các lô hàng này đã được tính giảm ở chế độ kiểm tra thông thường (1/5 lô hàng đối với sản phẩm rủi ro cao; 1/10 lô hàng đối với sản phẩm rủi ro thấp). Do vậy, doanh nghiệp trong danh sách được Cục công bố đáp ứng Điều 18 Quy chế 118 chỉ phải gửi hồ sơ đăng ký kiểm tra cho lô hàng thuộc diện giảm kiểm tra theo đúng quy định và không cần gửi các kết quả phân tích do doanh nghiệp tự thực hiện liên quan đến lô hàng theo quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều 21 Quy chế 118.

- Riêng đối với lô hàng giáp xác và nhuyễn thể chân đầu xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản tiếp tục thực hiện theo Quyết định số 06/2007/QĐ-BTS ngày 11/7/2007 của Bộ Thủy sản (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và theo hướng dẫn của Cục tại công văn số 1854/CLTY-CL ngày 02/8/2007.

b. Đối với lô hàng nhập khẩu:

- Khi chủ hàng đã có 5 lô hàng liên tiếp trước đó cùng chủng loại sản phẩm, cùng xuất xứ đã có kết quả kiểm tra đạt yêu cầu, Cơ quan kiểm tra thực hiện kiểm tra hồ sơ, cảm quan, ngoại quan và chỉ lấy mẫu kiểm nghiệm đối với 1 trong 5 lô hàng tiếp theo của doanh nghiệp. 04 lô hàng còn lại chỉ thực hiện kiểm tra hồ sơ, ngoại quan tại hiện trường và cấp giấy chứng nhận chất lượng nếu kết quả đạt yêu cầu.

c. Kiểm tra tăng cường theo Khoản 5 Điều 12 của Thông tư 78:

- Các cơ sở thuộc diện kiểm tra tăng cường do có lô hàng bị cảnh báo không đảm bảo về vệ sinh an toàn thực phẩm: Cơ quan kiểm tra thực hiện lấy mẫu kiểm nghiệm đối với 5 lô hàng liên tiếp của cơ sở để phân tích chỉ tiêu bị cảnh báo. Số mẫu lấy kiểm nghiệm chỉ tiêu vi sinh, hóa học đối với lô hàng được quy định tại Phụ lục 2 và 3 của Quyết định 3535.

3. Chỉ định chỉ tiêu phân tích:

a. Đối với lô hàng thủy sản xuất khẩu:

- Danh mục chỉ tiêu chỉ định kiểm tra về cảm quan, ngoại quan, vi sinh và hóa học đối với lô hàng xuất khẩu vào các thị trường có yêu cầu phải kiểm tra, chứng nhận bởi Cơ quan thẩm quyền Việt Nam được quy định tại Quyết định 3535/QĐ-BNN-QLCL ngày 10/12/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

b. Đối với lô hàng thủy sản trước khi đưa ra thị trường nội địa, nhập khẩu để chế biến: Hiện nay, Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản đang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao xây dựng Thông tư ban hành danh mục chỉ tiêu, mức giới hạn cho phép đối với thực phẩm có nguồn gốc từ động vật (bao gồm thủy sản) nhập khẩu và sản xuất trong nước. Trong khi chờ ban hành Thông tư nêu trên, Cơ quan kiểm tra tiếp tục thực hiện chỉ định chỉ tiêu phân tích đối với các lô hàng nêu trên theo quy định tại Quyết định số 50/2006/QĐ-TTg ngày 07/03/2006 về việc ban hành danh mục sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra về chất lượng và Quyết định số 46/2007/QĐ-BYT ngày 19/12/2007 của Bộ Y tế.

4. Khoản 4, Điều 14 về xử lý đối với mẫu lưu:

- Cơ quan kiểm tra căn cứ công suất thiết bị bảo quản lạnh của đơn vị để xây dựng quy định nội bộ về xử lý mẫu lưu, thông báo công khai tới các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thuộc địa bàn quản lý về quy định nêu trên để phối hợp thực hiện.

- Hàng tháng, các đơn vị lập và thông báo kế hoạch theo thời gian trả lại mẫu lưu cho doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất. Trường hợp quá thời hạn quy định tại Thông tư, doanh nghiệp, chủ cơ sở không đến nhận lại mẫu lưu, cơ quan kiểm tra tiến hành xử lý phù hợp theo quy định hiện hành.

II. QUYẾT ĐỊNH 3535

1. Phạm vi áp dụng: các lô hàng thủy sản xuất khẩu vào thị trường có yêu cầu kiểm tra chứng nhận bởi cơ quan thẩm quyền Việt Nam.

2. Về chỉ tiêu hàm lượng nước (tính theo khối lượng) áp dụng đối với sản phẩm cá tra, basa fillet đông lạnh:

Mặc dù, Quyết định 3535 có hiệu lực kể từ ngày 25/01/2010, tuy nhiên các doanh nghiệp còn lượng hàng tồn kho có hàm lượng nước lớn hơn 83% (tính theo khối lượng) được sản xuất trước ngày 25/01/2010, do đó, các doanh nghiệp cần thống kê về số lượng, khối lượng hàng tồn kho gửi tới Trung tâm CL NLTS vùng phụ trách trên địa bàn trong ngày 29/01/2010 để tổng hợp.

Căn cứ vào thông tin khai báo của doanh nghiệp về lượng hàng tồn kho, các Trung tâm vùng tổ chức thẩm tra để làm cơ sở cho việc kiểm tra và cấp giấy chứng nhận cho các lô hàng sau ngày Quyết định 3535 có hiệu lực thi hành.