Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TƯ PHÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1333/BTP-PBGDPL
V/v rà soát, đánh giá việc thực hiện các biện pháp hòa giải ở cơ sở trong việc xử lý các vụ bạo lực gia đình đối với phụ nữ và xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước

Hà Nội, ngày 20 tháng 4 năm 2018

 

Kính gửi: Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Thực hiện nhiệm vụ được giao tại mục 4 và mục 5 Phần II Kế hoạch Triển thực hiện Khuyến nghị của Ủy ban về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ của Liên hợp quốc ban hành kèm theo Quyết định số 2306/QĐ-BTP ngày 15/11/2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc rà soát, đánh giá việc thực hiện các biện pháp hòa giải ở cơ sở trong việc xử lý các vụ bạo lực gia đình đối với phụ nữ trên phạm vi toàn quốc, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật đề nghị Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì, phối hợp với Sở, ban, ngành, đoàn thể tại địa phương tổ chức thực hiện các công việc sau đây:

1. Về lĩnh vực hòa giải ở cơ sở

1.1. Tăng cường thông tin, truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình; về vai trò, ý nghĩa của công tác hòa giải ở cơ sở nhằm thay đổi nhận thức, hành vi của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về bạo lực gia đình, nhất là bạo lực gia đình đối với phụ nữ và nâng cao tính chủ động sử dụng biện pháp hòa giải ở cơ sở khi xảy ra bạo lực gia đình.

1.2. Tăng cường bồi dưỡng, tập huấn kiến thức pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, kỹ năng hòa giải các các vụ bạo lực gia đình, nhất là bạo lực gia đình đối với phụ nữ cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở nhằm bảo đảm việc hòa giải các vụ bạo lực gia đình được thực hiện đúng quy định pháp luật, không xâm phạm các quyền cơ bản của con người, của phụ nữ và trẻ em và đúng đạo lý, qua đó phát huy ưu thế, tác động tích cực của biện pháp hòa giải ở cơ sở, hạn chế sai sót, sơ suất đẩy vụ việc thành phức tạp.

1.3. Tham mưu Ủy ban nhân cấp tỉnh quan tâm, chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận cùng cấp trong việc hướng dẫn, giúp đỡ, tạo điều kiện cho các tổ hòa giải thực hiện hòa giải các vụ bạo lực gia đình, nhất là các vụ bạo lực gia đình đối với phụ nữ.

1.4. Tổ chức rà soát, đánh giá tình hình thi hành pháp luật về hòa giải ở cơ sở, nhất là trong công tác hòa giải ở cơ sở các vụ bạo lực gia đình đối với phụ nữ tại địa phương từ năm 2014 đến hết năm 2018, trong đó làm rõ:

- Tình hình và kết quả phổ biến, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức pháp luật về hòa giải ở cơ sở các vụ bạo lực gia đình đối với phụ nữ

- Số lượng các vụ bạo lực gia đình đối với phụ nữ được hòa giải ở cơ sở tại địa phương và kết quả hòa giải các vụ bạo lực gia đình đối với phụ nữ, những bài học kinh nghiệm được rút ra

- Những tác động (tích cực, tiêu cực) của công tác hòa giải ở cơ sở trong quá trình hòa giải các vụ bạo lực gia đình đối với phụ nữ.

1.5. Đánh giá về mức độ phù hợp và những tồn tại, hạn chế liên quan đến thể chế, chính sách pháp luật từ thực tiễn triển khai công tác hòa giải các vụ việc bạo lực gia đình đối với phụ nữ; nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế

1.6. Đề xuất, kiến nghị các giải pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả áp dụng biện pháp hòa giải ở cơ sở các vụ việc bạo lực gia đình đối với phụ nữ.

2. Về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước: Tham mưu Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn rà soát, kiểm tra việc xây dựng, thực hiện, sửa đổi, bổ sung hương ước, quy ước trên địa bàn; chấn chỉnh, rút kinh nghiệm, hạn chế, loại bỏ các nội dung trái pháp luật, trái phong tục, tập quán tốt đẹp, không bảo đảm bình đẳng giới và phân biệt đối xử với phụ nữ trong các bản hương ước, quy ước của thôn, làng, bản, ấp, tổ dân phố...

3. Xây dựng Báo cáo rà soát, đánh giá việc thực hiện các biện pháp hòa giải ở cơ sở trong việc xử lý các vụ bạo lực gia đình đối với phụ nữ; kết quả rà soát, loại bỏ nội dung có biểu hiện phân biệt đối xử với phụ nữ, không bảo đảm bình đẳng giới, trái pháp luật, trái phong tục, tập quán tốt đẹp trong hương ước, quy ước tại địa phương gửi về Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật và qua thư điện tử: ntgiang@moj.gov.vn trước ngày 02 tháng 12 năm 2018 để tổng hợp, xây dựng Báo cáo chung.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc hoặc vấn đề mới phát sinh, đề nghị Sở Tư pháp kịp thời tổng hợp, phản ánh về Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật - Số điện thoại 024.62739470 để nghiên cứu, hướng dẫn, giải đáp.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Thứ trưởng Phan Chí Hiếu (để b/c);
- Lưu: VT, Vụ PBGDPL.

TL. BỘ TRƯỞNG
VỤ TRƯỞNG
VỤ PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT




Đỗ Xuân Lân