Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BAN CHỈ ĐẠO TRUNG ƯƠNG
VỀ PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 137/TWPCTT
V/v hướng dẫn công tác trực ban phòng, chng thiên tai

Hà Nội, ngày 29 tháng 09 năm 2015

 

Kính gửi: Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các Bộ, ngành và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Thực thi Luật Phòng, chống thiên tai số 33/2013/QH13 ngày 19/6/2013 và Nghị định số 66/2014/NĐ-CP ngày 04/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số Điều của Luật phòng, chống thiên tai, trong đó đã phân giao trách nhiệm cho các địa phương (từ cấp xã trở lên) chủ động xây dựng phương án, kế hoạch ứng phó với thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai nhằm nâng cao tính chủ động, sát với thực tế của chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư. Do vậy, việc quy định thời gian trực ban, chế độ trực,... và các nội dung khác có liên quan đến công tác trực ban là do địa phương chủ động ban hành theo thẩm quyền.

Tuy nhiên, để có cơ sở cho Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các Bộ, ngành và các địa phương vận dụng, tham khảo về việc tổ chức trực ban phòng, chống thiên tai, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai hướng dẫn một số nội dung chính sau:

1. Về thời gian tổ chức trực ban

- Căn cứ các loại hình thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai thường xuyên xảy ra ở địa phương, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai các Bộ, ngành và các địa phương xác định cụ thể thời gian trực, chế độ trực đảm bảo đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống thiên tai;

- Trường hợp khi công trình phòng, chống thiên tai có sự cố hoặc khi xảy ra động đất, sóng thần thì Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai & TKCN các cấp, các ngành có liên quan cần chủ động tổ chức trực đột xuất theo chế độ 24/24 giờ để đối phó với sự cố các công trình và sẵn sàng triển khai ứng phó với các tình huống thiên tai bất thường xảy ra;

- Thời gian cụ thể có thể tham khảo theo quy định tại Điều 2 Quy chế về công tác trực phòng, chống thiên tai ban hành kèm theo Quyết định số 2174/QĐ-BNN-TCTL ngày 09/6/2015 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

2. Chế độ cho cán bộ làm nhiệm vụ trực ban phòng, chống thiên tai

- Người làm nhiệm vụ trực ban được hưởng các chế độ kiêm nhiệm, làm thêm giờ, làm đêm có thể vận dụng theo quy định tại Mục d, Khoản 2, Điều 5 Quyết định số 367/QĐ-TTg ngày 17/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai;

Tham khảo theo quy định tại Chương III Quy chế về công tác trực phòng, chống thiên tai được ban hành theo Quyết định số 2174/QĐ-BNN-TCTL ngày 9/6/2015 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

3. Về nhiệm vụ trực ban phòng, chống thiên tai

Nhiệm vụ công tác trực ban phòng, chống thiên tai có thể tham khảo theo quy định tại Chương II Quy chế về công tác trực phòng, chống thiên tai ban hành kèm theo Quyết định số 2174/QĐ-BNN-TCTL ngày 09/6/2015 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong đó cần tập trung một số nhiệm vụ chính sau:

a) Giúp Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai & TKCN theo dõi, nắm chắc mọi tình hình có liên quan đến công tác phòng, chống thiên tai bao gồm: diễn biến thời tiết, mưa, lũ, bão và các loại hình thiên tai khác thuộc trách nhiệm của ngành, địa phương; diễn biến các công trình phòng, chống thiên tai; tình hình tổ chức lực lượng phòng, chống thiên tai và huy động nguồn lực để đối phó với thiên tai (bao gồm nhân lực, vật tư, phương tiện và các cơ sở vật chất kỹ thuật...);

b) Tiếp nhận các chỉ thị, mệnh lệnh, thông báo của Chính phủ; Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai; Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai & TKCN các Bộ, ngành và Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai & TKCN cấp trên trực tiếp để triển khai thực hiện và truyền đạt kịp thời xuống Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai & TKCN cấp dưới quyền;

c) Tham mưu cho Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai & TKCN trong việc tổ chức phòng, tránh, ứng phó và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra trên địa bàn mình quản lý; xử lý các sự cố công trình phòng, chống thiên tai, tổ chức Điều động các lực lượng để chi viện các địa phương khác theo lệnh của Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai & TKCN cấp trên;

d) Tổng hợp tình hình phòng, chống thiên tai trong phạm vi phụ trách để báo cáo với Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai & TKCN cấp trên theo định kỳ và sau khi kết thúc mỗi đợt thiên tai hoặc theo yêu cầu đột xuất của Trung ương và của cấp trực tiếp.

e) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo yêu cầu của Trung ương, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai &TKCN cấp trên và cấp trực tiếp.

4. Về báo cáo của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các Bộ, ngành, địa phương

Thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ kế hoạch và Đầu tư về hướng dẫn thống kê, đánh giá thiệt hại do thiên tai gây ra (dự kiến ban hành trong tháng 9/2015).

5. Các thông tin về cứu hộ, cứu nạn, trú tránh bão tại các nước trong khu vực và ứng phó với thiên tai

5.1. Nguyên tắc chung

Khi xảy ra thiên tai gây thiệt hại về người và tài sản, mọi yêu cầu của tỉnh, thành phố đề nghị Trung ương trợ giúp về cứu hộ, cứu nạn, ứng phó với thiên tai phải được thực hiện bằng văn bản để đảm bảo tính chính xác của thông tin.

5.2. Cứu hộ, cứu nạn trong nước

Ủy ban nhân dân, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, thành phố có Văn bản gửi về Ủy ban Quốc gia TKCN là cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ TKCN, đồng thời gửi cho Ban Chỉ đạo TWPCTT và cơ quan quản lý chuyên ngành để phối hợp, bao gồm các nội dung:

a) Đối với tàu thuyền trên biển

Số hiệu tàu, số người trên tàu (tên từng người), thuyền trưởng, chủ tàu, vị trí hiện tại của tàu, tình trạng sự cố, tình trạng thông tin,...

b) Đối với sự cố trên đất liền

Vị trí sự cố cần cứu hộ, cứu nạn, hiện trạng sự cố, số người cần cứu hộ, tình trạng giao thông đến khu vực xảy ra sự cố, loại phương tiện đề nghị...

5.3. Cứu hộ, cứu nạn hoặc cho người, phương tiện vào trú tránh ở các nước trong khu vực

Ủy ban nhân dân, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, thành phố có Văn bản gửi về Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao để Cục liên hệ với các nước liên quan, đồng thời gửi cho Ủy ban Quốc gia TKCN và Ban Chỉ đạo TWPCTT để phối hợp, bao gồm các nội dung:

Số hiệu phương tiện, số người trên phương tiện (tên từng người), thuyền trưởng, chủ tàu, vị trí hiện tại của phương tiện, tình trạng sự cố, tình trạng thông tin; nơi đề nghị được vào trú tránh...

5.4. Đề nghị về huy động lực lượng, vật tư, phương tiện để cứu hộ đê Điều, hồ đập và công trình thủy lợi, ứng phó thiên tai

Ủy ban nhân dân, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, thành phố có Văn bản gửi về Ban chỉ đạo TWPCTT để chỉ đạo xử lý, đồng thời gửi cho Ủy ban Quốc gia TKCN và cơ quan quản lý chuyên ngành để phối hợp.

Trong trường hợp thành lập Ban Chỉ đạo Tiền phương, các công điện, công văn, báo cáo phải gửi cho Ban Chỉ đạo Tiền phương đồng thời gửi Ban chỉ đạo TWPCTT và Ủy ban Quốc gia TKCN.

6. Về công tác triển khai ứng phó với thiên tai

Khi nhận được thông tin dự báo, cảnh báo, công điện chỉ đạo, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, thành phố và các Bộ, ngành phải khẩn trương triển khai thực hiện các biện pháp để ứng phó kịp thời với các tình huống thiên tai diễn ra trên từng địa bàn theo quy định của Luật Phòng, chống thiên tai; Nghị định số 66/2014/NĐ-CP ngày 04/7/2014 quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số Điều của Luật Phòng, chống thiên tai; Quyết định số 44/2014/QĐ-TTg ngày 15/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết về cấp độ rủi ro thiên tai; Quyết định số 46/2014/QĐ-TTg ngày 15/8/2014 quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.

Trên đây là một số hướng dẫn về công tác trực ban phòng, chống thiên tai của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai gửi Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các Bộ, ngành và các địa phương làm cơ sở để tổ chức, triển khai thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng - Trưởng ban (để b/c);
- Các thành viên Ban chỉ đạo TWPCTT;
- Văn phòng TT Ban Chỉ đạo TWPCTT;
- Lưu: VT, PCTT (NVTH-3b).

KT. TRƯỞNG BAN
PHÓ TRƯỞNG BAN THƯỜNG TRỰC




Hoàng Văn Thắng