Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BAN CHỈ ĐẠO TRUNG ƯƠNG
CHƯƠNG TRÌNH MTQG
XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 14/BCĐTW-VPĐP
V/v chỉ đạo xây dựng kế hoạch duy t và nâng cao chất lượng tiêu chí đối với các xã đã đt chuẩn nông thôn mới

Hà Nội, ngày 25 tháng 08 năm 2015

 

Kính gửi:

Đồng chí Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

 

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh tại Thông báo số 247/TB-VPCP ngày 24/7/2015 của Văn phòng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đề nghị Ban Chỉ đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo xây dựng kế hoạch duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí đối với các xã sau khi đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, cụ thể như sau:

1. Quan điểm chỉ đạo

a) Các xã sau khi đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới cần xây dựng kế hoạch duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, đảm bảo sự tăng trưởng và phát triển bền vững.

b) Đối với các xã đã đạt chuẩn có thể bổ sung thêm các tiêu chí mới, nhưng trước hết tập trung rà soát, duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí theo Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới đã có.

c) Nâng cao chất lượng tiêu chí bao gồm nâng mức đạt của các chỉ tiêu của Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới và bổ sung một số chỉ tiêu phản ánh mức độ hưởng thụ cao hơn về vật chất, tinh thần của người dân nông thôn. Đồng thời, quy định tốc độ tăng trưởng tối thiểu cần đạt đối với một số tiêu chí khi xem xét công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới bền vững.

d) Sau 05 năm xét công nhận lại xã đạt chuẩn nông thôn mới, những xã đạt chuẩn bền vững sẽ tiếp tục được ưu tiên hỗ trợ từ nguồn ngân sách Nhà nước để tạo điều kiện cho phát triển.

2. Mục tiêu và yêu cầu của kế hoạch duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí

a) Mục tiêu của kế hoạch: duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, đảm bảo đạt chuẩn và phát triển nông thôn bền vững.

b) Yêu Cầu của kế hoạch

- Xác định rõ nội dung công việc, thời gian, giải pháp thực hiện và phân công trách nhiệm cụ thể cho các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan trong tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch.

- Phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và nhu cầu của người dân.

3. Một số nội dung chủ yếu của kế hoạch duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí

a) Các nội dung cần ưu tiên

(1) Tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn xã nhằm tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội, tăng mức độ hưởng thụ trực tiếp cho cư dân nông thôn, bao gồm:

- Hoàn thiện hệ thống giao thông trên địa bàn xã: nâng cao tỷ lệ km đường trục thôn, xóm được cứng hóa đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông Vận tải; tỷ lệ km đường ngõ, xóm được cứng hóa; tỷ lệ km đường trục chính nội đồng được cứng hóa, xe cơ giới đi lại thuận tiện.

- Hoàn thiện hệ thống các công trình đảm bảo cung cấp điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất trên địa bàn xã (đặc biệt là hệ thống điện phục vụ các khu vực sản xuất hàng hóa tập trung),

- Hoàn thiện các công trình đảm bảo cung cấp nước sạch hợp vệ sinh cho người dân trên địa bàn. Nâng cao tỷ lệ hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh và tỷ lệ hộ chăn nuôi có chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh.

- Hoàn thiện hệ thống các công trình phục vụ việc chuẩn hóa về giáo dục trên địa bàn xã.

- Hoàn thiện hệ thống các công trình cùng các trang thiết bị phù hợp (hệ thống âm thanh, ánh sáng, bàn ghế, các loại nhạc cụ phù hợp...) phục vụ nhu cầu về hoạt động văn hóa, thể thao trên địa bàn xã; xây dựng nội dung và tổ chức hoạt động thường xuyên.

- Tổ chức thực hiện công tác duy tu, bảo trì các công trình, đảm bảo nâng cao hiệu quả của hệ thống cơ sở hạ tầng trên địa bàn xã.

(2) Phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân:

- Tập trung triển khai các dự án phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa chủ lực trên địa bàn xã theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đảm bảo thu nhập bình quân đầu người hàng năm đạt và vượt mức quy định (theo vùng) do Tổng cục Thống kê ban hành.

- Phấn đấu không còn hộ nghèo (trừ các trường hợp thuộc diện bảo trợ xã hội theo quy định).

- Tiếp tục đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giải quyết việc làm, nâng cao tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên.

- Có ít nhất 01 hợp tác xã hoặc tổ hợp tác hoạt động hiệu quả, có giá trị sản lượng nông sản liên kết tiêu thụ giữa nông dân (hoặc hợp tác xã, tổ hợp tác) với các đối tác kinh tế khác đạt mức tối thiểu 03 tỷ đồng/xã/năm.

(3) Nâng cao chất lượng môi trường nông thôn:

- Tổ chức tập huấn, tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân về bảo vệ, cải thiện cảnh quan, môi trường nơi sinh sống và sản xuất.

- Xây dựng và nhân rộng các mô hình ứng dụng khoa học, công nghệ trong phân loại, thu gom, xử lý rác thải, nước thải từ hộ gia đình; mô hình xã, thôn xanh - sạch - đẹp.

(4) Phát triển đời sống văn hóa nông thôn:

- Xây dựng đời sống văn hóa nông thôn mới; phát triển mạnh các phong trào văn hóa, thể thao cơ sở; bảo tồn và phát huy giá trị tốt đẹp của các hoạt động văn hóa truyền thống gắn với bản sắc văn hóa của từng dân tộc, vùng miền.

- Nâng cao tỷ lệ số thôn, bản, hộ gia đình đạt tiêu chuẩn văn hóa theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

(5) Nâng cao chất lượng hệ thống tổ chức chính trị xã hội và năng lực cán bộ, công chức xã:

- Tiếp tục tổ chức đào tạo cán bộ, công chức xã đạt chuẩn theo quy định của Bộ Nội vụ, đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới.

- Bố trí công chức cấp xã chuyên trách về xây dựng nông thôn mới (theo quy định tại Quyết định số 1996/QĐ-TTg ngày 04/11/2014 của Thủ tướng Chính phủ).

- Các tổ chức chính trị - xã hội của xã có đề án tham gia xây dựng nông thôn mới, hàng năm triển khai thực hiện có kết quả cụ thể.

- Định kỳ tổ chức lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân về chất lượng cung cấp dịch vụ công và kết quả xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã.

(6) Giữ vững an ninh, trật tự xã hội:

Xây dựng nội quy, quy ước làng xóm về trật tự, an ninh; phòng, chống các tệ nạn xã hội và các hủ tục lạc hậu; tổ chức các mô hình cộng đồng tự quản bảo vệ an ninh trật tự xã hội ở thôn, xóm.

b) Các nội dung cần tiếp tục duy trì và thực hiện có hiệu quả

(1) Rà soát, bổ sung, cập nhật quy hoạch để phù hợp với yêu cầu tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp - dịch vụ - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn, hướng đến tăng thu nhập bền vững cho người dân và phát triển môi trường cảnh quan xanh - sạch - đẹp.

(2) Về cơ sở hạ tầng phụ trợ phục vụ nhu cầu phát triển sản xuất, đời sống của cư dân nông thôn:

- Hoàn thiện hệ thống thủy lợi trên địa bàn xã theo quy hoạch.

- Nâng cao hiệu quả sử dụng hệ thống các công trình cơ sở hạ tầng phục vụ thương mại và dịch vụ trên địa bàn.

- Nâng cấp cơ sở vật chất cho hệ thống thông tin và truyền thông cơ sở.

- Nâng cao tỷ lệ hộ có nhà ở đạt tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng.

(3) Về giáo dục, y tế:

- Nâng cao chất lượng công tác dạy và học ở các cấp. Tiếp tục nâng cao tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở được tiếp tục học trung học (phổ thông, bổ túc, học nghề).

- Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân trên địa bàn xã. Nâng cao tỷ lệ người dân tham gia Bảo hiểm y tế.

4. Tổ chức thực hiện

a) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kế hoạch duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí.

b) Ban Chỉ đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

- Chỉ đạo các Sở, ngành thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ điều kiện thực tế của địa phương, hướng dẫn cụ thể việc xây dựng và thực hiện kế hoạch duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí cho các xã sau khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

- Chỉ đạo các xã xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí theo hướng dẫn của cấp có thẩm quyền. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kế hoạch.

- Hàng năm tiếp tục hỗ trợ kinh phí từ ngân sách Nhà nước đối với các xã đã đạt chuẩn có kế hoạch và thực hiện kế hoạch duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí. Những xã chưa có kế hoạch duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí thì chưa được xem xét cấp kinh phí.

- Sau 05 năm (kể từ khi được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới), cấp có thẩm quyền tổ chức thẩm tra, thẩm định, xét để quyết định công nhận lại xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Trên đây là một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo Trung ương đề nghị các đồng chí Trưởng Ban Chỉ đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo triển khai, định kỳ 06 tháng và hàng năm báo cáo kết quả thực hiện gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Số 2 Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh (để b/c);
- Các đồng chí thành viên BCĐTW;
- Các đồng chí cố vấn BCĐTW;
- Văn phòng Chính phủ;
- Lưu: VT, VPĐP. (85).

KT. TRƯỞNG BAN
PHÓ TRƯỞNG BAN THƯỜNG TRỰC




BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Cao Đức Phát