Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 14093/BTC-TCHQ
V/v xử lý tiền phạt chậm nộp thuế  

Hà Nội, ngày 06 tháng 10 năm 2009

 

Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ

Để tháo gỡ khó khăn, thực hiện chủ trương kích cầu, tiếp tục giải quyết các khoản nợ thuế, ngày 11/05/2009 Chính phủ đã có Tờ trình số 74/TTr-CP báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội 4 vấn đề, trong đó có nội dung về việc xóa và giãn tiền thuế, tiền phạt chậm nộp thuế đối với các trường hợp có khó khăn khách quan (nêu tại điểm 4 Tờ trình). Căn cứ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã có Tờ trình Quốc hội 3 vấn đề, riêng vấn đề về miễn phạt chậm nộp thuế, thực hiện theo thẩm quyền của Chính phủ. Trên cơ sở đó Bộ Tài chính xin báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý tiền phạt chậm nộp thuế như sau:

I. TÓM TẮT THỰC TRẠNG TÌNH HÌNH NỢ PHẠT CHẬM NỘP THUẾ

1. Thực hiện Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP ngày 11/12/2008, Quyết định số 16/2009/QĐ-TTg ngày 21/01/2009, Quyết định số 58/QĐ-TTg ngày 16/04/2009 của Chính phủ về những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, kích cầu đầu tư, kích cầu tiêu dùng, bảo đảm an sinh xã hội, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã ban hành một số văn bản sửa đổi mức thuế suất thuế xuất khẩu, nhập khẩu, giảm 50% thuế suất thuế giá trị gia tăng, gia hạn thời hạn nộp thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu sản xuất hàng xuất khẩu, gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng đối với máy móc thiết bị phục vụ dự án đầu tư; giảm 30% và giãn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp thuộc một số ngành nghề, mở rộng điều kiện thông quan hàng hóa, thực hiện kiểm tra trước thanh khoản/hoàn thuế sau đối với trường hợp nợ chứng từ thanh toán qua ngân hàng.v.v.

Các giải pháp trên đã có tác dụng tích cực đối với các doanh nghiệp, góp phần quan trọng trong việc duy trì, ổn định phát triển sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội trong bối cảnh suy thoái kinh tế thế giới, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tái đầu tư và thanh toán các khoản nợ trong đó có nợ thuế.

Tuy nhiên, do Luật quản lý thuế quy định nếu doanh nghiệp có nợ phạt chậm nộp thuế thì không được ân hạn thuế, trường hợp muốn nợ thuế phải được ngân hàng bảo lãnh. Nếu nợ phạt quá hạn quá 90 ngày thì bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế (như trích tiền từ tài khoản ngân hàng, không cho đăng ký tờ khai …), nên ngoài khó khăn chung của nền kinh tế, các doanh nghiệp có nợ phạt chậm nộp thuế lại càng khó khăn hơn. Một số doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng, một số khác có nguy cơ phá sản, ngừng hoạt động do đó khó có khả năng thanh toán hết các khoản nợ thuế và nợ phạt chậm nộp thuế nên đã có văn bản xin được miễn các khoản nợ phạt chậm nộp thuế đối với các trường hợp có lý do khách quan.

2. Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, tính đến ngày 30/6/2009 nợ phạt chậm nộp của hàng hóa XNK là 472 tỷ đồng (trong đó do nguyên nhân khách quan khoảng hơn 200 tỷ đồng) và nợ phạt chậm nộp của các loại thuế sản xuất, kinh doanh trong nước là 979 tỷ đồng (trong đó do nguyên nhân khách quan khoảng hơn 500 tỷ đồng).

3. Các nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nợ phạt chậm nộp thuế:

3.1. Do các nguyên nhân khách quan, không do lỗi của doanh nghiệp:

3.1.1. Doanh nghiệp do gặp phải thiên tai, tại nạn bất ngờ trong quá trình sản xuất, kinh doanh như mưa bão lụt, hạn hán, cháy; do khủng hoảng kinh tế Châu Á năm 1998 hoặc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008 dẫn đến doanh nghiệp có khó khăn về tài chính phải ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng nên doanh nghiệp không bố trí được kịp thời nguồn vốn để nộp thuế. Một số trường hợp thuộc các nguyên nhân này phát sinh trước ngày 1/7/2007 đã thuộc đối tượng để được khoanh nợ, giãn nợ và được miễn phạt chậm nộp trong thời gian được khoanh nợ, giãn nợ theo quy định tại Quyết định số 172/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhưng vào thời điểm đó các doanh nghiệp chưa hiểu hết thủ tục nên không đề nghị được khoanh nợ, giãn nợ, hoặc đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính cho khoan nợ, giãn nợ trong một khoảng thời gian, nhưng hết thời gian được khoanh nợ, giãn nợ, doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn chưa có khả năng nộp hết tiền thuế, dẫn đến thời gian nợ thuế kéo dài, khi nộp hết tiền thuế thì phát sinh nợ phạt chậm nộp rất lớn nên doanh nghiệp không có khả năng nộp được số tiền phạt này.

3.1.2. Do cơ chế chính sách của nhà nước thay đổi phát sinh các khoản phải nộp, phạt chậm nộp tăng thêm, như:

a) Nợ phạt chậm nộp phát sinh từ nguyên nhân do chính sách chưa rõ ràng về đối tượng, mã số, mức thuế suất, giá tính thuế, xuất xứ, chính sách miễn, giảm, hoàn thuế, thủ tục kê khai thuế v.v., nhưng cơ quan có thẩm quyền chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể nên đã hiểu và áp dụng khác nhau (doanh nghiệp tự khai, tự nộp thuế, đã bán hàng, hạch toán kinh doanh theo số thuế đã kê khai và được cơ quan thuế, hải quan chấp nhận. Tuy nhiên, sau một thời gian, có những trường hợp sau 3-5 năm hoặc lâu hơn, cơ quan hải quan, cơ quan thuế kiểm tra sau thông quan hoặc thanh tra thuế đã truy thu thuế, xử phạt chậm nộp đối với số thuế truy thu thêm). Một số trường hợp vì số tiền thuế truy thu quá lớn, để đảm bảo tính khả thi của việc truy thu, cơ quan thuế, hải quan đã phải cho nộp theo phân kỳ nên thời gian nợ thuế kéo dài, số tiền phạt chậm nộp vì thế cũng tăng. Các doanh nghiệp này càng gặp khó khăn trong việc nộp tiền phạt chậm nộp (việc cho nộp thuế truy thu theo phân kỳ như thời gian qua đã rất có hiệu quả trong công tác thu nợ thuế, tạo điều kiện để doanh nghiệp bố trí nguồn nộp thuế truy thu, đối với những doanh nghiệp nợ thuế đã nộp hết số nợ gốc theo cam kết, nếu được xóa/miễn phạt chậm nộp sẽ tác động tích cực tới việc nộp số nợ đọng của doanh nghiệp).

b) Do chính sách của nhà nước thay đổi liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp nên doanh nghiệp bị động không phải do chủ quan của doanh nghiệp, ví dụ như: thay đổi chính sách đầu tư (từ lĩnh vực, địa bàn ưu đãi đầu tư thành lĩnh vực, địa bàn không được ưu đãi đầu tư); thay đổi chính sách thuế (từ mức thuế thấp lên mức thuế cao), hoặc từ đối tượng không chịu thuế thành đối tượng chịu thuế; thay đổi trụ sở doanh nghiệp để phục vụ quy hoạch mới về giao thông hoặc quy hoạch mới về đô thị … làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (doanh nghiệp phải di chuyển địa điểm, phải thay đổi ngành nghề, sản phẩm, quy mô, khách hàng, giá bán, phương án kinh doanh v.v), nên hiệu quả kinh doanh giảm, thua lỗ, dẫn đến chậm nộp thuế.

3.1.3. Nợ phạt chậm nộp do các nguyên nhân khách quan bất khả kháng khác:

a) Nợ phạt chậm nộp thuế phát sinh từ số tiền thuế của nguyên liệu gia công, nguyên liệu sản xuất xuất khẩu dôi dư qua thanh khoản, hoặc của hàng hóa tạm nhập tái xuất nhưng vì lý do bất khả kháng (khách hàng nước ngoài hủy hợp đồng, gặp thiên tai, tai nạn bất ngờ) doanh nghiệp không xuất khẩu được buộc phải chuyển tiêu thụ nội địa. Khi chuyển tiêu thụ nội địa, các nguyên liệu này phải tính lại thời hạn nộp thuế như hàng nhập khẩu kinh doanh bình thường là bất hợp lý, dẫn đến số tiền phạt chậm nộp rất cao doanh nghiệp không có nguồn nộp.

b) Doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu gia công, nguyên liệu sản xuất xuất khẩu, tạm nhập tái xuất đã thực xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài, nhưng do khách hàng nước ngoài phá sản, không thanh toán hoặc do sự việc phát sinh đã lâu, nhân viên thay đổi nhiều nên chưa có đủ hồ sơ cung cấp cho cơ quan hải quan thanh khoản, vì vậy trong thời gian chưa xuất trình đủ chứng từ chứng minh hàng đã thực xuất khẩu, để được hoạt động xuất nhập khẩu bình thường, doanh nghiệp đã chấp nhận nộp thuế nhưng xin không phải nộp phạt chậm nộp (lý do các doanh nghiệp đề nghị miễn phạt là số hàng hóa này đã thực xuất khẩu, nếu có đủ giấy tờ thì số tiền thuế gốc doanh nghiệp cũng không phải nộp; vì không có đủ giấy tờ chứng minh hàng đã thực xuất khẩu nên doanh nghiệp phải tạm nộp thuế theo thời hạn nộp thuế của hàng kinh doanh dẫn đên số tiền phạt chậm nộp rất cao so với thực tế, các doanh nghiệp khó khăn, do đó xin được miễn phạt chậm nộp).

c) Các trường hợp nguồn tiền nộp thuế từ ngân sách hoặc thực hiện ghi thu chi qua ngân sách nhưng ngân sách chậm bố trí tiền để nộp thuế hoặc không giải quyết ghi thu ghi chi kịp thời nên phát sinh phạt chậm nộp.

3.1.4. Một số doanh nghiệp Nhà nước đã được chuyển đổi cổ phần hóa, nhưng sau khi đã cổ phần hóa xong, cơ quan thuế, cơ quan hải quan mới kiểm tra xác định có các khoản nợ phạt chậm nộp thuế nên đối tượng nộp nợ phạt đã có thay đổi (thực chất khoản nợ này là của doanh nghiệp nhà nước, nhưng do cơ quan thuế, cơ quan hải quan thông báo chậm); hoặc khi xác định giá trị doanh nghiệp đã không đưa khoản này vào tổng nợ phải trả để giảm vốn nhà nước hoặc xóa nợ này, vì vậy công ty cổ phần không nhận các khoản nợ này.

3.2. Về chủ quan và một số nguyên nhân khác:

a) Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu có hiệu lực thi hành trước 01/01/2006 cho phép doanh nghiệp được nợ thuế mà không ràng buộc điều kiện phải là doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật thuế như Luật hiện hành, cộng với sự hiểu biết và ý thức tuân thủ pháp luật của một số doanh nghiệp chưa cao tuy có khả năng nộp thuế, nhưng còn lợi dụng thông thoáng của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu trước đây để chây ỳ, không chịu nộp thuế đúng hạn .v.v.

b) Chế tài xử phạt chậm nộp thuế trước khi thực hiện Luật Quản lý thuế (trước 01/07/2007) là quá cao so với lãi suất ngân hàng nên doanh nghiệp chưa tự nguyện tuân thủ v.v. (Luật thuế ban hành năm 1991 quy định tỷ lệ phạt chậm nộp là 0,5%/ngày; Luật sửa đổi, bổ sung năm 1993 là 0,2%/ngày; Luật sửa đổi, bổ sung năm 1998 là 0,1%/ngày; Luật Quản lý thuế ban hành năm 2006 là 0,05%/ngày);

II. GIẢI PHÁP THÁO GỠ KHÓ KHĂN ĐỐI VỚI SỐ TIỀN PHẠT CHẬM NỘP THUẾ CÓ NGUYÊN NHÂN KHÁCH QUAN

1. Để tiếp tục ngăn chặn suy giảm kinh tế, kích cầu đầu tư, kích cầu tiêu dùng, bảo đảm an sinh xã hội, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đã cố gắng nộp hết tiền thuế gốc, chỉ còn nợ tiền phạt chậm nộp thuế thuộc các nguyên nhân khách quan không thuộc lỗi của doanh nghiệp; Bộ Tài chính kính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc:

a) Giao Bộ Tài chính miễn phạt chậm nộp thuế thuộc các nguyên nhân khách quan như nêu tại điểm 3 mục I, nếu doanh nghiệp đã nộp hết nợ thuế gốc chỉ còn nợ tiền phạt chậm nộp thuế.

b) Trong thời gian chờ Thủ tướng Chính phủ xem xét miễn phạt chậm nộp thuế thuộc các nguyên nhân khách quan, trình Thủ tướng Chính phủ cho phép tạm thời chưa áp dụng các biện pháp cưỡng chế quy định tại Điều 93 Luật Quản lý thuế đối với các doanh nghiệp đã nộp hết nợ gốc chỉ còn nợ tiền phạt chậm nộp thuế thuộc các nguyên nhân khách quan như nêu tại điểm 3 mục I với điều kiện ngoài khoản nợ phạt chậm nộp thuế do các nguyên nhân khách quan doanh nghiệp không có khoản nợ quá hạn 90 ngày nào khác và có cam kết chấp hành quyết định cuối cùng của Bộ trưởng Bộ Tài chính về số tiền phạt chậm nộp thuế.

2. Cơ sở để Bộ Tài chính đề nghị Thủ tướng Chính phủ xử lý theo hướng nêu trên:

2.1. Cơ sở pháp lý:

a) Quy định về đối tượng và thẩm quyền gia hạn nộp thuế tại Điều 49 Luật Quản lý thuế (khoản 1 quy định: a) Bị thiệt hại vật chất, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh do gặp thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ; b) Không có khả năng nộp thuế đúng hạn do gặp khó khăn đặc biệt khác theo quy định của Chính phủ; Khoản 4 quy định: Người nộp thuế không bị phạt chậm nộp tính trên số tiền thuế nợ trong thời gian gia hạn nộp thuế”);

b) Quy định về đối tượng và thẩm quyền miễn xử phạt vi phạm pháp luật về thuế tại Điều 111 Luật Quản lý thuế (khoản 1 Điều 111 quy định: Người bị xử phạt vi phạm pháp luật về thuế có quyền đề nghị miễn xử phạt vi phạm pháp luật về thuế trong trường hợp gặp thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ hoặc trường hợp bất khả kháng khác …; Khoản 3 Điều 111 quy định: “Chính phủ quy định thẩm quyền, thủ tục miễn xử phạt”);

2.2. Cơ sở khác:

Hướng xử lý Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ tại Tờ trình này là phù hợp với kiến nghị của Bộ Kế hoạch Đầu tư tại công văn 3676/BC-BKH ngày 25/05/2009 về việc báo cáo tổng hợp kết quả kiểm tra thực hiện Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (tại báo cáo này Bộ Kế hoạch và Đầu tư có đề nghị Thủ tướng Chính phủ: xem xét miễn, giảm tiền phạt chậm nộp thuế XNK phát sinh trước ngày 01/07/2007 cho những doanh nghiệp đã nộp xong số nợ thuế gốc, chỉ còn tiền phạt chậm nộp; tạm thời chưa áp dụng cưỡng chế đối với số nợ phạt chậm nộp thuế nếu doanh nghiệp đã nộp xong số nợ thuế);

Kính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định và cho ý kiến chỉ đạo thực hiện.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Lưu: VT, TCHQ (15)

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Đỗ Hoàng Anh Tuấn