Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 14494/BTC-QLKT
V/v Hướng dẫn vốn hóa chi phí lãi vay khi mua sắm máy móc, thiết bị

Hà Nội, ngày 21 tháng 11 năm 2018

 

Kính gửi: Công ty TNHH Crowe Việt Nam

Ngày 19/10/2018, Bộ Tài chính nhận được công văn số 10005/VPCP-ĐMDN ngày 15/10/2018 về kiến nghị của Quý Công ty liên quan đến hướng dẫn vốn hóa chi phí lãi vay khi mua sắm máy móc, thiết bị. Về vấn đề này, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:

Tại ý kiến trả lời độc giả baypham8479@gmail.com về việc vốn hóa chi phí lãi vay khi mua sắm máy móc thiết bị, Bộ Tài chính đã trả lời độc giả theo hướng doanh nghiệp không được vốn hóa chi phí lãi vay để mua máy móc thiết bị mới và đưa ngay vào sử dụng. Việc hướng dẫn này của Bộ Tài chính là hoàn toàn phù hợp với các căn cứ pháp lý sau đây:

- Đoạn 07, 08 chuẩn mực kế toán Việt Nam số 16- Chi phí đi vay (VAS 16) quy định doanh nghiệp chỉ được vốn hóa chi phí đi vay liên quan trực tiếp đến việc đầu tư xây dựng hoặc sản xuất tài sản dở dang. Trong đó tài sản dở dang là những tài sản đang trong quá trình đầu tư xây dựng và tài sản đang trong quá trình sản xuất cần một thời gian đủ dài (trên 12 tháng) để có thể đưa vào sử dụng theo mục đích định trước hoặc để bán.

- Điểm d1 khoản 1 Điều 35 Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 về hướng dẫn Chế độ kế toán doanh nghiệp quy định:

“d1) Nguyên giá TSCĐ hữu hình do mua sắm, bao gồm: Giá mua (trừ các khoản được chiết khấu thương mại, giảm giá), các khoản thuế (không bao gồm các khoản thuế được hoàn lại) và các chi phí liên quan trực tiếp để việc đưa tài sản vào trạng thái sẵn sàng sử dụng như chi phí chuẩn bị mặt bằng, chi phí vận chuyển và bốc xếp ban đầu, chi phí lắp đặt, chạy thử (trừ (-) các khoản thu hồi về sản phẩm, phế liệu do chạy thử), chi phí chuyên gia và các chi phí liên quan trực tiếp khác. Chi phí lãi vay phát sinh khi mua sắm TSCĐ đã hoàn thiện (TSCĐ sử dụng được ngay mà không cần qua quá trình đầu tư xây dựng) không được vốn hóa vào nguyên giá TSCĐ.

Tại Điều 2 Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp quy định "Thông tư này hướng dẫn việc ghi s kế toán, lập và trình bày Báo cáo tài chính, không áp dụng cho việc xác định nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp đối với ngân sách Nhà nước".

Như vậy, Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 16- Chi phí đi vay, Thông tư số 200/2014/TT-BTC hướng dẫn Chế độ kế toán doanh nghiệp đã quy định về việc vốn hóa chi phí lãi vay khi mua sắm máy móc, thiết bị. Do đó, đề nghị Quý Công ty căn cứ vào các quy định nêu trên và thực tế tại đơn vị để ghi sổ kế toán, lập và trình bày BCTC theo đúng quy định của pháp luật.

Trên đây là ý kiến của Bộ Tài chính, kính chuyển Quý Công ty nghiên cứu, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Lãnh đạo Bộ (để báo cáo);
- Vụ Pháp chế;
- Văn phòng Chính phủ;
- VCCI;
- Lưu VT, Cục QLKT (8b)

TL. BỘ TRƯỞNG
KT. CỤC TRƯỞNG CỤC QUẢN LÝ
GIÁM SÁT KẾ TOÁN, KIỂM TOÁN
PHÓ CỤC TRƯỞNG




Lưu Đức Tuyên