Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 14518/BTC-NSNN
V/v sử dụng kinh phí tạm giữ theo Chthị số 06/CT-TTg

Hà Nội, ngày 16 tháng 10 năm 2015

 

Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 2101/VPCP-KTTH ngày 05/10/2015 của Văn phòng Chính phủ về việc sử dụng kinh phí tạm giữ lại theo Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 21/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2015. Bộ Tài chính hướng dẫn việc sử dụng số kinh phí 10% dự toán chi thường xuyên 8 tháng cuối năm của các đơn vị sử dụng ngân sách và nguồn 50% dự phòng NSĐP năm 2015 đang tạm giữ lại theo Chỉ thị số 06/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ như sau:

1. Đối với các địa phương đánh giá thu cân đối NSĐP (không kể thu tiền sử dụng đất) đạt và vượt dự toán:

Được sử dụng các nguồn kinh phí đang tạm giữ lại theo Chỉ thị số 06/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ (gồm 10% dự toán chi thường xuyên 8 tháng cuối năm của các đơn vị sử dụng ngân sách và 50% nguồn dự phòng NSĐP năm 2015) để thực hiện các nhiệm vụ chi đã bố trí dự toán đầu năm và đáp ứng các nhu cầu chi cấp thiết phát sinh theo quy định, trong đó lưu ý:

- Cho phép các đơn vị sử dụng ngân sách được sử dụng số kinh phí 10% dự toán chi thường xuyên 8 tháng cuối năm 2015 đang tạm giữ lại tại Kho bạc Nhà nước, để tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ theo dự toán đã giao từ đầu năm.

- Trường hợp địa phương hoàn thành vượt dự toán thu cân đối được giao, địa phương sử dụng 50% số vượt thu (ngoài thu tiền sử dụng đất) để tạo nguồn cải cách tiền lương theo quy định, bao gồm cả đảm bảo thực hiện mức lương cơ sở đến 1,15 triệu đồng/tháng và điều chỉnh tiền lương đối với các đối tượng có thu nhập thấp; 50% vượt thu còn lại, kết hợp với nguồn dự phòng NSĐP sử dụng để xử lý các nhu cầu chi cấp thiết phát sinh, ưu tiên xử lý thanh toán nợ XDCB, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.

2. Đối với các địa phương có khả năng hụt thu cân đối NSĐP (không kể thu tiền sử dụng đất):

a) Căn cứ số đăng ký tạm giữ 10% dự toán chi thường xuyên (trừ các khoản chi tiền lương, phụ cấp theo lương, chi cho con người theo chế độ, tiết kiệm chi 10% để tạo nguồn cải cách tiền lương theo dự toán đầu năm, chi đảm bảo nhiệm vụ quốc phòng, an ninh) 8 tháng cuối năm theo hướng dẫn của Bộ Tài chính tại văn bản số 5652/BTC-NSNN ngày 27/4/2015 về việc xác định số chi thường xuyên 8 tháng cuối năm 2015 tạm giữ lại; trên cơ sở ý kiến thẩm định của cơ quan Tài chính địa phương (nếu có) về việc thực hiện tạm giữ lại 10% dự toán chi thường xuyên của các cơ quan, đơn vị đối với các trường hợp cần phải điều chỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp ở địa phương ban hành quyết định giảm dự toán chi NSNN năm 2015 đối với các cơ quan, đơn vị tương ứng với số kinh phí đã đăng ký tạm giữ để bổ sung vào dự phòng NSĐP.

Căn cứ số giảm dự toán chi NSNN được cấp có thẩm quyền giao, các đơn vị dự toán cấp I thực hiện giao số giảm chi cho từng đơn vị sử dụng ngân sách trực thuộc trước ngày 31 tháng 10 năm 2015, đảm bảo khớp đúng cả về tổng mức và chi tiết theo phương án đăng ký tạm giữ đã được phê duyệt; đồng gửi cơ quan Tài chính địa phương và Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch.

Cơ quan tài chính địa phương phối hợp với KBNN đồng cấp thực hiện giảm dự toán và kiểm soát số chi NSNN năm 2015 của cơ quan, đơn vị trong phạm vi dự toán còn lại (sau khi đã giảm dự toán chi).

b) Nguồn 50% dự phòng NSĐP đang giữ lại, kết hợp với số giảm 10% dự toán chi thường xuyên 8 tháng cuối năm của các đơn vị sử dụng ngân sách nêu trên, được sử dụng để bù đắp số hụt thu cân đối NSĐP năm 2015, trong đó lưu ý:

- Trường hợp nguồn bù đắp lớn hơn số hụt thu cân đối NSĐP, số dư nguồn tiếp tục được sử dụng để đáp ứng các nhu cầu chi cấp thiết phát sinh, tập trung ưu tiên cho các nhiệm vụ khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh và bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.

- Trường hợp nguồn bù đắp nhỏ hơn số hụt thu cân đối NSĐP, phải sử dụng thêm các nguồn lực tài chính tại chỗ (nguồn cải cách tiền lương còn dư, 30% quỹ dự trữ tài chính địa phương...) để xử lý số còn thiếu nguồn. Nếu sau khi đã thực hiện giải pháp này mà điều hành NSĐP vẫn khó khăn, địa phương kịp thời có báo cáo bằng văn bản về Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ cho phép ứng NSTW để có nguồn đảm bảo các nhiệm vụ chi quan trọng, đặc biệt là các chế độ, chính sách cho con người. Đến hết năm 2015, căn cứ vào kết quả thu thực tế của địa phương và khả năng của NSTW, Bộ Tài chính sẽ tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền việc xử lý cụ thể đối với các địa phương có khó khăn.

3. Các địa phương thực hiện đánh giá khả năng thu cân đối NSĐP (không kể thu tiền sử dụng đất) để quyết định phương án điều hành cụ thể đối với số tạm giữ 10% chi thường xuyên và 50% dự phòng NSĐP và phải chịu trách nhiệm về mức đánh giá của mình.

4. Ngoài việc sử dụng các nguồn kinh phí tạm giữ lại theo Chỉ thị số 06/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ nêu trên, trong quá trình điều hành NSNN năm 2015 đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo thực hiện nghiêm việc cắt giảm đối với kinh phí thường xuyên đã giao dự toán đầu năm cho các đơn vị sử dụng ngân sách, nhưng đến ngày 30/6/2015 chưa phân bổ hoặc đã phân bổ nhưng chưa triển khai thực hiện, chưa phê duyệt dự toán, chưa tổ chức đấu thầu .... theo Nghị quyết số 01/2015/NQ-CP ngày 03/01/2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2015, Chỉ thị số 06/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn tại văn bản số 3695/BTC-HCSN ngày 20/3/2015 của Bộ Tài chính.

Số kinh phí cắt giảm từ các đối tượng nêu trên được bổ sung dự phòng NSĐP, theo nguyên tắc khoản cắt giảm thuộc ngân sách cấp nào thì bổ sung dự phòng ngân sách cấp đó; việc sử dụng cũng tương tự như đối với các nguồn kinh phí tạm giữ lại và theo thực tế phát sinh. Theo đó, các địa phương khả năng hụt thu cân đối NSĐP được sử dụng số kinh phí cắt giảm để bù đắp hụt thu ngân sách; các địa phương còn lại được sử dụng số kinh phí cắt giảm để đáp ứng các nhu cầu chi cấp thiết phát sinh trên địa bàn.

Trên đây là hướng dẫn việc sử dụng số kinh phí 10% dự toán chi thường xuyên 8 tháng cuối năm của các đơn vị sử dụng ngân sách và nguồn 50% dự phòng NSĐP năm 2015 đang tạm giữ lại theo Chỉ thị số 06/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trên cơ sở đó, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét ban hành văn bản hướng dẫn việc xử lý cụ thể đối với từng cấp NSĐP, phù hợp với tình hình thực tế và khả năng ngân sách tại địa phương.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh về Bộ Tài chính để giải quyết kịp thời./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Chính phủ;
- Kho bạc Nhà nước;
- Sở Tài chính, KBNN các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Lưu: VT, Vụ NSNN.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Huỳnh Quang Hải