Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

TỔNG CỤC THUẾ
CỤC THUẾ TP HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 15335/CT-TTHT
V/v chính sách thuế đối với hoạt động cho thuê tài sản, cung cấp dịch vụ của cá nhân không kinh doanh.

Hà Nội, ngày 05 tháng 04 năm 2019

 

Kính gửi: Công ty Tư vấn đầu tư và Dịch vụ kỹ thuật công nghiệp
Địa chỉ: s 7A; Mạc Thị Bưởi, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội; MST: 0100101379-005

Cục Thuế TP Hà Nội nhận được công văn số 30/CV-ISC-TCKT ngày 15/03/2018 của Công ty Tư vấn đầu tư và Dịch vụ kỹ thuật công nghiệp (sau đây gọi là “Công ty”) hỏi về chính sách thuế đối với hoạt động cho thuê tài sản, cung cấp dịch vụ của cá nhân không kinh doanh. Cục Thuế TP Hà Nội có ý kiến như sau:

- Căn cứ Khoản 1 Điều 3 Nghị định 39/2007/NĐ-CP ngày 26/03/2007 của Chính phủ quy định về cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh quy định về trường hợp cá nhân không phải đăng ký kinh doanh:

“1. Cá nhân hoạt động thương mại là cá nhân tự mình hàng ngày thực hiện một, một số hoặc toàn bộ các hoạt động được pháp luật cho phép về mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác nhưng không thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh và không gọi là "thương nhân" theo quy định của Luật Thương mại. Cụ thể bao gồm những cá nhân thực hiện các hoạt động thương mại sau đây:

a) Buôn bán rong (buôn bán dạo) là các hoạt động mua, bán không có địa điểm cố định (mua rong, bán rong hoặc vừa mua rong vừa bán rong), bao gồm cả việc nhận sách báo, tạp chí, văn hóa phẩm của các thương nhân được phép kinh doanh các sản phẩm này theo quy định của pháp luật để bán rong;

b) Buôn bán vặt là hoạt động mua bán những vật dụng nhỏ lẻ có hoặc không có địa điểm cố định;

c) Bán quà vặt là hoạt động bán quà bánh, đồ ăn, nước uống (hàng nước) có hoặc không có địa điểm cố định;

d) Buôn chuyến là hoạt động mua hàng hóa từ nơi khác về theo từng chuyến để bán cho người mua buôn hoặc người bán lẻ;

đ) Thực hiện các dịch vụ: đánh giày, bán vé số, chữa khóa, sửa chữa xe, trông giữ xe, rửa xe, cắt tóc, vẽ tranh, chụp ảnh và các dịch vụ khác có hoặc không có địa điểm cố định;

e) Các hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh khác.”

- Căn cứ Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/08/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân và Nghị định số 65/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân.

+ Tại điểm a, Khoản 2, Điều 2 hướng dẫn về thu nhập từ tiền lương tiền công:

"2. Thu nhập từ tiền lương, tiền công là thu nhập người lao động nhận được từ người sử dụng lao động, bao gồm:

a) Tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công dưới các hình thức bằng tiền hoặc không bằng tiền.";

+ Tại Điểm i, Khoản 1, Điều 25 hướng dẫn về khấu trừ thuế TNCN:

“i) Khấu trừ thuế đối với một số trường hợp khác. Các tổ chức, cá nhân trả tiền công, tiền thù lao, tiền chi khác cho các cá nhân cư trú không ký hợp đồng lao động (theo hướng dẫn tại điểm c, d, khoản 2, Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC) hoặc ký hợp đồng lao động dưới ba (03) tháng có tổng mức trả thu nhập từ 2 triệu đồng/lần trở lên thì phải khấu trừ thuế theo mức 10% trên thu nhập trước khi trả cho cá nhân.”

- Căn cứ Điều 11 Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính, hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ quy định về đối tượng mua hóa đơn của cơ quan thuế:

“1. Cơ quan thuế bán hóa đơn cho các đối tượng sau:

b) Hộ, cá nhân kinh doanh;”

- Căn cứ Khoản 1 và Điểm 2.5, Khoản 2, Điều 4, Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/06/2015 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC (đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 119/2014/TT-BTC và Điều 1 Thông tư số 151/2014/TT-BTC) như sau:

“Điều 6. Các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế

1. Trừ các khoản chi không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:

a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

b) Khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.

c) Khoản chi nếu có hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt...

2. Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm:

2.5. Chi tiền thuê tài sản của cá nhân không có đầy đủ hồ sơ, chứng từ dưới đây:

- Trường hợp doanh nghiệp thuê tài sản của cá nhân thì hồ sơ để xác định chi phí được trừ là hợp đồng thuê tài sản và chứng từ trả tiền thuê tài sản.

- Trường hợp doanh nghiệp thuê tài sản của cá nhân mà tại hợp đồng thuê tài sản có thỏa thuận doanh nghiệp nộp thuế thay cho cá nhân thì hồ sơ để xác định chi phí được trừ là hợp đồng thuê tài sản, chứng từ trả tiền thuê tài sản và chứng từ nộp thuế thay cho cá nhân.

- Trường hợp doanh nghiệp thuê tài sản của cá nhân mà tại hợp đồng thuê tài sản có thỏa thuận tiền thuê tài sản chưa bao gồm thuế (thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân) và doanh nghiệp nộp thuế thay cho cá nhân thì doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ tổng số tiền thuê tài sản bao gồm cả phần thuế nộp thay cho cá nhân.”

- Căn cứ Khoản 3, Điều 22, Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn khai thuế đối với hộ gia đình, cá nhân có tài sản cho thuê:

“Điều 22. Khai thuế đối với hộ gia đình, cá nhân có tài sản cho thuê

3. Nơi nộp hồ sơ khai thuế

Nơi nộp hồ sơ khai thuế đối với hoạt động cho thuê tài sản là Chi cục Thuế nơi có tài sản cho thuê.”

Căn cứ quy định trên, Cục Thuế TP Hà Nội có ý kiến như sau:

1. Trường hợp Công ty ký hợp đồng kinh tế về việc thuê thiết kế cơ khí với một nhóm cá nhân, trong đó ông X là đại diện cho nhóm đứng tên ký hợp đồng, ông X là cá nhân không kinh doanh thì với mỗi lần chi trả tiền công, tiền thù lao từ 02 triệu đồng trở lên, Công ty có trách nhiệm khấu trừ thuế TNCN với thuế suất 10% trên thu nhập trước khi chi trả tiền thù lao cho cá nhân. Cơ quan thuế không cấp hóa đơn lẻ cho trường hợp này.

2. Trường hợp Công ty thuê tài sản (xe ô tô) của ông Y là cá nhân không kinh doanh với số tiền trên 100 triệu đồng/ năm mà tại hợp đồng thuê tài sản có thỏa thuận tiền thuê tài sản chưa bao gồm thuế (thuế GTGT, thuế TNCN) và Công ty nộp thuế thay cho cá nhân thì được tính vào chi phí được trừ tổng số tiền thuê tài sản bao gồm cả phần thuế nộp thay cho cá nhân. Công ty liên hệ với Chi cục Thuế nơi cá nhân có tài sản cho thuê để kê khai, nộp thuế thay cho cá nhân cho thuê tài sản theo quy định.

Công ty căn cứ vào hợp đồng thuê tài sản và chứng từ trả tiền thuê tài sản để xác định chi phí được trừ khi tính thuế TNDN theo quy định tại Điều 4, Thông tư 96/2015/TT-BTC nêu trên.

Cục Thuế TP Hà Nội trả lời để Công ty Tư vấn đầu tư và Dịch vụ kỹ thuật công nghiệp được biết và căn cứ thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Phòng: PC, TNCN;
- Lưu: VT, TTHT(2).

CỤC TRƯỞNG




Mai Sơn