Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TƯ PHÁP
VĂN PHÒNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1563/VP-TH
V/v triển khai thực hiện Quy chế làm việc mới của Chính phủ

Hà Nội, ngày 24 tháng 10 năm 2016

 

Kính gửi: Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ

Ngày 01/10/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 138/2016/NĐ-CP về Quy chế làm việc của Chính phủ (sau đây gọi tắt là Quy chế). Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, đề nghị Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ quán triệt và chỉ đạo thực hiện nghiêm Quy chế, trong đó, lưu ý thực hiện một số nội dung cụ thể như sau:

1. Về hồ sơ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

Các đơn vị được giao chủ trì xây dựng các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; đề án, báo cáo, văn bản đề xuất khác; công việc do Thủ tướng, Phó Thủ tướng chỉ đạo trực tiếp hoặc do Văn phòng Chính phủ đề xuất quy định tại Điều 12 của Quy chế phải chuẩn bị đầy đủ hồ sơ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ gồm tờ trình hoặc văn bản, báo cáo kèm theo (nếu có) và các tài liệu cần thiết khác. Hồ sơ trình phải được gửi đồng thời cả bản giấy và bản điện tử qua Văn phòng Bộ để chuyển Văn phòng Chính phủ; riêng văn bản mật, chỉ gửi văn bản giấy.

2. Về việc thực hiện Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao

- Thủ trưởng các đơn vị chỉ đạo sát sao việc xây dựng văn bản, đề án được giao chủ trì soạn thảo thuộc Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như việc thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tư pháp, chủ động báo cáo ngay Lãnh đạo Bộ để chỉ đạo kịp thời đối với những vấn đề mới, vấn đề lớn còn nhiều ý kiến khác nhau hoặc những khó khăn, vướng mắc trong quá trình soạn thảo và chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng về bảo đảm chất lượng cũng như tiến độ trình theo kế hoạch.

- Các đơn vị thuộc Bộ chỉ được xin rút, xin điều chỉnh tiến độ trình đề án, văn bản thuộc Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ do nguyên nhân khách quan. Khi xin rút đề án, văn bản khỏi Chương trình công tác hoặc điều chỉnh tiến độ phải giải trình rõ lý do, báo cáo xin ý kiến của Thứ trưởng phụ trách và Bộ trưởng trước khi gửi Văn phòng Bộ để làm thủ tục điều chỉnh

với Văn phòng Chính phủ.

3. Về việc chuẩn bị phiên họp của Chính phủ

Các đơn vị được giao chủ trì xây dựng Báo cáo, Đề án trình tại phiên họp phải chuẩn bị tài liệu kèm Báo cáo tóm tắt để Bộ trưởng trình bày tại phiên họp. Các đơn vị gửi toàn bộ hồ sơ, tài liệu họp bằng văn bản điện tử (trừ tài liệu mật) qua Văn phòng Bộ để chuyển Văn phòng Chính phủ chậm nhất 06 ngày làm việc trước khi họp, đồng thời, gửi văn bản giấy đến Văn phòng Chính phủ theo yêu cầu.

Đối với những nội dung do Bộ, cơ quan khác chủ trì: Văn phòng Bộ tiếp tục duy trì việc chuyển tài liệu phiên họp qua hộp thư điện tử của Thủ trưởng đơn vị được giao chuẩn bị ý kiến.

4. Về công tác báo cáo định kỳ

Các đơn vị thuộc Bộ phối hợp nghiêm túc với Văn phòng Bộ để xây dựng các Báo cáo định kỳ (tháng, quý, 06 tháng, năm) gửi Văn phòng Chính phủ và các cơ quan có liên quan về tình hình công tác, quản lý, điều hành, kết quả thực hiện Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tư pháp; đề xuất, kiến nghị đối với hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đảm bảo thông tin chính xác và gửi đúng thời hạn quy định (Báo cáo của Bộ Tư pháp gửi Văn phòng Chính phủ trước ngày 25 hằng tháng đối với Báo cáo tháng, trước ngày 20 của tháng cuối quý đối với Báo cáo quý, trước ngày 15 tháng 06 hằng năm đối với Báo cáo 06 tháng, trước ngày 10 tháng 12 hằng năm đối với Báo cáo năm).

5. Về công tác phối hợp:

Thủ trưởng các đơn vị chỉ đạo tăng cường trách nhiệm trong công tác phối hợp với các Bộ, ngành; tham mưu cho Lãnh đạo Bộ giải quyết, trả lời đầy đủ bằng văn bản, đúng hạn và rõ quan điểm đối với những vấn đề các Bộ, cơ quan khác hỏi ý kiến mà đơn vị được giao chủ trì thực hiện. Nếu quá thời hạn được lấy ý kiến, không trả lời hoặc chậm trả lời mà Bộ, cơ quan lấy ý kiến đã đôn đốc thì đơn vị được giao chủ trì phải chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng (thời hạn trả lời theo Quy chế gồm: (i) thời hạn theo quy định của pháp luật; (ii) nếu pháp luật chưa quy định thì thời hạn trả lời là từ 07 ngày trở lên kể từ ngày các Bộ, cơ quan gửi văn bản lấy ý kiến, trừ trường hợp xử lý gấp những vấn đề đột xuất, cấp bách).

6. Ngoài ra, trên cơ sở Quy chế làm việc của Chính phủ, đề nghị Vụ Tổ chức cán bộ phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ có liên quan xây dựng, trình Lãnh đạo Bộ ký ban hành Quy chế làm việc của Bộ Tư pháp, trong đó, quy định rõ ràng, minh bạch quy trình, trách nhiệm, thời hạn xử lý công việc ở từng khâu và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý công việc.

Trên đây là một số nội dung cần triển khai thực hiện đối với Quy chế làm việc của Chính phủ (ban hành kèm theo Nghị định số 138/2016/NĐ-CP ngày 01/10/2016 của Chính phủ), đề nghị Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ khẩn trương chỉ đạo thực hiện nghiêm túc và chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng về việc đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ được giao, nhất là đảm bảo hoàn thành những nhiệm vụ có tiến độ cụ thể được giao. Trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, nếu có khó khăn, vướng mắc cần kịp thời báo cáo Lãnh đạo Bộ phụ trách để chỉ đạo, giải quyết./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Các Thứ trưởng (để báo cáo);
- Lưu: VT, TH.

CHÁNH VĂN PHÒNG




Đỗ Đức Hiển