Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 15642/BTC-CST
V/v chính sách thuế xuất khẩu xi măng

Hà Nội, ngày 17 tháng 11 năm 2017

 

Kính gửi:

- Công ty cổ phần xuất nhập khẩu quốc tế Nam Phong;
- Công ty Cổ phần Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh;
- Công ty TNHH Hungking Việt Nam.

Bộ Tài chính nhận được các công văn số 1356/CV-QNC ngày 14/8/2017 của Công ty Cổ phần Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh (QNC Corporation) về việc sản phẩm tính thuế xuất khẩu năm 2017; công văn số 06/CV-CT ngày 23/10/2017 của Công ty cổ phần xuất nhập khẩu quốc tế Nam Phong về việc áp thuế xuất khẩu 5% đối với mặt hàng xi măng xuất khẩu; công văn số 24/CV-TT ngày 24/10/2016 của Công ty TNHH Hungking Việt Nam về việc xác định xi măng có phải sản phẩm tính thuế và chịu thuế xuất khẩu năm 2017. Về vấn đề này, Bộ Tài chính có ý kiến về chính sách thuế xuất khẩu đối với xi măng như sau:

1. Chính sách thuế xuất khẩu đối với mặt hàng xi măng:

- Theo quy định tại Biểu thuế xuất khẩu ban hành kèm theo Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 của Chính phủ, nhóm mặt hàng tại số thứ tự số 211 “vật tư, nguyên liệu, bán thành phẩm không quy định ở trên có giá trị tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên” có mức thuế suất thuế xuất khẩu là 5%.

- Ngày 16/11/2017 Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 125/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 122/2016/NĐ-CP với hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2018. Khoản 2 Điều 1 Nghị định số 125/2016/NĐ-CP quy định:

Điều 4. Biểu thuế xuất khẩu theo danh mục mặt hàng chịu thuế

1. Biểu thuế xuất khẩu theo danh mục mặt hàng chịu thuế quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này gồm mã hàng, mô tả hàng hóa, mức thuế suất thuế xuất khẩu quy định cho từng nhóm mặt hàng, mặt hàng chịu thuế xuất khẩu. Đối với các mặt hàng thuộc nhóm hàng có số thứ tự (STT) 211 tại Biểu thuế xuất khẩu khi làm thủ tục hải quan, người khai hải quan kê khai tên hàng và mã hàng của mặt hàng đó theo mã hàng 08 chữ số tương ứng với mã hàng 08 chữ số của mặt hàng đó trong Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi và ghi mức thuế suất thuế xuất khẩu là 5%. Các mặt hàng xuất khẩu thuộc nhóm có STT 211 là các mặt hàng đáp ứng đồng thời cả 02 điều kiện sau:

a) Điều kiện 1: Vật tư, nguyên liệu, bán thành phẩm (gọi chung là hàng hóa) không thuộc các nhóm có STT từ 01 đến STT 210 tại Biểu thuế xuất khẩu.

b) Điều kiện 2: Có tổng giá trị tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên. Việc xác định tổng giá trị tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên thực hiện theo quy định tại Nghị định số 100/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).

- Khoản 4 Điều 1 Nghị định số 100/2016/NĐ-CP quy định: “11. Sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên, khoáng sản khai thác chưa chế biến thành sản phẩm khác hoặc đã chế biến thành sản phẩm khác nhưng tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản xuất sản phẩm trở lên được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản; sản phẩm xuất khẩu là hàng hóa được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản có tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản xuất sản phẩm trở lên.

Tài nguyên, khoáng sản quy định tại khoản này là tài nguyên, khoáng sản có nguồn gốc trong nước gồm: Khoáng sản kim loại; khoáng sản không kim loại; dầu thô; khí thiên nhiên; khí than.

Trị giá tài nguyên, khoáng sản là giá vốn tài nguyên, khoáng sản đưa vào chế biến; đối với tài nguyên, khoáng sản trực tiếp khai thác là chi phí trực tiếp, gián tiếp khai thác ra tài nguyên khoáng sản; đối với tài nguyên, khoáng sản mua để chế biến là giá thực tế mua cộng chi phí đưa tài nguyên, khoáng sản vào chế biến.

Chi phí năng lượng gồm: Nhiên liệu, điện năng, nhiệt năng.

Việc xác định trị giá tài nguyên, khoáng sản và chi phí năng lượng căn cứ vào quyết toán năm trước; trường hợp doanh nghiệp mới thành lập chưa có báo cáo quyết toán năm trước thì căn cứ vào phương án đầu tư.

Ngày 27/10/2017 Bộ Tài chính đã có Tờ trình số 158/TTr-BTC báo cáo Chính phủ về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ và Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/02/2015 của Chính phủ. Bộ Tài chính đã tổng hợp các vướng mắc liên quan đến việc thực hiện quy định về tổng giá trị tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng để báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định.

- Khoản 2 Điều 7 Luật quản lý thuế quy định nghĩa vụ của người nộp thuế: “Khai thuế chính xác, trung thực, đầy đủ và nộp hồ sơ thuế đúng thời hạn; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của hồ sơ thuế”.

Căn cứ các quy định nêu trên, đề nghị các Công ty tự xác định tỷ lệ trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm trong giá thành sản xuất sản phẩm xi măng của Công ty để thực hiện theo quy định của pháp luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

2. Về kiến nghị liên quan đến việc ấn định thuế và việc kiểm tra sau thông quan đối với xi măng của cơ quan hải quan:

Về kiến nghị của các Công ty liên quan đến các Quyết định kiểm tra sau thông quan, Quyết định ấn định thuế của cơ quan hải quan, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Hải quan xem xét, xử lý theo chức năng, nhiệm vụ.

Bộ Tài chính có ý kiến để các Công ty được biết và thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Văn phòng Chính phủ
- Lãnh đạo Bộ (để b/c);
- TCHQ;
- Vụ PC;
- Lưu: VT, CST.

TL. BỘ TRƯỞNG
KT. VỤ TRƯỞNG VỤ CHÍNH SÁCH THUẾ
PHÓ VỤ TRƯỞNG




Nguyễn Thị Thanh Hằng