BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1594/BHXH-CSXH | Hà Nội, ngày 22 tháng 04 năm 2011 |
Kính gửi: Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Theo phản ánh của Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố, trong quá trình tổ chức thực hiện trợ cấp hàng tháng cho những người có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm công tác thực tế đã hết thời hạn hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng theo Quyết định số 613/QĐ-TTg ngày 06/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư hướng dẫn số 16/2010/TT-BLĐTBXH ngày 01/6/2010 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Công văn số 2834/BHXH-CSXH ngày 9/7/2010 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, còn có một số nội dung vướng mắc. Căn cứ Công văn số 184/LĐTBXH-BHXH ngày 17/01/2011 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; đồng thời để thống nhất thực hiện trong toàn Ngành, Bảo hiểm xã hội Việt Nam hướng dẫn một số điểm sau:
1. Giải quyết hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 613/QĐ-TTg và Thông tư số 16/2010/TT-BLĐTBXH đối với:
a. Người đã hết thời hạn hưởng trợ cấp mất sức lao động, hiện đang hưởng trợ cấp tuất hàng tháng (gồm cả đang hưởng định suất tuất cơ bản, định suất tuất nuôi dưỡng; đang hưởng 01 định suất hoặc 02 định suất tuất), nếu đủ điều kiện về tuổi và thời gian công tác thì ngoài trợ cấp tuất còn được hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 613/QĐ-TTg và Thông tư số 16/2010/TT-BLĐTBXH.
b. Người đã hết thời hạn hưởng trợ cấp mất sức lao động theo quy định tại Quyết định số 60/HĐBT ngày 01/3/1990 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), sau đó được giải quyết hưởng trợ cấp thương tật hàng tháng (thương binh, người hưởng chính sách như thương binh), trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng.
c. Trường hợp hai vợ chồng đều thuộc diện hết thời hạn hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng, một người đã được giải quyết hưởng lại trợ cấp mất sức lao động hàng tháng (theo Công văn số 2642/BHXH ngày 05/7/1994 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), người còn lại nếu đủ điều kiện về tuổi và thời gian công tác thì được hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 613/QĐ-TTg.
Không xem xét chuyển đối tượng hưởng đối với những trường hợp đã giải quyết hưởng lại trợ cấp mất sức lao động theo Công văn số 2642/BHXH.
d. Người đã hết thời hạn hưởng trợ cấp mất sức lao động theo quy định tại Quyết định số 60/HĐBT, đang hưởng các khoản trợ cấp khác theo chính sách người có công hoặc chính sách xã hội, từ nguồn ngân sách Nhà nước, nếu đủ điều kiện về tuổi và thời gian công tác thì được hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 613/QĐ-TTg.
đ. Đối với những người đủ điều kiện hưởng trợ cấp hàng tháng theo quy định tại Quyết định số 613/QĐ-TTg nhưng đang định cư hợp pháp ở nước ngoài, khi đối tượng này trở về định cư hợp pháp tại Việt Nam thì được giải quyết hưởng trợ cấp hàng tháng theo quy định tại Quyết định số 613/QĐ-TTg kể từ tháng trở về định cư hợp pháp tại Việt Nam (nếu có đầy đủ hồ sơ theo quy định).
2. Không giải quyết hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 613/QĐ-TTg và Thông tư số 16/2010/TT-BLĐTBXH đối với:
a. Những người đang hưởng trợ cấp hàng tháng hoặc đủ điều kiện xét hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 53/2010/QĐ-TTg ngày 20/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ; đang hưởng lương hưu; đang làm việc và đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc; đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng; đang hưởng trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ xã.
b. Những người đã lựa chọn thôi hưởng trợ cấp mất sức lao động để hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng.
c. Người đủ điều kiện hưởng lại trợ cấp mất sức lao động theo Quyết định số 60/HĐBT ngày 01/3/1990 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), Quyết định số 812/TTg ngày 12/12/1995 của Thủ tướng Chính phủ, Công văn số 3503/LĐTBXH-BT ngày 24/11/1992 và số 2642/BHXH ngày 05/7/1994 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (đối tượng này giải quyết hưởng lại trợ cấp mất sức lao động theo các văn bản nêu trên).
d. Người thôi hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng do được xác định sức khỏe, sức lao động đã hồi phục, không trở lại làm việc theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 163/CP ngày 04/7/1974 của Hội đồng Chính phủ và Điều 16 Nghị định số 236-HĐBT ngày 18/9/1985 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ).
đ. Người thôi hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng do bị phạt tù giam trước ngày 01/01/1995; do được tái tuyển dụng trở lại làm việc; do kết luận của các cơ quan có thẩm quyền.
e. Người thuộc đối tượng quy định tại Quyết định số 613/QĐ-TTg và Thông tư số 16/2010/TT-BLĐTBXH nhưng đang định cư ở nước ngoài.
3. Trường hợp tại thời điểm đối tượng đề nghị giải quyết hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 613/QĐ-TTg, nhưng hồ sơ mất sức lao động và chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu có sự không thống nhất về ngày tháng năm sinh, nếu tất cả các giấy tờ nêu trên đều đủ điều kiện về tuổi đời (Nam đủ 60 tuổi, Nữ đủ 55 tuổi) thì Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố giao cho Bảo hiểm xã hội quận huyện, thành phố, thị xã phối hợp với chính quyền địa phương nơi đối tượng cư trú xác minh, kết luận đó là một người hưởng trợ cấp mất sức lao động để làm căn cứ giải quyết hưởng trợ cấp theo quy định tại Quyết định số 613/QĐ-TTg. Nếu một trong các giấy tờ nêu trên chưa đủ điều kiện về tuổi đời thì chưa giải quyết, có văn bản trả lời nêu rõ lý do chưa giải quyết và hướng dẫn đối tượng sẽ được giải quyết khi tất cả các giấy tờ nêu trên đều đủ điều kiện về tuổi đời.
4. Trường hợp đối tượng đã thôi hưởng trợ cấp mất sức lao động trước khi thành lập tổ chức Bảo hiểm xã hội, nay hồ sơ mất sức lao động chỉ còn một trong các loại giấy tờ sau: bản chính sổ trợ cấp mất sức lao động, bản chính quyết định hưởng trợ cấp mất sức lao động, bản chính quyết định thôi hưởng trợ cấp mất sức lao động theo Quyết định số 60/HĐBT, có cơ sở xác định thuộc đối tượng hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 613/QĐ-TTg thì Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội kiểm tra, xác minh, kết luận về việc quản lý chi trả, theo dõi cắt giảm trợ cấp mất sức lao động của đối tượng và nơi cư trú khi thôi hưởng trợ cấp mất sức lao động. Căn cứ hồ sơ xác minh nêu trên và hồ sơ mất sức lao động hiện có, Phòng Chế độ bảo hiểm xã hội tỉnh lập phiếu trình lãnh đạo Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố xem xét, giải quyết.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố báo cáo và đề xuất hướng xử lý gửi Bảo hiểm xã hội Việt Nam nghiên cứu hướng dẫn thực hiện./.
Nơi nhận: | KT. TỔNG GIÁM ĐỐC |
- 1 Quyết định 53/2010/QĐ-TTg quy định về chế độ đối với cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân tham gia kháng chiến chống Mỹ có dưới 20 năm công tác trong Công an nhân dân đã thôi việc, xuất ngũ về địa phương do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2 Công văn 2834/BHXH-CSXH hướng dẫn thực hiện trợ cấp hàng tháng theo Quyết định 613/QĐ-TTg đối với người đã hết thời hạn hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành
- 3 Thông tư 16/2010/TT-BLĐTBXH hướng dẫn Quyết định 613/QĐ-TTg về trợ cấp hàng tháng cho những người có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm công tác thực tế đã hết thời hạn hưởng trợ cấp mất sức lao động do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
- 4 Quyết định 613/QĐ-TTg năm 2010 về trợ cấp hàng tháng cho những người có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm công tác thực tế đã hết thời hạn hưởng trợ cấp mất sức lao động do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5 Quyết định 812-TTg năm 1995 bổ sung đối tượng hưởng trợ cấp mất sức lao động dài hạn, trợ cấp thêm đối với người hưu trí cô đơn và công nhân viên chức là công nhân chuyển ngành về hưu do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6 Công văn về việc hướng dẫn giải quyết lương hưu và các chế độ bảo hiểm xã hội khác
- 7 Công văn về việc thực hiện chế độ trợ cấp mất sức lao động theo quy định tại Quyết định số 60/HĐBTN ngày 01/03/1990 của Hội đồng Bộ trưởng.
- 8 Quyết định 60-HĐBT năm 1990 về việc sửa đổi chế độ trợ cấp đối với công nhân viên chức nghỉ việc vì mất sức lao động do Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- 9 Nghị định 236-HĐBT năm 1985 về việc sửa đổi chế độ, chính sách thương binh và xã hội do Hội Đồng Bộ Trưởng ban hành
- 10 Nghị định 163-CP năm 1974 sửa đổi chế độ thôi việc vì mất sức lao động và chế độ hưu trí đối với công nhân, viên chức Nhà nước do Hội đồng Chính phủ ban hành