Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

TỔNG CỤC THUẾ
CỤC THUẾ TP. HỒ CHÍ MINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1620/CT-TTHT
V/v Chính sách thuế

TP. Hồ Chí Minh, ngày 28 tháng 3 năm 2013

 

Kính gửi:

Công ty cổ phần Bảo hiểm Hùng Vương
Địa chỉ: số 25 Bis Nguyễn Thị Minh Khai, quận 01, TP. Hồ Chí Minh
MST: 0305729654

 

Trả lời văn thư số 0025/2013-CV-BHV/KTNB ngày 18/03/2013 của Công ty về chính sách thuế, Cục Thuế TP có ý kiến như sau:

- Căn cứ Khoản 2, Điều 17 Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/05/2010 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ hướng dẫn về xử lý thu hồi hóa đơn đã lập:

“Trường hợp hóa đơn đã lập được giao cho người mua nếu phát hiện lập sai, hoặc theo yêu cầu của một bên, hàng hóa, dịch vụ đã mua bị trả lại hoặc bị đòi lại, hai bên lập biên bản thu hồi các liên của số hóa đơn lập sai, hoặc hóa đơn của hàng hóa, dịch vụ bị trả lại, bị đòi lại và lưu giữ hóa đơn tại người bán.

Biên bản thu hồi hóa đơn phải thể hiện được nội dung lập sai hoặc lý do đòi lại, trả lại hàng hóa, dịch vụ và các thỏa thuận bồi thường giữa hai bên (nếu có)”.

- Căn cứ Khoản 1, Điều 18 Thông tư số 125/2012/TT-BTC ngày 30/07/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ tài chính đối với doanh nghiệp bảo hiểm, tái bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm và chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngòai quy định nguyên tắc xác định doanh thu của doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngòai:

“Doanh thu từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm là số tiền phải thu phát sinh trong kỳ được xác định theo nguyên tắc sau:

1.1. Doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài hạch toán khoản thu phí bảo hiểm gốc vào doanh thu khi phát sinh trách nhiệm bảo hiểm đối với bên mua bảo hiểm, cụ thể như sau:

...

c) Hợp đồng bảo hiểm đã được giao kết và doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài có thoả thuận cho bên mua bảo hiểm nợ phí bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm. Trong trường hợp này, doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài vẫn phải hạch toán vào thu nhập khoản tiền cho bên mua bảo hiểm nợ mặc dù bên mua bảo hiểm chưa đóng phí bảo hiểm. Các trường hợp cụ thể bao gồm:

- Trong trường hợp bên mua bảo hiểm không đóng đủ phí bảo hiểm hoặc không đóng phí bảo hiểm theo thời hạn thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm, hợp đồng bảo hiểm sẽ tự chấm dứt hiệu lực bảo hiểm vào ngày kế tiếp ngày bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm theo thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

- Doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, chi nhánh nước ngoài ghi giảm doanh thu tương ứng với thời gian hợp đồng bảo hiểm không phát sinh trách nhiệm bảo hiểm do bên mua bảo hiểm không thực hiện đóng phí bảo hiểm theo đúng thoả thuận nợ phí.

…”.

Trường hợp theo trình bày của Công ty đã ký hợp đồng với khách hàng, lập hóa đơn GTGT, và kê khai thuế nhưng sau đó khách hàng không đóng phí (kể cả phí phải đóng theo thời hạn cho nợ phí của hợp đồng) theo đúng thời hạn thỏa thuận nợ phí thì Công ty và khách hàng phải lập biên bản trả lại dịch vụ, nếu khách hàng là tổ chức, cá nhân kinh doanh thì khi trả lại dịch vụ khách hàng phải lập hóa đơn trả lại cho Công ty, nếu khách hàng là tổ chức, cá nhân không kinh doanh thì Công ty thu hồi lại hóa đơn đã lập, đồng thời kê khai giảm doanh thu, giảm thuế GTGT đầu ra theo quy định.

Trường hợp khách hàng không đóng đủ phí theo cam kết trên hợp đồng nhưng khách hàng không lập hóa đơn trả lại dịch vụ (đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh) hoặc khách hàng không trả lại hóa đơn đã lập (đối với tổ chức, cá nhân không kinh doanh) thì Công ty không được kê khai điều chỉnh giảm doanh thu và số thuế GTGT đầu ra theo quy định.

Cục Thuế TP thông báo Công ty biết để thực hiện theo đúng quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật đã được trích dẫn tại văn bản này.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên
- Phòng Pháp chế
- Phòng KTT 3
- Lưu: (TTHT,HC)
610-4205/2013-pdhoa

KT. CỤC TRƯỞNG
PHÓ CỤC TRƯỞNG




Trần Thị Lệ Nga